Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/01/2024

Hệ lụy gì khi một hiệu trưởng được bổ nhiệm không giới hạn nhiệm kỳ ?

Diễm Thi

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 115. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 quy định hiệu trưởng chính thức không còn là công chức mà là viên chức được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý trường học hay còn gọi là viên chức quản lý.

heluy0

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trao quyết định công nhận hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và tặng hoa chúc mừng ông Lâm Nhân tháng 12/2023 - Ảnh : L.N.

Trong khi đó, khoản 2 điều 43 quy định về thời hạn giữ chức vụ nêu rõ : "Viên chức quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế để giữ một chức vụ quản lý, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành".

Theo quy định cũ, mỗi hiệu trưởng chỉ được tại vị tối đa hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ năm năm. Việc một hiệu trưởng có thể được bổ nhiệm lại không hạn chế số lần theo quy định mới, bị một số người trong ngành giáo dục cho là dễ dẫn đến tiêu cực, quan liêu, trì trệ ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của giáo viên. Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định với RFA :

"Việc giới hạn số lượng nhiệm kỳ là một vấn đề quản trị. Người ta phải ngăn sự trì trệ bằng cách giới hạn nhiệm kỳ. Việc giới hạn nhiệm kỳ hiệu trưởng ở Việt Nam hiện nay, theo nguyên tắc mà nói là một cách làm tiếp cận cách làm của thế giới. Và như thế là tiến bộ bởi nó tránh được những trường hợp trì trệ hoặc độc tài.

Tất nhiên, nếu anh quá giỏi thì anh có thể làm những việc khác chứ không nhất thiết tiếp tục làm đúng cương vị cũ. Tôi không hiểu vì sao mà họ lại đưa ra một cái quyết định không còn giới hạn nhiệm kỳ nữa. Cái đó nó hơi lạ vì nó trái với nguyên tắc quản trị chung mà nhiều nước đã áp dụng. Mà những nước đó thì ít nhất họ cũng tiến bộ hơn Việt Nam.

Ở Việt Nam ai cũng biết, ở nhiều chỗ lãnh đạo như một ông vua con. Thành ra nếu không giới hạn nhiệm kỳ thì trường hợp tốt không sao, nếu trường hợp xấu sẽ đẩy những điểm không tốt đến tận cùng. Không có lợi về mặt quản trị".

Một số hiệu trưởng ở Việt Nam được coi là lộng hành khi tự mình quyết định mọi chuyện trong trường học bất kể đúng, sai mà rất ít giáo viên dám lên tiếng. Thực tế này được báo chí Nhà nước đưa ra từ năm 2017, trong bài viết có tựa "Dân chủ trong trường học: Hiệu trưởng như "ông vua con".

Theo bài báo, hiệu trưởng hành xử chẳng khác nào "ông vua" một cõi nắm mọi quyền hành trong tay. Bài báo dẫn một sự việc "xảy ra mười mươi nhưng khi hiệu trưởng chỉ đạo thì tập thể hàng trăm con người trong nhà trường từ công đoàn, tổ bộ môn, giáo viên, bảo vệ... không dám nói khác - dù là tiếng nói của sự thật".

Bài báo còn dẫn trường hợp hiệu trưởng một ngôi trường Trung học phổ thông ở Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh mà, nếu bà không "ưng" giáo viện nào thì thản nhiên "loại" giáo viên đó ra ngoài, không xếp lớp cho giáo viên đó rồi ung dung ký hợp đồng đưa giáo viên bên ngoài vào dạy thế chỗ. Trong khi, giáo viên không hề được thông báo, không nhận được quyết định nghỉ việc nào.

Có thể thấy, tình trạng hiệu trưởng lạm quyền ở Việt Nam không phải là hiếm. Nếu những hiệu trưởng như thế được tại vị không nhiệm kỳ thì hậu quả sẽ ra sao ? Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nêu quan điểm của mình với RFA :

"Nếu hiệu trưởng là một người tốt, làm tốt thì người trong cơ quan được nhờ. Nhưng nó lại có nhược điểm, đó là sự sáng tạo, sự thay đổi sẽ chậm diễn ra, không có động lực để thay đổi. Còn nếu trường nào có một hiệu trưởng không tốt thì đó thảm họa cho một mái trường.

Mà có thể nói, hiệu trưởng xấu không ít đâu. Tôi được biết là rất nhiều. Chính quyền gần có biện pháp vô hiệu hóa mọi đánh giá, mọi ý kiến của những người đấu tranh đối với các hiệu trưởng làm sai, cho dù có văn bản phải bảo vệ người tố cáo. Một giải pháp cực kỳ quan trọng là quyền hành của quần chúng, ở đây là giáo viên, trong chuyện bổ nhiệm hay không bổ nhiệm hiệu trưởng. Nếu làm được điều đó thì việc hiệu trưởng có thể được bổ nhiệm lại không hạn chế số lần, chẳng là cái gì cả".

Thầy Đỗ Việt Khoa nói thêm, cho dù có tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong giáo viên thì kết quả cũng không bao giờ công khai, nghĩa là họ không mở kết quả trước mặt giáo viên mà chỉ công bố kết quả sau đó.

Chuyện hiệu trưởng ‘xấu’ thì dư luận gần như không được biết vì nó xảy ra trong trường học, trừ khi bị phanh phui trên mặt báo. Dư luận không quên câu chuyện Hiệu trưởng Phan Anh Tuấn và Hiệu phó Lê Đức Huấn, Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc ở Quảng Bình, đánh nhau giữa sân trường hồi tháng 4 năm 2023. Ông Hiệu trưởng sau đó đã phải xin lỗi toàn thể học sinh, giáo viên nhà trường, đại diện cha mẹ học sinh vì hành động mà ông tự nhận là phi giáo dục trong học đường.

Trao đổi với RFA về sự việc trên, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho biết ông không ngạc nhiên về chuyện này. Ông nói:

"Chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu lần học sinh đánh nhau trong trường, cô giáo cắt tóc hành hạ đồng nghiệp, rồi hiệu trưởng gửi các cô giáo đi tiếp khách… Bây giờ hiệu trưởng hiệu phó đánh nhau cũng là có thể xảy ra trong tình trạng hiện nay của giáo dục Việt Nam. Có nghĩa là các thầy giáo không ra thầy giáo, hiệu trưởng không ra hiệu trưởng và sự bổ nhiệm hiệu trưởng ở các trường là do những chính quyền địa phương không căn cứ vào thành tích cao, đạo đức, học vấn… Mà chỉ bổ nhiệm những thân hữu, những thành phần đi lên bằng nịnh hót… thì tư cách và đạo đức những người đó làm sao mà có thể trông cậy được. Tôi không ngạc nhiên và chờ đợi những chuyện khác trầm trọng hơn nữa".

Để bổ nhiệm một hiệu trưởng tiếp tục tại vị, Nghị định 85 quy định về quy trình bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ quản lý theo năm bước. Trong đó, bước đầu tiên là hội nghị tập thể lãnh đạo lần 1 ; bước thứ hai là hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng; bước thứ ba là hội nghị tập thể lãnh đạo lần 2 ; bước thứ tư là hội nghị cán bộ chủ chốt và bước sau cùng là hội nghị tập thể lãnh đạo lần 3. Sau đó, tập thể lãnh đạo thảo luận và biểu quyết nhân sự.

Một số người trong ngành giáo dục lo ngại rằng, cách tổ chức bầu chọn như thế có thể gây ra tình trạng lợi ích nhóm khi cán bộ, lãnh đạo bầu cho nhau bởi tất cả các bước toàn lãnh đạo bỏ phiếu, bầu và biểu quyết. 

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 09/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi
Read 228 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)