Làn sóng lao động tại các khu công nghiệp lũ lượt trở về quê trong tình cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu không có hoặc giảm đơn hàng vẫn tiếp diễn kể từ đại dịch Covid đến nay. Nhiều lao động sau khi trở về quê trong thời gian dài đã xoay sang làm công việc khác để tồn tại, và giờ thậm chí họ không còn muốn quay lại làm việc tại các khu công nghiệp. Họ cho biết ‘chưa tìm đâu ra lối thoát’ và cái Tết năm nay sẽ là một cái Tết buồn.
Thất nghiệp, áp lực tài chính khiến nhiều gia đình lao động phải cắt giảm mọi khoản chi tiêu - Ảnh : Vũ Phượng
Anh Nguyễn Văn Dương, một công nhân may đã có thâm niên hơn 10 năm làm việc tại các khu công nghiệp phía nam, từ đầu năm 2023 đã trở về quê nhà ở tỉnh Lào Cai. Sau gần 1 năm về quê mà không được công ty gọi lại làm việc, giờ đây anh không còn muốn trở lại ‘những ngày tháng ở trọ, đi làm tối ngày để duy trì cuộc sống ở thành phố nữa’.
"Công ty thì không có đơn hàng, doanh số thấp nên lương không có. Chết đói với nhau hết", anh Dương tâm sự về thời gian cố trụ lại ở thành phố Hồ Chí Minh chờ có việc trong những tháng cuối năm 2022.
Hiện tại, nhờ sự giúp đỡ của người thân, anh đã có một cửa hàng nhỏ buôn bán lặt vặt ở chợ Lào Cai. Tuy thu nhập chả đáng bao nhiêu nhưng chi phí thì ít hơn so với ở thành phố.
"Lao động chân tay ở Việt Nam thì đói dài ra. Lương ông nào cao lắm thì được 10 triệu đồng/tháng mà phải tăng ca tăng kíp mới được thế. Trong khi đó trong Nam thuê nhà, thuê cửa rồi ăn uống thậm chí còn không đủ. Mà ở quê giờ được 7 triệu/tháng nó cũng khác với việc ông thu nhập 10 triệu/tháng ở thành phố nhiều", anh nói và cho biết thêm rằng Tết năm nay dù không có khoản thưởng Tết như mọi năm nhưng anh sẽ tiết kiệm, không mua sắm gì mấy. Và không khí đầm ấm trong gia đình, đối với anh, là đủ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, một cư dân tại thành phố Bến Tre, có con trai thất nghiệp và từ thành phố Hồ Chí Minh về quê từ đầu năm 2023 đến nay. Ông cho biết gia đình ông ‘như ngồi trên đống lửa’ vì con cái không có việc làm, tiền không kiếm ra vì gia đình không có khả năng bán buôn, giúp đỡ cho cậu con xoay sang làm việc khác. Ông nói những gia đình rơi vào hoàn cảnh như ông là rất phổ biến tại Bến Tre hiện nay.
"Khu công nghiệp của Singapore họ rút rồi, của Hàn Quốc họ cũng rút, giờ chỉ còn của Đài Loan cho nên là các cháu phải về nông thôn, kéo về quê thôi", ông Thắng cho biết.
Ông Thắng nói tuy chưa có hy vọng gì về việc làm nhưng về quê dù sao cũng đỡ áp lực và dễ sống hơn cho con trai ông thay vì bám trụ lại thành phố chờ việc trong vô vọng.
"Về quê cũng là một sự thông minh, vì không mất tiền thuê trọ này. Khỏi phải mất tiền điện, tiền nước gì. Về tá túc gia đình. Ở nhờ đấy chỉ phải kiếm cái ăn thôi. Cũng đỡ được nhiều khoản tiền. Con cái nó có đi học thì tống vào mấy trường nhà quê ở đây thì nó cũng rẻ tiền, chứ không phải đóng nặng như là ở Sài Gòn hay trên thành phố".
Tuy vậy, ông nói đây không thể là giải pháp lâu dài khi cậu con trai ‘sức dài vai rộng mà cả ngày chỉ loanh quanh xó quê mùa không có việc làm này’. Tết này sẽ là một cái Tết buồn của gia đình ông khi vợ chồng ông phải hạn chế chi tiêu một cách tối đa để dành tiền cưu mang cậu con trai và nếu cậu may mắn có việc trở lại thì cũng phải cho cậu ít tiền để quay lại thành phố mưu sinh.
"Cuộc sống mà chỉ nghĩ tới miếng ăn như ở quê này thì rõ ràng không bao giờ có thể ngóc đầu lên được. Đấy là chưa kể ngày càng khó khăn. Giá vàng thì lên chót vót mà ngay cả giá gạo cũng tăng nữa", ông Thắng than thở.
Anh Lê Văn Nguyên, một công nhân may giày da xuất khẩu tại Bình Dương cũng đã phải trở về quê nhà Nghệ An suốt hơn một năm qua. Anh cũng đã xoay đủ mọi công việc để nuôi sống bản thân và gia đình, trong đó có cả việc mở một cửa hàng giải khát nhỏ. Nhưng theo anh, việc buôn bán ở thành phố Vinh hay các thành phố tỉnh lẻ khác cũng không hề dễ dàng, nhiều khi không lỗ đã là may rồi.
"Vỉa hè đấy thì khi bán hàng phải có chỗ để xe, mà muốn có chỗ để xe cho khách thì kiểu gì ông cũng sai cả mà khi sai thì họ đến họ hoạch hoẹ, đòi tiền. Họ lấy tư cách là người thi hành công vụ", anh Nguyên chia sẻ và cho biết cửa tiệm giải khát nhỏ của anh lời lãi chỉ đủ trả tiền hàng tháng cho an ninh, trật tự phường là gần hết nên rất khó duy trì. Tết năm nay anh Nguyên xác định "không tới thăm hỏi họ hàng hay bạn bè gì hết, cả nhà đóng cửa và sinh hoạt như ngày thường cho đỡ tốn kém".
Đối với những người có cái nhìn tích cực hơn thì tình trạng khó khăn do thất nghiệp của các gia đình công nhân tại nhiều địa phương hiện nay lại có cái hay, giúp cho việc đón Tết trở thành đơn giản và tiết kiệm hơn.
Bà Nguyễn Thị Nga có cô con gái làm công nhân dệt may cho biết con bà cũng không có việc làm cả năm nay và về nhà nhờ sự cưu mang của gia đình. Nhưng bà cũng không cảm thấy quá phiền lòng trong dịp Tết sắp tới, bởi cả gia đình đã quen với sự giản tiện mỗi dịp Tết đến.
"Chỉ cần có cái bàn thờ là mua hoa trái trang trí cho đẹp thôi, chứ gia đình cũng quen ăn chay rồi. 30 Tết thì cúng chay và ăn chay rồi. Mùng 01 cũng ăn chay, mùng 02 và 03 mới ăn mặn, còn hóa vàng thì cũng ăn chay luôn", bà Nga tâm sự về kế hoạch cho cái Tết sắp tới của gia đình bà.
Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, tính đến đầu tháng 12/2023 có hơn 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm như mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, hoặc nghỉ không lương.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước loan tin trong những tháng cuối năm, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp đã tăng lên và rằng tại những địa phương như tỉnh Thái Nguyên, nhiều doanh nghiệp đã bố trí để người lao động làm thêm giờ để có thêm thu nhập đón Tết nguyên đán.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 11/01/2024