Phạm Nhật Vượng cũng phải tự nguyện hạ mình trước Nguyễn Công Khế
Trong vụ Nguyễn Công Khế bị bắt, báo chí trong nước tránh né không đăng hoặc sau khi đăng rồi lại xóa bỏ chi tiết về mối liên hệ với Vinpearl.
Điển hình là tờ Người Lao động, bản tin với tựa đề "Vì sao Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt 2 ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông ?", đầu tiên đăng như sau, trích nguyên văn :
Quá trình điều tra đến nay xác định : 2 ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông – đã có nhiều vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại Khu đất số 151 – 155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh".
Cụ thể, năm 2008, Báo Thanh Niên có chủ trương mua Khu đất của Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn (địa chỉ số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4) để xây dựng trụ sở tòa soạn.
Ông Nguyễn Công Khế lúc này là Tổng Biên tập Báo Thanh Niên đã ký Hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên (Báo Thanh Niên chiếm 51% vốn điều lệ) và Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ Vinpearl thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Thanh Niên.
Mục đích nhằm triển khai thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại khu đất nói trên.
(Hết trích)
Vài giờ sau khi đăng, tờ Người Lao động đã xóa bỏ nguyên đoạn nói về chi tiết ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng Biên tập tờ Thanh Niên, người vừa bị bắt có liên hệ đến công ty Vinpearl, thuộc tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Báo Thanh Niên thật sự không có tiền để góp vốn. Việc góp vốn 51% kể trên là được tính bằng giá trị quyền sử dụng khu đất 151-155 Bến Vân Đồn. Dự án tại khu đất này sau đó được đổi tên thành RiverGate.
Mối liên hệ giữa Nguyễn Công Khế và Phạm Nhật Vượng còn thể hiện rõ hơn qua việc vợ chồng Phạm Nhật Vượng bảo lãnh cho khoản vay 300 tỷ của Nguyễn Công Khế tại ngân hàng Sacombank. Mục đích vay là để Nguyễn Công Khế góp vốn vào dự án khu đô thị sinh thái VINHOMES RIVERSIDE.
(Xem Hợp đồng Tín dụng đính kèm)
Hợp đồng Tín dụng của Nguyễn Công Khế được Phạm Nhật Vượng bảo đảm.
Trong một bài viết mới đây trên Facebook, ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phóng viên báo Thanh Niên cho biết, "báo Thanh Niên và cả tập đoàn truyền thông Thanh Niên không thể có đủ vài trăm tỉ để mua khu đất chứ đừng nói làm cả một dự án to lớn. Một thời gian sau thì tôi tình cờ biết được báo Thanh Niên đã vay của ông Vượng một số tiền khá lớn để mua khu đất".
Ông Chênh còn tiết lộ thêm, "có một cuộc họp toàn ban biên tập gồm tổng biên tập, các phó tổng biên tập và các ủy viên ban biên tập ký giấy bán lại 25% cổ phần của dự án để lấy tiền trả nợ cho ông Vượng… Mới đây toàn bộ những người có ký vào giấy bán đó đều bị cơ quan điều tra mời lên làm việc".
Như vậy, với những mối quan hệ chính trị "đỡ đầu" cho mình cùng với quyền lực thao túng trong báo chí truyền thông lớn đến nỗi Phạm Nhật Vượng cũng phải tự nguyện hạ mình trước Nguyễn Công Khế khi dùng cổ phiếu của mình bảo đảm cho khoản vay hơn 300 tỷ (ngày 20-5-2015) để đổi lại việc được Nguyễn Công Khế "bảo kê" về mặt truyền thông.
Hiếu Bá Linh
Nguồn : VNTB, 18/01/2024