Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/01/2024

Nhức nhối đầu năm 2024

Phạm Trần

Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ "không nhỏ" cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống.

Đó là cảnh báo của người đứng đầu Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam.

Ông Trọng chỉ đạo phải : "Kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ; tình trạng tham nhũng, "lợi ích nhóm", "tư duy nhiệm kỳ", "chủ nghĩa cá nhân", "tha hóa quyền lực" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên" (TTXVN, ngày 20/01/2024).

suythoai01

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo hội nghị ngày 18/01/2024.

Cứ trơ ra

Những chứng bệnh này không mới mà đã tồn tại từ trước khi ông Trọng lên cầm quyền năm 2011. Nhưng khi chúng được nhắc lại là chứng minh ông Trọng và Đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại trong công tác "xây dựng chỉnh đốn đảng", bắt đầu tư khóa đảng VI thời Tổng bí thư Lê Khả Phiêu năm 1997.

Đứng đầu là suy thoái về tư tưởng chính trị bao gồm sự phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo của đảng. Sau đó đến tham nhũng mà đã có lần nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nâng lên hàng "quốc nạn".

Rồi theo thời gian, từ quay lưng lại với đảng đến không ai còn tin chủ nghĩa cộng sản là cứu cánh của Việt Nam, nhiều đảng viên đã "tự diễn biến" rồi "tự chuyển hóa", đòi được cởi trói để có "dân chủ" và "tự do".

Khi ông Nguyễn Phú Trọng lên cầm quyền thay ông Nông Đức Mạnh năm 2011 thì nội bộ đảng đang trong thời kỳ chia rẽ, tranh giành quyền lợi và phe nhóm địa phương khắp nơi.

Nhưng sau gần 3 nhiệm kỳ làm Tổng bí thư, dù đã đạt được những thành tích chống tiêu cực, chống tham nhũng, ông Trọng vẫn phải nhìn nhận tham nhũng "cứ trơ ra". Ông cho biết những kẻ tham nhũng đã biết tổ chức quay quần đùm bọc lẫn nhau. Những "lợi ích nhóm" và "tham nhũng quyền lực" đã sinh ra trong đảng rồi lan sang cả lĩnh vực công nghiệp, có sự toa rập của báo chí và cả những ngành thanh tra, kiểm tra trong đội ngũ được cử đi chống tham nhũng.

Ông Trọng cũng từng hô hào tăng cường giáo dục đảng viên, sửa đổi thể chế, luật pháp và tiền lương để họ "không dám", "không thể", "không muốn" và "không cần" tham nhũng. Nhưng tình trạng tham nhũng vẫn như chiếc áo rách, cứ vá chỗ này thì lại lòi ra chỗ rách mới.

Vì vậy, đã có tình trạng buông xuôi, không dám chịu trách nhiệm của những người đứng đầu khiến cho tham nhũng tiếp tục hoành hành. Do đó, ông Nguyễn Phú Trọng phải kêu gọi phải : "Đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng, nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp".

Ông nói : "Cần tập trung thực hiện thật tốt việc xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và đặc biệt là Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng".

Nhưng ông Trọng vừa giữ chức Trưởng Tiểu ban Nhân sự lại kiêm Trưởng Tiêu ban Văn kiện của khóa đảng XIV nên công tác quy họach Ban Chấp hành Trung ương khóa mới hoàn toàn nằm trong tay ông.

Ông Trọng năm nay 80 tuổi sẽ nghỉ hưu sau làm khi hết nhiệm kỳ khóa XIII, nhưng việc bầu ra Ban Chấp hành mới, Bộ Chính trị và 4 chức lãnh đạo chủ chốt gồm Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ và Chủ tịch quốc hội phụ thuộc phần lớn vào ảnh hưởng của ông.

Giảm sút niềm tin vào Đảng

Cũng trong dịp đầu năm, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã báo động tình trạng suy giảm niềm tin của nhân dân vào đảng và lực lượng võ tranh nhân dân, gồm Quân đội, Công an và Lực lượng dân phòng.

Tướng Quyết viết : "Thứ nhất, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện giảm sút niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sức mạnh của lực lượng vũ trang".

Ông nói : "Hiện nay, do tác động của nhiều yếu tố, nhất là tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường ; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực chưa được ngăn chặn triệt để, sự chống phá của các thế lực thù địch,... nên một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có thái độ bàng quan đối với vận mệnh của đất nước, sự phát triển của dân tộc" (Tạp chí Cộng sản, ngày 08/01/2024).

Theo tướng Quyết : "Biểu hiện rõ nhất là nhận thức sai lệch về mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; thiếu sự đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; thậm chí có người "trở cờ", phản bội, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận chủ nghĩa xã hội, nói xấu lãnh tụ của Đảng, đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng", đưa đất nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Còn tồn tại một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đúng, bất bình, bức xúc, không tin vào cán bộ, chính quyền cơ sở, thậm chí có hành vi chống đối gay gắt, tạo "điểm nóng" về trật tự, an toàn xã hội ở địa phương".

Nhìn nhận tình trạng "không bình thường" trong đảng và lực lương "võ trang nhân dân" của Thượng tướng Trịnh Văn Quyết cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề suy thoái không còn hạn chế trong "phạm vi nhỏ" cán bộ đảng viên mà đã lan trong diện rộng.

Quan trọng hơn là cả thành phấn trẻ trong Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đội ngũ "dự bị", "hạt giống đỏ" của đảng cũng đã "xa đoàn", "nhạt đảng" khiến Ban lãnh đạo đảng lo ngại cho tương lại của chính mình.

Đó là những nhức nhối của Đảng cộng sản Việt Nam khi bước vào năm mới. Sư thật này đã bác bỏ sạch trơn thái độ lạc quan của Đảng.

Phạm Trần

(23/01/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 355 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)