Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/01/2024

Thiệp chúc xuân quá vãng, bao lì xì tràn ngập

Gió Bấc

Cái tết thứ 49 sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm có gì khác trước ? Khu chợ thiệp chúc xuân quanh nhà thờ Đức Bà Sài Gòn phồn thịnh một thời giờ vắng lặng. Nếp sinh hoạt thân ái, tao nhã gởi thiệp chúc xuân trong ngày giáp tết cũng quá vãng từ lâu. Ở khắp chợ quê, chợ tỉnh, Sài Gòn và ngay trên mạng internet tràn ngập đỏ chóe bày bán bao lì xì.

chothiep1

Một người bán dạo thiệp chúc xuân trên đường phố Sài Gòn đầu năm 2024 - Ảnh minh họa

Đến hẹn lại lên chung quanh Nhà Thờ Đức Bà và nhà Bưu Điện Sài Gòn vào cuối năm hình thành khu chợ Thiệp Xuân kéo dài từ trước Noel đến tết nguyên đán.

Chỉ là những gian hàng dã chiến bàn ghế, giá bày hàng thô sơ nhưng bắt mắt lúc nào cũng đông đúc người mua từ sáng sớm đến khi Bưu Điện đóng cửa. Điều thu hút khách là chợ có nhiều chủng loại thiệp từ bình dân đến cao cấp đủ loại đề tài, hình ảnh từ pháo tết, mai vàng, tĩnh vật, tranh tố nữ từ bút pháp dân gian, nét vẽ mềm mại hiện đại kiểu họa sĩ Vi Vi ở thập kỷ 70. Chất liệu cũng đa dạng có thể đơn giản là in offset, kéo lụa đến những họa phẩm vẽ tay bằng màu nước, tranh cắt giấy, bột màu rắc nhũ kim. Những tấm thiệp đơn giản đồng dạng nhưng cũng có những tấm thiệp hàng độc, duy nhất (mời xem ảnh).

Khoảng không gian rộng ở khu trung tâm, nhiều cây xanh bóng mát lại gần nhà Bưu Điện tiện gởi thiệp xuân, thiên thời địa lợi nhân hòa nên chợ thiệp tết đã thành thứ đặc trưng, đặc sản của Sài Gòn. Chợ thiệp tết thành ấn tượng đẹp cho người trong nước và cả du khách. Có người Sài Gòn đã ghi hồi ức "Trong các bưu điện hay nhà sách, các sạp báo và đồ lưu niệm ở đường Nguyễn Huệ cũng bán bưu ảnh thiệp tết… nhưng không đâu đông đúc và nhiều mẫu thiệp đẹp như chợ thiệp ở Bưu điện trung tâm. Đó cũng là một nơi mà người Sài Gòn chí ít cũng vài lần lui tới trong năm, như đi chợ Bến Thành, đến thương xá Tax, dạo chơi bến Bạch Đằng… Nó cũng là nơi nhiều du khách nhớ đến bởi sự phong phú của văn hóa Việt tập trung ở đây qua những tấm thiệp muôn màu muôn vẻ" (1).

chothiep2

Thiệp 3D - Ảnh minh họa

Không phải đầu tư ngàn tỉ, cũng không phải hô hào quảng cáo có được tụ điểm sinh hoạt văn hóa cho người trong nước lẫn du khách thật là điều may mắn, vốn quý trời cho.

Không chỉ cái chợ đặc trưng này mà từ Sài Gòn đến các tỉnh, các chơ, các hiệu sách đều có sạp bày bán thiệp, tạo ra sắc màu không gian tết. Thiệp là sản phẩm tết đặc trưng và phổ biến như vậy bởi có đông đảo khách hàng. Gởi tặng thiệp chúc xuân là nếp sinh hoạt thân ái của người Việt gắn liền với cái tết. Hình ảnh thiệp chúc tết quen thuộc không thể thiếu như bánh tét, bánh chưng, hoa mai hoa đào. Tặng thiệp không chỉ là hình thức giao tế đải bôi mà là sự trao gởi chân thành ý nhị.

Với người bạn ở xa không thể viếng thăm, tấm thiệp xuân là nhịp cầu nối kết xuyên không gian. Với người lớn tuổi, tấm thiệp xuân như viên gạch xây dày dặn, chồng chất thêm khối tình tri âm tri kỷ. Với lớp trẻ, tuổi học trò, tấm thiệp xuân mầu nhiệm có thể e ấp mang theo lời bày tỏ tình yêu chớm nở hoặc đong đầy thêm tình thương yêu nồng ấm. Với đồng nghiệp, đối tác, đó là cái bắt tay chân thành thâm ái chuyển tiếp mối quan hệ năm cũ sang năm mới.

Sự ý nhị tinh tế gởi trao qua thiệp tết được thể hiện từ hình ảnh, kiểu dáng tấm thiệp. Anh trai trẻ có thể chọn đóa hoa hồng để gởi đến cô gái tình yêu say đắm hoặc chân dung thiếu nữ mộng mơ với lời ví von, mong ước cô đẹp mãi như người trong tranh. Tặng cho bạn xa quê có thể là tranh đồng quê, song nước, mai vàng gói ghém ngày tết quê hương cho bạn. Thiệp ngày xưa trình bày trang trí ở một hoặc hai mặt bìa, mặt bên trong để trắng dành cho người gởi thể hiện ý tình bằng chính chữ viết tay của mình. Ai thiếu tự tin có thể nhờ người bán thiệp viết thay. Nhưng như luật bất thành văn để thể hiện sự riêng tư, lời chúc phải được viết tay.

Nói một cách nào đó, tặng thiệp cũng có phần thể hiện cái tôi. Nhưng cái tôi ở đây không phải khoe mẻ giàu sang, thế lực mà là sự tinh tế lịch lãm trong giao cảm giữa người với người. Cái tôi ấy giúp người ta có thêm khả năng thấu cảm, giúp con người gần gũi thân thiện với nhau hơn.

Thế nhưng hình ảnh, sinh hoạt đẹp trang nhã ấy ngày nay không còn nữa. Cái chợ thiệp, tụ điểm văn hóa độc đáo ấy đã quá vãng từ lâu không tang lễ, không có lấy lời ai điếu. Báo chí trong nước ghi nhận "Từ cuối những năm 1980 chợ thiệp vắng dần, vì chất lượng giấy làm bao thơ, làm thiệp ngày càng kém, mẫu mã đơn điệu, chất lượng in lại xấu. Dù vẫn còn nhu cầu về thiệp trong các dịp lễ, tết nhưng người ta không còn thói quen dạo chơi và mua thiệp cũng vì chợ đã bị dẹp do "lấn chiếm lòng lề đường"…

Bây giờ người ta viết thư gửi thiệp đều qua mạng, chẳng mấy ai còn nhớ đến những cánh thiệp xuân được bày bán bên hông Bưu điện Sài Gòn thuở trước… (2).

Phải chăng chợ thiệp chết do chất lượng giấy ngày càng kém ? Điều này phi logic và phi thực tế. Sau 75 đúng là thiếu giấy, thiếu đủ thứ nhưng chợ thiệp xuân vẫn còn sống mạnh. Sau năm 1990, Việt Nam mở cửa, giấy nhập đủ loại, chất lượng các loại văn hóa phẩm ngày càng tốt hơn chợ lại chết đi.

Phải chăng do bị giải tỏa lấn chiếm lòng lề đường ? Có phần nào nhưng không phải là nguyên nhân căn bản vì nhiều mặt hàng khác lấn chiếm lòng lề đường có xóa được đâu. Hơn nửa, không chỉ chợ thiệp Sài Gòn mà các chợ khác đều không còn bán thiệp xuân.

Phải chăng internet, thiệp điện tử đã giết chết thiệp giấy ? Cũng có phần nào nhưng không phải là tất cả. Search trên Google từ khóa thiệp xuân 2024 ta sẽ thu kết quả đáng buồn. Hình ảnh thiệp xuân thật buồn tẻ, lèo tèo, đơn điệu. Hình ảnh, nội dung lời chúc được in sẵn theo mẫu như văn bản hành chánh. Những tấm thiệp theo công thức xơ cứng vô hồn.

Phải chăng có điều biến đổi đáng sợ trong cách sống, lối sống người Việt hiện nay làm nếp sinh hoạt văn hóa tao nhã tặng thiệp tết đã đi vào quá vãng ?

chothiep00

Có vật phẩm hàng hóa mới vốn xa lạ trước đây ngày càng lấn lướt, tràn lan trong chợ, trên đường phố vào dịp tết những gian hàng với gam màu đỏ sậm cứ loang ra ngày một rộng hơn. Đó là bao lì xì.

Sau ngày rằm tháng chạp, đi một vòng quanh các chợ Sài Gòn, bỗng giật mình vì chợ thưa thớt quá, chừng như thiếu không khí sắc màu tết. Điều đáng nói là có vật phẩm hàng hóa mới vốn xa lạ trước đây ngày càng lấn lướt, tràn lan trong chợ, trên đường phố vào dịp tết những gian hàng với gam màu đỏ sậm cứ loang ra ngày một rộng hơn. Đó là bao lì xì. Search chữ "bao lì xì" trên công cụ tìm kiếm google ta sẽ choáng trước hình ảnh đậm đặc mà màu đỏ nâu đậm sắc Tàu của đủ chủng loại bao lì xì.

Lì xì (âm Hán Việt là lợi thị) không phải chuyện lạ. Ngay tên gọi đã hiểu là phong tục Tàu. Lì xì theo những lớp di dân hội nhập vào Nam Kỳ và được Việt Hóa. Người Việt lì xì cho trẻ nhỏ trong gia đình lúc giao thừa, mừng tuổi như tặng con cháu món quà may mắn đầu năm. Tiền lì xì chỉ có giá trị biểu trưng. Bao lì xì đơn giản là giấy hồng đơn nho nhỏ để chứa tiền. Với mục đích và quy mô như vậy, ngày xưa bao lì xì chỉ là sản phẩm phụ lẩn khuất trong mớ giấy tiền vàng bạc, các thức cúng kiến chứ không bao giờ là một mặt hàng riêng biệt, chính yếu bày bán phổ biến trong chợ tết như hiện nay. Thực tế cho thấy lì xì đã trở thành mối quan hệ giao tiếp phổ biến trong xã hội không còn bó hẹp trong khuôn khổ gia đình theo văn hóa Việt truyền thống. Nó cũng xé bỏ ý nghĩa tinh thần tượng trưng của người Việt trước đây mà thay vào đó là giá trị vật chất, tiền lì xì phải lớn, bao lì xi to, diêm dúa.

Ngay từ năm 2015, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đã có bài viết về sự biến tướng này "Giá như việc lì xì vẫn giữ nguyên ý nghĩa, mục đích như lúc xưa là mừng tuổi, mang niềm vui cho trẻ thơ thì quá tuyệt vời. Thế nhưng, những năm gần đây, việc tặng bao lì xì có sự biến tướng đáng phê phán. Đó là lì xì cho cả người lớn trong dịp Tết.

Tôi nghĩ rằng nếu thủ trưởng cơ quan nhân dịp đầu năm lì xì cho nhân viên mình với một khoản tiền nho nhỏ thì đó là một niềm vui, như tặng một cái lộc cho cấp dưới. Hay việc con cháu tặng cha mẹ, ông bà ; anh em, bạn bè tặng nhau một bao lì xì với ý nghĩa cầu mong mọi điều tốt lành thì cũng chẳng ai phê phán, vì đó là điều tốt.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là có hiện tượng cán bộ cấp dưới lì xì cấp trên. Hay khi đến thăm nhà sếp vào dịp Tết, thay vì mừng tuổi cho con họ vài đồng bạc mệnh giá nhỏ nhưng còn mới thì cấp dưới lại bỏ vào bao thư cả tiền triệu… Đó là hình thức hối lộ, lấy lòng cấp trên rất tinh vi, rất đáng buồn và đáng chê trách.

Trước đây, hiện tượng bánh trung thu bạc triệu gửi con sếp từng xuất hiện thì giờ, phong tục lì xì Tết cũng bị biến tướng, nặng mùi tiền bạc" (3).

Không phải bài Hoa, dị ứng với Tàu mà băn khoăn về biến tướng bành trướng của lì xì nếu nó chỉ là sự thay đổi cá biệt. Điều đáng nói là sau gần nửa thế kỷ bị đỏ hóa nhiều hiện tượng cho thấy lối sống thân thiện, chân thành của người Việt đã bị mài mòn, hủy diệt. Thay vào đó là làn sóng đua chen, tranh đoạt, duy lợi thật tàn khốc.

Ở đất nước nông nghiệp, ở vùng đất mới khai hoang trong cuộc cộng cư của ba dân tộc Việt, Hoa, Khmer, dân Nam Kỳ đã có lệ cúng đất mùng mười tết hàng năm. Thành ngữ "mùng chín vía trời, mùng mười vía đất" đã được Hùinh Tịnh Của ghi nhận trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị từ năm 1875. Ấy thế mà ngày nay qua bộ máy truyền thông, qua tác động ngầm của thế lực nào đó đã trở thành ngày Vía Thần Tài người ta tranh nhau mua vàng gây sốt. Lễ cúng đưa ông Táo về trời vốn đơn giản hoa quả, trà, xôi (trôi) nước giờ sinh ra đủ thứ tệ nạn thả cá chép, hóa vàng hóa bạc. Lễ Vu Lan báo hiếu vốn nặng giá trị tinh thần đã bị thương mại hóa, mê tín hóa bằng những mâm gói lễ cúng quy giá trị bằng tiền hay tràn lan chuyện mua chim cá phóng sinh.

Tín ngưỡng được nhà nước cộng sản sử dụng như công cụ quản lý theo phương châm của Trần Quốc Hoàn "ai nắm Phật giáo sẽ nắm được quần chúng". Hệ thống phật giáo quốc doanh đã được hà hơi tiếp sức, đặt quyền đặc lợi đất đai ngàn mẩu, chùa to phật lớn tha hồ quyến rũ người dân vào đường ma mị cúng dường tạo phước, giải nghiệp oan gia trái chủ…..

Không chỉ thiệp chúc xuân, nhiều nét văn hóa chân thiện mỹ của Miền Nam, của Việt Nam đang quá vãng trong làn sóng đỏ tranh cướp, lợi quyền. Đảng và nhà nước Việt Nam không chỉ thành công trong việc vắt kiệt tài nguyên khoáng sản, cướp đất của dân, hủy hoại môi trường phá rừng, diệt biển mà còn từng bước làm tha hóa lối sống, tâm hồn người Việt.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 28/01/2024

1. https://2saigon.vn/xa-hoi/net-xua-saigon/hoai-niem-ve-cho-thiep-giay-sai-gon.html

2. https://plo.vn/cho-thiep-sai-gon-post411430.html

3. https://nld.com.vn/dien-dan/li-xi-bien-tuong-nang-mui-tien-20150214203828387.htm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Gió Bấc
Read 747 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)