Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/02/2024

Phân biệt đối xử trong các phiên xử dân và quan : trường hợp Ngọc Trinh

Khải Đơn - Đặng Đình Mạnh

Ngọc Trinh, các bộ trưởng tham nhũng và ‘tội ác’ phơi bày bằng hình ảnh xấu trên báo chí

Khải Đơn, BBC, 02/02/2024

Ngày 19/10/2023, Ngọc Trinh bị bắt. Tờ Vietnamplus thuộc Thông Tấn Xã Việt Nam đăng ảnh cô mặc chiếc áo khoác hồng mỏng và áo thun, ngồi giữa hai cán bộ công an đang đứng.

danvaquan01

Người mẫu Ngọc Trinh mặc chiếc áo khoác hồng mỏng và áo thun, ngồi giữa hai cán bộ công an đang đứng.

Ngày 15/1/2023, Vietnamplus cùng nhiều báo lớn khác như Tuổi Trẻ đăng bức ảnh cô mặc áo xanh sậm, chụp qua vai một cán bộ công an khác.

danvaquan02

Người mẫu Ngọc Trinh mặc áo xanh sậm, chụp qua vai một cán bộ công an khác.

Một số người đọc ở Việt Nam ca ngợi : Có lẽ cô là người nổi tiếng duy nhất bị bắt mà lên hình "trông vẫn còn tử tế". Ấy là độc giả đang so sánh cô với bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt với tóc tai rũ rượi, gương mặt không trang điểm, hoặc đại gia Vạn Thịnh Phát còn nguyên lô cuốn tóc và mặc đồ ngủ bị bắt tại nhà.

danvaquan03

Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt với tóc tai rũ rượi, gương mặt không trang điểm, hoặc đại gia Vạn Thịnh Phát còn nguyên lô cuốn tóc và mặc đồ ngủ bị bắt tại nhà, trong khi hai cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long được làm mờ mặt và Chu Ngọc Anh được ưu ái sử dụng ảnh đẹp trước phiên tòa.

Nhưng khi nhìn Ngọc Trinh trong những cột mốc, từ bị bắt đến khi công bố hoàn tất cáo trạng, rồi truy tố theo khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù, tôi nhớ lại lời khen "trông vẫn còn tử tế" và tự hỏi : Vậy ai đã từng phạm tội tồi tệ hơn cô, nhưng được báo chí đối xử nhân văn hơn nhiều về mặt hình ảnh ?

danvaquan04

Người mẫu Ngọc Trinh bị áp giải đến tòa từ sáng sớm

Cũng không khó để tìm ra họ ! Trên cùng tờ Vietnamplus của Thông Tấn Xã Việt Nam, tôi tìm được ảnh cựu Bộ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long được phóng viên tử tế bôi mờ mặt trong phiên tòa xử ông gần đây.

Tội ác ông đã phạm là gì : ăn hối lộ 2,25 triệu đô, để test kit của công ty Việt Á được nhanh chóng cấp phép, nâng khống giá và đưa vào sử dụng giữa bối cảnh có hàng chục ngàn người chết do Covid-19.

Để tưởng tượng rõ hơn tội của ông Nguyễn Thanh Long, bạn đọc có thể nhớ lại chuỗi ngày tổng lực xét nghiệm trên toàn quốc.

Giờ đây người dân đã biết, những cuộc xét nghiệm ép buộc đó không phải vì lo lắng toàn dân đau bệnh, mà để chi xài càng nhiều kit test càng tốt, kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Khi đó rất nhiều người đã nhiễm bệnh vì các cụm tập trung lây lan khi đi xét nghiệm.

Khi đó, ông Long là bộ trưởng, lên ti vi rất đều đặn nói về các chính sách chống dịch. Ông nhận 2,25 triệu đô cho "công lao" của mình và lãnh 18 năm tù.

Nhưng không sao, báo Vietnamplus tỏ ra là tờ báo có đạo đức với lãnh đạo, cho dù họ phạm tội ác giữa bối cảnh cả nước đang chìm trong thảm họa, bộ trưởng vẫn xứng đáng được đối xử tử tế, được bôi mờ mặt để những ai chưa kịp nhận ra ông thì không cần nhận ra ông.

Kẻ phạm tội tiếp theo nhận được sự tử tế đó là cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. Dù đã ra trước tòa, ông vẫn được báo Nhân Dân trân trọng vẽ mờ khuôn mặt. Truyền hình Thông Tấn trong các buổi sáng đưa tin đã tô mờ mặt tất cả những bị can trong đại án Việt Á.

Ông Chu Ngọc Anh đã phạm tội gì ? - Ông làm bộ trưởng Khoa học và Công Nghệ. Ông biết đề tài nghiên cứu kit test là sở hữu nhà nước, nhưng rất nhanh chóng đã ký các quyết định giao Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu với Học viện Quân y.

Trong phiên tòa, ông Chu Ngọc Anh nói ông vô ý nhận chiếc va li đựng 200.000 USD từ công ty Việt Á về và "quên mất", nay bị bắt thì đem trả lại 4 tỷ đồng. Có lẽ vì ông "quên" và kịp trả lại tiền, ông chỉ nhận 3 năm tù giam, cực kỳ nhẹ so với những gì ông đã gây ra.

Người đọc có thể tìm lại trên Google những bài báo đưa tin bộ trưởng Khoa học và Công Nghệ đã trao bằng khen cho đại diện các nghiên cứu tiêu biểu trong phòng chống dịch Covid-19, Việt Á là một trong những đại diện đến nhận và đứng giữa "vòng tay" của ông Vũ Đức Đam và Chu Ngọc Anh.

Vậy đây là người đã chủ động giúp test kit Việt Á có danh hiệu và lan tỏa đến mọi miền đất nước.

Tương tự, với chừng ấy tội ác, người này cũng vinh hạnh được cả Vietnamplus và báo Nhân Dân bôi mờ mặt.

Bài viết bắt giữ cựu bộ trưởng trên báo Tuổi Trẻ đăng bức hình hết sức phong độ của ông, không đầu bù tóc rối như bà Nguyễn Phương Hằng hay còn đeo lô cuốn tóc như bà Trương Mỹ Lan.

Tại sao tôi phải bức xúc vì một cô người mẫu như Ngọc Trinh bị bắt và bị gợi ý án 2-7 năm tù, hay bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt vì livestream chửi bới cả thế giới ? - Bởi nếu ở vai trò là bị can của những vụ án hình sự, có gây hại cho xã hội, thì những gì hai phụ nữ này làm ít gây hại hơn nhiều triệu lần so với những tên tuổi như Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh.

Ngọc Trinh bị bắt vì tội tập motor cùng thầy giáo ở nơi vắng vẻ, xong bị té và khoe clip lên mạng.

Bà Phương Hằng livestream chửi nhiều người sai sự thật (và giúp người dân hình thành thói quen đòi sao kê mỗi khi đóng góp từ thiện).

Hai phụ nữ này cũng vô hại hơn những tên tuổi được hạ cánh an toàn như Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Đức Đam vì sai phạm liên quan đến thảm họa khiến hàng chục ngàn đồng bào chết trong dịch Covid-19 và trục lợi từ hàng chục ngàn người cần được về bên gia đình qua những chuyến bay giải cứu.

Ở góc độ nhìn về nữ giới, những bức ảnh của Ngọc Trinh, bà Phương Hằng được trưng ra với vẻ hả hê thắng thế của nhà cầm quyền, và cho phép công chúng không gian đủ lớn để cười cợt vào nhan sắc, cơ thể của hai phụ nữ này bằng cái nhìn tấn công giới tính.

Với phụ nữ, nhan sắc là phần quan trọng. Phần này bị hủy hoại vì những bức ảnh tóc rối bù, mặc áo thun tay bị còng, ảnh mờ nhòe chụp từ vai công an ra như để chứng minh sự "có tội" và "không còn danh phận" mà họ phải gánh chịu.

Ngược lại, tuy ra tòa với vài triệu đô tham nhũng, 18 năm tù lận lưng, nhiều tội ác thực sự gián tiếp gây chết và tổn thương đồng bào trong đại dịch, những bộ trưởng, cựu bộ trưởng tiếp tục "hưởng quyền" làm mờ mặt, được các tờ báo quan trọng nhất về mặt chính trị là Nhân Dân và Vietnamplus (Thông Tấn Xã Việt Nam) trân trọng che mờ, dù họ đã bị kết án.

Thậm chí, ảnh công bố bản tin bị bắt của bộ trưởng cũng là ảnh đẹp thời đương chức.

Khi cư dân mạng đưa ra những câu đùa kiểu "Ngọc Trinh là được ưu ái có hình tử tế nhất rồi !", thì sự đùa giỡn đó đã vô ý quên đi sự thật khó chịu hơn nhiều, đó là sự bất bình đẳng trong cách báo chí sử dụng hình ảnh nghi can chưa bị kết tội và đã bị kết tội.

Dù đã có án 18 năm tù, Nguyễn Thanh Long vẫn được che mặt. Dù chưa ra tòa, mặt Ngọc Trinh ngồi bị còng tay, bị dẫn đi, bị thẩm vấn đã đầy rẫy các báo.

Ở đây, tôi đặt câu hỏi về tính công chính của những biên tập xử lý hình ảnh của các báo. Các tờ báo này cho thấy họ chẳng có quy tắc nào trong việc che mờ mặt nhân vật hay bảo vệ danh tính ai cả.

Không lẽ một cô người mẫu chưa bị kết tội có ít quyền con người hơn một bộ trưởng phạm nhiều tội đã bị kết án ?

Một người livestream không cần phẩm giá nên đáng bị chưng ra đầu tóc rối bù ? Còn bộ trưởng phạm tội thì cần được giữ gìn phẩm chất nên được xóa mờ bớt mặt để khỏi ai nhận ra ?

Có phải thước đo để các tờ báo ưu ái là quyền lực mà những bị can này từng sở hữu trước khi ra vành móng ngựa ? Hay các cơ quan ngôn luận này cũng chẳng cần quan trọng gì phẩm giá của những phụ nữ mà họ và cố ý câu view bằng cách dùng hình ảnh đủ xấu và bôi nhọ họ trên mạng ?

Đó cũng là khi độc giả nhận ra cách chọn xóa mờ ảnh ai thể hiện phương châm phụng sự của tờ báo và những biên tập viên ảnh : ta hiểu họ thực sự coi trọng ai và muốn ai trở thành trò cười thu hút đám đông.

Khải Đơn

Nguồn : BBC, 02/02/2024

************************

Từ phiên tòa Ngọc Trinh : bất bình đẳng trong xét xử quan chức và thường dân

Đặng Đình Mạnh, BBC, 02/02/2024

Phiên tòa xét xử người mẫu Ngọc Trinh gợi lên nhiều vấn đề về thực hành tư pháp và truyền thông liên quan đến quyền nhân thân, hình ảnh cá nhân.

danvaquan05

Người mẫu Ngọc Trinh bị dẫn giải ra trước một phiên tòa hình sự để nhận hình phạt trước sự soi mói của một rừng ống kính.

Sáng 2/02/2024 sẽ là một ngày rất đáng nhớ trong cuộc đời của người mẫu Ngọc Trinh. Cô bị dẫn giải ra trước một phiên tòa hình sự để nhận hình phạt trước sự soi mói của một rừng ống kính.

Nó càng đáng nhớ hơn khi hình ảnh kém duyên dáng nhất, kém xinh đẹp nhất của một cô người mẫu sẽ tràn ngập trên hệ thống truyền thông nhà nước, bất chấp việc cô vẫn chưa phải là tội phạm vì chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật.

Công chúng không thể không so sánh khi nhớ lại về hình ảnh ông cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ông này cũng ra tòa hình sự nhưng đã được báo Nhân Dân ưu ái, nhân đạo như thế nào khi làm mờ đi khuôn mặt.

Cho dù tội trạng của ông này nguy hiểm cho xã hội gấp ngàn lần so với Ngọc Trinh. Đọc bài viết của nhà thơ Khải Đơn, tôi nghĩ mình cần bàn thêm đôi lời về vấn đề này.

Vận dụng pháp luật tùy tiện

Phải chăng quan chức cấp cao được biệt đãi trước pháp luật ? Còn dân thường thì phải chịu sự thiệt thòi ?

Tham chiếu các nguyên tắc pháp luật, câu trả lời là không.

Luật pháp chúng ta chưa hoàn hảo, nhưng qua nhiều lần tu chính, luật pháp đã ngày một tiến bộ hơn, tiệm cận hơn với các quy chuẩn pháp lý văn minh của thế giới. Thế nhưng, sự vận dụng, diễn giải pháp luật tùy tiện trong thực tế đã và đang làm méo mó, biến tướng đi những tiến bộ ấy. Mà theo đó, người mẫu Ngọc Trinh đang là nạn nhân thực tế đáng chê trách ấy.

Thỉnh thoảng đến cơ quan công quyền, ắt hẳn công chúng đã từng có dịp đọc thấy những dòng khẩu hiệu : "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật".

Thế nên, không cần hiểu biết luật pháp sâu sắc như một quan tòa hoặc một luật sư, công chúng vẫn có thể ung dung đánh giá khi so sánh bối cảnh ra tòa của ông cựu quan chức cấp cao Nguyễn Thanh Long và cô người mẫu thường dân Ngọc Trinh, nó đã bất bình đẳng như thế nào.

Không chỉ thế, nếu chúng ta biết hình ảnh của một người nó thuộc về quyền nhân thân vĩnh viễn của người ấy, đến mức, nếu có hình ảnh của ai đó, thì cho dù họ có là tội phạm, chúng ta cũng không có quyền tự tiện phát tán công khai hoặc đăng tải trên các trang mạng xã hội.

Tại pháp đình Việt Nam, không chỉ đối với trường hợp cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mà ít nhất hai lần trước đó, tòa án đã từng minh thị bảo vệ quyền về hình ảnh của công dân khi họ ra trước phiên tòa hình sự.

Một lần vào tháng 2/2003, khi ấy pháp đình tại Sài Gòn đưa ra xét xử vụ án ông Trương Văn Cam (Năm Cam), một vụ trọng án chiếm hàng loạt kỷ lục trong lịch sử pháp đình, mà cho đến nay, các kỷ lục ấy vẫn giữ nguyên.

Thời điểm ấy, báo giấy vẫn là phương tiện truyền thông phổ biến. Thế nên, theo dõi và đưa tin về phiên tòa trở thành nhiệm vụ chính yếu đối với hầu hết các tờ báo.

Rõ ràng, vụ án về ân oán trong giới giang hồ xã hội đen đã trở thành một mỏ vàng làm tăng số lượng xuất bản báo giấy hàng ngày. Bên cạnh những thông tin được công bố chính thức, thì những câu chuyện tiền, tình xung quanh vụ án cũng trở thành nguyên liệu màu mỡ cho các ký giả mặc sức khai thác.

Cho đến một hôm hôm trong chuỗi 100 ngày xét xử vụ án, vào đầu giờ làm việc sáng, tòa án thông báo cho giới ký giả đang tác nghiệp về việc cấm chụp ảnh một nữ công dân tên là Nguyễn Thị Thanh Tuyền tham gia phiên tòa với tư cách người bị hại. Ông giải thích, đây là quyền hợp pháp của công dân mà báo giới phải có trách nhiệm tôn trọng.

Sau đó, câu chuyện tình, tiền của bà ấy chìm khuất trong vô số câu chuyện nóng bỏng khác trong vụ án. Tuy nhiên, đã không có một tấm ảnh nào của vị nữ công dân kia lọt lên được mặt báo. Nữ công dân kia đã biết về quyền của mình và đã tận dụng quyền ấy để giữ gìn thanh danh, hình ảnh sạch đẹp của mình trước công chúng một cách hiệu quả. Bà cũng là một trong số rất ít người đã từng nêu yêu cầu như thế tại pháp đình Việt Nam.

‘Tử hình thanh danh’

Vật đổi sao dời.

Đến thượng tuần tháng 3/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền bị bắt giữ trong danh tính mới là Nguyễn Phương Hằng. Thay cho tư cách người bị hại năm nào, thì nay, với tư cách bị can trong một vụ án đình đám, bà đã không thể bảo vệ, giữ gìn được hình ảnh của chính mình lần nữa trước sự tấn công có chủ đích của cơ quan điều tra.

Ngay trong ngày nghe đọc lệnh khởi tố, khám xét nhà, bắt giữ và tạm giam... thì hình ảnh chụp khuôn mặt mà người phụ nữ muốn che giấu nhất trong đời của bà đã bị cơ quan điều tra cho phát tán tràn ngập các trang báo điện tử và mạng xã hội.

Trong một vụ án khác xét xử ở tỉnh Khánh Hòa về tội danh "Trốn thuế" vào trung tuần tháng 11/2019, một nữ bị cáo cũng đã yêu cầu được bảo về quyền về hình ảnh và đã được tòa án chấp thuận. Thế nên, đã không có một tấm ảnh nào của bà bị đăng tải trên mặt báo.

Rõ ràng, sự hành xử bất nhất của pháp đình Việt Nam trước yêu cầu bảo vệ hình ảnh cá nhân là sự vận dụng, diễn giải luật pháp theo cách vô pháp và hết sức tùy tiện. Trong đó, bao hàm sự cố ý xúc phạm hình ảnh cá nhân của chính cơ quan điều tra kết hợp với truyền thông vô đạo đức.

Người mẫu Ngọc Trinh hôm nay và bà Nguyễn Phương Hằng cách nay không lâu, cùng hàng vạn công dân đã từng khoác chiếc áo bị cáo tại phiên tòa hình sự đã sớm bị truyền thông "kết tội và thi hành bản án tử hình" đối với thanh danh, hình ảnh của họ trước cả khi có bản án kết tội họ.

Có thể nói, từ những giờ đầu tiên của tiến trình tố tụng, các nguyên tắc "Suy đoán vô tội", hay "Một người chỉ bị xem là có tội khi đã có bản án kết tội tuyên có hiệu lực pháp luật", hoặc "Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật" chỉ còn là khẩu hiệu đẹp trên bức tường vô tri mà thôi.

Một nữ doanh nhân sở hữu cả ngàn tỷ đồng, hoặc một nữ người mẫu xinh đẹp ấy có nằm mơ cũng không thể đoán định được tương lai bi đát của mình vào ngày hôm nay, thì ai trong số công chúng có thể đoán định được tương lai của mình vào ngày mai ?

Bảo vệ các nguyên tắc pháp luật hôm nay là bảo vệ cho chính tương lai của mình vào ngày mai.

Đặng Đình Mạnh

Nguồn : BBC, 02/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Khải Đơn, Đặng Đình Mạnh
Read 281 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)