Hà Nội đã dành cả năm qua tăng cường vận động hành lang với mong muốn Washington nhanh chóng thay đổi các quy định về cáo buộc "bán phá giá" xuất khẩu và điều chỉnh những quy định này cho gần sát hơn với các tiêu chí đã được đổi mới của Liên Hiệp Châu Âu. Trên đây là nhận định của trang thông tin Deutsch Well của Đức ngày 05/02/2024.
Tại một nhà máy chế biến cá của công ty thủy sản Biển Đông, Cần Thơ. Ảnh chụp ngày 07/07/2017. Reuters
Theo một quan chức chính phủ Việt Nam xin giấu tên, Hà Nội "rất mong muốn" chính quyền Biden thay đổi cách phân loại "nền kinh tế phi thị trường" trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024. Cho đến hiện tại, Mỹ vẫn xếp Việt Nam, Trung Quốc do đảng Cộng Sản lãnh đạo cùng với Nga nằm trong danh sách 12 nền kinh tế phi thị trường. Một định nghĩa lỏng lẻo, theo đó một quốc gia mà Nhà nước độc quyền hay gần như độc quyền về thương mại.
Công cụ này chủ yếu cho phép đề ra các biện pháp đáp trả tình trạng "bán phá giá", nghĩa là giá xuất khẩu từ một nước bị xem là cố tình đặt thấp hơn giá trong nước, do đó, gây tổn hại cho các ngành công nghiệp ở nước nhập khẩu. Washington sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau để đánh giá hành vi bán phá giá ở các nền kinh tế thị trường và phi thị trường, trong đó các nền kinh tế phi thị trường phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao hơn đáng kể.
Ngày 24/10/2023, bộ Thương Mại Hoa Kỳ tuyên bố sẽ xem xét lại việc phân loại nền kinh tế phi thị trường liên quan đến Việt Nam, và quyết định phải được đưa ra trong vòng 270 ngày, nghĩa là vào khoảng giữa tháng 7/2024. Các nhà phân tích cho rằng việc Washington thay đổi quy chế về mặt cơ bản, sẽ khiến các quy định chống bán phá giá của Mỹ xích lại gần hơn với các quy định của Liên Âu (EU).
Hoa Kỳ và EU : Những cách tiếp cận khác nhau
Vào tháng 12/2017, Liên Hiệp Châu Âu đã xóa bỏ sự phân biệt giữa "nền kinh tế thị trường" và "nền kinh tế phi thị trường". Thay vào đó, hiện nay có sự phân biệt giữa các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và những nước không là thành viên, theo như lời giải thích từ một quan chức EU với trang mạng Deutsch Well (DW).
Cũng theo vị quan chức này, đối với các nước thành viên của WTO, bao gồm cả Việt Nam, Liên Hiệp Châu Âu sử dụng tiêu chuẩn không bị bóp méo (Undistorted benchmark) để xác định "giá trị thông thường" của sản phẩm. Hệ thống mới của EU đơn giản hóa cách Bruxelles xác định giá thành của một sản phẩm trong thị trường nội địa, mang lại nhiều sức thuyết phục hơn cho ước tính của nước xuất khẩu khi đánh giá liệu nước này có tham gia hoạt động chống bán phá giá hay không.
Để so sánh, Hoa Kỳ - vì coi Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường – xem xét giá trị của một sản phẩm Việt Nam dựa trên giá trị của chúng ở một nước thứ ba (có nền kinh tế thị trường) và sau đó quy ra rằng chi phí sản xuất này là có thể áp dụng đối với một doanh nghiệp Việt Nam, thay vì là sử dụng các dữ liệu do chính doanh nghiệp đó cung cấp.
Theo Trung tâm WTO và Thương mại Quốc tế của Việt Nam, một đơn vị trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì cách tính này, mà EU đã từ bỏ, làm cho "biên độ bán phá giá bị đẩy lên rất cao" và không phản ảnh đúng thực trạng các công ty Việt Nam.
Quy chế "kinh tế thị trường" : Việt Nam được lợi gì ?
Bất chấp những thay đổi, EU vẫn giám sát Việt Nam về những cáo buộc bán phá giá. Ví dụ, vào tháng 11/2023, Ủy Ban Châu Âu đã tiến hành điều tra thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Trong thông cáo, Ủy Ban Châu Âu cho rằng động thái này dựa trên đánh giá rằng "các biện pháp chống bán phá giá hiện tại đối với việc nhập khẩu hàng hóa liên quan đang bị phá vỡ bởi việc nhập khẩu các sản phẩm đang bị điều tra".
Trước đó, vào tháng 7/2023, Bruxelles đã gia hạn việc áp thuế đối với nhiều loại thép nhập khẩu từ Việt Nam cho đến cuối tháng 6/2024 như một biện pháp bảo vệ các nhà sản xuất thép Châu Âu.
Có thể thấy Hà Nội dã dành cả năm qua tăng cường vận động Washington nhằm đưa các quy định chống bán phá giá của Mỹ đến gần hơn với khuôn khổ của EU. Tại một hội nghị do một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington tổ chức hồi tháng trước, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết : "Tất nhiên, chúng tôi mong muốn Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường của Mỹ".
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã thảo luận vấn đề này với bộ trưởng Thương Mại Mỹ bà Gina Raimondo trong một cuộc gặp ở Washington hồi tháng 9/2023.
Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cao cấp phụ trách khu vực Châu Á mới trỗi dậy tại Natixis, một chi nhánh của tập đoàn ngân hàng Pháp BPCE nhận định : "Quy chế kinh tế thị trường giúp Việt Nam tránh được thuế chống bán phá giá của Mỹ, do vậy, nếu có được quy chế này, hàng hóa Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh hơn". Nữ chuyên gia này nói thêm : "Hoa Kỳ là một thị trường trọng điểm nên việc có được quy chế này sẽ giúp ích cho Việt Nam".
Gia tăng áp lực cho Việt Nam
Một khía cạnh khác, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong năm nay dường như cũng tạo thêm áp lực cho Việt Nam. Cựu tổng thống Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu cho đề cử của đảng Cộng Hòa, đã tuyên bố ý định áp thuế 60% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu ông tái đắc cử - cao gấp năm lần so với mức trung bình hiện tại – theo truyền thông Mỹ.
Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, Donald Trump đã chỉ trích Việt Nam khi cáo buộc nước này bán phá giá hàng hóa giá rẻ vào thị trường Mỹ cũng như mức thặng dư to lớn của Việt Nam. Năm 2019, ông thậm chí còn mô tả Việt Nam là "kẻ lợi dụng tất cả mọi người một cách tồi tệ nhất", ám chỉ tác động của việc xuất khẩu chi phí thấp đối với ngành công nghiệp nước Mỹ.
Ngay cả ở Châu Âu, một số nghị viện quốc gia, trong đó có cả Quốc Hội Đức, Pháp, Bỉ và Hà Lan, vẫn chưa phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam (EVIPA). Mặc dù hiệp định EVIPA đã được Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn vào tháng 02/2020 cùng với Thỏa thuận Tự do Mậu dịch EU – Việt Nam, nhưng hiệp định đầu tư chỉ sẽ có hiệu lực một khi toàn bộ các nghị viện quốc gia của 27 nước thành viên Liên Âu đồng ý. Hiện tại, vẫn còn 10 nước chưa phê duyệt.
Cuối tuần 03-04/02/2024, chính phủ một số quốc gia này thông báo rằng họ sẽ xúc tiến quá trình phê chuẩn sau cuộc gặp với ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn bên lề cuộc họp EU – ASEAN lần thứ 24 ở Bruxelles.
Theo DW, một trong số các lý do chính của sự chậm trễ là do một số đảng chính trị tại Nghị Viện Châu Âu tỏ ra cảnh giác khi cho rằng gia tăng đầu tư ở Việt Nam sẽ gây tổn hại cho nền công nghiệp trong nước, theo như thông tin từ bài viết đăng trên trang mạng Tạp chí Đầu tư Việt Nam (Vietnam Investment Review), thuộc bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 13/01/2024