Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/02/2024

Nguy cơ Trump tái đắc cử : Cơ hội để Trung Quốc "lôi kéo" Châu Âu ?

Minh Anh

Ngày 17/02/2024, tại Hội nghị An ninh Munich, ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, cho dù thế giới có thay đổi, Trung Quốc vẫn là một "động lực cho sự ổn định". Theo giới quan sát, Bắc Kinh đang tận dụng nỗi lo ngại Trump tái đắc cử nhằm thuyết phục Liên Hiệp Châu Âu giữ thế trung lập trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung.

eutq1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hội nghị An ninh Munich, Đức, ngày 17/02/2024. AP - Sven Hoppe

Theo trang mạng CNN, tuyên bố của ông Vương Nghị được đưa ra vào lúc Châu Âu thận trọng theo dõi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Hoa Kỳ, với nỗi lo âu Donald Trump có thể trở lại cầm quyền, ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Nỗi lo này càng lớn khi ông Trump gần đây có tuyên bố sẽ không bảo vệ đồng minh nào của NATO không đầu tư đủ cho quốc phòng.

Quan hệ Nga - Trung : Một rào cản lớn !

Trong phát biểu, ngoài việc nhắc lại chính sách "nhất quán", khẳng định vai trò lực lượng "ổn định" trong một thế giới hỗn loạn, ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi Trung Quốc và Châu Âu "tránh xa những phiền nhiễu về địa chính trị, ý thức hệ" và cùng nhau hợp tác. Nói một cách khác là "Châu Âu không nên để những khác biệt địa chính trị cản trở hợp tác chặt chẽ" với Trung Quốc, theo như phân tích từ Noah Barkin, một thành viên cao cấp thuộc tổ chức tư vấn Quỹ Marshall Đức của Mỹ (GMF).

Nếu như thông điệp của ông Vương thu hút sự chú ý một số nước Châu Âu, thì Bắc Kinh hiện cũng vấp phải một vấn đề lớn ngăn cản khả năng hàn gắn bang giao song phương : Đó là mối quan hệ kiên định với Nga.

Mối quan hệ Nga - Trung đã được siết chặt hơn từ khi Vladimir Putin phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" chống Ukraine tháng 02/2022. Bắc Kinh không lên án cuộc xâm lược của Nga, mà còn là nguồn hậu thuẫn quan trọng cho nền kinh tế Nga đang bị trừng phạt.

Trong nỗ lực "xoa dịu", "trấn an" về quan hệ Bắc Kinh-Moskva, ngoại trưởng Trung Quốc ra sức giải thích rằng mối bang giao này không phải là một liên minh và "không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào". Theo ông, quan hệ Trung - Nga phát triển ổn định đáp ứng lợi ích chung của hai nước và phục vụ cho sự "ổn định chiến lược của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới".

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng phản bác những chỉ trích, đổ trách nhiệm cho Bắc Kinh không tích cực hơn trong việc kiềm chế Nga nhằm giải quyết "khủng hoảng Ukraine" (theo cách gọi của Trung Quốc). Đồng thời, ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã làm việc không ngơi nghỉ để thúc đẩy các đàm phán hòa bình.

Nhưng đối với Châu Âu, những nỗ lực này của Trung Quốc chưa đáp ứng được kỳ vọng của khối là Bắc Kinh sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế và mối quan hệ cấp cao Trung-Nga để chấm dứt xung đột. Theo một số nhà quan sát được CNN trích dẫn, chiến tranh Ukraine càng kéo dài thì càng có nguy cơ thúc đẩy Châu Âu liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, nhất là trong việc hạn chế xuất khẩu nhiều ngành công nghệ mũi nhọn mà Liên Âu đánh giá là có thể làm tổn hại đến an ninh kinh tế khối.

Nhân tố Trump !

Trước nguy cơ Liên Âu đang xem xét một loạt biện pháp giúp "giảm rủi ro" cho chuỗi cung ứng từ Trung Quốc để bảo vệ các ngành công nghệ mũi nhọn và thị trường của mình, ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo "những ai tìm cách đóng cửa với Trung Quốc dưới danh nghĩa "giảm rủi ro" sẽ mắc phải một sai lầm lịch sử".

Theo các nhà quan sát, ông Vương rất có thể đạt được nhiều thành công trong việc ổn định quan hệ với từng quốc gia thành viên Liên Âu, quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - và những nước nào có tâm trạng bất an về cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ. Giáo sư Liu Dongshu, đại học Hồng Kông cho rằng ngoại trưởng Vương Nghị có thể "sử dụng nhân tố Trump" để chỉ ra rằng việc hoàn toàn đứng về phía Mỹ là không mang lại lợi ích tốt nhất cho các nước Châu Âu.

Theo ngoại trưởng Trung Quốc, nếu Trump đắc cử tổng thống Mỹ thì Châu Âu sẽ có vấn đề nếu khối này không có mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh. Nói một cách khác, Châu Âu nên chọn thế trung lập. Về điểm này, ông Barkin tại GMF nhìn nhận Châu Âu cũng đang có xu hướng muốn giữ mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh nhằm tránh nguy cơ xảy ra xung đột thương mại ở hai mặt trận, với Bắc Kinh và Washington, nếu Trump trở lại Nhà Trắng.

Cũng theo chuyên gia này, "cơn ác mộng tồi tệ nhất của Trung Quốc là một mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương về các vấn đề thương mại, công nghệ và an ninh… Trung Quốc sẽ dùng các phát biểu của Trump để củng cố thông điệp tại các thủ đô Châu Âu rằng Washington không phải là đối tác đáng tin cậy !"

Minh Anh

Nguồn : RFI, 19/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 259 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)