Thêm một phong trào… cực đoan
Chưa có giai đoạn nào, mà ngành Bộ Công an Việt Nam quan tâm đến việc người dân uống rượu bia nhiều đến thế. Trên cả nước là những cuộc "ra quân" hùng hậu với đủ các loại cảnh sát, công an được huy động nhằm phục vụ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ đo nồng độ cồn bất kể ai tham gia giao thông. Khắp các nẻo đường, từ thành thị đến thôn quê, từ đồng bằng đến miền núi, mọi hang cùng, ngõ hẻm đều có thể xuất hiện Cảnh sát giao thông bất cứ lúc nào với cái máy đo nồng độ cồn trên tay.
Khắp các nẻo đường, từ thành thị đến thôn quê, từ đồng bằng đến miền núi, mọi hang cùng, ngõ hẻm đều có thể xuất hiện Cảnh sát giao thông bất cứ lúc nào với cái máy đo nồng độ cồn trên tay.
Cũng như mọi phong trào của ngành công an đã đề ra và thực hiện xưa nay, đi theo đó là những hệ quả không hề nhỏ, những tác động không dễ chịu chút nào với xã hội.
Điều đáng nói ở đây, là những sự cực đoan dần dần đã lộ rõ bởi sự máy móc, bởi mệnh lệnh và nhất là sự vận hành của hệ thống công quyền hiện tại khó có thể vận hành nhuần nhuyễn với đúng nội dung : Vì người dân.
Những quy định rằng tuyệt đối cấm nồng độ cồn trong máu khi người tham gia giao thông, chỉ là quy định nhằm tạo điều kiện cho Cảnh sát giao thông và Công an muốn làm gì thì làm tùy thích mà không tính đến hệ lụy của nó. Nhiều phản ảnh trên báo chí cho biết rằng thậm chí nhiều người dân bị phạt oan, bị trị tội dù không uống giọt rượu nào mà sở dĩ đo nồng độ cồn vẫn dính là vì thức ăn lên men.
Đấy là chưa nói đến việc nhiều Cảnh sát giao thông đã coi phong trào này là cơ hội để kiếm tiền bất chính bằng cách đo gian, mua máy móc thiết bị dởm để "đã bắt là dính" như ở Hải Dương mới bắt một đoàn Cảnh sát giao thông vừa qua.
Nhiều kịch tính lại được tái hiện qua phong trào này của ngành Công an.
Những màn rượt bắt, trấn áp, bỏ chạy, trốn tránh đã diễn ra đầy kịch tính. Những cú ngã, cú đạp, những thanh niên bỏ chạy thục mạng không kể chết, thậm chí đâm vào Cảnh sát giao thông xổ ra chặn ngang đường chạy và bị khởi tố không ít. Nhiều Cảnh sát giao thông còn hăng hái quá khi thi hành nhiệm vụ lại đã tự đâm vào cột bêtông để tự chết, tự bị thương đã xảy ra.
Những công dân ngoan ngoãn bỗng biến thành thế lực thù địch rất nhanh chóng chỉ bởi đưa lên mạng các thông tin về việc Cảnh sát giao thông đang đo nồng độ cồn đâu đó và nhắc nhở bà con cảnh giác, cẩn thận khi tham gia giao thông. Những khoản tiền phạt vì "làm lộ bí mật công tác" của Cảnh sát giao thông cứ nhiều thêm, đa dạng thêm và được đưa lên báo chí để dọa dẫm, để ngăn chặn hiện tượng làm bể nồi cơm của cảnh sát.
Theo thống kê từ Công an do đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông), cho biết : "Năm 2023 công an cả nước xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 6.500 tỷ đồng, tước hơn 664.000 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn một triệu phương tiện.
Trong đó, xử lý vi phạm về nồng cồn cao kỷ lục, hơn 770.000 trường hợp, tăng hơn 460.000 so với năm 2022. Người đi xe máy vi phạm chiếm phần lớn. (Hết trích)
Chỉ riêng 7 ngày Tết vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 71.400 trường hợp vi phạm và phạt tiền gần 182,5 tỷ đồng. Họ cũng tạm giữ gần 1.900 xe ô tô và hơn 34.000 xe mô tô, bên cạnh đó, Cảnh sát giao thông tước xấp xỉ 18.900 giấy phép lái xe các loại.
Thậm chí, trên diễn đàn Quốc hội, Bộ Công an còn Kiên quyết yêu cầu Quốc hội chấp nhận không được có nồng độ cồn cho người tham gia giao thông nghĩa là con số hứa hẹn rằng sẽ "Năm sau cao hơn năm trước" là điều chắc chắn.
Kết quả ?
Mặc dù ra quân rầm rộ và được hệ thống báo chí lăng xê, cổ vũ và bao che đủ cách, nhưng nhìn lại hiệu quả phong trào này, chúng ta thấy điều gì ? Báo chí phụ họa bằng những bài viết nêu những số liệu mà theo người dân thì những số liệu đó "từ trên trời rơi xuống".
Thật ra, số liệu đó không phải từ Trời nào rơi xuống mà từ Tuyên giáo và bộ phận chế tạo số liệu đưa ra. Thông Tấn Xã Việt Nam viết : "Bảy ngày tết, tai nạn giao thông tăng nhưng số người chết giảm sâu, đặc biệt số tai nạn do vi phạm nồng độ cồn giảm mạnh". Một số trang tin Việt Nam như Vietnamplus và VTC News lại đưa tin cho rằng so với Tết năm 2023, số người chết do tai nạn giao thông "giảm sâu" hoặc "giảm 24,38%".
Thế nhưng, những lời nói theo kiểu tuyên truyền ấy không thể thay đổi được bản chất vụ việc, mà bản chất thì nó thể hiện bằng những con số cụ thể.
Trang tin của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đặt vấn đề qua những con số đó như sau : "Có tới 214 người thiệt mạng trên toàn Việt Nam trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, nhiều báo trong nước dẫn thông tin do Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an đưa ra hôm 14/2. Ngoài những người tử vong còn có 504 người bị thương và hai con số vừa nêu là hậu quả của 541 vụ tai nạn giao thông, các trang tin của Lao Động, Quân Đội Nhân Dân, Vietnamplus và VTC News cho hay, dựa trên số liệu của công an.
Theo tìm hiểu của VOA, số người chết vì tai nạn giao thông trong dịp Tết mới đây cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước, là 89 người tử vong trong 7 ngày Tết Quý Mão 2023. Số vụ tai nạn và người bị thương của Tết năm nay cũng cao hơn hẳn các con số lần lượt là 152 vụ và 111 người hồi Tết năm ngoái.
Các con số của năm 2023 được Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam đưa ra hồi cuối tháng 1 năm ngoái. Xa hơn nữa, so với Tết 2022, các dữ liệu về tai nạn giao thông năm nay cũng cao hơn nhiều lần.
Nhiều phản ảnh trên báo chí cho biết rằng thậm chí nhiều người dân bị phạt oan, bị trị tội dù không uống giọt rượu nào mà sở dĩ đo nồng độ cồn vẫn dính là vì thức ăn lên men.
Cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông mới đây đều tăng cao như vậy làm dấy lên nhiều câu hỏi và thắc mắc trên mạng xã hội về hiệu quả của việc công an siết kiểm tra nồng độ cồn bấy lâu nay, theo quan sát của VOA"…
Những con số đó là do Công an đưa ra công bố, những lời biện bạch là do công an nói ra, hệ thống báo chí chỉ minh họa lại. Thế nhưng, chẳng lẽ cả hệ thống công an lẫn báo chí đều học dốt nát môn toán đến vậy, để đưa lên công luận những con số trái ngược bản chất ?
Câu hỏi này vẫn không có lời giải xưa nay.
Như vậy, dù đã phát động rầm rĩ, tung hứng đủ cách, gây những xáo trộn khôn lường, tiền bạc đổ ra vô khối, nhưng kết quả là con số… âm.
Vậy thì phát động này có tác dụng gì và có cần thiết không ? Vì sao vẫn cứ tiếp tục hoặc không thay đổi ?
Hậu quả
Chưa cần nói đến sự xáo trộn xã hội, đến hàng loạt người bị phạt, bị công an "làm việc" vì báo chốt cảnh sát, vì "Thông chốt", vì "Chống người thi hành công vụ" và nhiều người đã được tiễn đi sang thế giới bên kia qua phong trào này. Chỉ cần xét một khía cạnh kinh tế đời sống xã hội, ta thấy gì ?
Trước hết, là ngành rượu bia đã là ngành hứng chịu hậu quả đầu tiên.
Ai cũng biết điều này : Ngày 02/09/1945, tại Hà Nội, trong bản "Tuyên ngôn Độc lập", Hồ Chí Minh tố cáo Thực dân Pháp rằng : "Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược".
Ngày 02/09/1945, tại Hà Nội, trong bản "Tuyên ngôn Độc lập", Hồ Chí Minh tố cáo Thực dân Pháp rằng : "Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược".
Thế rồi nhờ ơn Đảng, đến hôm nay, theo TTXVN, Việt Nam đã được xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 Châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia. Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam là 8,3 lít, tương đương với 170 lít bia, tức khoảng 470 chai bia mỗi năm.
Chỉ riêng năm 2015, Việt Nam sản xuất 3,4 tỉ lít bia, 70 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 250 triệu lít rượu thủ công.
Còn thuốc phiện hầu như không còn được nói đến là tệ nạn, bởi ngày ngay thanh niên đã tiến lên sử dụng ma túy và Phó Thủ tướng vừa cho biết là ngày xưa bắt ma túy với khối lượng tính bằng gram, bằng lạng còn ngày nay đã tính bằng tạ, bằng tấn.
Xét về mức độ mà Hồ Chí Minh gọi là "đầu độc để làm cho nòi giống ta suy nhược" thì Thực dân Pháp chỉ là con tép so với đảng ta" là con cá voi, con sư tử biển.
Và chuyện "đầu độc, làm cho nòi giống suy nhược" đã bị loại ra khỏi quan niệm của "lãnh đạo đảng và nhà nước ta" từ lâu. Các nhà máy bia liên tiếp mọc lên như nấm, rượu cồn chẳng ai thèm kiểm soát, quan chức đi chúc tết cơ quan, cán bộ bằng rượu ngoại… những tiếng hò hét "Dô, dô…" vẫn ồn ào lay động Hà Nội, Sài Gòn và khắp đất nước ta.
Thậm chí, có những tỉnh như Hà Tĩnh còn có văn bản, công văn buộc cán bộ, nhân viên, nhà hàng phải sử dụng bia rượu được tỉnh bảo trợ, kỷ luật nặng những thầy, cô giáo không chịu uống bia rượu đã chỉ định.
Bởi thế, cho nên khi Công an "triệt để ngăn chặn" việc có nồng độ cồn khi tham gia giao thông bằng cách đứng rình mở mỗi con đường, mỗi ngõ phố, đằng sau mỗi nhà hàng, mỗi quán ăn… thì ngành bia, rượu lãnh đủ đầu tiên.
Báo chí cho biết : "Từng uống bia nhiều thứ hai Đông Nam Á với 170 lít/người/năm, nay tình trạng người tiêu dùng ngại uống bia kéo dài đã kéo tụt doanh thu của Sabeco, Habeco, Heineken. Thị trường tiêu thụ suy yếu nhiều hơn ở các dòng bia phân khúc cận cao cấp như Tiger, và mức giảm thấp hơn ở các dòng bia phổ thông như 333, Lager, Lạc Việt...
Và : "Năm 2023 'thổi bay' 10.000 tỷ của các doanh nghiệp bia : 333, Lạc Việt, Tiger doanh số đều sụt giảm, Heineken từ Top 5 nộp thuế nhiều nhất Việt Nam nay 'bay màu' khỏi Top 10".
Theo thống kê, sự sụt giảm liên tục khiến doanh thu cả năm 2023 của các doanh nghiệp ngành bia sụt xuống hơn 45.000 tỷ đồng từ mức hơn 55.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh hơn với tốc độ giảm hơn 23%, còn chưa tới 5.100 tỷ đồng.
Hệ quả
Như vậy, khi phong trào triệt để bắt phạt về nồng độ cồn được phát động đến nay, xã hội bấn loạn, công an tha hồ hoành hành đủ mọi nơi, mọi chỗ và được thoải mái hành động thì các ngành kinh tế như nhà hàng, ăn uống, du lịch theo đà lao dốc. Các ngành kinh tế khác có liên quan cũng lao đao không kém. Riêng ngành bia, rượu, chỉ tính sơ sơ cũng đã mất đi cả chục ngàn tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh hơn với tốc độ giảm hơn 23%.
Thế nhưng, cũng số liệu công an cho biết : năm 2023, Công an đã phạt tiền hơn 6.500 tỷ đồng, tước hơn 664.000 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn một triệu phương tiện. Trong đó, xử lý vi phạm về nồng cồn cao kỷ lục, hơn 770.000 trường hợp, tăng hơn 460.000 so với năm 2022.
Điều đó có nghĩa là gì ?
Một năm, hơn 6.500 tỷ đồng tiền phạt là con số "có giấy tờ", nghĩa là người dân đóng phạt qua biên bản của Cảnh sát giao thông. Nó cũng đồng nghĩa là con số gấp nhiều lần như vậy đã không được lập biên bản, không được nộp phạt mà tự động chảy vào túi các Cảnh sát giao thông theo quy tắc mãi lộ thông thường tại Việt Nam.
Hình ảnh Cảnh sát giao thông Hà Nội nghi nhận hối lộ cắt từ clip
Đừng nghĩ là số tiền hơn 6.500 tỷ đó vào ngân sách nhà nước, nghĩa là đóng góp vào tài sản quốc gia mà vội mừng. Số tiền đó lại được chuyển về cho ngành công an tiêu dùng. Nghĩa là dù mãi lộ trực tiếp hoặc gián tiếp nộp vào kho bạc thì tất cả đều quay lại và chảy vào túi Công an.
Và điều đó, nó phù hợp với Đinh luật bảo toàn vật chất, nghĩa là đồng tiền trong xã hội không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ túi này sang túi khác mà thôi.
Ở đây, thì nó chui vào túi công an.
Thế nên, không có gì khó hiểu khi mà cả hệ thống công an, từ trên xuống dưới đã ra quân hùng hậu, tấn công kiên quyết, bắt phạt triệt để… không kể ngày đêm, dù tổng kết lại thì chẳng để làm gì khi mà tai nạn vẫn cứ tăng đều.
Bởi :
"Thớt có tanh tao, ruồi đổ đến
Ang không mật mỡ, kiến bò chi"
(Ca dao)
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 22/02/2024