Đang có những dấu hiệu khá rõ cho thấy sau một thời gian “lúng túng như gà mắc tóc”, giới lãnh đạo chóp bu Việt Nam có thể đã phát ra chủ trương thừa nhận không chỉ khái niệm mà cả thực thể hoạt động của “xã hội dân sự” (xã hội dân sự).
Nhưng chưa có gì đáng vui cho giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, bởi thái độ thừa nhận trên mới chỉ áp dụng cho đối tượng “xã hội dân sự quốc doanh”.
Những kẻ tiếm danh
Hai tháng sau khi Trưởng ban tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng phát ra tín hiệu về “đối thoại với những cá nhân khác biệt về quan điểm và đường lối”, báo Quân Đội Nhân Dân ngày 17/7/2017 đã có bài chính thức xác nhận : “Về bản chất, xã hội dân sự có nhiều điểm tích cực ; đó là hoạt động trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý vì mục tiêu khẳng định quyền làm chủ của nhân dân đối với xã hội và Nhà nước”.
Theo cách nhìn của tờ báo được xem là “kiên định xã hội chủ nghĩa” trên, “xã hội dân sự hiểu một cách phổ thông là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của người dân như : Công đoàn, hợp tác xã, nhóm v.v.. thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước. Đó là tổng thể các quan hệ và mạng lưới các tổ chức, hội, nhóm xã hội được hình thành và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý, cùng với Nhà nước kiểm soát và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ nhằm duy trì sự ổn định, cân bằng và phát triển bền vững của Nhà nước và xã hội. xã hội dân sự có các đặc trưng cơ bản là : Các tổ chức, hội nhóm nằm ngoài Nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, độc lập về tài chính ; quy mô, hình thức tồn tại, thiết chế tổ chức đa dạng ; mục tiêu chung vì sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Theo phân tích trên thì ở Việt Nam gồm có các loại tổ chức xã hội dân sự : Các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nhân đạo, từ thiện, hữu nghị ; các tổ chức cộng đồng theo dòng tộc, sở thích ; các tổ chức dịch vụ công không do Nhà nước lập ra... Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nước ta có gần 18 tổ chức công đoàn ngành, 400 hội, hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội”.
Vậy là kể từ nay trở đi, toàn bộ khối hội đoàn nhà nước sẽ được mang một cái tên lạ hoắc : Xã hội dân sự.
Có thể đánh giá rằng đây là lần đầu tiên từ trước đến nay, dù chẳng có văn bản nào tuyên bố chính thức, chính quyền đã gần như chính thức tiếm danh, hay nói theo dân gian là “nhận vơ” khái niệm “xã hội dân sự” của phương Tây để dùng cho những “cánh tay nối dài của đảng” - theo phương châm “tay không bắt giặc”, hoặc hiểu thâm thúy hơn là “lấy mỡ nó rán nó”.
Thái độ có vẻ “cởi mở chính trị” như thế lại gần giống với hình ảnh “quay đầu” nếu đối chiếu với thời gian từ năm 2013 trở về trước, cũng những tờ báo chuyên chính như Quân Đội Nhân Dân và Nhân Dân còn đăng những bài viết hằn học mang tựa đề “‘Xã hội dân sự’ - một thủ đoạn của Diễn biến hòa bình” và quy thẳng xã hội dân sự vào “thế lực phản động nước ngoài”.
Vì sao phải tiếm danh ?
Chỉ từ cuối năm 2013 khi giới cầm quyền Việt Nam chính thức được chấp nhận trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc và bắt đầu phải trải qua những cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát về “thành tích thực hiện nhân quyền”, trên mặt báo đảng mới thưa dần lối quy chụp xã hội dân sự với “thế lực thù địch”. Thậm chí thi thoảng một tờ báo nhà nước còn bạo phổi đăng nguyên văn từ “xã hội dân sự”, tuy sau đó bị cơ quan tuyên giáo tuýt còi và xóa mất từ ngữ hay ho này. Thái độ của giới quan chức nói chung đối với các tổ chức xã hội dân sự bắt đầu có nét thay đổi : vẻ thù địch và coi thường trước đó chuyển sang “nghiên cứu về xã hội công dân”.
Sau chuyến đi Hoa Kỳ của nhân vật số 2 Việt Nam là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7/2013, cùng với quyết tâm “không gì lay chuyển nổi” phải vào được Hiệp định TPP để cứu vãn nền kinh tế chỉ chực chờ lao xuống vực thẳm, Hà Nội lần đầu tiên đã phải nín tiếng trước sự ra đời của hàng loạt tổ chức xã hội dân sự mà không dám bắt bớ và thẳng tay vi phạm nhân quyền như từ năm 2012 về trước.
Chỉ trong thời gian khoảng một năm từ giữa 2013 đến giữa 2014, xã hội Việt Nam đã hình thành trong lòng nó hơn hai chục tổ chức xã hội dân sự - tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do văn học, tự do tôn giáo, tự do biểu tình, nhân quyền dân oan đất đai, nhân quyền, tù chính trị… Về thực chất, khối xã hội dân sự độc lập đã chính thức hình thành như thế ở Việt Nam.
Trong giai đoạn 2013 - 2016, cứ mỗi năm lại xuất hiện vài dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam “sắp công nhận xã hội dân sự”. Tuy nhiên, quá trình này “bò” rất chậm chạp, cho dù từ năm 2016 giới Công giáo Vinh và những tỉnh kề cận như Hà Tĩnh, Quảng Bình đã chính thức “thực thi Luật Biểu tình của công dân theo Hiến pháp” bằng phong trào rộng lớn phản kháng quốc nạn ô nhiễm do nhà máy Formosa gây ra cùng nạn tiếp tay của một số giới chức trong chính quyền, bất chấp dự luật Biểu tình cho đến nay vẫn bị Quốc hội treo suốt một phần tư thế kỷ kể từ Hiến pháp năm 1992.
Trên thực tế, không chỉ các tổ chức xã hội dân sự độc lập mà đã ra đời ngày càng nhiều những loại hình tổ chức dân sự tự phát của người dân - như một sự tập hợp về nhân lực và vật lực để đấu tranh với chính quyền về những hậu quả trưng thu đất đai, ô nhiễm môi trường, “người dân tự chết trong đồn công an”… Từ năm 2015 đến nay, tần suất phát sinh hậu quả các vấn đề đất đai và môi trường đã dày đặc hơn hẳn thời gian trước. Ngày càng hiện ra nhiều hơn các địa chỉ phản kháng mới ở nhiều tỉnh và thành phố. Không khí phản ứng và phản kháng ngày càng sôi sục, dễ kích nổ và luôn có thể bùng phát. Tiếp nối phong trào biểu tình phản kháng Formosa ở miền Trung, vụ người dân xã Đồng Tâm ở ngay Hà Nội bắt giữ cả một trung đội cảnh sát cơ động và sau đó “rào làng chiến đấu” vào tháng 4/2017 là một minh chứng về “điểm tới hạn” của phản kháng xã hội, rất gần với hành động “khởi nghĩa” đối với chế độ cầm quyền.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay lại chứng kiến một hình ảnh “thoái trào” của nước Mỹ về quan điểm nhân quyền đối với Việt Nam. Đây cũng là khoảng thời gian mà tác động quốc tế về nhân quyền đối với giới chóp bu Hà Nội có phần bị giảm sút. Vì thế, ẩn số cần được giải đáp là vì sao trong bối cảnh không phải chịu nhiều áp lực quốc tế, đặc biệt từ Mỹ, chính quyền Việt Nam lại vẫn dần thừa nhận xã hội dân sự ?
Có những nguyên do ẩn giấu của thái độ thừa nhận hết sức miễn cưỡng trên.
“Tháo ngòi nổ”
Một nguyên do phụ nhưng không phải không quan yếu : ngân sách nhà nước đã quẫn bách đến mức không còn có thể cấp chi hàng năm đến 71.000 tỷ đồng, chiếm tới 1,7% GDP quốc gia. Từ năm 2015 đến nay, nhiều “cánh tay nối dài của đảng” - một cụm từ hoa mỹ đặc tả các hội đoàn quốc doanh - đã bị cắt giảm kinh phí hoạt động từ 40-50%, tạo ra triển vọng sẽ còn bị cắt ngân sách nhiều hơn nữa từ năm 2017 trở đi.
Nếu chủ trương “xã hội dân sự quốc doanh” hình thành và được triển khai một cách chính thức, nhiều khả năng sẽ chỉ có 6 tổ chức chính trị - xã hội quan trọng nhất của đảng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn nhận được kinh phí ngân sách. Trái lại, phần lớn hội đoàn nhà nước sẽ bị đẩy sang khu vực xã hội dân sự mà do vậy phải tồn tại trên tinh thần “tự thu tự chi” - một phương cách khiến ngân sách nhà nước thắt bóp tiền bạc để bù đắp cho các khoản “chi thường xuyên” cho đội ngũ công chức gần 3 triệu người cùng khối công an, quân đội.
Nhưng “tháo ngòi nổ” mới là nguyên do chính yếu của thái độ thừa nhận xã hội dân sự.
Từ trước tới nay, một trong những thủ pháp - thủ đoạn của chính quyền vẫn thường áp dụng trong các chiến dịch “tháo ngòi nổ” là sử dụng các tổ chức hội đoàn quốc doanh để “dân vận”, không để tâm lý người dân - nạn nhân kịp biến thành bùng nổ mà sẽ quá khó để kiểm soát hay đàn áp.
Ngay trước mắt, chính quyền phải làm thế nào để đưa ra một số tổ chức hội đoàn có nguồn gốc nhà nước sang khu vực “xã hội dân sự”, nhưng là xã hội dân sự của nhà nước - như một bằng chứng để chứng minh với người dân và trí thức trong nước về thái độ “cởi mở dân chủ” của đảng và chính quyền, đồng thời chứng minh cho quốc tế thấy rằng Việt Nam tôn trọng nhân quyền và đòi hỏi về xã hội dân sự của nhiều nước trên thế giới…
Nhiệm vụ tính đảng
Trong trung hạn, khối “xã hội dân sự quốc doanh” có một nhiệm vụ mang tính đảng rất đặc biệt : làm sao phải cố gắng lấn át khối “xã hội dân sự độc lập”, không để các tổ chức xã hội dân sự độc lập và những người tranh đấu cho dân chủ nhân quyền phát triển được ảnh huởng vào quần chúng.
Đó cũng là nguồn cơn để mặc dù gần như chính thức tuyên bố chấp nhận xã hội dân sự, bài viết trên Quân Đội Nhân Dân ngày 17/7/2017 vẫn rút tít : “Phòng, chống hoạt động lợi dụng xã hội dân sự để chống phá Đảng, Nhà nước”, cùng đoạn nhấn mạnh “Trong Chiến lược “Diễn biến hòa bình” với nước ta, các thế lực thù địch triệt để sử dụng các thủ đoạn phi quân sự, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... để phá hoại từ bên trong nội bộ, hòng tạo ra lực lượng chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước. Trong đó, chúng đặc biệt quan tâm, lợi dụng xã hội dân sự (xã hội dân sự)”.
Vẫn chưa có gì đáng mừng với giới đấu tranh dân chủ nhân quyền, bởi sắp tới sẽ là một thử thách mới : cuộc cạnh tranh đầy tính đố kỵ lẫn thủ đoạn chơi xấu của chính quyền và “xã hội dân sự quốc doanh” đối với “xã hội dân sự độc lập”.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 26/07/2017