Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/02/2024

Hà Nội muốn trở lại thời Pháp thuộc qua cách đặt tên bến tàu, bến xe

Diễm Thi - Tuấn Khanh - Gió Bấc - Diễm Thi

Đổi "bến" thành "ga" nằm trong kế hoạch xóa ký ức người Sài Gòn ?

Diễm Thi, RFA, 29/02/2024

Bến Bạch Đằng là một địa danh của Sài Gòn từ lâu. Hình ảnh bến tàu tấp nập, nhộn nhịp đã in sâu vào tâm trí của người dân Sài Gòn. Bỗng nhiên gần đây, người Sài Gòn thấy bảng hiệu "Ga tàu thủy Bạch Đằng" thay cho bến tàu thưở nào. Nhiều người bày tỏ phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội đối với sự thay đổi đó.

benbachdang7_IUQL

Bến Bạch Đằng là một địa danh của Sài Gòn từ lâu. 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nói với RFA suy nghĩ của ông :

"Các ngôn ngữ khi phát triển sẽ gây ra phản ứng với cộng đồng đã quen với cách dùng cũ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nếu những từ ngữ cần thiết, ví dụ trong ngành khoa học họ buộc lòng phải sử dụng một cách gọi mới không quen thuộc với quần chúng, nhưng vì cái giá của sự phát triển, buộc lòng người ta phải làm như vậy.

Ở đây thì khác. Ở đây là những từ ngữ đã quen thuộc và cũng không gây ra cái khó khăn gì trong việc tiếp nhận cả. Cho nên gọi là ga tàu thủy để cho người ta phản ứng như vậy thì có đáng không ? Thực sự là để phát triển tiếng Việt hay là do kém tiếng Việt ?

Bến tàu thủy là cách nói quen thuộc và không gây hiểu lầm, lý do gì mà lại bỏ chữ bến lấy chữ ga, thành ra cái giá trả nó lớn mà không cần thiết".

Trên mạng xã hội, một số câu thơ, câu hát được thay từ "bến" thành "ga" với ý mỉa mai như : "Làm thân con gái mười hai ‘ga’ nước" ; "Qua ‘ga’nước xưa lá hoa về chiều" (lời bài hát Nắng chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác năm 1952). Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc bày tỏ quan điểm bằng một "câu hỏi trắc nghiệm môn Lịch sử năm 2024" trên facebook của ông hôm 28 tháng 2 năm 2024 :

"Ngày 5/6/1911 người thanh niên yêu nước Văn Ba ra đi tìm đường cứu nước từ :

1. Bến Bạch Đằng.

2. Bến Nhà Rồng.

3. Ga tàu thủy Hiệp Bình Chánh.

4. Hỏi lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh".

Ông nói thêm với RFA :

"Tôi không biết giới lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh có chỉ đạo hay không hay đơn vị đầu tư họ thích sao thì đặt như vậy. Giở lại lich sử Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh 300 năm, kể từ năm 1698, trong tác phẩm nổi tiếng nghiên cứu lịch sử và văn hóa ở miền Nam, đó là quyển Gia Định Thành Thông Chí, người ta ghi rất rõ là "trên bến dưới thuyền". Còn đằng này, tôi nghĩ người đặt ra cái "Ga tàu thủy Bạch Đằng" hay "Ga tàu thủy Thủ Thiêm"… không hiểu gì về ngôn ngữ và văn hóa của vùng đất mới. Và họ cố áp đặt cái sự dốt nát của họ cho nền tảng văn hóa Sài Gòn 300 năm.

Ở đây tôi trách là trách lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Họ có người phụ trách về lãnh vực văn hóa, giáo dục ; họ có hàng trăm trường đại học, có trường Đại học văn hóa, có trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của Việt Nam, của những vùng đất mới. Nhưng tất cả đều không lên tiếng mà để mặc cho mạng xã hội lên tiếng chế diễu, kêu ca và đặt vấn đề.

Phải chăng trí thức Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là dốt hết hay sao ? Tôi nghĩ, phải chấm dứt vấn đề đem cái sự dốt nát của cá nhân áp đặt lên cái văn hóa của quần chúng, của xã hội".

Truyền thông Nhà nước hôm 29 tháng 2 cho hay, sau khi nhận được góp ý về việc đặt tên cho bến tàu trên sông khu vực bến Bạch Đằng là 'ga tàu thủy Bạch Đằng' chưa phù hợp, chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1, ông Nguyễn Kim Toản, đã cho tháo gỡ cụm từ ga tàu thủy và sẽ đổi tên hàng loạt các biển thành bến tàu như cũ. Ông Toản thừa nhận thay đổi do người dân góp ý.

Báo Tuổi trẻ dẫn lý giải của ông Toản : "Khi đặt tên cho các bến, thấy không ai nói gì nên chúng tôi sử dụng luôn. Hiện tại chúng tôi lắng nghe, với tiêu chí luôn hướng về điều đúng. Do đó, tư vấn sai thì giờ chúng tôi bắt đầu sửa lại".

Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với RFA quan điểm của ông :

"Thực ra, việc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi những tên gọi, những địa danh đã xảy ra ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 rồi. Đó là thay đổi tên Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn thành Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng đó là một cái kế hoạch lâu dài và họ xóa bỏ tất cả những địa danh rất thân thương, yêu mến của người dân Sài Gòn.

Đối với địa danh Bến Bạch Đằng, từ xưa nó đã trở thành một cái tên gọi thân quen trong thơ ca, nhạc, họa… Mỗi lần sửa sang, thay đổi là họ xóa luôn những địa danh cũ, chẳng hạn trước đây có Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử, Bến Bình Đông, Bến Vân Đồn… bây giờ họ xóa Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử thay bằng đường Võ Văn Kiệt. Thế hệ trẻ không biết đến hai bến này nữa.

Đối với từ "bến", đó là tình cảm của người Sài Gòn nói riêng và người Nam Bộ nói chung. Cho nên, việc thay Bến Bạch Đằng thành Ga tàu thủy Bạch Đằng là một hành vi cụ thể trong một loạt hành vi thay tên khác làm xóa đi ký ức và lịch sử về Sài Gòn".

doiten1

Hình ảnh buôn bán trên vỉa hè Sài Gòn năm 1972 - AFP

Cái tên Sài Gòn chính thức bị khai tử bởi Quốc hội Việt Nam vào ngày 2 tháng 7 năm 1976. Đô thành Sài Gòn bị đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo truyền thông Nhà nước, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp chính là người đầu tiên đã đưa ra ý tưởng đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8 năm 1946, nhân kỷ niệm một năm chính quyền cách mạng. Trong buổi họp này, sau khi kể một vài thí dụ ở những nước lớn hay lấy tên những vị anh hùng để đặt cho một thành phố lớn, bác sĩ Nghiệp đề nghị đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh để ghi lấy công đức của Hồ Chủ tịch.

Trải qua gần nửa thế kỷ mang tên mới, cái tên Sài Gòn vẫn trong tâm trí, trong cách gọi của rất nhiều người Việt Nam ở cả trong nước lẫn ngoài nước. Nhà báo Đinh Quang Anh Thái từng nói với RFA rằng, Sài Gòn là một thành phố có chiều dài lịch sử lâu đời và gắn bó liên tục với nhiều thế hệ người Việt Nam từ trước năm 1975, không chỉ riêng với người miền Nam mà với cả đồng bào miền Bắc và Sài Gòn đã trở thành biểu tượng của cả một nền văn hóa. Ông Thái gọi việc đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh là một sự cưỡng chiếm.

Diễm Thi

Nguồn : RFA ; 29/02/2024

*****************************

'Ga tàu thủy Bạch Đằng' và sự áp đặt ngôn từ

Tuấn Khanh, BBC, 29/02/2024

Dòng chữ 'Ga tàu thủy' xuất hiện ngay trung tâm Sài Gòn đã làm dậy lên tranh luận trên mạng xã hội. Từ Sài Gòn, nhạc sĩ Tuấn Khanh gửi cho BBC News tiếng Việt những suy ngẫm của ông về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ lạ lẫm này.

datten1

Ga Tàu thủy Thủ Thiêm

Sau khi vấp phải phản ứng dư luận, dòng chữ "ga tàu thủy" đã được dỡ bỏ, dự kiến sẽ được thay bằng "bến tàu" Bạch Đằng

Từ bài viết của tác giả Nguyễn Gia Việt trên mạng Facebook, càng xót xa trước hình ảnh "ga tàu thủy" ở bến Bạch Đằng.

Trong suốt mấy ngày, sự bất bình của người Sài Gòn nói chung – hay nói đúng hơn là của người miền Nam ngày càng dậy lên về một cảm giác mất mát, xa lạ với những điều như đang áp đặt trong đời sống qua nhiều thập niên.

Ga tàu thủy, là sản phẩm của công ty Saigon Waterbus nằm trên bến Bạch Đằng, có từ tháng 3 năm 2022. Đây vốn là nơi vãn cảnh, qua lại của người Sài Gòn từ suốt nhiều năm, cho đến cho đến một ngày xuất hiện cách gọi tên lạ lùng này.

"Ga tàu thủy" đột nhiên trở nên ngày càng "chướng mắt" hơn với những người miền Nam vốn đang lo ngại làn sóng ngôn từ, phong cách và cả tư duy khác biệt đang dần xuất hiện ở mọi nơi, có khả năng biến một vùng đất có bản sắc hết sức riêng trở nên nhạt nhòa dần.

datten2

Dòng chữ "ga tàu thủy" vừa được hạ xuống

Bến Bạch Đằng hay đường Tự Do, cầu Công Lý, bùng binh cây liễu Sài Gòn, thương xá Tax… là những nơi đã ăn sâu vào tâm khảm con người sống ở vùng đất này từ hơn nửa thế kỷ. Tất cả những địa danh đó gắn liền với nhiều thế hệ sống ở đây, lẫn những người tìm đến mưu sinh, thay đổi cuộc đời mình. Thậm chí trong di sản văn hóa riêng của thời Việt Nam Cộng Hòa, văn chương, âm nhạc… cũng được nhắc tên một cách đầy thương nhớ.

Vùng đất này có sự tự hào của tầng lớp cư dân của nó, như người Đà Nẵng nói về sông Hàn, như người Hà Nội nói về 36 phố phường của mình.

Nhưng riêng người Sài Gòn thì chứng kiến những đổi thay chóng mặt : như xóa tên, chặt bỏ cây xanh cho dự án… và những lời phản đối của người dân đều chìm trong các quyết sách đanh thép. Thậm chí, thỉnh thoảng người ta còn được nhìn thấy sự mạo danh trong thành ngữ mới, quen thuộc như "được sự đồng ý của đông đảo quần chúng nhân dân".

Nhưng những thay đổi đến trước, gây ngỡ ngàng trước, là ngôn từ.

Vài năm trước, nhiều người Sài Gòn từng một phen ngỡ ngàng trước những tấm bảng chỉ đường đề "vòng xuyến" thay cho "vòng xoay" hay "bùng binh".

Một người nói trên báo Tuổi Trẻ : "Tôi sống ở Sài Gòn từ những năm 1960 đến nay, cũng quen gọi bùng binh, nghe vòng xuyến thấy nó kỳ kỳ !"

Nhiều năm trước, trong một lần ra chợ, cô bán hàng trẻ có giọng Nam, khi tính tiền đã nói với tôi bằng đơn vị "nghìn". Tôi ngạc nhiên hỏi cô quê ở đâu, thì được cho biết là ở Long An. "Sao em không nói 'ngàn', đó mới là tiếng miền Nam chứ ?", tôi hỏi. Cô gái bối rối và nói do bị quen miệng thôi.

Miền Nam từ sau năm 1975 tràn ngập trên truyền hình, báo chí những ngôn từ được "thống nhất", theo ý chí của những người đứng đầu các cơ quan đó, vốn thiếu ý thức về bản sắc địa phương và lòng tự trọng của người sống trên vùng đất đó.

datten3

Bảng tên ở Bến Bạch Đằng đang chờ được điều chỉnh

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn có nói về lòng tự trọng của những người làm ăn, có quyền chức… ở miền Nam và cũng có thể là người miền Nam gốc, nhưng chỉ thích chạy theo những ngôn từ, trào lưu mới mà không hiểu mình đã đánh mất bản sắc như thế nào

Đúng là cái tệ hại hơn hết là của những người là cư dân lâu đời ở miền Nam mà đánh mất lòng tự trọng riêng về bản chất, là học đòi theo cách "thống nhất" ngôn ngữ, mà coi là tự làm mới mình.

Một trong những tai hại của vấn đề "thống nhất" ngôn ngữ, đè bẹp địa phương tính, có thể tìm thấy ngay trên hệ thống Google.

Khi dùng tính năng voice to text, những tính từ và danh từ riêng của miền Nam hầu như luôn bị nhận dạng sai, do dữ liệu nguồn ban đầu không có. Trong nhiều năm, người miền Nam phải lặng lẽ nói, sửa để tạo nguồn bổ sung trên hệ thống này để giảm bớt sự "kỳ thị" của dữ liệu tin học.

Và sự thống nhất ngôn ngữ cũng dẫn đến những thắc mắc đơn giản như, vì sao tiếng Việt Google chỉ có duy nhất giọng Bắc ?

datten4

Người Sài Gòn gọi đường chứ không gọi phố, gọi hẻm chứ không gọi ngõ

Thật ra, sự khó chịu về "ga tàu thủy" chỉ là một trong những cột mốc xung đột về khác biệt văn hóa lâu nay. Từ giữa những năm 1990, người Việt hải ngoại đã có hẳn một phong trào hạn chế sử dụng những ngôn ngữ mới trong nước, vốn được in vào cả sách giáo khoa chung cả nước. Ngôn ngữ bị choàng vào nó các nhận định chính trị, những xáo trộn của đời sống và văn hóa.

Một lần trong quán cà phê tại Little Saigon, California, Mỹ, tôi và những người bạn đã chứng kiến tất cả ánh mắt lạ lùng trong quán, xoay qua nhìn một chú lớn tuổi - nhìn cách ăn mặc có vẻ như là một cán bộ mới sang định cư và hội nhập - khi chú kêu lên "này em, thanh toán".

Thật sự khác biệt ! Nếu không nói là một "cú sốc" nơi vùng đất mà ngôn từ miền Nam được giữ chặt. Bởi lẽ thường, ở đó, người ta vẫn hay nói "cho tính tiền" - và "cho", giống như "please" của dân bản xứ. Không có thống kê nào cụ thể về sự thất lạc, phai nhạt của ngôn từ bản sắc miền Nam trong những năm qua.

Trong đại dịch, khi bí thư Nguyễn Văn Nên nói "xin người dân lượng thứ", đã có vô số người miền Nam bùi ngùi, vì ít nhất là qua muôn trùng vây hãm, sống chết, cũng an ủi được một chút khi nghe chữ quen thuộc, ấm áp của vùng đất mình : "lượng thứ", có thể nói nhiều năm lắm rồi, mới nghe lại được trên hệ thống truyền thông.

Từ năm 2000, truyền hình quốc gia VTV nghiên cứu về việc không hiểu sao giờ thời sự chính, người miền Tây không ai coi. Kết quả của thăm dò cho thấy những cụ ông, cụ bà - khán giả trung thành với truyền hình - thường chuyển kênh, vì "họ nói khó nghe quá, như tiếng ngoài".

Về sau, VTV tuyển hẳn một nữ phát thanh viên nói giọng Nam, xen kẽ trong các giờ thời sự. Tình hình có vẻ cải thiện được một thời gian nhưng rồi đâu lại vào đó. Vấn đề chính, là những từ ngữ mới, không quen khiến không thu hút được.

datten5

Việc điều chỉnh bảng tên sẽ được thực hiện tại tất cả các bến trên dọc tuyến như Thủ Thiêm, Bình An, Hiệp Bình Chánh...

Trong làn sóng chỉ trích, người sống ở miền Bắc cũng nhận ra điều quái dị trong tên gọi "ga tàu thủy", như nhà văn Thái Hạo và xác định là cách "bịa" ra từ ngữ, chứ không phải là vấn đề Bắc - Nam.

Nhưng đáng buồn, "bịa" ra từ ngữ như đang trở thành khuynh hướng ở mọi giai tầng, bất chấp sự ngớ ngẩn của ý nghĩa. Rất nhiều người Việt của cả mọi miền đã cười mỉm khi nghe những câu như "sai phạm nhưng không vụ lợi", "nâng đỡ không trong sáng".

Rõ là trên mặt bằng "thống nhất ngôn ngữ", tiếng Việt của cha ông đang bị thao túng, lạm dụng với tầm hủy hoại, thì thử hỏi, ngôn ngữ bản sắc địa phương nhạt nhòa, có gì là lạ ?

Tuấn Khanh

Nguồn : BBC, 29/02/2024

***************************

"Ga Tàu Thủy Bạch Đằng" : ai là tác giả ?

Gió Bấc, RFA, 29/02/2024

Mấy ngày qua mạng xã hội sôi sùng sục vì hình ảnh biển hiệu trái tai gai mắt "Ga Tàu Thủy Bạch Đằng". Người Việt xưa nay quá quen với từ BẾN gắn với nơi ghe tàu neo đậu đón khách, tiếp nhận bốc dỡ hàng hóa như bến sông, bến tàu, bến cảng. Sài Gòn có biết bao nhiêu cái Bến : Bến Nghé, Bến Hàm Tử, Bến Chương Dương, Bến Vượt (Củ Chi) quan trọng nhất là Bến Nhà Rồng… Miền Bắc cũng đâu thiếu Bến. Bến Thủy di tích phong trào Xô Viết Nghệ Tỉnh đã thành tên một phường của thành phố Vinh. Hà Nội vẫn xài Bến Chèm, Bến Phà đen, Hải Phòng vẫn gọi Bến Bính.

datten6

"Ga Tàu Thủy Bạch Đằng" : ai là tác giả ?

Riêng Bến Bạch Đằng ở Sài Gòn đã thành đia danh quen thuộc, cảnh quan đặc trưng. Hơn thế nữa, nơi đây có tượng đức Trần Hưng Đạo uy nghi, từng bị dời lư hương gây xáo động lòng người nên càng thêm nhạy cảm. Bến Bạch Đằng của Sài Gòn không chỉ là cái tên vô cảm mà mang hơi thở của lịch sử, tâm thức giữ nước của cha ông truyền lại. Biển hiệu Ga Tàu Thủy Bạch Đằng xa lạ lừng lửng phá nát không gian quen thuộc cứ như cái gai đâm vô mắt vô tim, như thách thức lòng dân.

Nhà báo Tâm Chánh, nguyên Tổng Biên Tập báo Sài Gòn Tiếp Thị lừng lẫy một thời đã lên tiếng cảnh báo một dự cảm chính trị tinh tế "Các anh chị lãnh đạo Sài Gòn đừng giỡn, đề biển Bến tàu Bạch Đằng là Ga tàu thuỷ Bạch Đằng. Mất gốc đó đa !" (1)

Nhà thơ Đỗ Trung Quân hóm hỉnh viết stt diễn dịch hệ quả trớ trêu của việc quy đổi từ Bến thành Ga trong âm nhạc "Thí sinh cho biết tên ca khúc của ns Văn Cao - Phạm Duy mở đầu bằng " nhà tôi bên chiếc cầu soi nước …"

- GA XUÂN !

Hãy điền vào chỗ trống ca từ của "Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi ! Sài Gòn ơi ! " (Y Vân)

"dừng chân trên … khi chiều nắng chưa phai…"

- dừng chân trên GA khi chiều nắng chưa phai…" (2)

Sài Gòn Đẹp Lắm - Phương Vy (Cô Ba Sài Gòn Version)

Thật vậy, với lo gích đó, đâu chỉ có bài Bến Xuân đổi thành Ga Xuân, đâu chỉ "dừng chân trên Bến" mà cuộc cách mạng ngôn từ này sẽ làm đảo lộn bao nhiêu danh tác khác như "khi xuân sang trên Ga cảng…". "Ga nước gió rét đò đưa khách sang sông"…

Từ chuyện đổi Bến thành Ga, nhà giáo, nhà báo Nguyễn Thông còn chỉ ra tình trạng sự dụng tiếng Việt tùy tiện trong lĩnh vực giao thông và đặt vấn đề : "Mọi thứ, nghĩa của các từ ga, bến, cảng, sân bay đều rất rõ ràng, rành mạch, chuẩn mực như thế, chả hiểu đứa chết mẹ nào (từ của ông hàng xóm nhà tôi) thay đổi, gọi thành "Cảng hàng không quốc tế Long Thành", "Cảng hàng không Tân Sơn Nhất/Nội Bài", "Ga tàu thủy Bạch Đằng", "Cảng xe khách miền Đông". Từ ông chủ tịch nước, ông thủ tướng, ông bộ trưởng giao thông tới đám quan chức lau nhau dưới (tôi không quan tâm tới ai đứng đầu đảng bởi đảng chả là gì với tôi), cả báo chí nữa, đều hết sức bát nháo khi dùng những từ "ga, bến, cảng" mặc dù đó là tiếng mẹ đẻ của họ. Chính họ phá tiếng Việt chứ không phải ai khác.

Nếu vị nào đem những từ nói trên so với tiếng nước ngoài, rồi lấy lý do này nọ để bào chữa cho cái sai, chẳng hạn nói thời hội nhập thì phải thế, thì tôi xin nói ngay : người Việt cứ phải dùng tiếng Việt cho đúng cái đã" (3).

Mắng hết cả bộ máy lãnh đạo của đất nước "chiều nay" chẳng oan tí nào nhưng thử tìm xem từ khi nào và ai là tác giả biến Bến thành Ga là việc đáng làm.

Tra khảo tên thóc mách gu gồ, hóa ra, từ Ga Tàu Thủy không chỉ mới xuất hiện năm 2024 mà đã có mặt trên đời ít nhất từ năm 2017. Ngày 23/11/2017, báo Lao Động đã có bài "Lung linh ga tàu thủy hiện đại ngay trung tâm Sài Gòn". Trong đó bài báo nêu rõ "Chỉ còn vài ngày nữa Ga tàu thủy Bạch Đằng chính thức đi vào hoạt động sau nhiều năm chờ đợi. Ga tàu thủy này nhằm phục cho tuyến buýt đường sông đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến đưa vào hoạt động từ ngày 25/11" (4).

Liên tục từ ấy đến nay, từ này không chỉ được sử dụng trên báo chí mà còn được chính thức hóa trong các văn bản hành chính nhà nước với biến dạng khác là "bến thủy nội địa ga tàu cao tốc Bạch Đằng"

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra quyết định bến thủy nội địa ga tàu cao tốc Bạch Đằng được phép tiếp tục hoạt động từ ngày 14/4 - 30/12.

Bến tàu cao tốc này nằm ở cầu tàu số 2 – Công viên bến Bạch Đằng, Quận 1. Đây là loại bến hành khách, phương tiện cập bến đưa đón hành khách, khách du lịch ; tiếp nhận phương tiện cho sức chở đến 151 người (5)

Trên trang web của công ty Saigon Waterbus người ta còn cho biết không chỉ có Ga Tàu Thủy Bạch Đằng mà còn có Ga Tàu Thủy Bình An, Linh Đông, Thủ Thiêm, Hiệp Bình Chánh (6).

Với những thông tin toét loẹt có hệ thống suốt 7 năm qua từ ông Gồ thì từ quái lạ Ga Tàu Thủy không thể là lỗi của thằng đánh máy, đích thị là sản phẩm của lãnh đạo ngành giao thông. Thật ra trí tuệ các ông này cao lắm, chuyện khó như thu phí đường bộ đổi thành thu giá để qua mặt Quốc Hội, các ông còn làm được thì Ga Tàu Thủy chẳng là cái đinh rỉ gì.

Nhưng về học thuật thì sao ? Các giáo sư, tiến sĩ, Viện Ngôn Ngữ, Viện Hàn Lâm Khoa Học đông như vịt Tàu đâu mà lại để các ngài kỹ sư chân vịt, máy tàu dùng cơ lê mỏ lết bẻ chữ tiếng Việt thành méo mó dị dạng như vậy ?

Thử điểm qua ba bộ từ điển tiếng việt của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ (LVD) ở Miền Nam trước 1975, Từ điển Hoàng Phê bản in 2003 (HP) và Từ Điển Bách Khoa của Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (VHL) với hai mục từ Bến và Ga ta sẽ thấy kết quả hải hùng.

Với mục từ Bến, LVD giải thích có ba nghĩa : Nơi tàu, thuyền xe đậu để đưa rước hành khách và chất hàng. Muốn cho gần bến gần thuyền. Gần cha gần mẹ nhân duyên cũng gần. (CD) // Chỗ nước sông ăn sâu vô một khoảng cạn để thuyền ghé hay để tắm ngựa// Tiếng dùng trong văn chương để ví với người chờ người đi xa hay đã phụ tình. Thuyền dời nào bến có dời. Khăng khăng một lời quân tử nhất ngôn. CD

LVD còn dẩn thêm những từ ghép như bến xe, bến thuyền, bến mê…

HP giải nghĩa từ Bến : 1 Chỗ bờ sông thường có bậc lên xuống để lấy nước. 2 Nơi quy định cho tàu thuyền xe cộ dừng lại để hành khách lên xuống bốc dở hàng hóa. Bến đò ngang. Tàu cập bến. Bến ô tô

HP cũng dẫn thêm nhiều từ ghép Bến bờ, bến lội, bến nước, bến tàu…

VHL không có mục từ Bến độc lập mà chỉ có một số từ ghép như Bến Phà, Bến tàu, Bến Vượt và một số danh từ riêng như Bến Tre, Bến Thủ

Với mục từ Ga : LVD giải thích có ba nghĩa : 1- Hơi tống máy chạy. Đạp ga, nhả ga, bờt ga, thả ga (gaz). 2- Vải thưa được hấp khử trùng dùng băng bó (gaze). 3-Trạm xe lửa nơi hành khách lên xuống (gare).

HP có hai mục từ Ga :

- 1 Ga là công trình kiến trúc làm nơi hành khách lên xuống hoặc bốc xếp dở hàng hóa ở những nơi quy định dành cho xe lửa, xe điện, máy bay đỗ trên đường bay đường đi. Ga xe lửa, hành khách vào ga sân bay. 2 Khoảng cách giữa hai xe lửa, xe điện kế tiếp nhau. Tàu đã đi được 2 ga

- Mục từ Ga khác HP giải thích về khí ga chất đốt và khí ga để uống.

VHL giải thích mục từ Ga rất bác học, chi tiết và quan trọng là đã mở rộng chức năng. Công trình kiến trúc nằm trong hệ thống giao thông (sắt, thủy, bộ, hàng không)….. Tùy theo phương tiện giao thông mà có ga đường sắt, ga hàng không.

So sánh ba từ điển trên, tuy có khác nhau về địa lý về thời gian chênh nhau gần nửa thế kỷ nhưng LVD và HP có điểm chung xác định Bến gắn với nước, Bến là nơi đón hành khách hàng hóa đường thủy và bộ. Ga là nơi đón khách của đường sắt. HP có thêm đường không. Hoàn toàn sát hợp với đời sống ngôn ngữ người Việt, thi ca, nghệ thuật người Việt.

VHL không xác định được mục từ Bến và mở rộng từ Ga thêm chức năng đón khách đường bộ và đường thủy mặc dù thực tế này chưa từng xảy ra ở Việt Nam. VHL cũng không đưa ra dẫn chứng nào. Đọc VHL người ta có cảm giác mục từ Ga được dịch từ sách vở nước ngoài thành tiếng Việt chứ không phải giải nghĩa từ tiếng Việt, của đời sống người Việt.

Hóa ra tác giả của cụm từ Ga Tàu Thủy phản cảm, tréo miệng, chói tai người Việt không chỉ là những quan chức chân vịt bánh xe mà còn có những viện sĩ của cái Viện lẫy lừng là lò ấp mỗi năm hàng ngàn tiến sĩ. Hơn ai hết, chính họ đã dùng hàng ngàn tỉ đồng ngân sách đầu tư nghiên cứu để tù mù hóa, rối rắm hóa sự trong sáng của tiếng Việt.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 29/02/2024

1. https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/pfbid02ifuz9s7xBZguQoamx9pkv...

2. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0egHEhEE8YRGAc4m1...

3. https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02xuyo85aLDEuXWoa...

4. https://laodong.vn/xa-hoi/lung-linh-ga-tau-thuy-hien-dai-ngay-trung-tam-...

5. https://dangcongsan.vn/kinh-te/tpho-chi-minh-ben-thuy-noi-dia-ga-tau-cao...

6. https://mia.vn/cam-nang-du-lich/den-ga-tau-thuy-binh-an-ngam-nhin-song-s...

****************************

Đổi "bến" thành "ga" nằm trong kế hoạch xóa ký ức người Sài Gòn ?

Diễm Thi, RFA, 29/02/2024

Bến Bạch Đằng là một địa danh của Sài Gòn từ lâu. Hình ảnh bến tàu tấp nập, nhộn nhịp đã in sâu vào tâm trí của người dân Sài Gòn. Bỗng nhiên gần đây, người Sài Gòn thấy bảng hiệu "Ga tàu thủy Bạch Đằng" thay cho bến tàu thưở nào. Nhiều người bày tỏ phản ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội đối với sự thay đổi đó.

datten7

Hình ảnh buôn bán trên vỉa hè Sài Gòn năm 1972 - AFP

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng nói với RFA suy nghĩ của ông :

"Các ngôn ngữ khi phát triển sẽ gây ra phản ứng với cộng đồng đã quen với cách dùng cũ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nếu những từ ngữ cần thiết, ví dụ trong ngành khoa học họ buộc lòng phải sử dụng một cách gọi mới không quen thuộc với quần chúng, nhưng vì cái giá của sự phát triển, buộc lòng người ta phải làm như vậy.

Ở đây thì khác. Ở đây là những từ ngữ đã quen thuộc và cũng không gây ra cái khó khăn gì trong việc tiếp nhận cả. Cho nên gọi là ga tàu thủy để cho người ta phản ứng như vậy thì có đáng không ? Thực sự là để phát triển tiếng Việt hay là do kém tiếng Việt ?

Bến tàu thủy là cách nói quen thuộc và không gây hiểu lầm, lý do gì mà lại bỏ chữ bến lấy chữ ga, thành ra cái giá trả nó lớn mà không cần thiết".

Trên mạng xã hội, một số câu thơ, câu hát được thay từ "bến" thành "ga" với ý mỉa mai như : "Làm thân con gái mười hai ‘ga’ nước" ; "Qua ‘ga’nước xưa lá hoa về chiều" (lời bài hát Nắng chiều của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn sáng tác năm 1952). Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc bày tỏ quan điểm bằng một "câu hỏi trắc nghiệm môn Lịch sử năm 2024" trên facebook của ông hôm 28 tháng 2 năm 2024 :

"Ngày 5/6/1911 người thanh niên yêu nước Văn Ba ra đi tìm đường cứu nước từ :

1. Bến Bạch Đằng.

2. Bến Nhà Rồng.

3. Ga tàu thủy Hiệp Bình Chánh.

4. Hỏi lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh".

Ông nói thêm với RFA :

"Tôi không biết giới lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh có chỉ đạo hay không hay đơn vị đầu tư họ thích sao thì đặt như vậy. Giở lại lich sử Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh 300 năm, kể từ năm 1698, trong tác phẩm nổi tiếng nghiên cứu lịch sử và văn hóa ở miền Nam, đó là quyển Gia Định Thành Đông Chí, người ta ghi rất rõ là "trên bến dưới thuyền". Còn đằng này, tôi nghĩ người đặt ra cái "Ga tàu thủy Bạch Đằng" hay "Ga tàu thủy Thủ Thiêm"… không hiểu gì về ngôn ngữ và văn hóa của vùng đất mới. Và họ cố áp đặt cái sự dốt nát của họ cho nền tảng văn hóa Sài Gòn 300 năm.

Ở đây tôi trách là trách lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Họ có người phụ trách về lãnh vực văn hóa, giáo dục ; họ có hàng trăm trường đại học, có trường Đại học văn hóa, có trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa củng Việt Nam, của những vùng đất mới. Nhưng tất cả đều không lên tiếng mà để mặc cho mạng xã hội lên tiếng chế diễu, kêu ca và đặt vấn đề.

Phải chăng trí thức Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là dốt hết hay sao ? Tôi nghĩ, phải chấm dứt vấn đề đem cái sự dốt nát của cá nhân áp đặt lên cái văn hóa của quần chúng, của xã hội".

Truyền thông Nhà nước hôm 29 tháng 2 cho hay, sau khi nhận được góp ý về việc đặt tên cho bến tàu trên sông khu vực bến Bạch Đằng là 'ga tàu thủy Bạch Đằng' chưa phù hợp, chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1, ông Nguyễn Kim Toản, đã cho tháo gỡ cụm từ ga tàu thủy và sẽ đổi tên hàng loạt các biển thành bến tàu như cũ. Ông Toản thừa nhận thay đổi do người dân góp ý.

Báo Tuổi trẻ dẫn lý giải  của ông Toản : "Khi đặt tên cho các bến, thấy không ai nói gì nên chúng tôi sử dụng luôn. Hiện tại chúng tôi lắng nghe, với tiêu chí luôn hướng về điều đúng. Do đó, tư vấn sai thì giờ chúng tôi bắt đầu sửa lại".

Luật sư Nguyễn Văn Miếng nói với RFA quan điểm của ông :

"Thực ra, việc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi những tên gọi, những địa danh đã xảy ra ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 rồi. Đó là thay đổi tên Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn thành Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng đó là một cái kế hoạch lâu dài và họ xóa bỏ tất cả những địa danh rất thân thương, yêu mến của người dân Sài Gòn.

Đối với địa danh Bến Bạch Đằng, từ xưa nó đã trở thành một cái tên gọi thân quen trong thơ ca, nhạc, họa… Mỗi lần sửa sang, thay đổi là họ xóa luôn những địa danh cũ, chẳng hạn trước đây có Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử, Bến Bình Đông, Bến Vân Đồn… bây giờ họ xóa Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử thay bằng đường Võ Văn Kiệt. Thế hệ trẻ không biết đến hai bến này nữa.

Đối với từ "bến", đó là tình cảm của người Sài Gòn nói riêng và người Nam Bộ nói chung. Cho nên, việc thay Bến Bạch Đằng thành Ga tàu thủy Bạch Đằng là một hành vi cụ thể trong một loạt hành vi thay tên khác làm xóa đi ký ức và lịch sử về Sài Gòn".

Cái tên Sài Gòn chính thức bị khai tử bởi Quốc hội Việt Nam vào ngày 2 tháng 7 năm 1976. Đô thành Sài Gòn bị đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo truyền thông Nhà nước, bác sĩ  Trần Hữu Nghiệp chính là người đầu tiên đã đưa ra ý tưởng đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8 năm 1946, nhân kỷ niệm một năm chính quyền cách mạng. Trong buổi họp này, sau khi kể một vài thí dụ ở những nước lớn hay lấy tên những vị anh hùng để đặt cho một thành phố lớn, bác sĩ Nghiệp đề nghị đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh để ghi lấy công đức của Hồ Chủ tịch.

Trải qua gần nửa thế kỷ mang tên mới, cái tên Sài Gòn vẫn trong tâm trí, trong cách gọi của rất nhiều người Việt Nam ở cả trong nước lẫn ngoài nước. Nhà báo Đinh Quang Anh Thái từng nói với RFA rằng, Sài Gòn là một thành phố có chiều dài lịch sử lâu đời và gắn bó liên tục với nhiều thế hệ người Việt Nam từ trước năm 1975, không chỉ riêng với người miền Nam mà với cả đồng bào miền Bắc và Sài Gòn đã trở thành biểu tượng của cả một nền văn hóa. Ông Thái gọi việc đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh là một sự cưỡng chiếm.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 29/02/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, Tuấn Khanh, Gió Bấc, Diễm Thi
Read 545 times

1 comment

  • Comment Link Hoàng Trường Sa vendredi, 01 mars 2024 04:25 posted by Hoàng Trường Sa

    Nếu quý vị cảm thấy tức tối, bực bội, đau xót khi thấy cái tên "Bến tàu thủy Bạch Đằng" sai trái, ngang ngược và ngạo mạn thay thế cái tên thân thương "Bến Bạch Đằng" của Sài Gòn, xin hãy bình tâm suy nghĩ về cái tên "dân tộc Kinh" đã ngang nhiên thay thế cắi tên "dân tộc Việt" mà tổ tiên, cha ông ta đã đổ bao xương máu để gìn giữ trong 5000 năm qua.

    Chỉ qua một thủ thuật hành chánh, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo, năm 1958 đã bắt dân ta phải đổi tên dân tộc VIỆT của mình qua tên dân tộc KINH của Trung Quốc mà không có bất cứ lời giải thích nào, cũng không thèm hỏi xem dân ta có muốn đổi tên từ dân tộc VIỆT qua dân tộc KINH hay không.

    Kính mời quý vị đọc bài "Nguồn Gốc Tên Dân Tộc “Kinh”: Thời Hiện Đại và Ý Thức Việt" của tác giả Lang Linh (https://www.nki.vn/post/nguon-goc-ten-dan-toc-kinh-thoi-hien-dai-va-y-thuc-viet).

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)