Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/03/2024

Vì sao người giàu Việt Nam đổ tiền đầu tư nhập tịch ?

Dominic Volek

Theo Henley & Partners, khách hàng Việt Nam đứng thứ tư toàn cầu về số lượng đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch.

tangtruonfg1

Mức độ tăng trưởng tài sản của Việt Nam được dự báo là 125% trong thập niên tới - Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH điện tử Canon (Khu công nghiệp Phố nối A, huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN

Ông Dominic Volek, Giám đốc Kinh doanh của Công ty Henley & Partners chuyên về đầu tư di cư, nói với BBC News tiếng Việt rằng số triệu phú gia tăng của Việt Nam sẽ là "cơ hội kinh doanh lớn" cho công ty ông.

Còn Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền trả lời BBC News tiếng Việt ngày 28/2 rằng đầu tư nhập tịch tạo thuận lợi cho việc làm ăn. Tuy nhiên, vẫn có những bất cập cần lưu ý.

Việt Nam vô địch tăng trưởng tài sản

Công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth (Nam Phi) đã dự báo Việt Nam sẽ là nước có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh nhất thế giới - 125% trong thập niên tới, theo sau là Ấn Độ.

Thuật ngữ "tăng trưởng tài sản" đề cập đến sự tăng hoặc giảm số lượng triệu phú trong một khoảng thời gian nhất định tính theo tỷ lệ phần trăm.

Theo báo cáo của New World Wealth, tính tới tháng 12/2023, Việt Nam có 6 tỷ phú, có 19.400 người sở hữu tài sản trên 1 triệu USD và có 58 người có tài sản trên 100 triệu USD.

Trong vòng một thập kỷ từ 2013-2023, Việt Nam giữ vị trí quán quân với mức độ tăng trưởng tài sản là 98% và dự kiến tăng nhanh hơn Trung Quốc trong một thập niên tới đây, theo ông Andrew Amoils, trưởng bộ phận phân tích từ New World Health.

Cụ thể, Việt Nam được New World Wealth dự báo vẫn chiếm giữ vị trí đầu với mức tăng trưởng tài sản 125% trong 10 năm tới, trong khi với Trung Quốc, con số này chỉ ở mức 85%, giữ vị trí thứ 10.

Ông Andrew Amoils nói với BBC News tiếng Việt ngày 27/2 rằng, mức độ thịnh vượng chỉ mang tính dự báo nhưng Việt Nam có khả năng trở thành công xưởng sản xuất ngày càng được các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may đa quốc gia ưa chuộng.

171528694

Việt Nam có bao nhiêu triệu phú, tỷ phú ?

Việt Nam được dự đoán tăng trưởng tài sản cao (phần trăm tăng số lượng triệu phú) là :

- 125% trong một thập niên tới.

- 19.400 triệu phú có tài sản trên 1 triệu USD

- 58 người có tài sản trên 100 triệu USD

- 6 tỷ phú có tài sản trên 1 tỷ USD

- Đứng thứ 4 toàn cầu về số người đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch của Henleys & Partners

Nguồn : Henley & Partners, New World Wealth, tính đến tháng 12/2023

Tuy nhiên, ông Amoils lưu ý rằng Việt Nam có khởi điểm "tài sản bình quân đầu người" ở mức thấp hơn Trung Quốc nên tốc độ tăng trưởng tài sản dễ dàng hơn.

Ông Amoils nói với BBC rằng Việt Nam là một quốc gia an toàn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là yếu tố thu hút các tập đoàn đa quốc gia tới đầu tư tại Việt Nam.

"Mức lương trung bình của lao động tại Việt Nam thấp là một yếu tố hấp dẫn các doanh nghiệp đặt nhà máy tại quốc gia này. Việt Nam hiện là đối thủ cạnh tranh chính với Ấn Độ và Trung Quốc", ông Amoils phân tích và thêm rằng, nếu Việt Nam tăng mức lương lao động trung bình thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

Cùng với mức tăng trưởng tài sản cao nhất, Việt Nam còn được ghi nhận về lượng đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch "tăng đột biến", theo số liệu mà Henley & Partners cung cấp cho BBC.

Ông Volek, Giám đốc Kinh doanh của Henley & Partners, nói với BBC rằng : "Tính đến thời điểm hiện tại (năm 2024), xét ở khu vực Đông Nam Á, công dân Việt Nam chiếm gần 25% số đơn đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch và là thị trường lớn thứ tư toàn cầu của công ty".

Vì sao người giàu bỏ tiền mua quốc tịch ?

Với xếp hạng khá thấp, người cầm hộ chiếu Việt Nam thường gặp khó khăn trong vấn đề xin visa ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh hoặc khối Schengen.

Theo ông Volek, hộ chiếu "yếu" cũng gây bất lợi lớn cho những người đi lại với mục đích làm ăn.

"Không những phải xin visa để nhập cảnh, đôi khi họ [doanh nhân Việt Nam] còn bị từ chối cấp visa vì những lý do hành chính ngớ ngẩn", ông Volek chia sẻ.

Giới làm ăn Việt Nam cần đi nhiều nơi, tiếp cận các thị trường mới.

Vì vậy, theo ông Volek, những người này nhận ra hạn chế của việc chỉ mang mỗi hộ chiếu Việt Nam.

"Do đó, họ chắc chắn quan tâm đến các chương trình di cư đầu tư để tiếp cận các hộ chiếu quyền lực hơn", ông nói.

nhaptich3

Vị trí hộ chiếu Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á

Tiết lộ từ phía công ty Henley & Partners cho thấy hầu hết khách hàng Việt Nam đăng ký chương trình đầu tư nhập tịch là những người sinh sống ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, khách hàng truyền thống là những người sáng lập và chủ sở hữu doanh nghiệp trong các ngành như dệt, may mặc, ô tô, bất động sản... Những năm gần đây, có sự xuất hiện thêm của các ngành mới nổi như fintech (tài chính công nghệ), kinh doanh tiền điện tử.

Để tham gia vào các dự án đầu tư định cư, người ứng tuyển phải chi số tiền từ khoảng 100.000 USD tới 400.000 USD (gần 2,5 đến 9,9 tỷ đồng).

Với các hồ sơ đầu tư định cư, chính phủ quốc gia nhận khoản đầu tư định cư sẽ thực hiện các bước thẩm định chuyên sâu. Những cá nhân được duyệt sẽ được cấp quốc tịch và hộ chiếu. Theo thống kê của Henley & Partners, Mỹ và Canada vẫn là điểm đến đứng đầu đối với người Việt. Một số điểm đến khác được lựa chọn bao gồm Cyprus (Síp), Malta, Grenada…

Một lý do quan trọng khác mà người giàu Việt Nam tham gia những chương trình đầu tư quốc tịch này là cơ hội giáo dục cho con cái. Trong đó, nổi bật là chương trình EB5 của Mỹ hoặc tham gia khởi nghiệp ở Canada.

Cuộc chiến Nga - Ukraine, xung đột ở Trung Đông và tới đây là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã tạo ra những "biến động". Do đó, các cá nhân có thu nhập ròng cao và đủ khả năng tài chính để phòng ngừa rủi ro thì theo ông Volek, một trong những cách tốt nhất là có được quyền bảo hộ công dân ở một nơi khác để dự phòng khi cần.

nhaptich4

Bảng xếp hạng hộ chiếu của Việt Nam trong vòng 10 năm, theo Henley Global Index

Việt Nam không thuộc diện 'rủi ro'

Hồi tháng 8/2020, tài liệu từ bài điều tra của Đài Al-Jazeera (Qatar) đã phản ánh việc hàng chục quan chức cấp cao trên thế giới và gia đình họ đã mua cái gọi là "hộ chiếu vàng" của Cyprus (Síp) từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2019.

Việt Nam có 26 cá nhân xuất hiện trong hồ sơ này, trong đó có vợ chồng đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc và vợ chồng ông Phạm Nhật Vũ , người tại thời điểm đó đang thụ án tù ba năm vì tội đưa hối lộ trong vụ án MobiFone mua AVG.

Tiến sĩ kinh tế Huỳnh Thanh Điền nhận định với BBC rằng "nhiều quốc gia có chính sách cấp quốc tịch rất thoáng và sẽ dẫn đến những hành vi phạm tội, trục lợi".

Khi được hỏi liệu đây có phải lỗ hổng để các cá nhân thực hiện hành vi phạm tội như rửa tiền kiếm được từ kinh doanh phạm pháp hay tham nhũng, ông Điền lý giải rằng "chính phủ các nước cần ký kết hiệp ước liên quan tới vấn đề tội phạm".

Về vấn đề này, ông Volek đánh giá quá trình kiểm tra nguồn tiền là khó khăn nhất :

"Chúng tôi muốn đảm bảo không có hoạt động rửa tiền nào được thực hiện. Số tiền được sử dụng phải là 'tiền sạch', thu được nhờ kinh doanh hợp pháp hoặc thừa kế", ông Volek nói.

Quá trình thẩm định này được chính phủ các nước liên kết với nhiều cơ quan quốc tế như Interpol (Cảnh sát hình sự quốc tế). Sau đó, người tham gia chương trình thường phải cung cấp giấy tờ có xác minh, đóng dấu từ phía cảnh sát.

Tuy nhiên, ông Volek cho biết không phải quy trình thẩm định của công ty nào cũng nghiêm ngặt giống nhau. Vì thế, người trượt hồ sơ ở chỗ công ty ông có thể đến nơi khác nộp.

Ông cho biết thêm, quy trình xét duyệt người có quốc tịch Việt Nam vẫn bình thường như những quốc gia khác, không thuộc diện có rủi ro cao hay cần phải tăng cường thẩm định như với người Myanmar hoặc Syria.

Nguồn : BBC, 01/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Dominic Volek
Read 378 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)