Họp Quốc hội, Trung Quốc hạn chế các hoạt động truy cập Internet
Thùy Dương, RFI, 10/03/2024
Trong tuần qua, thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát mạng Internet và đặc biệt là giám sát việc truy cập vào các trang web của nước ngoài. Một số công cụ vượt tường lửa không hoạt động.
Công an Trung Quốc trước tượng đài Anh Hùng Nhân Dân ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Ảnh ngày 10/03/2024. AP - Ng Han Guan
Trung Quốc vốn dĩ đã giám sát chặt chẽ các phương tiện truyền thông và mạng internet, với chính sách kiểm duyệt những nội dung có khả năng gây bất ổn. Nhiều trang web như Google, Youtube…, các ứng dụng và mạng xã hội của nước ngoài như X, Instagram, Facebook… không thể truy cập được nếu không có các công cụ vượt tường lửa (VPN). Các biện pháp kiểm soát này càng được siết chặt vào những ngày và sự kiện nhạy cảm. Kỳ họp thường niên của Quốc hội tuần này tại Bắc Kinh đương nhiên là một dịp như vậy.
Astrill, một nhà cung cấp dịch vụ vượt "tường lửa" kiểm duyệt được nhiều người nước ngoài ở Trung Quốc sử dụng, trong đêm 09 sáng 10/03/2024 cho AFP biết là chính quyền Trung Quốc nhân dịp này đã tăng cường kiểm duyệt internet và một số công cụ vượt tường lửa, lách kiểm duyệt của Astrill đã không thể hoạt động. Công ty Astrill đang khẩn trương khắc phục tình hình.
Trên thực tế, nhân viên của một số cơ quan truyền thông nhà nước và các nhà ngoại giao Trung Quốc vẫn thường sử dụng VPN để đăng tải thông tin, đặc biệt là trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), vốn bị chặn ở Trung Quốc. Nếu không được Nhà nước cho phép, việc sử dụng công cụ lách kiểm duyệt VPN hoặc bất kỳ công cụ nào khác để truy cập các trang web bị cấm đều là bất hợp pháp.
Kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh năm nay khai mạc hôm 04/03, chính quyền Trung Quốc không muốn để xảy ra bất kỳ sự cố nào gây ảnh hưởng đến sự kiện chính trị quan trọng này. Công an được tăng cường điều động tuần tra đường phố thủ đô, với nhiều hoạt động kiểm tra hơn thường lệ.
Thùy Dương
*************************
Cuộc "đại ly hôn" giữa Trung Quốc và nền kinh tế thị trường
Minh Anh, RFI, 08/03/2024
Tăng trưởng kinh tế được dự phóng ở mức 5%. Không có kế hoạch phục hồi lớn nào trong chương trình nghị sự. Những điều này đã khiến chỉ số chứng khoán Trung Quốc CSI 300 mất giá đến 11% Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc ông Tập Cận Bình tăng cường kiểm soát về mặt tư tưởng đã thật sự gây hoảng sợ các nhà đầu tư.
Tiền xu và tiền giấy nhân dân tệ của Trung Quốc. Reuters – Florence Lo
Liệu đây có là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái kinh tế ở Trung Quốc ? Theo quan sát của Sebastien Falletti, phóng viên nhật báo Le Figaro thường trú tại Bắc Kinh, dường như có một sự rạn nứt niềm tin giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và giới đầu tư nước ngoài.
Một cuộc tháo chạy vốn ngoạn mục đang diễn ra khi các nhà giao dịch chứng khoán theo chân các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt xoay lưng với đế chế Trung Hoa. Trong năm 2023, 68 tỷ đô la đã rời khỏi Trung Quốc và đầu tư nước ngoài rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1993. Một dấu hiệu cho sự "ly hôn" giữa các thị trường và Trung Quốc của Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ ba ?
Kiểm soát ý thức hệ
Đương nhiên, Trung Quốc vẫn là một "công xưởng" của thế giới, một thị trường hấp dẫn, có mức tăng trưởng ổn định và một tầng lớp trung lưu đang mở rộng, mang lại nhiều cơ hội tốt cho nhiều thương hiệu lớn. Các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc cũng đang chinh phục thế giới, từ xe ô tô điện cho đến các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu như Temu hay Shein.
Nhưng "yếu tố Tập đang đè nặng lên những lá chủ bài nói trên, khi làm rối mờ tầm nhìn của các nhà hoạch định", Le Figaro viết. Sự rẽ ngoặt theo chủ nghĩa kinh tế nhà nước và chuyên chế của nhà lãnh đạo tập trung quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông đang đánh mất dần niềm tin nơi các nhà đầu tư. Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế đặc trách Châu Á tại ngân hàng Natixis, đánh giá : "Trung Quốc ngày càng ít giống với một nền kinh tế thị trường".
Khi áp đặt việc kiểm soát hệ tư tưởng của Đảng trong khu vực tư nhân, vị "hoàng tử đỏ" cho thấy ông vẫn hoài niệm về mô hình Xô Viết và điều này đã phá vỡ lòng tin của các nhà cấp vốn tư bản lớn, một niềm tin đã được xây dựng từng bước từ thời Đặng Tiểu Bình trong những năm 1980.
Ý thức hệ kết hợp với sự mập mờ là hai nguyên nhân chính dẫn đến sự trượt đà của Trung Quốc thời Tập Cận Bình. Tính chất bất định xen lẫn những chỉ thị từ một Bộ Chính trị bị biến thành một hộp đen khó xuyên thủng, trong tay một nhà lãnh đạo mà không có một biện pháp bảo vệ đi kèm, đang gieo rắc lo lắng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sự sụp đổ của ông Mã Vân (Jack Ma) – biểu tượng cho sự cất cánh kinh tế thần kỳ - và sự biến mất không lý do của chủ ngân hàng công nghệ Bao Fan là lời cảnh báo điển hình cho việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát lĩnh vực công nghệ, đẩy nhiều nhà tài phiệt lớn chuyển hướng đầu tư sang Singapore hay Tokyo.
Khi ý thức hệ chiến thắng chủ nghĩa thực dụng
Căng thẳng địa chính trị với phương Tây, ngày càng gia tăng và nghiêm trọng hơn do cuộc chiến tại Ukraine, còn góp phần thúc đẩy xu hướng trên, vào lúc mọi người ngày càng lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột với Mỹ ở eo biển Đài Loan có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh tế. Theo nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ, Trung Quốc đang trở nên "khó đầu tư", khi tỏ ra nghi ngại bị kềm kẹp trong một cuộc "chiến tranh lạnh mới" ở Châu Á – Thái Bình Dương.
Các cuộc khám xét tại các văn phòng tư vấn nước ngoài của cảnh sát Trung Quốc trong bầu không khí chống gián điệp mang nặng chủ nghĩa dân tộc khiến giới đầu tư Wall Street cũng toát "mồ hôi lạnh".
Từ lâu giới đầu tư đã thích ứng với sự lãnh đạo của đảng, cơ chế bảo đảm ổn định xã hội, miễn là được điều hành bởi những nhà lãnh đạo "sáng suốt", quen thuộc với những quy tắc nghiêm ngặt của thị trường, mà Vương Kỳ Sơn, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương, là một gương mặt điển hình.
Bây giờ thì việc định chế tài chính này – từng là cột trụ cho những cải cách – nằm dưới sự điều hành của một tay chân thân tín của Tập Cận Bình, chỉ chú tâm đến kiểm soát, cùng với việc các tập đoàn nhà nước mở rộng phạm vi ảnh hưởng, cho thấy "ý thức hệ đang chiến thắng chủ nghĩa thực dụng", theo như đánh giá từ một nhà ngoại giao ở Hồng Kông.
Minh Anh
*************************
Giới lập pháp hàng đầu Trung Quốc cam kết bảo vệ chủ quyền, lợi ích an ninh
Reuters, VOA, 08/03/2024
Các nhà lập pháp hàng đầu của Trung Quốc hôm 8/3 tuyên bố sẽ ban hành một loạt luật mới để "hiện đại hóa hệ thống và năng lực an ninh quốc gia của Trung Quốc" trong khi bảo vệ lợi ích chủ quyền, một dấu hiệu cho thấy điều mà một số nhà phân tích cho là sự tập trung cao độ vào nhận thức về các mối đe dọa an ninh.
Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa, hàng thứ hai) và các lãnh đạo trong phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 4/3/2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (NPCSC), gồm khoảng 170 thành viên tập trung tại cuộc họp quốc hội thường niên ở Bắc Kinh, đã cam kết ban hành pháp chế bao gồm luật quản lý tình trạng khẩn cấp và luật năng lượng nguyên tử.
Họ cũng cho biết sẽ sửa đổi luật về giáo dục quốc phòng và an ninh mạng trong năm nay, theo báo cáo công tác do Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội và là quan chức cao cấp thứ ba của Đảng cộng sản Trung Quốc, Triệu Lạc Tế, đưa ra.
Kế hoạch lập pháp hàng năm của Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào an ninh quốc gia, phù hợp với chủ trương của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc tập trung ngày nhiều vào việc ngăn chặn các mối đe dọa bên trong và bên ngoài nhằm đối phó với sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng.
Luật an ninh mạng của Trung Quốc, được ban hành vào năm 2016, là nền tảng cho quy định công nghệ lớn của nước này. Bắc Kinh trong ba năm qua đã thắt chặt quy định về cách các công ty của Trung Quốc lưu trữ và truyền dữ liệu người dùng, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng Chủ tịch Tập đã biến an ninh quốc gia thành một mô hình then chốt thâm nhập vào mọi khía cạnh quản trị của Trung Quốc.
Tháng trước, Trung Quốc đã mở rộng luật bí mật nhà nước để bao gồm cả "bí mật công việc" trong phạm vi thông tin nhạy cảm bị hạn chế, và ban hành luật chống gián điệp gây tranh cãi vào năm ngoái khiến các doanh nghiệp nước ngoài lo sợ.
"Tôi bị ấn tượng bởi sự tập trung của (báo cáo của NPCSC) vào an ninh quốc gia và tôi tin rằng điều đó rất quan trọng", ông Ryan Mitchell, giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, nói.
"Cạnh tranh địa chính trị chắc chắn sẽ tiếp tục là động lực chính cho các đạo luật tập trung vào an ninh. Chẳng hạn, liên quan đến việc sửa đổi Luật An ninh mạng, điều này phản ánh một lĩnh vực căng thẳng lớn và đang diễn ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ".
Một báo cáo công tác riêng rẽ của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ "áp dụng khái niệm an ninh quốc gia tổng thể" vào công việc của họ trong năm nay.
Trong phần lớn bài phát biểu của ông Triệu, ông Tập không hề mở báo cáo công tác ra để xem. Nhưng trong khi Chánh án Tòa án Tối cao Trung Quốc Trương Quân đọc báo cáo công tác của mình, ông Tập đã thảo luận sôi nổi với Thủ tướng Lý Cường và ông Vương Hỗ Ninh, quan chức cao cấp thứ tư của Đảng phụ trách về chính sách Đài Loan.
Vấn đề quốc tế
Các luật mới khác của Trung Quốc sẽ được xây dựng trong năm nay bao gồm luật ổn định tài chính và luật khuyến khích khu vực tư nhân, đồng thời cơ quan lập pháp nước này có kế hoạch sửa đổi các luật hiện hành về tài nguyên khoáng sản, cạnh tranh không lành mạnh, đấu thầu công và hàng không dân dụng. Cơ quan lập pháp nước này cũng có kế hoạch soạn thảo một bộ luật môi trường.
Việc xây dựng luật khuyến khích khu vực tư nhân của Trung Quốc có thể là một tín hiệu tích cực cho các công ty tư nhân sau khi niềm tin suy yếu trong bối cảnh luật chống gián điệp cứng rắn và hạn chế chuyển dữ liệu ra nước ngoài được ban hành trong những năm gần đây, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc không cung cấp thêm thông tin chi tiết trong báo cáo.
Báo cáo của NPCSC cũng tập trung vào vấn đề quốc tế, cam kết "tăng cường luật pháp trong các lĩnh vực liên quan đến đối ngoại và phát triển hệ thống luật để áp dụng ngoài lãnh thổ".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc nói trong báo cáo : "Chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý để đứng lên bảo vệ đất nước mình trên trường quốc tế và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của mình".
GS Mitchell của Đại học Hong Kong nói vấn đề áp dụng luật ngoài lãnh thổ có khía cạnh địa chính trị và sẽ góp phần tạo ra cách thức ‘chống trừng phạt’ mới của Trung Quốc.
"Nói chung, tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục thấy những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường quyền tài phán ở nước ngoài cho các tòa án cũng như các cơ quan hành pháp của họ".
Chính phủ Hong Kong hôm 8/3 đã công bố dự thảo dự luật an ninh quốc gia, Điều 23. Báo cáo công tác của NPSCS cam kết sẽ "cho thấy các hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi để bảo vệ an ninh quốc gia được thực hiện đúng đắn" tại "các khu vực hành chính đặc biệt" như Hong Kong mà không đề cập đích danh đến trung tâm tài chính do Trung Quốc kiểm soát.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cũng cam kết mở rộng tương tác với các nghị viện nước ngoài trong năm nay, bao gồm tổ chức các hội thảo tại Trung Quốc cho các nhà lập pháp nước ngoài và các thành viên của họ.
Reuters
Nguồn : VOA, 08/03/2024
*****************************
Trung Quốc thắt chặt các luật về an ninh để "bảo vệ chủ quyền"
Thu Hằng, RFI, 08/03/2024
Hàng loạt luật mới liên quan đến an ninh quốc gia sẽ được Trung Quốc thông qua trong năm 2024. Phát biểu trước Quốc hội ngày 08/03, nhân vật số 3 của chế độ Bắc Kinh thông báo kế hoạch cải tổ nhiều đạo luật liên quan đến giáo dục quốc phòng, an ninh mạng, ổn định tài chính và y tế để "bảo vệ chủ quyền". Cùng ngày, Hồng Kông công bố dự thảo luật mới trừng phạt nặng các tội "phản bội, nổi dậy".
Một nhân viên an ninh đi ngang qua biểu tượng của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc – Chính Hiệp (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 07/03/2024. Reuters – Florence Lo
Chủ tịch Quốc hội Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ, (gồm khoảng 170 đại biểu có nhiệm vụ soạn thảo và thông qua các đạo luật) cho biết rất nhiều luật, trong đó có luật về quản lý các vấn đề cấp bách, năng lượng, năng lượng hạt nhân… sẽ được thông qua "để hiện đại hóa hệ thống và khả năng của Trung Quốc về mặt an ninh". Ông khẳng định Quốc hội và các cơ quan đoàn thể sẽ "kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, Quốc hội thể hiện quyết tâm "củng cố khuôn khổ pháp lý" các lĩnh vực "giáo dục quốc phòng và an ninh mạng", nhưng thực ra đây là "những ưu tiên của ông Tập Cận Bình" bởi vì trên thực tế Quốc hội phụ thuộc vào đảng Cộng Sản cầm quyền.
Theo AFP, lãnh đạo Trung Quốc luôn tìm cách loại trừ mọi mối đe dọa đối với quyền lực của ông. Năm 2023, Trung Quốc đã thông qua luật chống gián điệp sửa đổi, trao thêm quyền cho Bắc Kinh trừng phạt mọi hành động bị coi là "đe dọa an ninh quốc gia". Đến tháng 02/2024, luật về bí mật Nhà nước được bổ sung nhiều loại thông tin nhạy cảm mới, trong đó có "bí mật nghề nghiệp".
Từ năm 2014, hơn 10 văn kiện liên quan đến an ninh quốc gia đã được Trung Quốc thông qua, trong đó có các luật về chống khủng bố, tình báo, bảo mật dữ liệu. Theo ông Changhao Wei, sáng lập trang web NPC Observer chuyên theo dõi Quốc hội Trung Quốc, "củng cố các đạo luật liên quan đến an ninh quốc gia" là "một trong những đặc trưng công tác của Quốc hội dưới thời Tập Cận Bình (từ cuối năm 2012)".
Đặc khu hành chính Hồng Kông cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi phải áp dụng luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt từ năm 2020, chính quyền Hồng Kông siết chặt trừng phạt mọi hành vi bị coi là "phản bội và nổi loạn" với mức án có thể lên đến tù chung thân. Luật được chính thức trình trước Nghị Viện Hồng Kông (LegCo) sáng 08/03 và chờ được thông qua.
Theo cảnh sát trưởng đặc khu Hồng Kông Đặng Bính Cường ( Chris Tang ), luật mới đáp ứng "nhu cầu thực tế và cấp bách". Còn chủ tịch LegCo Andrew Leung khẳng định các dân biểu "sẽ nỗ lực phối hợp để bịt những lỗ hổng tồn đọng về mặt an ninh quốc gia".
Thu Hằng
***********************
Trung Quốc ‘đẩy mạnh chiến tranh vùng xám để làm kiệt sức Đài Loan’
Reuters, VOA, 08/03/2024
Trung Quốc tăng cường chiến tranh vùng xám đối với Đài Loan, làm các khu vực xung quanh hòn đảo dân chủ này phải đối phó với các khinh khí cầu do thám, drone, cùng các tàu dân sự, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan nêu rõ hôm 7/3.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính.
Đài Loan bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh và trong những năm gần đây phàn nàn rằng Trung Quốc đã sử dụng cái gọi là chiến tranh vùng xám, tức vận dụng các chiến thuật bất thường để làm kiệt sức kẻ thù mà không cần dùng đến chiến tranh trực diện.
Trong một báo cáo gửi tới quốc hội, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói Bắc Kinh đã triển khai chiến thuật "vùng xám bão hòa đa mặt trận" để quấy rối Đài Loan, bao gồm tăng cường tuần tra bằng tàu và máy bay.
Báo cáo cho biết Trung Quốc đã cố gắng "tăng gánh nặng cho lực lượng hải quân và không quân của chúng ta và làm lu mờ sự tồn tại của đường trung tuyến ở eo biển", đề cập đến đường biên giới không chính thức giữa hai bên mà lực lượng Trung Quốc đã bắt đầu thường xuyên vượt qua trong những năm gần đây.
Vẫn theo phúc trình, Trung Quốc cũng đã kết hợp các tàu nghiên cứu và tàu dân quân nhằm "ngụy trang các hoạt động quân sự với dân sự".
Văn phòng của Trung Quốc chuyên trách các vấn đề về Đài Loan không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói để chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc, họ đang nghiên cứu các biện pháp "bảo toàn" binh sĩ trong trường hợp xảy ra chiến tranh bằng cách tăng cường khả năng chống chịu của các cơ sở hạ tầng và tổ chức các cuộc tập trận để đảm bảo lực lượng của Đài Loan sống sót trong một cuộc xung đột kéo dài.
Bộ cũng cho biết họ đang rút ra bài học từ cuộc chiến ở Ukraine và cuộc chiến giữa Israel với Hamas.
Bộ nói thêm, trong một cuộc xung đột, Trung Quốc sẽ cố gắng nhanh chóng chiếm Đài Loan và ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài. Để làm phức tạp thêm điều đó, hòn đảo này đang nỗ lực đa dạng hóa hệ thống chỉ huy của mình và kết hợp nhiều vũ khí di động và tầm xa hơn cũng như trí tuệ nhân tạo, đồng thời tăng cường "kết nối" với các đồng minh dân chủ, bao gồm cả Hoa Kỳ. Phúc trình không nêu chi tiết những bước đó bao gồm những ai.
Trong tuần này, Trung Quốc loan báo sẽ tăng chi tiêu quốc phòng 7,2% trong năm nay, thúc đẩy ngân sách quân sự vốn đã tăng hơn gấp đôi dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình trong 11 năm cầm quyền khi Bắc Kinh có lập trường cứng rắn hơn với Đài Loan.
Phát biểu với các phóng viên bên lề quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính nói Đài Bắc sẽ không tham gia cuộc chạy đua vũ trang với Bắc Kinh vì "sự thật không thể chối cãi" là quân đội Trung Quốc mạnh hơn Đài Loan.
Ông nói : "Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là tăng cường mọi khía cạnh trong quá trình huấn luyện của mình".
Bộ Quốc phòng Đài Loan tuần này cho biết sẽ tăng số lượng cuộc tập trận phi đạn và bắt đầu các cuộc tập trận ban đêm cho phi công trong năm nay.
Tháng trước, Bắc Kinh đã bắt đầu các cuộc tuần tra thường xuyên xung quanh quần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát, nằm sát bờ biển Trung Quốc, sau khi hai ngư dân Trung Quốc thiệt mạng trong lúc cố chạy trốn tuần duyên Đài Loan.
Nguồn : VOA, 08/03/2024
******************************
‘Trung Quốc đẩy mạnh chiến tranh vùng xám để làm Đài Loan kiệt sức’
BBC, 07/03/2024
Trung Quốc tăng cường chiến tranh vùng xám đối với Đài Loan, nhằm mục đích làm cho các khu vực xung quanh hòn đảo dân chủ này "tràn ngập" bóng bay do thám, drone và tàu dân sự, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết hôm thứ Năm, theo Reuters.
Một tàu cảnh sát biển Trung Quốc ra khơi trong cuộc tập trận quân sự gần Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, cách không xa quần đảo Mã Tổ do Đài Loan kiểm soát ngày 8/4/2023. Quần đảo này gần bờ biển Trung Quốc.
Đài Loan, nơi chính phủ bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, đã phàn nàn trong những năm gần đây rằng Trung Quốc đã sử dụng cái gọi là chiến tranh vùng xám, tức là sử dụng các chiến thuật bất thường để làm kiệt sức kẻ thù mà không cần dùng đến chiến tranh trực diện.
Trong một báo cáo gửi tới lập pháp viện mà Reuters được tiếp cận, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói rằng Bắc Kinh đã triển khai chiến thuật "vùng xám bão hòa đa mặt trận" để quấy rối Đài Loan, bao gồm tăng cường tuần tra bằng tàu và máy bay.
Báo cáo cho biết Trung Quốc đã cố gắng "tăng gánh nặng cho lực lượng hải quân và không quân của chúng ta và làm lu mờ sự tồn tại của đường trung tuyến ở eo biển".
Đường trung tuyến này là đường biên giới không chính thức giữa hai bên - nơi Trung Quốc đã bắt đầu thường xuyên cho tàu vượt qua trong thời gian gần đây.
Họ nói thêm rằng Trung Quốc cũng đã kết hợp các tàu nghiên cứu và dân quân nhằm "ngụy trang các hoạt động quân sự với dân thường".
Văn phòng Các Vấn đề Đài Loan của Trung Quốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đang nghiên cứu các biện pháp "bảo toàn" quân đội của mình trong trường hợp xảy ra chiến tranh bằng cách tăng cường khả năng chống chịu của các cơ sở hạ tầng và tổ chức các cuộc tập trận để đảm bảo lực lượng của Đài Loan sống sót trong một cuộc xung đột kéo dài.
Bộ này cũng cho biết họ đang rút ra bài học từ cuộc chiến ở Ukraine và cuộc chiến giữa Israel và nhóm Hồi giáo Palestine Hamas.
Bộ này cho biết họ đang dự trữ vũ khí và nhiên liệu để chống chịu một cuộc chiến kéo dài với Trung Quốc.
Bộ cho biết thêm, trong một cuộc xung đột, Trung Quốc sẽ cố gắng nhanh chóng chiếm lấy Đài Loan và ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài.
Để cản trở khả năng này, Đài Loan đang nỗ lực đa dạng hóa hệ thống chỉ huy của mình và kết hợp nhiều vũ khí di động và tầm xa và trí tuệ nhân tạo, đồng thời tăng cường "kết nối" với các đồng minh dân chủ, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Trung Quốc trong tuần này cho biết họ sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7,2% trong năm nay, thúc đẩy ngân sách quân sự vốn đã tăng hơn gấp đôi dưới thời 11 năm cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình khi Bắc Kinh có lập trường cứng rắn hơn với Đài Loan.
Phát biểu với các phóng viên bên lề quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết Đài Bắc sẽ không tham gia cuộc chạy đua vũ trang với Bắc Kinh vì "sự thật không thể chối cãi" là quân đội Trung Quốc mạnh hơn Đài Loan.
Ông nói : "Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là tăng cường mọi khía cạnh đào tạo của mình."
Bộ Quốc phòng Đài Loan tuần này cho biết họ sẽ tăng số lượng cuộc tập trận tên lửa và bắt đầu các cuộc tập trận ban đêm cho phi công trong năm nay.
Tháng trước, Bắc Kinh đã bắt đầu cho cảnh sát biển tuần tra thường xuyên xung quanh quần đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát, nằm sát bờ biển Trung Quốc, sau khi hai ngư dân Trung Quốc thiệt mạng trong lúc tìm cách chạy trốn lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan.
Nguồn : BBC, 07/03/2024
***************************
Vương Nghị : Mỹ nhận thức sai lầm về Trung Quốc
Reuters, VOA, 07/03/2024
Hoa Kỳ đang bám vào những nhận thức sai lầm về Trung Quốc và vẫn chưa thực hiện "lời hứa" của mình mặc dù đã có một số tiến bộ kể từ khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau vào tháng 11 năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói hôm 7/3.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Bắc Kinh hôm 7/3.
Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề cuộc họp quốc hội thường niên ở Bắc Kinh, ông Vương cho biết trao đổi giữa hai nước chỉ có thể tiếp tục nếu cả hai bên tôn trọng và thừa nhận sự khác biệt của mình.
"Cần phải chỉ ra rằng nhận thức sai lầm của phía Mỹ về Trung Quốc vẫn tiếp tục và những lời hứa mà nước này đưa ra chưa thực sự được thực hiện", ông Vương nói tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.
"Các phương pháp đàn áp đối với Trung Quốc liên tục được đổi mới và danh sách trừng phạt đơn phương liên tục được mở rộng", ngoại trưởng Trung Quốc nói.
Ông Vương còn cho rằng "những tội ác" mà Mỹ muốn thêm vào danh sách mà Trung Quốc được cho là đã phạm phải "đã đạt đến mức không thể tin được".
Tuy nhiên, ông Vương cho biết, Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Mỹ sẽ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới cũng như không tìm cách thay đổi chế độ của Trung Quốc hay ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.
Trong cuộc thảo luận thường niên và trên phạm vi rộng, ông Vương đã có giọng điệu tương đối chừng mực khi đề cập đến các mối quan hệ với Nga và xung đột Ukraine, Châu Âu, nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc và trí tuệ nhân tạo (AI).
Căng thẳng khó chịu
Căng thẳng giữa hai siêu cường đã giảm bớt đôi chút kể từ khi ông Biden và ông Tập tổ chức hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt của họ ở San Francisco vào tháng 11 năm ngoái, nhưng hai nước vẫn đang trong tình trạng căng thẳng khó chịu trước cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm nay, điều có thể chứng kiến ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Washington đã nhiều lần tuyên bố mong muốn đặt ra một mức sàn cho mối quan hệ sau khi mối quan hệ này rơi vào vòng xoáy tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vào năm ngoái vì các vấn đề bao gồm Đài Loan, cạnh tranh công nghệ, thương mại và một khinh khí cầu được cho là do thám của Trung Quốc đã bị Mỹ bắn hạ ngoài khơi bờ biển phía đông nước Mỹ.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang cố gắng kiềm chế và ngăn chặn chính sách công nghiệp và phát triển công nghệ cao của nước này, trong khi quân đội cả hai nước đang theo dõi chặt chẽ lẫn nhau trong bối cảnh tăng cường triển khai trên khắp Đông Á.
"Vì vậy, chúng tôi kêu gọi Mỹ hiểu xu hướng phát triển lịch sử, nhìn nhận một cách khách quan và hợp lý sự phát triển của Trung Quốc (và) thực hiện các tương tác một cách tích cực và thực tế với Trung Quốc", ông Vương nói.
Bắc Kinh cũng phải đối mặt với các cuộc đối đầu địa chính trị đang diễn ra trên nhiều mặt trận, bao gồm với Châu Âu về thương mại và chiến tranh Ukraine, với Nhật Bản về nhiều vấn đề khác nhau, cũng như với Philippines về Biển Đông, một điểm nóng trong khu vực về các yêu sách lãnh thổ đầy cạnh tranh.
Ông Vương cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để thúc đẩy các động lực hợp tác mới và củng cố tình hữu nghị.
Trung Quốc và Nga đã tuyên bố quan hệ đối tác "không giới hạn" vào tháng 2 năm 2022 khi Tổng thống Vladimir Putin đến thăm Bắc Kinh chỉ vài ngày trước khi Moscow xua quân vào xâm lăng Ukraine, gây ra cuộc chiến tranh trên bộ đẫm máu nhất ở Châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Ông Vương cũng tuyên bố mở rộng chương trình du lịch miễn thị thực, đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ miễn thị thực du lịch cho các công dân đến từ Thụy Sĩ, Ireland, Hungary, Áo, Bỉ và Luxembourg từ ngày 14 tháng 3.
Trung Quốc hiện có thỏa thuận miễn thị thực chung với 22 quốc gia, trong đó gần đây nhất là với Thái Lan, Singapore và Malaysia.
Trung Quốc cũng đã đơn phương cho phép miễn thị thực nhập cảnh cho công dân từ các quốc gia Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Ý trong 15 ngày. Năm quốc gia Châu Âu đó vẫn chưa đáp lại bằng một thỏa thuận tương tự dành cho công dân Trung Quốc.
Nguồn : VOA, 07/03/2024
*******************************
Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng, bỏ cụm từ ‘thống nhất hòa bình’ về vấn đề Đài Loan
Reuters, VOA, 06/03/2024
Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng 7,2% trong năm nay, đẩy mạnh ngân sách quân sự vốn đã tăng hơn gấp đôi dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình trong 11 năm cầm quyền giữa lúc Bắc Kinh có lập trường cứng rắn hơn với Đài Loan, theo các báo cáo chính thức ngày 5/3.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường bỏ cụm từ ‘thống nhất hòa bình’ với Đài Loan trong diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC), tại Bắc Kinh, ngày 5/3/2024.
Mức tăng này phản ánh tỷ lệ được trình bày trong ngân sách năm ngoái và một lần nữa cao hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng kinh tế của chính phủ trong năm nay.
Trung Quốc cũng chính thức dùng ngôn từ cứng rắn hơn đối với Đài Loan khi công bố số liệu ngân sách, bỏ đề cập đến chuyện "thống nhất hòa bình" trong báo cáo của chính phủ do Thủ tướng Lý Cường đưa ra tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC), quốc hội bù nhìn của Trung Quốc, hôm 5/3.
Căng thẳng đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây về vấn đề Đài Loan, hòn đảo được cai trị dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố là của mình, và những nơi khác trên khắp Đông Á khi việc triển khai quân sự trong khu vực ngày càng gia tăng.
Ông Li Mingjiang, học giả quốc phòng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, cho biết mặc dù nền kinh tế của Trung Quốc đang gặp khó khăn nhưng Đài Loan vẫn là đối tượng được Bắc Kinh cân nhắc về chi tiêu quốc phòng.
Ông Li nói : "Trung Quốc đang cho thấy rằng trong thập niên tới, họ muốn phát triển quân đội đến mức sẵn sàng giành chiến thắng trong một cuộc chiến nếu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu".
Kể từ khi ông Tập trở thành chủ tịch nước và tổng tư lệnh hơn một thập niên trước, ngân sách quốc phòng đã tăng vọt lên 1,67 nghìn tỷ nhân dân tệ (230 tỷ đô la) trong năm nay từ mức 720 tỷ nhân dân tệ vào năm 2013.
Tỷ lệ tăng chi tiêu quân sự đã liên tục vượt xa mục tiêu tăng trưởng kinh tế nội địa hàng năm trong thời gian ông nắm quyền. Theo báo cáo của chính phủ, năm nay mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024 là khoảng 5%, tương tự mục tiêu năm ngoái.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc được các nước láng giềng của Trung Quốc và Mỹ theo dõi chặt chẽ, những nước luôn cảnh giác với các ý định chiến lược của Bắc Kinh và sự phát triển lực lượng vũ trang của nước này.
Dựa trên dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, ngân sách năm nay đánh dấu năm thứ 30 liên tiếp Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng.
Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshimasa Hayashi ngày 5/3 kêu gọi Bắc Kinh cởi mở hơn, cảnh báo về những lo ngại quốc tế nghiêm trọng.
Ông Hayashi nói tại Tokyo rằng việc Trung Quốc liên tục tăng chi tiêu quân sự mà không có sự minh bạch đầy đủ là "thách thức chiến lược lớn nhất từ trước đến nay trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế cũng như củng cố trật tự quốc tế".
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận. Bộ quốc phòng Úc đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận.
Ông James Char, một học giả an ninh tại RSIS, nói mặc dù ngân sách quốc phòng vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP nhưng nó vẫn ở mức khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội trong thập niên qua và không gây căng thẳng cho kho bạc quốc gia.
Ông Char nói : "Tất nhiên, tài sản kinh tế lâu dài của đất nước sẽ quyết định liệu điều này có thể được duy trì trong tương lai hay không".
IISS cho biết trong nghiên cứu được công bố vào tháng trước rằng việc mua thiết bị mới có thể sẽ chiếm phần lớn nhất trong ngân sách khi quân đội nỗ lực đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa hoàn toàn của ông Tập vào năm 2035.
Sự thúc đẩy đó tiếp tục diễn ra trên nhiều mặt trận, với việc Trung Quốc sản xuất vũ khí từ tàu chiến và tàu ngầm cho đến máy bay không người lái và phi đạn tiên tiến có thể được trang bị cả đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường.
Ông Char cho biết quản lý chặt chẽ hơn cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo quân sự sau các cuộc thanh trừng nhân sự cấp cao liên quan đến mua sắm vũ khí.
Quân ủy Trung ương, cơ quan quân sự hàng đầu của Trung Quốc, vào tháng 7 năm ngoái đã ra lệnh minh bạch hóa quy trình mua sắm và kêu gọi công chúng báo cáo những bất thường.
Ủy ban chưa công bố kết quả điều tra, nhưng ít nhất 9 tướng lĩnh, trong đó có 4 người trực tiếp phụ trách mua sắm, đã bị tước danh hiệu đại biểu quốc hội, một thủ tục cần thiết trước khi họ có thể bị buộc tội trước tòa.
Hai cựu bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc và Ngụy Phượng Hòa cũng mất tích mà không có lời giải thích, điều này ở Trung Quốc thường có nghĩa là họ đang bị điều tra.
Ông Lý từng phụ trách mua sắm trang bị quân sự từ năm 2017 đến năm 2022. Khi được hỏi liệu ông Lý có tham dự các phiên họp quốc hội hay không, phát ngôn viên quốc hội Lâu Cần Kiệm nói với tờ Liên hợp Tảo báo của Singapore hôm 4/3 rằng ông Lý "không thể tham dự vì ông không còn là đại biểu".
Trong báo cáo công việc của chính phủ, Trung Quốc nhắc lại lời kêu gọi "thống nhất" với Đài Loan, nhưng nhấn mạnh thêm rằng họ muốn "kiên quyết" khi thực hiện điều đó và bỏ hai chữ "hòa bình" vốn đã được sử dụng trong các báo cáo trước đó.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bỏ qua từ "hòa bình", nhưng sự thay đổi trong ngôn ngữ được theo dõi chặt chẽ như một dấu hiệu cho thấy lập trường quyết đoán hơn đối với Đài Loan.
Hội đồng của Đài Loan chuyên trách các vấn đề về đại lục hôm 5/3 kêu gọi Trung Quốc chấp nhận thực tế là hai bên không phụ thuộc lẫn nhau, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tạo ra các trao đổi y tế xuyên eo biển Đài Loan.
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan ngày 5/3 cho biết lực lượng vũ trang Đài Loan sẽ tăng số lượng cuộc tập trận phi đạn mà họ tổ chức trong năm nay.
Ông Wen-Ti Sung, một nhà khoa học chính trị và thành viên tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói rằng ngôn ngữ ở Đài Loan đã "cứng rắn hơn một cách chừng mực".
Ông nói : "Bắc Kinh dường như đang cân bằng giữa việc tăng cường cứng rắn với Đài Loan với việc ổn định quan hệ với bạn bè quốc tế của Đài Loan".
Sau khi ông Lại Thanh Đức của Đảng Dân tiến giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan, lãnh đạo cấp thứ tư của Đảng cộng sản Trung Quốc, Vương Hỗ Ninh, đã phát biểu tại một cuộc họp chính sách cấp cao về Đài Loan vào tháng trước rằng Trung Quốc sẽ "kiên quyết chống lại" mọi nỗ lực đối với sự độc lập của Đài Loan trong năm nay.
Các tuyên bố trước đây từ cuộc họp thường niên chỉ thề "kiên quyết phản đối" việc Đài Loan độc lập.
Nguồn : VOA, 06/03/2024