Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/03/2024

Tập Cận Bình thâu tóm quyền lực cho đảng hay cho cá nhân ?

Tổng hợp

Sửa đổi luật tổ chức Hội đồng Nhà nước : Tập Cận Bình muốn kiểm soát cả Đảng lẫn Nhà nước

Minh Anh, RFI, 11/03/2024

Ngày 11/03/2024, Quốc Hội Trung Quốc bế mạc kỳ họp thường niên với việc thông qua Luật Tổ chức Hội Đồng Nhà Nước sửa đổi. Theo giới quan sát, điều này cho thấy Đảng cộng sản Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát cơ quan hành pháp, hay đúng hơn là ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc thâu tóm quyền lực.

tcb1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự phiên họp của Chính Hiệp tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/03/2024. AP - Ng Han Guan

Phiên họp bế mạc năm nay thiếu cuộc họp báo kết thúc thường lệ của thủ tướng, nhân vật số hai của đảng Cộng sản. Bắt đầu từ năm 1988, cuộc họp báo này là dịp duy nhất để các nhà báo chất vấn trực tiếp một nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.

Theo hãng tin Mỹ AP, việc hủy bỏ cuộc họp báo sau ba thập kỷ tồn tại cho thấy vị thế tương đối yếu kém của thủ tướng Lý Cường, trong khi những người tiền nhiệm của ông đóng vai trò lớn hơn nhiều trong việc lãnh đạo các chính sách kinh tế quan trọng, như hiện đại hóa các công ty nhà nước, đối phó với khủng hoảng kinh tế và cải cách lĩnh vực nhà ở…

Không những thế, trong ngày kết thúc kỳ họp, gần 3.000 đại biểu Quốc Hội đã thông qua luật Tổ chức Hội đồng Nhà nước sửa đổi, với 2.883 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 9 phiếu trắng, yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải tuân theo tầm nhìn của ông Tập Cận Bình.

Neil Thomas, một nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc, thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á, trả lời AP bằng thư điện tử, nhắc lại rằng những nhà lãnh đạo đảng điều hành Hội đồng Nhà nước từng có nhiều quyền tự do hơn trong việc hoạch định chính sách kinh tế.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1982, Trung Quốc sửa đổi Luật Tổ chức Hội đồng Nhà nước. Biện pháp mới nằm trong số các chính sách được ban hành những năm gần đây đã làm xói mòn dần quyền hành pháp của Hội đồng Nhà nước. Điều này khẳng định xu thế chuyển giao nhiều quyền lực hơn từ nhà nước vào tay Đảng, buộc chính phủ phải thực hiện đầy đủ các chỉ thị từ Đảng.

Tập Cận Bình củng cố quyền lực cá nhân

Trả lời hãng tin Reuters của Anh, Thomas Kellogg, giáo sư luật Châu Á tại đại học Georgetown ở Washington nhận định đây là một dấu hiệu cho thấy Đảng vừa tăng cường kiểm soát "công khai" đối với các cơ quan nhà nước, vừa tự coi là bên chịu trách nhiệm.

Theo ông, "chính trị nắm quyền chỉ huy, và tất cả các cán bộ Đảng cũng như quan chức chính phủ hơn bao giờ hết phải chú ý đến các mệnh lệnh và chỉ thị của Đảng như là kim chỉ nam chính cho việc ra quyết định hàng ngày".

Các phát ngôn gần đây tại Trung Quốc cũng thường xuyên nhắc lại rằng hệ tư tưởng chủ đạo của đảng bao gồm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông và đỉnh cao là triết lý Tập Cận Bình về "Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới".

Có thể nói, ông Tập Cận Bình đã thành công một cách "đáng kinh ngạc" trong việc củng cố quyền lực cá nhân trong đảng, trở thành người ra quyết định trong tất cả các chính sách, từ phát triển công nghệ, kinh tế, văn hóa, giáo dục, cho đến quản lý doanh nghiệp và lập kế hoạch kinh tế.

Tuy nhiên, trong thư trả lời AP, ông Neil Thomas lưu ý : "Việc tập trung quá nhiều quyền lực tuy có thể giúp ông Tập cải thiện tính hiệu quả của chính quyền trung ương, nhưng lợi ích có nhiều rủi ro bị lu mờ do cái giá phải trả cho việc ngăn chặn thảo luận chính trị, không khuyến khích sự đổi mới ở địa phương và cho những thay đổi chính sách đột ngột hơn".

Ông Alfred Wu, chuyên gia về quản trị Trung Quốc, trường đại học Quốc gia Singapore, có cùng nhận định : Việc sửa đổi này đã thể chế hóa những thay đổi đã được thực hiện trước đó, khiến việc đảo ngược chúng sẽ trở nên khó khăn hơn. Nhà nghiên cứu này ví kỳ họp Quốc Hội năm nay như là "một màn độc diễn", thể hiện quyết tâm của Tập Cận Bình trong việc tạo ra một hệ thống trong đó đảng lãnh đạo về chính sách, giảm bớt vai trò của Hội đồng Nhà nước và cơ quan lập pháp.

Minh Anh

*****************************

Trung Quốc qua luật tăng quyền kiểm soát của Đảng cộng sản đối với chính phủ

BBC, 11/03/2024

Quốc hội Trung Quốc hôm thứ Hai đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Quốc vụ viện sửa đổi, qua đó trao cho Đảng cộng sản thêm quyền kiểm soát đối với Quốc vụ viện, tức chính phủ của nước này. Trước đó, lần đầu tiên sau ba thập kỷ, Trung Quốc tuyên bố sẽ không tổ chức họp báo sau kỳ họp quốc hội như mọi năm.

tcb2

Theo Luật Tổ chức sửa đổi, Quốc vụ viện của Thủ tướng Lý Cường sẽ phải chia bớt quyền lực cho Đảng cộng sản

Luật được thông qua trong phiên bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh , với 2.883 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 9 phiếu trắng, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc sửa luật này sau hơn 40 năm.

Đây là bước đi mới nhất trong một loạt các động thái trong vài năm trở lại đây nhằm làm suy yếu quyền hành pháp của Quốc vụ viện, do Thủ tướng Lý Cường đứng đầu. Trên danh nghĩa, Quốc vụ viện, hay chính phủ Trung Quốc, có vai trò giám sát đối với 21 bộ trực thuộc và chính quyền địa phương.

Các chuyên gia luật đánh giá việc Trung Quốc sửa Luật Tổ chức Quốc vụ viện lần đầu tiên kể từ năm 1982 là sự tiếp nối tiến trình chuyển giao ngày một nhiều quyền lực nhà nước vào tay Đảng cộng sản, khiến cho chính phủ giờ đây chỉ biết răm rắp nghe theo chỉ đạo của đảng.

Các điều luật mới được sửa đổi bổ sung nhấn mạnh rằng Quốc vụ viện phải "kiên quyết duy trì bảo vệ quyền lực của Trung ương Đảng cũng như sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Trung ương Đảng", đồng thời làm theo Tư tưởng Tập Cận Bình, tên chính thức của đảng cho học thuyết chính trị của ông Tập, trong đó trình bày chi tiết các nội dung từ ngoại giao cho đến văn hóa.

"Đây là một sự dịch chuyển quan trọng trong việc tái cơ cấu cơ quan hành pháp ở Trung Quốc", Ryan Mitchell, giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, nhận định. "Mặc dù ai cũng biết người đứng đầu đảng là nhân vật có quyền uy nhất trong toàn thể hệ thống, nhưng việc phân công rạch ròi, cụ thể chức năng nhiệm vụ trong công tác hoạch định chính sách, đặc biệt là khâu giám sát thực thi chính sách, có khi còn chưa rõ ràng".

Phó chủ tịch quốc hội Trung Quốc Lý Hồng Trung nói trong một bài phát biểu trước quốc hội vào tuần trước rằng việc sửa đổi này nhằm "làm sâu sắc thêm quá trình cải cách cơ cấu của đảng và nhà nước" cũng như "quán triệt thực thi hiến pháp". Trung Quốc sửa hiến pháp năm 2018, trong đó tái khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng.

"Đây là một minh chứng khác cho thấy đảng đang vừa tăng cường kiểm soát một cách công khai đối với các cơ quan nhà nước, vừa muốn thể hiện ra rằng mình nắm toàn quyền trong tay", Thomas Kellogg, giáo sư luật Châu Á tại Đại học Georgetown ở Washington, D.C., đánh giá.

"Chính trị có quyền tối cao, giờ đây, hơn bao giờ hết, cả cán bộ đảng lẫn các quan chức chính phủ đều sẽ phải để tâm đến các chỉ đạo về mặt tư tưởng cũng như các mệnh lệnh của đảng, lấy đó làm kim chỉ nam cho việc ra quyết định hàng ngày", ông nói thêm.

tcb00

Làm theo Tư tưởng Tập Cận Bình là một trong những điểm được nhấn mạnh trong số 20 điều được sửa đổi bổ sung của Luật Tổ chức Quốc vụ viện mới

Theo thông lệ mọi năm, cuộc họp báo sau kỳ họp Lưỡng hội do thủ tướng chủ trì là một trong những sự kiện được quan tâm nhất, đặc biệt đối với các vấn đề như hoạch định kinh tế và chính sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên, năm nay nó đã bị lược bỏ.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã thành lập mới một số ủy ban trung ương của đảng với nhiệm vụ giám sát các bộ và báo cáo trực tiếp cho ông. Một số trong đó thậm chí còn nhúng tay vào quá trình làm chính sách kinh tế và tài chính, vốn thường được coi là thẩm quyền của thủ tướng.

Năm ngoái, Trung Quốc công bố kế hoạch cải cách cơ cấu chính phủ, trong đó lập ra một cơ quan mới của đảng để giám sát một số bộ. Ngay sau đó, Quốc vụ viện đã điều chỉnh quy tắc làm việc để làm rõ rằng quyền ra quyết định hành pháp thuộc về đảng.

Kể từ khi quy chế làm việc mới được ban hành, Quốc vụ viện cũng không còn tổ chức họp hàng tuần nữa mà chỉ họp hai, ba lần một tháng.

Kellogg cũng dẫn việc hủy cuộc họp báo của thủ tướng là "một ví dụ khác về việc các thể chế quản lý nhà nước đang đi chệch hướng" theo chiều có lợi cho đảng.

Ông nói : "Chúng ta vẫn đang ở trong quá trình cải cách cơ cấu đảng - nhà nước kéo dài nhiều năm này, tương lai có thể sẽ còn thấy nhiều thay đổi tương tự nữa".

Nguồn : BBC, 11/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, BBC tiếng Việt
Read 392 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)