Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/01/2017

Luận cái Loa phường

Xuân Dương

Hiện "loa phường" đã hoàn thành "nhiệm vụ lịch sử" không chỉ với Thủ đô mà cả các thành phố lớn trong cả nước.

Năm 1954, hòa bình lập lại sau 9 năm kháng chiến, những người thợ mỏ Cái Đá, mỏ than Hà Lầm, khu Hồng Quảng lần đầu tiên được nghe truyền thanh nhờ một chiếc loa lắp trên đỉnh đồi.

Chính quyền quy định mỗi ngày chiếc loa được quay về một xóm, những người thợ mỏ và lũ trẻ con luôn háo hức chờ đến lượt loa quay về xóm mình để được nghe tin tức và nhất là những bài hát cách mạng.

Mâu thuẫn xảy ra khi bỗng nhiên xóm tôi đến lượt mà không nghe được "Tiếng nói Việt Nam", hóa ra lũ trẻ xóm bên đã lẻn lên đỉnh đồi quay loa về xóm chúng.

Dù bị cha mẹ cấm, chúng tôi vẫn quyết định "trả thù" bằng cách rủ nhau lên đỉnh đồi quay loa về xóm mình, lại lấy đá chèn chặt chân cột cho lũ ngốc xóm bên không thể xoay loa về xóm chúng.

Hơn 60 năm đã qua, câu chuyện của ngày xưa cũ vẫn là kỷ niệm khó quên với những người đã bước vào tuổi "cổ lai hy".

Mấy hôm nay, rộ lên chuyện Hà Nội xem xét bỏ loa phường  khiến câu chuyện cũ lại có dịp được đem ra bàn bạc. Cũng cần phải nói thêm không chỉ loa phường mà còn cả loa huyện.

Những "Làng văn hóa" tại Huyện Gia Lâm vừa được huyện lắp các cột loa phát thanh, cột thép cao gần 20 mét, lắp 4 loa, giữa cột là hệ thống thu tín hiệu sóng đài huyện kèm theo bộ quản lý thời gian để tự động phát hoặc dừng.

loa1

"Loa huyện" ở Phú Thụy - Gia Lâm - Hà Nội (ảnh Xuân Dương)

Do người dân phản đối nên "loa huyện" phải đưa ra mép đường quốc lộ, cách xa khu dân cư. Đứng trên mặt đất cách chân cột vài chục mét trong khoảng 10 phút không nghe rõ lời vì xe tải trọng lớn chạy liên tục.

Vào trong làng, giữa các ngôi nhà 3-4 tầng nghe loa như như cãi nhau vì sóng âm dội lại giữa các bức tường.

Lên gác thượng một nhà cách cột loa chừng 300 mét, chỉ nghe thấy một mớ âm thanh lúc bổng lúc trầm không biết do "loa huyện" hay từ các quán karaoke phát ra !

Mấy cụ già ngồi xem tivi, nhìn hình mà không nghe rõ tiếng mỗi khi loa hoạt động. Người dân nhận xét, ngoài ô nhiễm môi trường bây giờ lại thêm "ô nhiễm âm thanh" !

Cư dân nội đô thì lại bị đối xử không "công bằng", dân các khu đô thị như Times City, Ecopark,… không được hưởng "loa phường, loa huyện", ở nhà cao tầng "loa phường" đành chào thua vì chẳng loa nào với tới tầng chín, tầng mười.

Người dân ngày nay có nhiều lựa chọn để nắm bắt thông tin, gia đình và nhà trường có sổ liên lạc điện tử, mỗi kỳ phát lương nhân viên Bưu điện đều trao cho người hưu trí mảnh giấy ghi rõ ngày phát lương tháng sau, thông báo tiêm chủng cho trẻ em được viết trên bảng tin của thôn…

Truyền hình cáp có tới 200 kênh, nhiều các gia đình lắp Internet, chưa kể mạng xã hội,…

Một số báo giấy hiện nay không có người mua, chủ yếu người ta đọc báo điện tử, thông tin đôi khi là quá thừa.

Ngày 15/1/2017, mục bình chọn trên Dantri.com.vn cho thấy 89,77% ý kiến bạn đọc đồng ý bỏ "loa phường", chỉ khoảng 10% muốn giữ.

Nhiều năm trước, người viết từng có hai tuần làm việc ngay cạnh Trung tâm phát thanh - truyền hình huyện K.Đ tỉnh H.Y.

Cả trung tâm có 4 người, tất cả tin bài đều lấy trên báo, tìm hiểu được biết "không dại gì tự viết bài" nhỡ trái chỉ đạo là phiền phức (thực ra là không ai có kinh nghiệm viết bài).

Chỉ cần đem mấy tờ báo khoanh đỏ vào bài cần đọc, thế là xong nhiệm vụ trưởng, phó đài, nhân viên đến giờ mở máy theo những khoanh đỏ đó đọc cho chuẩn (tuy hơi ngọng) là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ?

Ngoài "loa phường" lại thêm "loa huyện", đầu tư cho mỗi cột loa ấy chắc chắn phải vài chục triệu, cả huyện chắc phải tốn tiền tỷ nhưng thăm dò cho thấy 90% dân muốn bỏ, vậy có nên tiếp tục ?

Hệ thống dây thông tin và dây điện Hà Nội đang là nỗi xấu hổ của Thủ đô khi truyền thông nước ngoài từng có lúc xếp Hà Nội thứ 3 thế giới về "mạng nhện" dây dẫn, đóng góp vào vị trí này không thể không có "công lao" của hệ thống "loa phường" !

Đương nhiên những người không muốn bỏ "loa phường" sẽ có lý do biện minh cho quan điểm của mình, trong số đó hẳn phải có những Trưởng đài, Phó đài và những "công chức đài" hay người thân của ai đó.

Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện/quận, 584 đơn vị cấp xã/phường. Giả sử đài phát thanh cấp huyện biên chế 4 người, cấp xã 1 người thì số lượng "công chức đài" sẽ vào khoảng 600 người.

Dù là chuyên nghiệp hay bán chuyên trách thì vẫn phải trả lương, vậy ngân sách phải chi bao nhiêu tỷ tiền lương cho đội ngũ này mà thực tế hiệu quả mang lại rất thấp nếu không nói là còn gây phiền hà cho người dân ?

Nói thế để thấy "loa phường" đã hoàn thành "nhiệm vụ lịch sử" không chỉ với Thủ đô mà cả các thành phố lớn trong cả nước.

Người viết hoan nghênh quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc xem xét sự tồn tại của "loa phường, loa huyện" theo hướng loại bỏ phương tiện truyền thông này.

Nếu được thực hiện, Hà Nội sẽ góp phần vào tinh giản biên chế vài trăm người, cùng với đó là một số tiền khá lớn dành cho xây dựng trường học, bệnh viện, và cơ sở phúc lợi công cộng.

Lắng nghe ý kiến nhân dân, làm những điều dân muốn, đó chính là nét văn minh của một chính quyền "do dân và vì dân".

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 16/01/2017

*************************

Loa phường, sợ nhất là nội dung và âm lượng (Tin Tức, 16/01/2017)

Sau khi có ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội đang triển khai khảo sát về hiệu quả của loa phường.

loa2

Một cột điện có treo tới 3 loa phường gồm cả loa mới lẫn cũ tại phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội)

Nội thành muốn bỏ, ngoại thành thấy cần

Về hiệu quả của loa phát thanh tại phường, xã (hay còn gọi là loa phường) tùy theo mỗi góc nhìn, mỗi địa bàn, mỗi cá nhân đều có quan điểm riêng.

Ông Đinh Công Thành, phố Hoàng Khoai (Hà Nội) cho biết : "Nhà có người ốm, nằm liệt giường mà loa phường cứ giã vào tai đầu giờ sáng, đến người khỏe còn thấy mệt, lúc ấy thì bức xúc lắm. Tôi có làm đơn lên phường yêu cầu di dời loa phường, nhưng đến nay vẫn không có hồi âm".

Còn bà Nguyễn Thị Đoàn, phố Đào Tuấn (Ba Đình), phản ảnh : Âm thanh phố phường quá ồn ào nên nội dung loa phường nghe không rõ, cho nên với nội thành nên bỏ loa phường vì không hiệu quả.

Theo khảo sát của phóng viên, trong 4 quận nội đô, mật độ loa phường khá dày đặc. Trong đó, những khu tập thể cũ, khu phố cổ có mật độ loa khá dày : Tập thể Nguyễn Công Trứ, Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) ; Giảng Võ, Thành Công (quận Ba Đình), những làng cổ dọc phố Thụy Khuê… Nhiều cột loa có tới 3, 4 loa lớn nhỏ. Theo một cán bộ làm văn hóa tại một số phường Ba Đình, nội dung phát trên loa do cán bộ văn hóa phụ trách trưởng đài phường phụ trách. Bên cạnh truyền thanh một số nội dung của Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Hà Nội, các phường tập trung thông tin một số chính sách trên địa bàn. Tuy nhiên, một số phường tường thuật cả một số phiên tòa lưu động, thông tin việc ma chay, hiếu hỉ lên loa…

"Bỏ loa phường là rất hợp lý. Gia đình chúng tôi chẳng bao giờ nghe loa phường. Còn những gia đình ở gần nơi lắp loa thì ngày nào cũng bức xúc vì âm lượng loa quá lớn", bà Nguyễn Thị Đoàn đề xuất.

Trong khi đó, tại vùng ngoại thành Hà Nội, hệ thống loa phát thanh vẫn được người dân đề xuất giữ lại. Bà Đức, đội 7, thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh) cho biết : Loa phát thanh vẫn có tác dụng khi thông báo tình hình an ninh trật tự địa phương. Thông tin trên loa phường chỉ hữu ích khi thông báo phòng chống thiên tai, hoạt động giải phóng mặt bằng, lịch tiêm chủng, bầu cử, đóng các loại phí…

Ông Trần Quang Hùng, cán bộ văn hóa xã Vân Nội, Đông Anh Hà Nội cho rằng : "Loa phát thanh là một trong những hình thức tuyên truyền tới người dân nhanh nhất các nội dung liên quan đến vệ sinh môi trường, giải phóng mặt bằng. Giờ phát thanh theo quy định của Đài phát thanh của huyện. Do không gian ở làng quê còn thoáng nên nội dung nghe rõ. Do đó, tôi đề xuất giữ lại loa phát thanh. Tuy nhiên, nội dung, thời gian cũng có thể linh động hơn".

Sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế

Trên thực tế chưa có cuộc khảo sát xã hội học nào về tác dụng của loa phường. "Do đó, từ yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố, cũng cần có nghiên cứu cụ thể về tác dụng của loa phường. Trong đó quy định thời gian phát, nội dung phát. Không để tràn lan như hiện nay", nhà xã hội học Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Còn theo một số cán bộ phụ trách mảng thông tin tại một số phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, trung bình hệ thống loa mỗi phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tiêu tốn khoảng 50 triệu đồng/năm cho chi phí kiểm tra, bảo dưỡng. Đó là chưa tính đến các khoản chi cho lương, phụ cấp cho trưởng đài, phát thanh viên...

Ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Chủ tịch thành phố Hà Nội, Sở cũng đã trao đổi với lãnh đạo quản lý văn hóa thông tin của 30 quận huyện trên địa bàn và đang tiến hành kiểm tra số lượng loa trên địa bàn. 

Trên cơ sở số liệu thống kê, khảo sát, Sở sẽ kiểm tra xem có đáp ứng được yêu cầu bỏ loa phường hay không ? Hiện nay về cơ sở vật chất và nội dung phát thanh thuộc sự quản lý của UBND các quận huyện, phường xã. 

Trên cơ sở khảo sát ý kiến của người dân, chính quyền địa phương, Sở sẽ tham mưu kế hoạch điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Ví dụ như ở các quận cũ nội đô, có thể giảm số lượng loa phường, nội dung thông tin... tránh ảnh hưởng đến các hộ gia đình. Ở quan điểm cá nhân của ông Khánh, thì loa phát thanh vẫn có những tác dụng nhất định.

XC

****************

Loa phường chưa hoàn thành sứ mệnh ở vùng sâu vùng xa (Infonet, 16/01/2017)

Đồng tình với đề xuất bỏ loa phường của TP.Hà Nội, nhưng Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết : "Loa phường ở đô thị đã hoàn thành sứ mệnh, nhưng ở vùng sâu vùng xa thì chưa hoàn thành sứ mệnh của mình".

loa3

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu tại cuộc gặp mặt cán bộ hưu trí của Bộ Thông tin và truyền thông.

Chia sẻ tại cuộc gặp mặt cán bộ hưu trí của Bộ Thông tin và truyền thông vào chiều nay, 16/1, ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đề xuất Bộ Thông tin và truyền thông nên ủng hộ chủ trương bỏ loa phường của Thành phố Hà Nội. Ông Mai Liêm Trực cho biết : Loa phường đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. Bây giờ chúng ta có Internet và các phương tiện khác để xử lý công việc. Bộ Thông tin và truyền thông nên ủng hộ chủ trương này".

Ông Mai Liêm Trực cũng cho biết thêm : "Loa phường nhiều nơi còn hoạt động rất tùy tiện".

Cũng tại cuộc gặp mặt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã cho biết quan điểm của Bộ Thông tin và truyền thông về vấn đề loa phường. Cụ thể, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết : Bộ Thông tin và truyền thông đồng tình với quan điểm của Thành phố Hà Nội vấn đề loa phường. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay : "Bỏ loa phường ở thành phố và đô thị nhưng nên tăng cường cho vùng sâu, vùng xa bởi vùng sâu, vùng xa vẫn rất cần thông tin. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh : "Loa phường ở đô thị đã hoàn thành sứ mệnh của mình, nhưng ở vùng sâu vùng xa thì chưa". 

Trước đó, trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất bỏ loa phường xuất thay bằng các thiết bị đầu cuối thông minh hơn. Chủ tịch Hà Nội cho rằng : "Loa phường ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng, nhưng cũng đã đến lúc hoàn thành sứ mệnh cúa mình. Và các chương trình trên loa truyền thanh của các phường hiện nay "nghèo nàn và thông tin không có gì". 

Dựa trên quan điểm này, Chủ tịch UBNF TP.Hà Nội chính thức giao Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với các quận, huyện tổng kết, đánh giá lại kết quả cũng như tác dụng của việc sử dụng loa truyền thanh cấp phường. Nếu cần thiết, chọn một vài điểm lấy ý kiến người dân xem có phù hợp không ? Nếu ở các địa phương (như ở ngoại thành) vẫn còn phù hợp thì có thể giữ lại. Tuy nhiên, với những nơi có dân trí cao, không cần nữa thì mạnh dạn đề xuất bỏ và bắt đầu thí điểm sử dụng thiết bị đầu cuối thông minh cho các gia đình.

Trả lời báo chí ngày 13/1 vừa qua, đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cũng cho biết cho biết : Sở đã lên kế hoạch để thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất phương án đối với hệ thống loa truyền thanh xã phường để báo cáo lãnh đạo UBND thành phố trong quý I năm 2017.

Cụ thể, Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội sẽ có báo cáo chi tiết về hiện trạng và đề xuất phương án phù hợp đối với loa truyền thanh, trong đó đối với khu vực nội đô (loa phường) có nên tiếp tục sử dụng nữa hay không. Đại diện Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội cho hay : "Hệ thống loa truyền thanh phường xã có hai mục đích : một là cung cấp thông tin cho người dân và phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến trong điều hành của chính quyền địa phương. Vì vậy khi ra soát, đánh giá hiệu quả của loa phường xã, chúng tôi sẽ phải đánh giá trên cả hai góc độ. Hiện nay ở các phường nội đô, nhu cầu thông tin từ loa phường giảm nhưng ở các xã vùng ngoại thành, nông thôn, địa bàn trải rộng, hệ thống loa truyền thanh vẫn còn cần thiết đối với cả chính quyền địa phương và người dân".

Nhóm PV

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Xuân Dương
Read 929 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)