Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/03/2024

Nhớ lại những ngày sau 30/4/1975

Nguyễn Nhơn

Quyết liệt ! Quyết liệt ! Quyết liệt !

Nguyễn Nhơn, RFA, 23/03/2024

Giờ có những người sưu tầm hẳn tranh cổ động về treo, nhưng thời bao cấp, khi đang học cấp 2, chúng tôi có vô số lần phải đi cổ động.

saigon1

Các em học sinh tham gia diễu hành với ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một sự kiện kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ hôm 7/5/1999 - Reuters

Đoàn vẹt trẻ con

Đi cổ động là khi nhà nước có chính sách mới gì đó, yêu cầu ngành giáo dục tổ chức cho học sinh đi bộ theo hàng ngũ trên tất cả các con đường chính của thành phố và vào các khu dân cư lớn. Đoàn cổ động khá lớn, thường lên tới vài trăm học sinh, vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu được cấp trên đưa xuống để mọi người đều nghe thấy. Đầu đoàn cổ động là một nhóm khoảng 3-5 học sinh đeo trống, vừa đi vừa đánh trống vang rền. Có những người phụ trách đi bên ngoài hàng để nhắc nhở trật tự và hô khẩu hiệu mẫu. Người này vừa hô xong thì cả đoàn học sinh lập tức cùng hô lên những từ ngắn gọn biểu thị ủng hộ hay bài trừ. Thường là hô ba lần.

Ví dụ :

Người hô khẩu hiệu mẫu :

- Nhiệt liệt ủng hộ cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch.

Cả đoàn :

- Nhiệt liệt. Nhiệt liệt. Nhiệt liệt.

Hô mẫu :

- Phản đối bành trướng Bắc Kinh xâm lược biên giới Việt Nam.

Cả đoàn :

- Phản đối. Phản đối. Phản đối.

Hô mẫu :

- Quyết tâm tham gia đầy đủ nghĩa vụ quân sự.

Cả đoàn :

- Quyết tâm. Quyết tâm Quyết tâm.

Có khi còn kèm vung nắm đấm lên không ba lần theo nhịp hô.

Cứ thế vừa đi bộ vừa hô khoảng hai tiếng, sau đó tập trung lại về trường, trả trống, giải tán.

Bất cứ chủ trương gì cũng tổ chức cho học sinh đi cổ động được cả.

Thường các buổi cổ động được tổ chức vào buổi chiều. Ban đầu còn khí thế, trống vang lừng, tiếng hô hùng hồn vang dội, bước chân rầm rập. Được khoảng 2/3 buổi thì bắt đầu chán, mỏi miệng, bước chậm lại, hàng ngũ xô lệch kéo giãn tứ phía. Có khi người phụ trách giơ tay hô nhưng xong chẳng thấy ai hô theo, nhìn lại thì té ra do mải nhìn theo khối phía trước nên đã bỏ xa khối lớp mình cả một đoạn dài. Lại phải chạy ngược lại xốc lại đội hình đi tiếp. Thành phố nhỏ, thường xuyên có những đứa học trò đang giơ nắm tay đi cổ động đến gần nhà mình thì mắt trước mắt sau bước chậm lại, rồi tách khỏi hàng co cẳng chạy biến về nhà.

Chẳng biết nghe một bọn học sinh cấp hai đi làm cái loa di động như thế thì người lớn có được "nâng cao"với "quyết tâm" không, nhưng 100% bọn đi hô đều chẳng hiểu đang hô những gì, làm việc này để làm gì. Chẳng qua thầy cô bảo gì nghe nấy, mà tôi không nhớ rõ nhưng hình như cũng có điểm cho việc này, ở phần tham gia các công tác của nhà trường, được đánh giá xếp loại cuối năm.

Lên cấp 3 thì tụi tôi thoát trò đi cổ động, nhưng lại dính vào lao động công ích.

Một cây gật gù

Hoan hô các bác trồng cây

Mười cây chết chín, một cây gật gù

Chúng bay có mắt như mù

Mười cây chết hết, gật gù ở đâu ?

(ca dao mới thời bao cấp)

Cả xã hội chẳng hiểu sao như lên cơn điên, từ trẻ con đến ông già bà lão, từ trường học đến nhà máy, công ty, xí nghiệp, cứ sểnh ra là bắt đi trồng cây.

Có lẽ xuất phát từ câu "Mùa xuân là tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân".

Mỗi năm một hoặc hai lần, vào trước Tết và đầu mùa mưa, các tông sư nịnh thần vịn vào câu đó lùa hết học sinh, sinh viên, công chức… đi trồng cây. Trồng để lấy số chứ bất cần biết có hợp thổ nhưỡng, kỹ thuật trồng và chăm sóc ra sao. Nên mười cây chết chín là có thật.

Học sinh chúng tôi bị lùa đi trồng cây ở các bãi hoang, bình nguyên ven biển. Bầu cây được phát đến tận nơi, nhưng dụng cụ thì phải tự mang theo như cuốc xẻng, thùng tưới. Cũng có người đứng ra hướng dẫn kỹ thuật, như phải đào hố sâu bao nhiêu, rộng bao nhiêu, phải xé bầu cây (bằng túi nilon) ra trước khi đặt xuống hố, phải đắp đất cho chặt… Tôi tự nhận là người nghiêm túc trong tất cả mọi việc, vì kỹ thuật hướng dẫn thế nào thì tôi làm theo như thế. Cắm cúi đào bới một lúc lâu ngoảnh lên nhìn sang thì trừ một số ít bạn cũng đang cặm cụi giống mình, còn đâu bọn kia cây cắm xuống hố gần hết cả rồi, thậm chí rất nhiều đứa đã tụ tập thành nhóm đánh bài, tán gẫu. Hóa ra bọn chúng chẳng thèm kỹ thuật gì sất. Cứ bới qua quýt một cái hố nhỏ xíu dúi cây xuống, vùi lại sơ sơ, cái cây đứng thẳng được là chúng xong việc.

Cuối buổi cũng có thầy cô đi kiểm tra, nhưng kiểm tra lấy lệ thôi. Chẳng ai đi đào những cây non vừa được cắm xuống xem hố trồng có đủ sâu, đủ rộng, rễ cây có được thả thẳng xuống và lấp đất chặt hay không. Hàng trăm đứa học sinh như đàn kiến, cắm chi chít một lúc đã được cả bãi rộng bát ngát tua tủa cây, khiếp, chụp ảnh viết bài lên thì bằng với cả mùa xuân đã đến với toàn dân tộc. Ai biết đấy là đâu ?

Trồng cây xong, mỗi lớp lại được phân công chủ nhật hàng tuần phải lên tưới cây. Nhưng đi xa cả chục cây số-với học sinh đầu cấp ba, đi xe đạp cọc cạch chở hai chở ba thì như thế là rất-rất xa. Chả đứa nào đi. Có đứa nghiêm túc chấp hành nhưng đến nơi thấy có mỗi mình mình hoặc lơ thơ vài ba đứa, cũng chẳng thể xách nước tưới cho cả khoảnh đất hàng ngàn m2 của lớp mình được. Đi được một lần thì chán, chẳng có lần hai nữa. Cả một bãi hoang mênh mông hàng chục ngàn m2 cứ thế phó mặc cho giời. Đúng như câu ca dao ở trên, trồng cây thế thì vừa quay mông đi cây đã chết sạch sành sanh chứ chẳng còn mống nào để gật gù. Cơ mà chả việc gì sất, học kỳ sau cả trường lại tiếp tục đánh trống đi trồng cây tiếp. Cứ thế hết lứa học sinh này đến lứa khác.

Cha mẹ chúng tôi cũng bị vận động đi trồng cây như thế. Kết quả không khác một mảy.

Ngoài trồng cây, lứa chúng tôi còn có cái vinh dự được thầy cô trong trường giao trọng trách… nuôi heo cho họ !

Học sinh đi nuôi heo cho giáo viên

Đấy là những năm đói kém quá, thầy cô quyết định học tập toàn thể xã hội nuôi heo cải thiện đời sống. Nhưng các thầy cô từ miền Bắc vào ở nhà tập thể, lấy chỗ đâu nuôi heo ? Thế là quyết định xây một cái chuồng bên phần đất sân vận động của trường. Trường tôi có sân vận động rất lớn, trồng cỏ, xung quanh viền hàng cây cổ thụ, để học sinh học các môn thể dục và chơi thể thao. Từ sân vào khu vực phòng học phải qua một đoạn đường hơi quanh co nho nhỏ. Chuồng heo của thầy cô được xây ở vị trí này, những lớp đầu dãy phòng học ở gần có thể nghe tiếng heo eng éc và ngửi mùi phân heo trong không khí.

Vậy là giao cho học sinh nuôi heo. Tính vào điểm của mục Lao động trong học bạ. Quá tiện.

Chúng tôi được yêu cầu đến trường tắm heo, cho heo ăn. Chia làm hai ba nhóm trong ngày.

Công sức và thời gian của học trò bị chính các thầy cô giáo lợi dụng thật dễ dàng, nhưng phần đông bọn học trò chúng tôi chẳng biết gì hết. Những đứa ngoan và học lực từ trung bình trở xuống thì sợ bị trừ điểm lao động, sợ bị thầy cô để ý "trù". Đứa giỏi thì sợ cuối năm bị đánh giá thấp sẽ ảnh hưởng đến thành tích, xấu học bạ. Chẳng hiểu sao danh hiệu học sinh giỏi thời đó lại có ý nghĩa với đám chúng tôi đến vậy.

Nhưng cũng có những đứa chẳng sợ gì hết vì gia đình chúng đã xác định sẽ đi nước ngoài.

Đêm chôn dầu vượt biển

Có một giai đoạn như vậy : hết hè, đến lớp lại vắng đi một số gương mặt. Thầy cô không ai giải thích. Tụi con nít thì vô tư : "Nhà nó đi vượt biên rồi".

"Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn, anh chôn…

chôn hết cả những gì của yêu thương"

(Đêm chôn dầu vượt biển, Châu Đình An).

Rất nhiều năm sau được nghe ca khúc não nùng này, trong tôi cứ dậy lên hình ảnh bãi biển đêm đen kịt, chỉ có những gợn lân tinh trên sóng khẽ lấp lánh tít ngoài xa. Những bóng người lom khom giấu mình chôn những can dầu trong cát để một đêm nào đó, cũng tối trời và mịt mùng như hôm nay, họ sẽ một bước chân lên tàu, chạy trốn khỏi đất nước, vượt biên. Đối mặt với trùng khơi vô vàn bất trắc, họ bị đẩy vào thế phải tự nguyện chơi một ván bài duy nhất với số phận mà vật cược chính là sinh mạng của bản thân, vợ, con, cha mẹ, những người thân nhất…

Đêm nay trên bản đồ có một thuyền ra đi

Hiên ngang trên sóng gào tự do đón chào

Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng

Nhìn lại bên bờ nước non mình muối mặn

Khóc nghẹn ngào.

(Đêm chôn dầu vượt biển, Châu Đình An)

Thời đó có rất nhiều câu chuyện rùng mình về những người vượt biên.

saigon2

Những người Việt Nam trên tàu vượt biên chờ được cứu lên tàu bệnh viện của Pháp ở biển hôm 8/7/1979. AFP

Có những hôm ba má tôi phải đi họp ở tổ dân phố suốt buổi tối. Về, trông thái độ lạ hẳn đi, vừa chìm vào nghĩ ngợi và thương xót, vừa thỉnh thoảng nhìn đám con cái như mới gặp lần đầu.

Cả đêm, hai ông bà thì thầm mãi.

Cuối cùng, chịu không được, má tôi cũng phải kể :

- Tập trung đi họp, có cấp trên về. Ông ấy kể chuyện người ta đi vượt biên, ra đến biển bị cướp, đàn ông thì bị cướp tiền vàng rồi đập đầu, con gái bị hãm hiếp rồi quăng xuống biển. Có khi nó cướp hết tiền vàng lương thực, tháo cả máy tàu, xong thả cho người ta trôi đi. Cuối cùng người ta đói quá, không có gì ăn, phải ăn thịt người. Người nào chết trước thì bị ăn trước.

Má tôi nói, cấp trên đưa đến một người đàn ông, bảo rằng đó chính là một trong những người cuối cùng trên chiếc ghe, ông ta còn sống sót chính là nhờ ăn thịt những người trước. Ông ta đứng ra kể chuyện trước đám đông người dân trong cuộc họp như vậy.

Cũng thường xuyên ba má tôi nói chuyện với nhau việc chiếc tàu cá nào đó vừa hôm qua còn lên hàng, mang dầu lên ghe nay đã biến mất. Những anh Ba chị Bảy người quen, vốn là chủ ghe, tài công, vợ chủ ghe, chủ vựa… hôm qua còn gặp nhau rôm rả kể chuyện chợ búa con cháu, đã biến mất sau một đêm. Ai cũng biết gia đình họ đã âm thầm vượt biên.

Có người thoát được, ít lâu sau gởi thư, gởi ảnh về cho gia đình hoặc người thân, thường là mặc quần jean ống loe, gác tay gác chân lên một chiếc xe hơi, bên trên là bầu trời cao xanh rực rỡ.

Có người mãi mãi bặt vô tăm tích.

Có người vắng mặt ít tháng, rồi trở về, nhưng nhà cửa đã bị tịch thu nên sống lang thang hoặc bị chuyển lên vùng kinh tế mới.

Chúng tôi có mấy đứa bạn đi theo gia đình lên kinh tế mới như vậy. Lâu lắm, ba mẹ dắt về thành phố chơi, gặp lại nhìn nó khác vô cùng : da cháy nắng, tóc xơ xác, áo quần lam lũ tối màu, vẻ chất phác mất hẳn sự linh lợi của những đứa trẻ thành thị…

Những câu chuyện chỉ dám thì thầm thật khẽ trong nhà, khi đêm đã khuya, cổng cửa đóng chặt của ba má tôi còn có tin đồn công an thu của người vượt biên bao nhiêu cây vàng rồi cho đi. Nộp tiền xong rồi, mọi người tin tưởng là rất an toàn, ra bãi biển chờ tàu đón thì bị công an ùa ra vây, bắn. Người ta hoảng loạn chạy trối chết. Rồi lượm được ở bãi biển bao nhiêu là vàng…

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 23/03/2024

****************************

Nghèo mà yên bình, ha ha

Nguyễn Nhơn, RFA, 23/03/2024

Thoát khỏi thời bao cấp, sang thời bao… đồng, không ít người trìu mến ngó về dĩ vãng rồi thở dài : Ước gì được như hồi đó. Nghèo mà yên bình !

saigon3

Một đám đông trên xe điện ở Hà Nội hôm 17/1/1980 - AP

Ủa yên bình ở cõi nào vậy, chứ dạ thưa các bác, thời bao cấp là một thời rách tươm và rối tung !

Cướp

Tôi không nhớ rõ là năm nào, nhưng khoảng 1980-1985, xã hội đầy đe dọa mất an ninh. Có cướp ở các thành phố lớn, có cướp ở các vùng núi đồi hai bên quốc lộ hoang vắng ít người qua lại. Trộm vặt, móc túi thì khắp nơi. Chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện. Một trong những câu chuyện được kể đi kể lại nhiều nhất có bối cảnh ở Sài Gòn, trên xe bus. Nó như sau : Một hành khách bị chiếc bao bố đựng hàng đặt trên giá phía trên đầu mình nhỏ giọt xuống liên tục, nhìn kỹ thì hóa ra máu. Người ta la làng lên, tài xế dừng xe, mọi người làm chứng mở cái bao ra thì lạnh người : một cánh tay phụ nữ đeo vòng, vòng vàng hay cẩm thạch gì đó. Bị chặt đứt lìa ở gần cổ tay, tươi nguyên, máu từ vết chặt vẫn đang nhỏ giọt xuống.

Không gian của câu chuyện này và những câu chuyện tương tự là sự mất trị an bắt nguồn từ thiếu thốn, đói ăn cực độ trong xã hội lúc đó. Những tên cướp có thể tàn bạo đến mức sẵn sàng chặt đứt tay người đeo trang sức để cướp.

Ba tôi hay đi công tác ở các tỉnh miền Trung. Có ba cái đèo ngoằn ngoèo nổi tiếng ở miền Trung là đèo Hải Vân, đèo Cù Mông và đèo Cả. Chúng dài, hai bên chỉ là núi đồi hoang vắng chứ không có dân cư như bây giờ. Đặc biệt là đèo Hải Vân. Các chú lái xe kể xe qua các con đèo này rất sợ, phải đi thật sớm và chạy một mạch, mục đích phải thoát khỏi đèo vào lúc trời còn sớm, còn rõ mặt trời. Vì chạng vạng, ở đó thường có cướp. Bọn cướp đốt đống lửa to ngay giữa đường, khiến các xe đò, xe hàng đều phải dừng lại. Chúng lên xe lột sạch tiền bạc, hàng hóa của hành khách và thương buôn.

Tôi nhớ có lần cùng đi với ba trong một chuyến công tác như vậy. Trước khi qua đèo, bác tài kiểm tra lại một lượt tất cả bánh xe, thắng, xăng, dầu nhớt… Ông im lặng giữ chặt vô lăng, mắt dán vào con đường phía trước, không nói một lời. Cửa xe khóa chặt ở bên trong. Chú lơ xe và ba tôi ngồi thẳng người nhìn ra xa, sẵn sàng nắm lấy một dấu hiệu bất thường nhỏ nhất. Ở địa phương trước đó, mọi người đã làm việc kéo quá giờ dự kiến, tính ra qua hết đèo Cả thì đã muộn. Tôi còn nhớ ba tôi hỏi bác lái xe có kịp qua đèo hay không, hay là nghỉ lại bên này chờ sáng mai đi cho an toàn. Bác tài cân nhắc rồi quyết : đi, còn kịp.

Con đường đèo quanh co uốn khúc, chiếc xe tải cỡ lớn phải chạy rất chậm những lúc lên đèo. Những bóng cây hai bên đường cứ thẫm dần. Đường vắng dần, rồi vắng tanh. Thảng hoặc lắm mới có một chiếc xe cùng chiều hoặc ngược chiều. Những chiếc xe con đều phóng nhanh.

Xuống đến chân đèo Cả về phía Bắc thì trời đã tối, những bóng cây đen sẫm lào xào chạy ngược chiều, vẫn vắng vẻ nhưng không còn căng thẳng nữa. Đến khi chạm vào rìa thành phố, người xe đã nhộn nhịp lên hẳn thì bác lái xe thở phào ra một hơi hết sức dài.

Sự mất an ninh giảm đi về mức độ khốc liệt nhưng vẫn kéo dài đến tận thập niên 90. Lần này tôi thật sự trải nghiệm cảm giác bị rạch giỏ và mất cắp trong xe là thế nào. Cũng là một dịp tôi đi theo ba trong chuyến công tác, lần này vào Sài Gòn. Tôi ghé hiệu sách mua ít sách tham khảo, bỏ vô cái cặp mang theo. Trưa, chúng tôi vào quán ăn cơm. Chiếc xe, lần này là xe con, đậu bên lề đường. Cửa kính kéo lên hết. Những người lớn đã nghe người ta nói nhiều về vụ bọn trộm cạy cửa xe, kéo cửa kính xe đậu bên lề đường để ăn trộm mọi thứ trong xe nên chúng tôi mang theo hết tư trang theo người. Cũng chẳng có gì, vài bộ quần áo và giấy tờ, chứ tiền bạc thì có mấy đồng. Của nả của tôi là chiếc cặp mỏng đựng mấy cuốn sách, tôi nhét sâu vào giữa hai lớp đệm ngồi của ghế sau.

Chú tài xế là dân bộ đội xuất ngũ, tướng tá rất ngầu. Thế nhưng chẳng dọa được ai. Ăn bữa trưa gọn lẹ quay ra xe, mấy dì, mấy cô bán giải khát gần đó đã méc chúng tôi ngay : hồi nãy xe bị cạy cửa.

Ôi trời ơi tim tôi nhảy lên tận cổ.

May sao chiếc cặp còn nguyên, có lẽ do vị trí đó khó phát hiện.

Ấy vậy mà vẫn chẳng thoát lời chào của móc túi Sài Gòn. Khi lên xe bus để đi đâu đó tôi không còn nhớ, có mấy người chen sống chen chết vào chỗ tôi-đang ôm cái cặp sát vào người. Hồi đó lên xe bus hay xe đò đều có cảnh chen lấn như vậy nên tôi không để ý lắm. Đến khi về khách sạn, nhìn lại chiếc cặp mới rởn da gà : hai đường rạch thành hình chéo đã rạch đứt bên ngoài cặp từ bao giờ.

Vết rạch sắc ngọt đến nỗi hai mép cắt vẫn dính sát không rời nhau ra. Chắc chắn cái bọn giả vờ ồn ào chen lấn lúc lên xe bus ra tay đây mà. Còn may là tôi để mấy cuốn sách tận trong ngăn trong cùng, ôm sát vào người, còn bọn nó rạch ngăn bên ngoài (chắc nghĩ người ta thường để tiền ở đó) nên không bị mất gì.

saigon4

Có một thời kỳ sau 1975, những người "lén lút" khiêu vũ mà bị bắt sẽ bị "bêu xấu" như thế này 

Nghịch lý sách

Nói về sách, đấy lại là một nghịch lý nữa của thời bao cấp. Có các hiệu sách quốc doanh mở ra ở khắp nơi, chiếm vị trí đẹp nhất. Sách không quá nhiều nhưng tuần nào cũng có sách mới, dịch thì cực hay, giá thì cực rẻ. Mỗi tội chất lượng giấy in quá tồi : giấy đen sì, nhám xàm, chữ bé tí tẹo, thậm chí còn nguyên những xác mía nho nhỏ. Bù lại, chất lượng văn học dịch tuyệt vời. Đội ngũ dịch giả văn học toàn những người có hiểu biết, có kiến thức, dịch rất bay bổng. Có rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển thế giới được dịch ra tiếng Việt. Hiệu sách rất đông vào buổi tối, người giả vờ hỏi mua (để tranh thủ đọc lướt) nhiều gấp mấy lần người mua thật. Tôi chuyên môn xin đọc ké kiểu này, mà cô bán sách có lẽ thừa hiểu mánh khóe của mấy đứa nhóc tì nhưng ngầm tiếp tay nên cứ để mặc chúng tôi đọc, miễn là không gập cuốn sách lại, không thấm nước miếng để giở sách khiến bìa sách hư và quăn queo. Tuy nhiên, tất cả sách được xuất bản đều là sản phẩm của khối Xã hội chủ nghĩa, đều một tinh thần phấn chấn hừng hực ca ngợi chủ nghĩa xã hội và con người mới. Sách dịch từ các tác phẩm đương đại của khối Tư bản chủ nghĩa hầu như không có. Nhồi sọ đúng nghĩa !

Thư viện của thành phố hay của tỉnh cũng khá lớn, rất nhiều sách. Họ mở cửa theo giờ hành chính : sáng mở, trưa đóng cửa nghỉ, 1g30 mở cửa lại, 4g30 đóng cửa. Phòng đọc rất lớn, hàng chục người ngồi đọc mê mải. Nhưng chỉ đến 4g là độc giả dù say mê đến mấy cũng phải mắt trước mắt sau trông chừng cô thủ thư, khi cô ấy bắt đầu đứng lên đi đóng nhiều cánh cửa rất lớn của phòng đọc thì mình cũng phải nhanh chóng đứng dậy trả sách và đi về.

Tư duy quản lý thư viện theo giờ hành chính là sản phẩm của thói quan liêu bao trùm xã hội lúc đó, khi 4h 30 ngoài trời vẫn còn rất sáng nhưng vì hết giờ hành chính nên cứ phải đóng cửa. Buổi tối, hầu như tất cả mọi người đều rảnh và cũng chẳng có gì giải trí thì thư viện không mở cửa. Giờ trưa cũng vậy. Chúng tôi phải về nhà, rồi khoảng hơn hai tiếng sau lại quay trở lại. Những độc giả nhà xa chỉ còn cách vạ vật ngoài hành lang chờ, rất mệt mỏi và mất thời gian.

Một nghịch lý nữa của thời bao cấp là tuy sách trong các thư viện rất nhờ ơn Đảng nhưng sách xuất bản dưới chế độ Cộng hòa cũng vẫn còn nhiều trong các tủ sách gia đình của người dân. Khoảng năm 1977-1978, trường của anh tôi phát động mỗi lớp lập một tủ sách. Mỗi học sinh góp ít nhất một cuốn sách, cả lớp sẽ có ít nhất 50 cuốn, mọi người cùng đọc. Ý tưởng là vậy !

Vậy là trong tủ sách (đặt ở nhà tôi), "Vòng tay học trò" nằm cạnh Tủ sách Tuổi Hoa. (Tuyển văn dành cho tuổi mới lớn) "Hoa tím" nằm cạnh những cuốn kiểu "Vạch mặt cáo già McNamara", "Vừa đi đường vừa kể chuyện"… 

Phim ảnh và những bộ môn nghệ thuật khác thì hiếm hoi kinh khủng. Mỗi năm một lần, đoàn kịch, đoàn cải lương… đến diễn ở nhà hát tại thành phố vài đêm (ít nhất ba ngày, trung bình một tuần). Phim cũng toàn chiếu các bộ phim do khối xã hội chủ nghĩa sản xuất, còn phim của khối tư bản thì được chiếu riêng tại một điểm cho cán bộ-gọi là phim nghiên cứu. Phim chiếu rạp chủ yếu là phim trắng đen, hôm nào chiếu phim màu thì áp phích trước rạp sẽ viết rõ ràng : Phim màu. Tùy theo nước sản xuất mà có phim màu Liên Xô, phim màu Hung-ga-ry, phim màu Bun-ga-ry, phim màu Ru-ma-ni… Bọn thanh niên nghịch tinh, gọi tắt : Phim màu Hung, màu Ru, màu Cu (Cuba).

saigon5

Trước năm 1975, quần jeans ống loe đã xuất hiện khắp Sài Gòn và được nhiều người mặc.

Đi rạch ống quần loe

Một hoạt động khác mà bọn học sinh cấp hai hay bị phát động đi làm, đó là… đi ra đường bắt thanh niên mặc quần ống loe, để tóc dài hoặc không cài nút áo sơ mi trên cùng. Chẳng hiểu xuất phát từ quan niệm của ông bà tay to nào, thanh niên để tóc dài, mặc quần ống loe, phanh ngực áo -dù chỉ là không cài nút áo trên cùng- bị xem là không đứng đắn. Những thanh niên mặc quần ống loe bị công an và tự vệ đưa vào một chỗ tập trung, rạch toạc ống quần hoặc cắt cụt ngang luôn. Tóc dài thì bị cắt nham nhở. Nút áo phải cài lại. Thanh niên thành phố không sợ những buổi truy quét đó. Họ có cách đối phó : mặc áo thun có cổ, hoặc tự cắt đứt nút áo trên cùng để đối phương không cài lại được.

Nghĩ lại, những buổi truy quét như thế thật xúc phạm nhân phẩm con người, nhưng một lũ trẻ con ngây ngô bị lùa ra đường làm việc đó chỉ biết tuân theo lời thầy cô và các anh chị phụ trách. 

Một thời bao cấp "nghèo mà bình yên" của quý vị đấy !

Nguyễn Nhơn

Nguồn : RFA, 23/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nhơn
Read 381 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)