Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/04/2024

Để được vào Tứ trụ trước Đại hội 14, Tô đại tướng đang chơi cờ người

Trà My -Hoàng Anh

Vì sao Trần Quốc Tỏ là mối quan tâm hàng đầu mà Tô Đại phải chặn bằng được ?

Trà My, Thoibao.de, 05/04/2024

Kể từ khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm, chính trường Việt Nam ngày càng nóng lên, với việc nhiều cán bộ cấp cao ở Trung ương và địa phương bị xử lý kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam.

tranquocto1

Em trai ông Trần Đại Quang, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi làm việc

Truyền thông nhà nước ngày 3/4 đưa tin, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 39, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét kỷ luật ông Đào Ngọc Dung – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội, cùng hàng loạt lãnh đạo của Bộ này.

Các nhân vật này bị cáo buộc liên quan đến "gói thầu của Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC)" do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đứng đầu.

Trước đó, ông Mai Tiến Dũng – nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, và ông Trịnh Đình Dũng – cựu Phó Thủ tướng, cũng đã bị Bộ Chính trị kỷ luật.

Theo giới thạo tin, việc hàng loạt nhân sự cấp cao trong nhóm Hà Nam Ninh của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, gồm Phạm Bình Minh, Đinh La Thăng, Đinh Tiến Dũng, Mai Tiến Dũng, Đào Ngọc Dung, bị triệt hạ, cho thấy, các phe cánh trong Đảng đang bao vây để cô lập nhóm này, cũng như cô lập "nhạc trưởng" Trần Quốc Tỏ – em trai ông Trần Đại Quang.

Người hưởng lợi nhiều nhất trong việc này, không ai khác là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Do Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, 62 tuổi, hiện là Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, đang là một nhân vật "cản mũi kỳ đà", trong việc sắp xếp nhân sự cấp cao tại Bộ Công an.

Trong quá khứ, mối quan hệ giữa ông Trần Đại Quang và ông Tô Lâm cũng là "cơm không lành, canh chẳng ngọt". Trần Đại Quang rất cảnh giác với Tô Lâm – một nhân vật được đánh giá là người của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Việc ông Trần Đại Quang sau Đại hội Đảng 12, dù đã nhậm chức Chủ tịch nước, nhưng hàng ngày vẫn về Bộ Công an làm việc, để cho Bộ trưởng Tô Lâm phải tiếp tục ngồi tại phòng làm việc của Thứ trưởng, khiến ông Tô Lâm hết sức bất bình.

Theo giới thạo tin cung đình, Trần Đại Quang lên chức Chủ tịch nước nhờ sự vận động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vào lúc thế và lực của ông Ba Dũng trước Đại hội 12 còn rất mạnh. Đó cũng là lý do, Trần Đại Quang không sợ bất kỳ ai, kể cả Tổng Trọng.

Các tài liệu của Tổng Cục 2 Bộ Quốc phòng bị rò rỉ, loan truyền trên mạng xã hội, cho biết "Về âm mưu soán Đảng của Bộ trưởng Công an Tô Lâm, sau cái chết của Trần Đại Quang ?". Đây là báo cáo của Tổng Cục 2 gửi Tổng Trọng, theo đó, dưới thời ông Ba Dũng, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang không ngại bất cứ việc gì, cố gắng hạ bệ Tổng Trọng. Đó là lý do vì sao, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phải chết bất ngờ và đau đớn, với những đồn đoán cho rằng, có bàn tay của Bắc Kinh.

Sau Đại hội 12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang liên tục xuất hiện trong bộ quân phục rằn ri, đi thăm các đơn vị quân đội và kết nối với các tư lệnh quân khu, quân đoàn, quân binh chủng. Những động thái này được cho là, ông Quang đang nỗ lực để thâu tóm quyền lực, thực hiện vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước, theo Hiến pháp. Tuy nhiên, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng không ủng hộ ý đồ của Trần Đại Quang, và nhiều lãnh đạo cấp cao đã phản đối.

Tài liệu vừa kể cũng tiết lộ, ông Trần Quốc Tỏ em trai ông Trần Đại Quang, trong vòng 4 năm, từ một sĩ quan Công an huyện Nghĩa Hưng, Nam Định, nhờ sự vận động của ông Quang mà lên làm Cục trưởng, rồi Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát. Sau đó được luân chuyển về Thái Nguyên giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, ý đồ của Quang là đưa Trần Quốc Tỏ vào ghế Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, nhưng cuối cùng đã thành công.

Những điều vừa kể để thấy rằng, thế và lực của Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng đang ở trong tình thế "tứ bề thọ địch". Không chỉ đối đầu với riêng phe cánh của Tổng bí thư Trọng, hay phe quân đội, mà còn cả nhóm của Trần Quốc Tỏ ở ngay trong Bộ Công an.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ trên cương vị Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, đã trở thành người giúp việc đắc lực cho Tổng Trọng, trong việc kiểm soát Bộ Công an hiện nay.

Đó là lý do tại sao, theo giới phân tích đánh gia, Bộ trưởng Công an Tô Lâm có ý chọn một trong 2 Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc, để ngồi vào ghế Bộ trưởng Công an, kế nhiệm ông.

Bằng mọi giá, Tô Lâm phải chặn được Trần Quốc Tỏ, không để cho ông Tỏ lên ghế Bộ trưởng. Điều đó chắc chắn Tổng Trọng sẽ không tán thành.

Trà My 

Nguồn : Thoibao.de, 05/04/2024

****************************

Sau khi bứng gốc bự Quảng Ngãi, tiếp tục cày gốc Quảng Nam, Tô nhắm vào ai ?

Hoàng Anh, Thoibao.de, 04/04/2024

Sau khi Tô Lâm bắt Hậu "Pháo" ngày 26/2, thì chưa đầy 1 tháng sau, ông Võ Văn Thưởng bay gốc. Đầu tiên là những vụ bắt bớ ở Quảng Ngãi, với những sai phạm xảy ra từ 12 năm trước, khi ông Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy. Đây là đòn đánh của Tô Lâm, chứ không phải của ông Nguyễn Phú Trọng.

tranquocto2

Đánh vào AIC, có khi lại lộ ra gốc rễ của quan to nào đấy, thì Tô Lâm lại có thêm hồ sơ đen "làm vốn" cho các thương vụ mua bán quyền lực của mình.

Sắp tới Đại hội 14 nên Tô Lâm cho quân ráo riết đánh vào gốc gác của các đối thủ chính trị. Thông thường, Tô Lâm tấn công ở địa phương trước, sau đó sẽ lần ra những nhân vật chủ chốt ở Trung ương. Hiện nay, ông Tô Lâm đã loại được Võ Văn Thưởng ra khỏi chính trường, chỉ còn 2 đối thủ nặng ký là Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính.

Ông Vương Đình Huệ có một lịch sử khá tốt, ông không quản lý ở địa phương, chỉ có một thời gian ngắn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, không đủ để có thể phát sinh những tiêu cực lớn. Tuy nhiên, theo đồn đoán, ông Huệ lại có những vết đen về chuyện tình ái. Và "trùng hợp", những ngày qua, tin đồn về chuyện tình ái của ông cũng đã bùng phát mạnh mẽ, trong bối cảnh cung đình đang đấu đá khốc liệt.

Thế mạnh của Tô Lâm là có tay chân làm giám đốc công an các tỉnh thành. Khi cần điều tra quan chức ở nơi nào, thì Tô Lâm có đầy đủ binh hùng tướng mạnh với nghiệp vụ tốt, để điều tra lập và lập vụ án hồ sơ. Chính vì thế, Tô Lâm mới tự tin để "tạo phản", cũng như tự tin đặt yêu sách lên bàn đàm phán cùng các thế lực khác, đặc biệt là với thế lực Nghệ An – Hà Tĩnh.

Ngày 3/4, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Cảnh sát kinh tế) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, họ đã tiếp nhận hồ sơ thông tin sai phạm, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, về việc mua sắm trang thiết bị dạy và học ngoại ngữ, do Sở Giáo dục Đào tạo làm chủ đầu tư, và Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) nhận thầu, từ Thanh tra tỉnh chuyển sang để điều tra.

Vụ AIC bản chất là án chính trị, nhưng nấp dưới vẻ bề ngoài là những vụ án kinh tế. Nhân vật trung tâm của vụ này là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, được xem là người tình của ông Thủ tướng, ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và cố Chủ tịch nước. Hiện nay, ông Thủ tướng đang là đối thủ chính trị của Tô Lâm. Đánh vào AIC, có khi lại lộ ra gốc rễ của quan to nào đấy, thì Tô Lâm lại có thêm hồ sơ đen "làm vốn" cho các thương vụ mua bán quyền lực của mình.

Trước đây, chủ trương đánh AIC được cho là ý của ông Trọng, bởi theo giới quan sát, ông Trọng e ngại ông Chính sẽ qua mặt ông Huệ, cũng bởi ông Chính được đánh giá là "chơi cờ người" rất giỏi. Ở Đại hội 13, ông Chính cũng đã vượt lên trên ông Huệ để giật ghế Thủ tướng.

Giờ đây, "lò" đang có dấu hiệu đổi chủ, thay vì ông Tổng là người điều khiển cuộc chơi, thì nay lại là Tô Lâm đốn củi quẳng vào lò.

Như vậy, có thể, Tô Lâm sẽ chuyển hướng điều tra AIC sang địa phương khác, thay vì nhắm vào Quảng Ninh như trước đây. Bởi dù đã đưa Đinh Văn Nơi về Quảng Ninh, thì vụ AIC với Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng không có đi đến dứt điểm.

Đánh vào AIC tại Quảng Nam, rất có thể, những quan đầu tỉnh cũng sẽ ngã ngựa, như các ông Trần Đình Thành – cựu Bí thư, và ông Đinh Quốc Thái – cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Thông thường, những Công ty như AIC của Nguyễn Thị Thanh Nhàn hoặc Tập đoàn Phúc Sơn của Hậu "Pháo", muốn làm ăn bên ngoài tỉnh nhà, thì phải có quan to ở Trung ương dẫn đường. Tập đoàn Phúc Sơn có Trịnh Đình Dũng, còn Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là do ai đưa đường dẫn lối ? Hầu hết đều cho rằng, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính là người dẫn đường cho bà Nhàn. Nhưng thực tế, bà Nhàn có mối quan hệ rất rộng ở Trung ương, không chỉ riêng mình ông Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Vụ AIC vẫn còn nhiều mảng tối chưa khai thác, liệu Tô Lâm có lôi ra được những điều bất ngờ mới từ AIC với Quảng Nam hay không ? Hãy chờ xem.

Hoàng Anh

Nguồn : Thoibao.de, 04/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My, Hoàng Anh
Read 474 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)