Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/04/2024

Dân số già : cuộc khủng hoảng dần lộ diện đối với Tập Cận Bình

Laura Bicker

Khi được hỏi về lương hưu của mình, người nông dân 72 tuổi Tào Hoán Xuân đáp lại bằng một nét cười nhăn nhó.

danso1

Vợ chồng Tào Hoán Xuân đối mặt với vấn đề nan giải mà rất nhiều người già ở Trung Quốc gặp phải - ai sẽ chăm sóc họ ?

Ông rít điếu thuốc tự cuốn, nhíu mày và nghiêng đầu, như thể đó là một câu hỏi vô lý. "Không, không, chúng tôi không hề có lương hưu", ông Tào đáp khi nhìn người vợ hơn 45 năm chung sống của mình.

Ông Tào thuộc thế hệ chứng kiến sự ra đời của nhà nước Trung Quốc cộng sản. Tương tự đất nước mình, ông Tào chưa kịp giàu thì đã già rồi. Giống nhiều lao động nông thôn và nhập cư, ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc và kiếm tiền bởi tấm lưới an sinh xã hội yếu kém.

Nền kinh tế giảm tốc, phúc lợi chính phủ bị thu hẹp và chính sách một con tồn tại hàng thập kỷ đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng gia tăng ở Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Quỹ hưu Trung Quốc đang dần khô kiệt mà quốc gia này lại đang cạn thời gian trong việc kiếm đủ tiền cho quỹ này nhằm chăm sóc lượng người già ngày càng tăng.

Trong thập kỷ tới, khoảng 300 triệu người hiện ở độ tuổi từ 50 đến 60 sẽ rời khỏi lực lượng lao động Trung Quốc. Đây là nhóm tuổi đông nhất cả nước, gần như tương đương với dân số Mỹ.

Ai sẽ chăm sóc họ ? Câu trả lời tùy thuộc vào địa điểm và người được hỏi.

danso2

Ông Tào cùng vợ sống tại Liêu Ninh, một tỉnh miền đông bắc Trung Quốc và là trung tâm công nghiệp cũ của nước này.

Những vùng đất nông nghiệp bao la cùng các ngọn đồi khai khoáng ôm lấy thành phố Thẩm Dương. Những cột khói từ các nhà máy luyện kim lấp đầy đường chân trời, cùng với đó là những di sản thế giới đã có từ thời nhà Thanh được bảo tồn cẩn thận.

Gần 1/4 dân số ở đây nằm trong độ tuổi 65 trở lên. Ngày càng nhiều người trưởng thành trong độ tuổi lao động rời bỏ trung tâm công nghiệp nặng để tìm kiếm việc làm tốt hơn ở các thành phố lớn hơn.

Con cái ông Tào cũng đã chuyển đi nhưng vẫn ở đủ gần để đến thăm cha mẹ thường xuyên.

"Tôi nghĩ mình chỉ có thể làm việc này thêm 4-5 năm nữa thôi", ông Tào nói sau khi cùng vợ đi kiếm củi về. Bên trong ngôi nhà, ngọn lửa kêu lách tách bên dưới chiếc giường được sưởi ấm. Đó cũng là nguồn sưởi ấm chính cho nhà ông Tào.

Vợ chồng ông Tào kiếm được khoảng 20.000 nhân dân tệ (khoảng 70 triệu VNĐ) mỗi năm. Nhưng bắp họ trồng thì đang rớt giá và họ sẽ không thể chi trả nếu bị bệnh.

"Nếu năm năm nữa mà vẫn còn khỏe mạnh, có lẽ tôi vẫn tự đi lại được. Nhưng nếu yếu đi, tôi có thể phải nằm trên giường. Và thế là hết. Tôi sẽ trở thành gánh nặng cho các con. Chúng sẽ phải chăm sóc tôi", ông Tào chia sẻ.

Đó không phải là tương lai mà người phụ nữ 55 tuổi Đường Quốc Huệ mong muốn. Chồng bà gặp tai nạn tại một công trường xây dựng còn việc học đại học của cô con gái đã ngốn hết tiền tiết kiệm của bà.

Thế là người cựu công nhân máy xúc này đã chuyển sang chăm sóc người cao tuổi để kiếm tiền lo cho tuổi già của chính mình. Bà mở một nhà dưỡng lão nhỏ cách Thẩm Dương không xa.

Heo và ngỗng kêu vang như chào đón từ phía sau căn nhà một tầng. Quanh đó là khu đất nơi bà Đường trồng trọt để chăm nuôi sáu người trong nhà dưỡng lão của mình. Những con vật tại đây không phải là thú cưng mà là thức ăn.

Bà Đường chỉ vào một nhóm bốn người đang chơi bài khi mặt trời chiếu xuyên qua ngôi nhà kính nhỏ.

"Hãy nhìn ông già 85 tuổi đó. Ông ấy không có lương hưu, hoàn toàn dựa vào con trai và con gái mình. Người con trai trả tiền một tháng rồi người con gái trả tiền tháng sau, nhưng chúng cũng cần phải lo cho bản thân nữa", bà Đường cho biết.

Bà Đường lo lắng rằng bà sẽ phụ thuộc vào người con gái duy nhất của mình.

Từ nhiều thế hệ, Trung Quốc đã dựa vào lòng hiếu thảo của con cái để lấp vào khoảng trống trong hoạt động chăm sóc người già. Trách nhiệm của con cái là chăm sóc cha mẹ già.

Nhưng chính sách một con đã khiến các bậc phụ huynh cao tuổi giờ đây có ít con cái để dựa vào. Chính sách này đã ngăn các cặp vợ chồng có hai con trở lên trong khoảng thời gian từ 1980 đến 2015.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, người trẻ đã rời xa cha mẹ đến sinh sống ở nơi khác, khiến ngày càng nhiều người cao tuổi phải tự chăm sóc bản thân hoặc dựa vào các khoản trợ cấp của chính phủ.

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết quỹ hưu trí có thể cạn kiệt vào năm 2035. Đây là ước tính vào năm 2019, trước khi Trung Quốc phong tỏa trong đại dịch Covid-19  khiến nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng nặng.

Trung Quốc cũng có thể bị buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu, điều mà họ đã lên kế hoạch từ nhiều năm nay. Quốc gia này nằm trong những nước có độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất thế giới : 60 đối với nam, 55 đối với phụ nữ làm việc văn phòng và 50 đối với phụ nữ lao động tay chân.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học nhận định việc tăng tuổi hưu chỉ giải quyết phần ngọn chứ không phải gốc rễ vấn đề, nhất là khi Trung Quốc muốn ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo tiềm tàng trong 25 năm tới.

Cùng lúc đó, ngày càng nhiều người bước vào tuổi nghỉ hưu.

"Chào mừng đến với nhà tôi", bà Phùng, người phụ nữ 78 tuổi và chỉ tiết lộ họ của mình, nói và vẫy tay chào.

Bà Phùng chạy dọc hành lang để báo với chồng rằng có khách đến thăm phòng của họ tại viện dưỡng lão Dương Quang. Lớp học thể dục buổi sáng của bà Phùng vừa kết thúc và đó là nơi mà bà thường cười đùa, buôn chuyện cùng bạn bè.

Viện dưỡng lão này có thể cung cấp nơi ở cho hơn 1.300 người cao tuổi. Khoảng 20 thanh niên tình nguyện đến đây sống miễn phí để chăm sóc một số người già. Các công ty tư nhân tài trợ một phần chi phí cho viện dưỡng lão này, qua đó giảm áp lực cho chính quyền địa phương.

Việc kiếm các doanh nghiệp tư nhân tài trợ cho các viện dưỡng lão là thử nghiệm của giới lãnh đạo Trung Quốc nhằm đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Thành phố Hàng Châu ở miền nam Trung Quốc là nơi giàu có để thực hiện các thử nghiệm như vậy.

Thành phố này là một bức tranh trái ngược với Liêu Ninh, với những tòa nhà mới sáng loáng đang mọc lên nhờ những ông lớn công nghệ như Alibaba và Ant. Các công ty này là thỏi nam châm thu hút những doanh nhân trẻ tham vọng.

Vợ chồng bà Phùng đã ở đây được tám năm. Viện dưỡng lão có bầu không khí thân thiện với nhiều hoạt động từ tập thể dục, bóng bàn đến ca hát và diễn kịch.

"Quan trọng là có thể tận hưởng chặng cuối cuộc đời ở một nơi tốt đẹp", bà Phùng nói. Vợ chồng bà đã kết hôn hơn 50 năm và họ chia sẻ rằng đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên.

Khi người cháu trai hoàn thành bậc trung học cơ sở, vợ chồng bà Phùng cho rằng nhiệm vụ của mình đã xong.

"Rất ít người cùng lứa có chung suy nghĩ với chúng tôi. Dường như chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc tận hưởng cuộc sống. Những người khác không đồng tình thì cho rằng không cần thiết phải trả nhiều tiền để sống ở đây khi họ có nhà riêng", bà Phùng cho hay.

Bà khẳng định mình "cởi mở" hơn. "Tôi nghĩ kỹ rồi. Tôi vừa trao lại căn nhà của mình cho đứa con trai. Tất cả những gì chúng tôi cần chỉ là lương hưu", bà nói tiếp.

Phòng của vợ chồng bà Phùng tại viện dưỡng lão có giá khoảng 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,9 triệu đồng) một tháng. Là cựu nhân viên của các công ty nhà nước, cả hai đều có đủ lương hưu để trang trải chi phí.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc, lương hưu của họ cao hơn nhiều so với mức trung bình của Trung Quốc năm 2020 - khoảng 170 nhân dân tệ (khoảng 600.000 đồng) mỗi tháng.

Nhưng ngay cả với những khách hàng có lương hưu khá, viện dưỡng lão Dương Quang vẫn thua lỗ. Giám đốc viện này cho biết việc thành lập các viện dưỡng lão rất tốn kém và cần nhiều thời gian mới có thể tạo ra lợi nhuận.

Bắc Kinh đang gây áp lực buộc các công ty tư nhân lập các trung tâm giữ trẻ, các nhà bảo trợ trẻ em và những cơ sở chăm sóc người già để chia sẻ gánh nặng với các chính quyền địa phương đang ngập nợ. Nhưng liệu những công ty này có tiếp tục đầu tư nếu không thấy lợi nhuận trong thời gian ngắn.

Các nước Đông Á khác như Nhật Bản cũng đang tìm kiếm nguồn vốn để chăm sóc lượng lớn người cao tuổi. Nhưng Nhật Bản đã trở nên giàu có vào thời điểm nước này trở thành một trong những quốc gia sở có số người già lớn nhất thế giới.

Dân số Trung Quốc đang già nhanh  mà quốc gia này lại không có điều kiện thuận lợi như Nhật Bản. Do đó, nhiều người cao tuổi buộc phải tự tìm cách kiếm sống ở độ tuổi mà đáng lẽ họ nên lên kế hoạch nghỉ hưu.

danso3

Bà Thủy Thủy, một người phụ nữ 55 tuổi, đã tìm được một việc làm mới trong cái gọi là "nền kinh tế tóc bạc" - một nỗ lực nhằm khai thác sức mua của những người cao tuổi thuộc tầng lớp trung lưu.

"Tôi nghĩ điều chúng ta có thể làm là cố gắng tác động đến những người xung quanh để họ trở nên tích cực hơn và tiếp tục học hỏi. Mỗi người có thể có mức thu nhập khác nhau, nhưng dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, điều tốt nhất là trở nên tích cực", bà Thủy Thủy nói.

Bà Thủy Thủy từng là một doanh nhân và giờ là một người mẫu mới được đào tạo.

Trên bờ Đại Vận Hà đầy nắng ở Hàng Châu, bà và ba người phụ nữ trên 55 tuổi khác đang trang điểm và làm tóc.

Họ khoác lên mình trang phục truyền thống Trung Quốc mang tông đỏ và vàng. Đó là những chiếc váy lụa dài chấm đất và áo khoác ngắn lót lông để tránh cái lạnh mùa xuân. Các quý bà xinh đẹp này đang làm mẫu cho mạng xã hội.

Những người phụ nữ này bước đi bằng giày cao gót qua cây cầu Củng Thần lịch sử và mỉm cười trước ống kính khi nhóm người chuyên làm về mạng xã hội hét lớn để hướng dẫn họ.

Đây là hình ảnh duyên dáng về người già mà bà Thủy Thủy muốn cả thế giới xem được và bà cảm thấy mình đang làm những gì có thể để vực dậy nền kinh tế đang ốm yếu.

Nhưng hình ảnh này trái ngược với thực tế về hàng triệu người già ở Trung Quốc.

Trở lại Liêu Ninh, khói củi bốc lên từ ống khói báo hiệu giờ ăn trưa. Ông Tào đang nhóm lửa trong bếp để đun nước nấu cơm.

"Khi tôi 80 tuổi, tôi mong các con sẽ về sống với mình", ông nói trong lúc đang tìm cái xoong.

"Tôi sẽ không sống với chúng trên thành phố. Chỗ của chúng không có thang máy nên phải đi bộ năm tầng lầu. Điều đó còn khó hơn leo đồi", ông Tào chia sẻ.

Đối với ông Tào, đây cũng chỉ là chuyện thường tình thôi - ông phải tiếp tục lao động cho đến khi không thể làm việc nữa.

"Những người bình thường như chúng tôi sống như vậy", ông kể và chỉ vào những cánh đồng bên ngoài vẫn còn phủ đầy sương giá. Mùa xuân đến sẽ mang lại vụ mùa và đem đến việc làm cho vợ chồng ông Tào.

"Nếu so sánh với cuộc sống ở thành phố thì tất nhiên cuộc sống của người nông dân khó khăn hơn. Nhưng không chịu được sự khắc nghiệt thì làm sao mà kiếm sống ?" ông nói.

Laura Bicker

Nguồn : BBC, 05/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Laura Bicker
Read 356 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)