Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/04/2024

Hải quân Trung Quốc học được gì từ xuồng tự sát của Ukraine ?

Lyle Goldstein và Nathan Waechter

Việc Ukraine sử dụng xuồng tự sát (unmanned surface vessel- USV) đã giúp các lực lượng hải quân có cái nhìn chân thực về cách thức chiến tranh hải quân quy mô lớn diễn ra trong tương lai.

drone0

"Thợ săn", một thiếu tướng của Cơ quan phản gián quân sự Ukraine đang quan sát một xuồng tự sát không người lái Sea Baby mới ra mắt, mang tên "Avdiivka", trong buổi thuyết trình của Cơ quan An ninh Ukraine tại khu vực Kyiv, Ukraine, vào ngày 5/3/2024.

Những thành công liên tục của các cuộc tấn công bằng USV của Ukraine nhắm vào các cơ sở hải quân và tàu chiến của Nga đã khiến USV trở thành tâm điểm chú ý của các nhà phân tích quốc phòng và các nhà phân tích hải quân trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Đối mặt với hàng loạt các cuộc tấn công nhắm vào Hạm đội Biển Đen đóng tại Crimea, Nga đã di chuyển hạm đội của mình ra xa khỏi tầm hoạt động của tên lửa và USV Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nhận xét, "sự thống trị của Nga ở Biển Đen hiện đang bị thách thức".

Tháng 1/2024, một bài báo đăng trên tạp chí quốc phòng Hạm thuyền Tri thức (Naval and Merchant Ships) của Trung Quốc, được viết bởi ba nhà phân tích của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN), có tựa đề "Làm thế nào để bảo vệ bến cảng chống lại USV ?" tập trung vào tiềm năng mới nổi của USV, đã lưu ý rằng "việc ứng dụng USV trên quy mô lớn hiện đang là một mối đe dọa mới đối với chiến tranh hải quân hiện đại. USV sẽ mang đến những thách thức mới cho việc phát triển các ý tưởng quân sự truyền thống, lý thuyết chiến tranh, phương thức chiến đấu, cơ cấu tổ chức quân đội, vũ khí, và trang thiết bị".

Trước tiên, các nhà phân tích của PLAN xác định năm ưu điểm của USV trong chiến đấu : khả năng ngụy trang hiệu quả, chi phí sản xuất và vận hành thấp, khả năng hủy diệt mạnh, phương thức điều khiển thông minh, và tiềm năng hoạt động tự chủ. Hơn nữa, nhờ việc được chế tạo theo cấu trúc mô-đun và việc bổ sung các hệ thống vũ khí khác nhau, chúng có thể kết hợp "nhiều phương thức tấn công đa dạng". Chúng tôi đã soạn một danh sách tương tự về các đặc điểm của USV mà các nhà phân tích hải quân Trung Quốc đã xác định trong một bài báo  vào mùa xuân năm 2023. Khi nói đến khả năng hủy diệt của USV, các tác giả Trung Quốc chỉ ra rằng "USV nguy hiểm hơn các cuộc không kích ; nếu so sánh với tên lửa, đầu đạn USV có sức nổ lớn hơn". Hơn nữa, chi phí sản xuất thấp cho phép chúng được chế tạo và triển khai trên quy mô lớn, đồng nghĩa là USV có thể "khai thác chiến thuật hải quân ‘bầy sói’ để đạt được sức mạnh hủy diệt lớn hơn".

Tiếp đến, bài đánh giá xác định những thách thức trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng cảng và tàu thuyền trong cảng trước các cuộc tấn công của USV. Các nhà phân tích của PLAN đã chỉ ra ba thách thức về an ninh cảng. Thứ nhất, họ nhận định rằng "các mục tiêu rất rõ ràng" – nghĩa là các cơ sở hạ tầng hải quân như các tòa nhà, âu tàu, và tàu đang neo đậu đều rất dễ bị xác định và tấn công. Thứ hai, có "mức độ minh bạch thông tin cao". Điều này đề cập đến việc rất khó để ngụy trang các cảng lớn và công nghệ giám sát hiện đại có thể dễ dàng phát hiện mục tiêu trong cảng. Thứ ba, những mục tiêu này có "khả năng bị gây thiệt hại rất cao".

Để phòng thủ trước mối đe dọa của USV đối với các cảng, các nhà phân tích của PLAN khuyến nghị nên thiết lập "một hệ thống phòng thủ đa miền, ba chiều gồm ‘cảm biến, phòng thủ, và tấn công.’" Đối với nhiệm vụ cảm biến, các nhà phân tích của PLAN lưu ý rằng "USV rất dễ bị can thiệp và phát hiện, đặc biệt là đối với các liên kết thông tin và dẫn đường của chúng. Do đó, có thể sử dụng các phương pháp chủ động và thụ động". Về phòng thủ bờ biển, các tác giả khuyến nghị "tạo ra một hệ thống phòng thủ hiện đại chuyển từ phòng thủ điểm sang phòng thủ ba chiều và phòng thủ mặt nước". Các luồng thông tin phục vụ hoạt động phòng thủ này cần được phối hợp giữa nhiều chủ thể, bao gồm "chính quyền địa phương, lực lượng bảo an, và lực lượng hàng hải", cùng với những chủ thể khác. Là một phần của hệ thống phòng thủ này, các tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của các hàng rào phòng thủ nổi, giống như những hàng rào được Mỹ, Nga, Singapore, và nhiều nước khác trên thế giới sử dụng để bảo vệ các căn cứ hải quân, bến cảng, và các cơ sở hạ tầng khác. Bài viết đính kèm các hình ảnh sản phẩm dường như được sao chép từ trang web của nhà thầu chính về rào chắn an ninh cảng biển của Hải quân Mỹ.

Cuối cùng, bài viết thảo luận về cách tấn công các mối đe dọa USV thông qua "hệ thống tấn công đa miền hợp nhất". Các nhà phân tích của PLAN đề xuất phát triển "một loại mạng lưới chuỗi tiêu diệt mới với nhiều lợi thế vượt trội hơn… sử dụng vũ khí phù hợp và nâng cấp phong cách chiến đấu bất đối xứng". Họ đề xuất giảm chi tiêu cho vũ khí dẫn đường chính xác và tối đa hóa hiệu quả tác chiến. Để làm được điều này, họ đề xuất "một hệ thống tấn công đa lớp tầm xa, tầm trung, và tầm ngắn, cùng với một mạng lưới hỏa lực đa miền lồng ghép giữa vũ khí điện từ và vũ khí thông thường". Khía cạnh tầm xa nhất của hệ thống này bao gồm tấn công "các căn cứ điều hành, khu vực lắp ráp, và địa điểm sản xuất" USV bằng vũ khí dẫn đường chính xác và thậm chí cả tên lửa siêu thanh. Đưa chiến tranh bước vào lĩnh vực tự chủ hoàn toàn, các tác giả đưa ra giả thuyết rằng USV có thể được sử dụng để tuần tra, phát hiện, và phát động các cuộc tấn công chống lại USV của đối phương.

Việc Ukraine sử dụng USV đã giúp các lực lượng hải quân có cái nhìn chân thực về cách thức chiến tranh hải quân quy mô lớn diễn ra trong tương lai. Ở mức tối thiểu, nó khiến các nhà phân tích hải quân Trung Quốc phải suy nghĩ về cách bảo vệ các khoản đầu tư khổng lồ của PLAN. Nó cũng chỉ ra rằng ngay cả một quốc gia nhỏ, không có lực lượng hải quân lớn cũng có thể gây ra mối đe dọa bất đối xứng nghiêm trọng đối với một cường quốc sở hữu hạm đội lớn. Với việc hải quân Trung Quốc ngày càng mạo hiểm tiến sâu hơn vào các đại dương trên thế giới, khả năng các đơn vị mặt nước chủ chốt của PLAN, bao gồm cả các nhóm tác chiến tàu sân bay, đối mặt với những mối đe dọa bất đối xứng như vậy đang gia tăng.

Ngoài ra, những diễn biến này còn có nhiều hàm ý quan trọng trong một kịch bản giả định về Đài Loan. Hàm ý rõ ràng nhất là việc Ukraine sử dụng USV một cách bất đối xứng có thể trở thành hình mẫu cho hệ thống phòng thủ của Đài Loan trước hạm đội xâm lược của PLAN. Đặc biệt, chi phí thấp và tính tự chủ của các nền tảng này có thể giúp chúng hoạt động hiệu quả trong vai trò đó. Mặt khác, Bắc Kinh là một "siêu cường máy bay không người lái", sở hữu một hệ thống USV được phát triển đầy đủ, vì vậy PLA chắc chắn cũng sẽ tìm cách tận dụng USV để gây ra các mối đe dọa mới chống lại hạm đội của các bên thứ ba giả định (Mỹ hay Nhật Bản) đến can thiệp để hỗ trợ Đài Loan. Cũng có thể dự đoán rằng các nhà hoạch định hải quân của Bắc Kinh sẽ sử dụng USV để thắt chặt phong tỏa hải quân xung quanh hòn đảo, tấn công lực lượng hải quân và bến cảng của Đài Loan, gây khó khăn cho việc nhắm mục tiêu của lực lượng phòng thủ Đài Loan, cũng như để tiến hành giám sát tầm gần, và "làm mềm" các khu vực đổ bộ tiềm năng.

Lyle Goldstein Nathan Waechter

Nguyên tác : "What Chinese Navy Planners Are Learning from Ukraine’s Use of Unmanned Surface Vessels", The Diplomat, 04/04/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/04/2024

Lyle Goldstein là giám đốc chương trình Can dự với Châu Á của viện chính sách Các ưu tiên Quốc phòng (Defense Priorities) có trụ sở ở Washington. Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Quan hệ Công chúng và Quốc tế Watson tại Đại học Brown.

Nathan Waechter là nhà phân tích chính sách tại RAND Corp. Thông thạo tiếng Quan Thoại, ông đã sống ở Trung Quốc gần một thập niên, làm việc trong ngành nghiên cứu thị trường định lượng.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lyle Goldstein, Nathan Waechter, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 334 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)