Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/04/2024

Bảo vệ miền Tây trước nguy cơ khô hạn và nhiễm mặn

Lê Anh Tuấn

Miền Tây có thể thích ứng được với những biến đổi do kênh đào Phù Nam gây ra nhưng phải có đầu tư

Lê Anh Tuấn, RFA, 16/04/2024

Ngày 23/4/2024, tại Thành phố Cần Thơ, Ủy ban Sông Mekong Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp tham vấn quốc gia đối với Dự án Kênh đào Funan Techo của Cambodia, kết quả đạt được trong thủ tục tham vấn trước của Ủy hội Sông Mekong. 

RFA phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giảng viên cao cấp Đại học Cần Thơ, về tác động có thể xảy ra của kênh đào Phù Nam (khi hoàn thành) đối với mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như khả năng thích ứng của vùng Đồng bằng này với những thay đổi sắp tới.

mientay1

Một người dân ở Đồng Tháp giăng lưới mùa nước nổi - Ủy ban Dân tộc

RFA : Xin ông cho biết nếu kênh đào Phù Nam được hoàn thành, nó có thể tác động thế nào đến mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Lê Anh Tuấn : Chúng ta biết là ở Đồng bằng sông Cửu Long, lũ là một phần của hệ sinh thái. Đồng bằng sông Cửu Long hình thành là nhờ lũ bồi đắp phù sa hằng năm. 

Lũ cũng tạo ra nguồn lợi thủy sản và tạo ra các hệ sinh thái khác nhau. Nó cũng rửa các độc chất trong đồng ruộng. 

Khi kênh đào Phù Nam hình thành, nó lấy đi một phần nước sông Hậu, và có thể cả một phần sông Tiền, và đưa ra vịnh Thái Lan. Quan trọng hơn, nó cắt ngang dòng lũ tràn đồng vào Đồng bằng sông Cửu Long. Lũ ở đây là lũ tràn đồng, không phải lũ trên sông.

Khi con kênh Phù Nam hoàn thành, sẽ có hai bờ kênh dọc theo kênh. Và dọc theo hai bờ kênh sẽ hình thành như khu dân cư, nhà máy. Như vậy, con kênh và con đường hai bên bờ sẽ thành những cái đê cắt ngang cánh đồng lũ. 

Điều đó sẽ thay đổi lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nó làm cho phù sa đến Đồng bằng sông Cửu Long ít hơn, nguồn lợi thủy sản cũng ít hơn.

Một số loại hình hệ sinh thái cũng sẽ suy giảm. Ví dụ, ở biên giới Việt Nam và Campuchia có một đất ngập nước cho sếu đến. Ở phía Việt Nam cũng có một số khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước như vùng Trà Sư hay Tứ giác Long Xuyên. Những vùng này sẽ bị thay đổi.

Bây giờ sự việc chưa xảy ra nên tôi cũng chưa biết nó sẽ thay đổi ra sao, sự đa dạng sinh học sẽ bị ảnh hưởng thế nào. Nhưng chắc chắn sự thay đổi sẽ theo hướng tiêu cực, giảm sút. Bởi vì lượng cá ít đi thì chim cò cũng ít đi vì cá là nguồn thức ăn của chim cò. 

Ngoài nguy cơ cản lũ trong mùa mưa lũ, vào mùa khô, con kênh Phù Nam cũng sẽ lấy bớt nước. 

Con kênh chạy qua một vùng dân số khoảng 1,6 triệu người. Khi con kênh chạy qua vùng của họ thì chắc chắn họ sẽ lấy nước để phát triển kinh tế và sinh hoạt. Ngoài chuyện con kênh dẫn nước ra biển Tây (vịnh Thái Lan) thì con kênh còn lấy nước bên trong Campuchia cho kinh tế, sinh hoạt.

Như vậy, con kênh cũng lấy bớt nước của Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô. 

Đó là cái tôi thấy như vậy nhưng về mặt định lượng thì hiện giờ cũng chưa thể trả lời là giảm sút cụ thể bao nhiêu. 

RFA : Nếu lũ tràn đồng bị chặn, liệu Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng tự thích ứng hay không ? Khó khăn lớn nhất khi chuyển đổi để thích ứng là gì ?

Lê Anh Tuấn : Được, Đồng bằng có thể thích ứng được, nhưng mình phải có đầu tư. Đâu phải là mình cứ muốn là được. Mình phải giảm bớt diện tích canh tác lúa, chuyển sang cây trồng ít nước hơn. Ví dụ như trồng rau hay cây ăn trái thì không cần nhiều nước như cây lúa. Chắc chắn sẽ phải đi tới cách đó. 

Thực tế một số nông dân họ thấy lũ thấp nên họ chuyển sang trồng cây ăn trái như vùng An Giang. Vấn đề khó khăn nhất là khi ra được những nông sản đó thì chế biến và bán đi đâu. Lúa là hạt khô, nếu chưa bán được thì có thể cất trong kho, còn trái cây, rau thì bị hư hại rất nhanh. 

Trái cây tươi nếu chế biến thành các sản phẩm mứt, trái cây ép thì về kĩ thuật là làm được nhưng bán cho ai thì lại là vấn đề không đơn giản với người nông dân. Điều đó vượt tầm người nông dân. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các điều kiện khác nhau, những cách giúp người nông dân, những khuyến cáo chính sách cho chính quyền để hỗ trợ cho người nông dân. 

RFA : Việt Nam có kế hoạch hoàn thành trước 2026 một mạng lưới tám tuyến đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây cũng có nhiều thông tin về sự ra đời của các giống cây trồng chịu mặn, chịu phèn cho Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy Việt Nam có đang thực thi một kế hoạch tổng thể nào cho Đồng bằng sông Cửu Long không ? Liệu có thể thực thi được không sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông để giúp Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với sự thay đổi ?

Lê Anh Tuấn : Đúng vậy. Có. Nhưng vấn đề là bây giờ mình phải chuyển đổi từ từ. Về việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông dân không thể làm nhanh như doanh nghiệp. Những chỗ nào nông dân có thể chuyển đổi thì mình hỗ trợ nông dân chuyển, còn chỗ nào về lâu về dài cần có hỗ trợ mới chuyển được thì mình cần nghiên cứu cụ thể xem nông dân cần hỗ trợ gì. 

Ví dụ, người nông dân đang trồng lúa mà chuyển sang nuôi thủy sản như tôm, cá thì không dễ vì cần kiến thức mới. Kiến thức của họ hồi nào giờ là kiến thức về lúa, còn chuyển sang nuôi tôm thì cần kiến thức phức tạp hơn về xử lý nước, chống dịch bệnh. 

Người nông dân thiếu tiền, thiếu kiến thức, thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Khi chuyển đổi, người nông dân phải đầu tư rất nhiều tiền nhưng nếu nhỡ thất bại thì trắng tay. Vì vậy, phần đông nông dân nghèo vẫn phải bám vào cây lúa. 

Chúng tôi hiện nay khuyến khích người nông dân áp dụng phương thức canh tác mới, thuận theo tự nhiên mới. Tức là khi mùa mưa, có nước ngọt thì trồng lúa để có gạo ăn, còn khi mùa khô tới, nước mặn tràn vô đồng, bị ngập mặn thì chuyển sang nuôi tôm. 

Gốc rạ trồng lúa vào mùa mưa để lại đồng sẽ bị phân hủy, trở thành thức ăn cho tôm ở mùa khô. Còn tôm lớn lên, phân tôm thải ra nằm trong đồng ruộng lại trở thành phân bón cho lúa ở mùa tiếp theo. 

Bên cạnh kinh tế xen canh, Đồng bằng sông Cửu Long đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu với mô hình "kinh tế tuần hoàn". Kinh tế tuần hoàn liên quan tới chuỗi sản xuất. Trong quá trình sản xuất, nếu tạo ra phụ phẩm, phế phẩm thì mình tận dụng phụ phẩm, phế phẩm đó tạo ra hàng hóa mới. 

Ví dụ khi trồng lúa, tạo ra rơm rạ thì sử dụng rơm rạ trồng nấm. Rơm rạ đó bị phân hủy thành phân bón để trồng trọt tiếp. Hoặc rơm rạ cho bò ăn, nuôi bò, hoặc nuôi trùng quế. Con trùng đó có thể thành thức ăn chăn nuôi. Các loại phân thải ra thì trả lại cho đồng ruộng để trồng cây. Chúng ta có thể sử dụng thêm các tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho quá trình sản đó. 

Bà con nông dân hiện bắt đầu áp dụng cái đó. Tất nhiên quy mô còn nhỏ nhưng mình sẽ làm, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra từ từ. 

Chúng tôi cũng phải kết hợp giữa nông dân với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Chúng tôi kết nối với doanh nghiệp vào với nông dân, họ cam kết đầu tư chế biến nông sản và tìm ra thị trường tiêu thụ. Việc tìm thị trường tiêu thụ là là việc của nhà doanh nghiệp chứ không phải là việc của nhà nông hay nhà khoa học. 

Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đang cố gắng thực hiện mô hình bốn nhà, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước. Nhà nước ra chính sách, doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường, nhà khoa học hỗ trợ cho quy trình sản xuất giúp cho người nông dân, còn người nông dân thì sản xuất nông sản. Hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh những liên kết như vậy để giúp người dân thích ứng với sự thay đổi của Đồng bằng sông Cửu Long. 

RFA : RFA xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 16/04/2024

**************************

Miền Tây cần làm gì để tự cứu mình khỏi cảnh khát nước ngọt ?

Lê Anh Tuấn, RFA, 10/04/2024

Các tỉnh Miền Tây đang hứng chịu một đợt khô hạn và xâm nhập mặn cao điểm. Hôm 8/4/2024, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính gửi công điện yêu cầu chính quyền các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân. Công điện này cũng khẳng định "Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu để thiếu nước sinh hoạt". Hiện chưa rõ thông tin chính quyền các địa phương làm gì cụ thể để trợ giúp bà con vùng thiếu nước. Trong tình trạng bà con ở một số địa phương ven biển bị thiếu nước sinh hoạt, nhiều nhóm thiện nguyện đã quyên góp tiền bạc, mua nước, thuê xe bồn chở xuống địa bàn để phát miễn phí. 

Nhân dịp này, RFA phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giảng viên cao cấp Đại học Cần Thơ, về tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở Miền Tây và các giải pháp khắc phục. 

mientay2

Người dân một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đang khát nước sinh hoạt - Bộ Giao thông Việt Nam

RFA : Xin ông cho biết hiện nay Miền Tây bị thiếu nước ngọt là bị toàn vùng hay chỉ cục bộ ở một vài địa phương ?

Lê Anh Tuấn : Bị thiếu nước cục bộ những vùng ven biển. Đồng bằng sông Cửu Long có một số tỉnh ven biển, thì một số huyện giáp biển bị thiếu nước. Một số người thiện nguyện và tổ chức thiện nguyện xã hội, hay như nhóm hướng đạo chúng tôi cũng thuê xe bồn chở nước xuống cấp nước miễn phí cho bà con. Một số người khác thì thuê xà lan, thuê ghe cấp nước lại cho bà con. 

Một số nơi thì như tụi tui làm mấy năm trước là mua bồn nhựa tặng bà con để bà con có dụng cụ đựng nước. Mấy cái đó giúp bà con cầm cự đi qua mùa khô này được. 

RFA : Như vậy các hoạt động thiện nguyện có đủ để người dân cầm cự vượt qua được những ngày khô hạn này ?

Lê Anh Tuấn : Được. Người dân ở vùng đồng bằng này có một tính tốt là họ biết chia sẻ nguồn nước cho nhau. 

RFA : Xin ông cho biết nguyên nhân gây ra hạn hán và thiếu nước sinh hoạt ở Miền Tây năm nay.

Lê Anh Tuấn : Hạn hán năm nay trước hết do có sự trở lại của hiện tượng El Nino. Năm 2016 là năm hạn hán lịch sử, năm 2020 lặp lại như vậy, và bây giờ là 2024 lặp lại lần nữa. Như vậy, chu kì lặp lại 4 năm. Hiện tượng này không chỉ riêng Việt Nam mà các nước khác trong vùng cũng bị tình trạng nóng lên như vậy. Nhiệt độ hầu hết các thành phố lớn ở Đông Nam Á đều cao hơn so với nhiệt độ trung bình trong lịch sử. 

Hiện tượng này đã được nhiều tổ chức như NASA cảnh báo trước rồi. Tuy nhiên, năm nay ở vùng phía nam của Việt Nam thì lượng mưa năm trước khá ít, và dòng chảy từ Mekong đi xuống rất ít. Do đó, lượng nước dự trữ không còn nhiều nữa. Bên cạnh đó, lại có thêm những yếu tố khác như nước biển dâng và một số nơi bị lún sụt nên nước đã vốn ít rồi lại bị mặn xâm nhập sâu hơn nữa. Những điều đó làm cho tình trạng khô hạn nặng nề hơn. 

RFA : Khô hạn như vậy thì có lẽ không chỉ thiếu nước sinh hoạt mà còn thiếu nước cho nông nghiệp. Xin ông cho biết nông nghiệp có bị ảnh hưởng gì không.

Lê Anh Tuấn : Chúng tôi đã biết trước hiện tượng này từ năm ngoái. Khi thấy lượng mưa năm 2023 giảm và dòng chảy sông Mekong giảm nên chắc chắn là mùa khô năm 2024 sẽ khô hạn. Do đó, chúng tôi đã khuyến cáo nông dân Đồng bằng sông Cửu Long là khi mới dứt mùa mưa là phải xuống giống lúa vụ đông xuân liền.

Xuống giống thời điểm đó, mình có thể tận dụng được lượng nước còn lại của mùa mưa để canh tác lúa. Như vậy mình sẽ kịp thu hoạch lúa trước khi mùa khô hạn trở nên gay gắt như hiện nay. Thực tế thì phần lớn đồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long ở quãng sau tháng 2, tức là khoảng dịp Tết, thì bà con đã thu hoạch hết rồi. 

Bây giờ chỉ còn còn lại một ít là tại vì một số bà con nông dân thấy giá lúa tăng cao nên cũng "hơi tham", hi vọng gieo tiếp một vụ nữa thì có lúa bán giá cao. Do chiến tranh Ukraine làm lương thực trên thế giới thiếu hụt và Ấn Độ ngưng bán lúa làm cho giá lúa thị trường thế giới tăng lên. Hồi tháng 2, khi thu hoạch thì bà con thấy lúc đó giá lúa tăng cao thì một số bà con hi vọng có thêm một vụ nữa, hi vọng vẫn có đủ nước canh tác. Thực ra chúng tôi không ủng vì làm vụ đó chỉ có thiệt hại và thiệt hại.

Như vậy, tính chung cả nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long thì chúng tôi đánh giá là không có nặng nề. Với kinh nghiệm vụ năm 2016 thì nông dân bây giờ đã biết cách đối phó tốt hơn rồi. 

Hiện tượng khan hiếm nước là nghiêm trọng nhưng vấn đề nông nghiệp thì hiện nay không quá nặng nề vì diện tích canh tác không còn đáng kể nữa. Bà con đã thu hoạch từ tháng 2. 

Tuy nhiên, về nước sinh hoạt thì khó khăn. Một số nhà máy nước không hoạt động được vì họ không xử lý được nước mặn. Cho nên chỉ còn giải pháp duy nhất là chở nước ngọt từ vùng phía trên đi xuống vùng biển, bằng cách chở bằng xà lan hoặc xe bồn. Đó là cách giúp bà con cầm cự khoảng một tháng, cho đến tháng 5. Khi đó mùa mưa tới, tức là còn khoảng một tháng hoặc hơn một tháng.

RFA : Ông dự báo gì về tình hình những năm tới ?

Lê Anh Tuấn : Về các năm tới, tôi cho rằng với những diễn biến như hiện nay, rồi trên sông Mekong sẽ có những công trình nữa. Trung Quốc cũng vừa cho một công trình thủy điện nữa đi vào hoạt động. Nó ở xa, có tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long nhưng cũng ít. Còn cái đáng lo nhất mà chúng tôi đang nghiên cứu là tác động của kênh đào Phù Nam. 

Năm nay Campuchia sẽ khởi công kênh Phù Nam. Chắc chắn kênh đào này sẽ lấy một phần nước của sông Hậu đổ ra vịnh Thái Lan. Khi nó lấy nước sông Hậu thì chắc chắn nó sẽ làm mùa khô của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu hụt nước. 

Chúng tôi đang thảo luận về tác động của Kênh đào Phù Nam tới Đồng bằng sông Cửu Long nhưng tiếc là số liệu ít quá nên sự phân tích không đủ. 

Bởi vì mình không biết bao nhiêu tàu bè chạy trên đó, sự vận hành như thế nào, người dân hai bên có lấy nước canh tác và sinh hoạt bao nhiêu. Những số liệu đó không có nên khó đoán. 

Bây giờ về lâu về dài, tôi nghĩ vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải tự ráng mà cứu mình thôi chứ không chờ đợi được. 

RFA : Theo ông Miền Tây nên làm gì để tự cứu mình ?

Lê Anh Tuấn : Ở cấp độ cá thể, tôi khuyến khích người nông dân nạo vét xung quanh vườn tược, nhà cửa để có thể trữ nước, và chống thất thoát nước. Họ có thể lót bạc nilong ở đáy kênh để chống thấm nước. Hoặc quay trở lại với biện pháp của ông bà mình ngày xưa là sử dụng các thùng trữ nước để chưa nước mưa. 

Nước ở đây là nước cho ăn uống là chính chứ không phải cho canh tác. Ưu tiên số một là trữ nước cho người, tiếp đến là nước cho chăn nuôi như trâu, bò, heo, gà. Mình nuôi thì tụi nó cũng cần nước uống. Sau đó phần nước còn dư lại thì mình mới dùng cho cây trồng. Mình phải chuyển đổi sang các loại cây tiêu thụ nước ít. 

Mình sẽ phải giảm diện tích lúa. Cây lúa là cây tiêu thụ nước rất nhiều. Để làm ra một tấn lúa thì cẩn sử dụng khoảng 4000 mét khối nước, tốn kém rất nhiều nước.

Ở Sài Gòn hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp làm ra các túi trữ nước có dung tích 5 khối, 10 khối hoặc 25 khối. Nông dân cũng mua về để trữ nước rất là nhiều. Nông dân bây giờ mua về để trữ nước trong vườn, tránh thất thoát nước. 

Đối với vùng ven biển thì quan trọng nhất là phải chuyển đổi sản xuất. Thay vì chúng ta sản xuất nông nghiệp trồng lúa thì chúng ta chuyển sang nuôi tôm nước lợ hay nước mặn thì phù hợp với hiện nay nhiều hơn. 

Về cấp nước thì hiện nay cũng đã quy hoạch mà chúng tôi từng nghiên cứu là tìm cách chuyển nước từ phía trên đi xuống vùng ven biển bằng hệ thống đường ống. Đây là hệ thống đường ống dẫn nước chứ không phải là kênh đào. Đường ống sẽ giúp tránh thất thoát nước và nước ít bị ô nhiễm nhiều hơn. Tuy nhiên, giải pháp này gặp khó khăn là cần kinh phí lớn. 

Cũng có một số nhà máy nước đang nghĩ tới giải pháp là đầu tư thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt. Trên thế giới, công nghệ này đã có rồi nhưng chi phí khá cao. Tuy vậy, có lẽ dần dần Việt Nam sẽ phải giải quyết bằng cách đó.

Một giải pháp kỹ thuật nữa là lấy nước trong mùa mưa lũ bơm xuống mạch nước ngầm, trữ ở đó, và lấy lên lại vào mùa khô. Nhưng giải pháp này có một thách thức chưa giải quyết được là nước đưa xuống lòng đất phải là nước sạch chứ không thể là nước bị ô nhiễm. Nếu nước bị nhiễm thuốc trừ sâu hoặc kim loại nặng thì không có cách gì xử lý được khi đã đưa xuống mạch nước ngầm. Cho nên phải hết sức thận trọng với cách làm này. 

Về lâu về dài thì Đồng bằng sông Cửu Long phải đi tới những hướng đi như vậy. 

RFA : RFA xin cảm ơn Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 10/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Anh Tuấn
Read 151 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)