Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/04/2024

Vấn nạn đội vốn lớn trong các dự án đầu tư từ vốn ngân sách

Trà My

Tiền chảy vào túi ai ?

Hầu hết các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách ở Việt Nam thường kéo dài thời gian và đội vốn một cách bất thường. Đây là điệp khúc triền miên không có hồi kết.

doivon0

Đập dâng sông Trà Khúc ở phía Bắc nối với đường Hoàng Sa qua xã Tịnh An, Thành phố Quảng Ngãi đang được thi công, đã từ 60 tỉ đồng "phình to" lên 1.500 tỉ đồng".

Việc quan chức và doanh nghiệp cấu kết với nhau để lũng đoạn nền kinh tế đất nước, bòn rút tài sản quốc gia, thông qua thủ đoạn nâng khống giá, là chuyện không mới.

Báo Lao Động ngày 18/4 đưa tin, "Dự án ở Quảng Ngãi, từ 60 tỉ đồng "phình to" lên 1.500 tỉ đồng". Bản tin cho biết, Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc bị nâng vốn đầu tư từ 60 tỉ đồng lên 1.500 tỉ đồng. Không chỉ như vậy, Dự án hệ thống thu gom, xử lý nước mưa, nước thải, ở Quảng Ngãi cũng bị nâng mức đầu tư từ 300 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng.

Thông tin này đã khiến công luận lập tức liên tưởng tới vụ bê bối của Tập đoàn Phúc Sơn và Hậu "pháo". Tập đoàn này đã sử dụng tiền hối lộ hàng loạt quan chức lãnh đạo Quảng Ngãi. Điều này có liên quan gì đến việc Bộ Công an và Bộ trưởng Tô Lâm gần đây, đã và đang "soi" rất kỹ các dự án đầu tư xây dựng của tỉnh này trong quá khứ.

Dự án đầu tư xây dựng đường bờ Nam ven sông Trà Khúc – một đoạn đường dài gần 9km, nhưng đã khiến nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo Quảng Ngãi bị bắt giam, vì các tội "Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Trong đó, có cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đã thông qua người thân, nhận hối lộ lên đến 64 tỷ đồng, để xây nhà thờ tổ ở quê nhà Vĩnh Long.

Hay những thông tin trước đây từ trang Chân Dung Quyền Lực, vào đầu năm 2015, đã tiết lộ, "ông Nguyễn Hòa Bình và con trai Nguyễn Tuấn Anh sở hữu 8 doanh nghiệp trong nước, trong đó có tới 5 doanh nghiệp tại Quảng Ngãi". Đáng chú ý, gia đình ông Nguyễn Hòa Bình hùn vốn kinh doanh với các doanh nghiệp vừa kể, ban đầu chỉ bằng ‘"vốn chính trị" mà không cần góp tiền".

Qua đó cho thấy, các lãnh đạo ở các địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, thông qua các doanh nghiệp sân sau, cố ý nâng khống số vốn phát sinh, là điều dễ hiểu.

Khác với cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, sau khi tuột chức, ông Võ Văn Thưởng đã "lặn" một hơi mất tăm. Trong khi, ông Bảy Phúc vẫn kiên quyết bám trụ tại thủ đô Hà Nội, và vẫn tham gia các hoạt động chính trị trong tư cách cựu lãnh đạo nhà nước. Giới thạo tin cho biết, ông Thưởng muốn tránh né, không muốn xuất hiện khiến ông Tô Lâm "ngứa mắt", sẽ gây thêm những chuyện phiền toái.

Nhất là trong thời điểm hiện nay, người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ở vào tình thế "thập diện mai phục", mà Bộ trưởng Công an Tô Lâm là tổng chỉ huy cuộc chiến, thì bất kể điều gì cũng có thể xảy ra với Võ Văn Thưởng.

Bỏ qua những vấn đề liên quan đến cuộc chiến quyền lực hiện nay, công luận cho rằng, tình trạng đội vốn trong các dự án sử dụng vốn nhân sách là điều hết sức phổ biến. Hầu như, quan chức nào cũng có "doanh nghiệp sân sau", và theo nguyên tắc, quan chức càng cao cấp thì sân sau càng mạnh.

doivon3

Dự án Cống ngăn triều Tân Thuận (quận 4 và quận 7) ngăn triều 10.000 tỉ đồng được Thành phố Hồ Chí Minh gia hạn đến cuối năm 2023 phải ngừng hoạt động vì đội vốn liên tục. Trong khi đó, mỗi ngày chậm trễ, dự án sẽ phát sinh 1,46 tỉ đồng lãi vay - Ảnh : T.T.D.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A chia sẻ với đài Á Châu Tự Do (RFA), cho biết, đây không phải là hiện tượng mới mẻ, mà vấn nạn này đã tồn tại trong một thời gian rất dài. Nói về lý do tại sao lại có tình trạng như vậy, ông Quang A giải thích :

"Khi mà đã muốn tuồn tiền của nhà nước cho doanh nghiệp sân sau, hay doanh nghiệp cánh hẩu của mình, thì người ta vống cái giá lên để rồi đội vốn. Các doanh nghiệp quốc doanh bắt tay với công ty tư nhân những khoản lợi bất chính rất lớn. Nhưng nếu không có sự "bật đèn xanh" của các lãnh đạo cấp cao, thì ai có thể làm được ?"

Về nguồn cơn của vấn nạn này, giới chuyên gia cho rằng, đây là do sự vắng bóng việc giám sát của người dân. Và đây là một nghịch lý cần phải tháo gỡ ngay lập tức. Tiền thuế dân đóng, nhưng dân không được quyền có ý kiến, nên quan chức tha hồ phung phí, nâng giá để trục lợi.

Công luận cho rằng, các dự án đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nói chung, có tác động và ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người dân đối với chính quyền. Nếu như áp dụng một chế tài đủ nghiêm khắc, và kiên quyết trừng phạt đối với các hành vi tham nhũng, thì chắc chắc, tình trạng nói trên sẽ giản thiểu đáng kể.

Sẽ không còn chuyện quan chức và các doanh nghiệp cấu kết nhau để tham nhũng tài sản và ngân sách của nhà nước tràn lan như hiện nay.

Trà My 

Nguồn : Thoibao.de, 20/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My
Read 221 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)