Thủ Chính đã lộ nguyên hình ?
Gần đây, trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng đã chia sẻ rằng, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn… nhiều chủ tiệm vàng đã âm thầm đóng cửa hàng, bởi có các tin đồn, nhà nước đang triển khai chiến dịch "đánh tư sản" và tịch thu vàng.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn… nhiều chủ tiệm vàng đã âm thầm đóng cửa hàng
Chuyện đánh tư sản và tịch thu tài sản tư nhân, là những ký ức kinh hoàng của người dân miền Nam, sau ngày 30/4/1975. Khi ấy, những người kinh doanh buôn bán hay giới nhà giàu, đã bị chính quyền tịch thu nhà, tài sản, rồi sau đó bị đẩy đi các khu kinh kinh tế mới.
VnExpress online ngày 20/4 đưa tin "Thành phố Hồ Chí Minh tạm giữ nhiều vàng, trang sức không rõ nguồn gốc". Bản tin cho biết, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với lực lượng công an, vào ngày 19/4, đã kiểm tra nhiều cửa hàng kinh doanh vàng, và phát hiện có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, tạm giữ nhiều vàng, trang sức vi phạm, trị giá gần nửa tỷ đồng.
Chỉ riêng tại Thủ Đức, nhiều điểm kinh doanh vàng trang sức, đã sai phạm khi không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhãn hàng theo quy định. Toàn bộ số nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền vi phạm, bị xử lý, có tổng trị giá hơn 233,9 triệu đồng.
Trước đó, ngày 20/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký một công điện, yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, và bình ổn thị trường vàng, khi giá vàng trên thế giới và trong nước tăng nhanh, do những biến động lớn trên thế giới.
Theo Tuổi Trẻ, lo sợ bị kiểm tra, nhiều tiệm vàng ở Sài Gòn đã dùng chiêu "cửa đóng then cài", để qua mặt cơ quan chức năng. Nhiều cửa hàng chỉ để một nhân viên túc trực bên ngoài, và từ chối khi khách muốn mua bán vàng, nhưng lại có bảng ghi số điện thoại để khách liên lạc, nếu cần thì sẽ giao dịch "ngầm".
Rõ ràng, chính quyền có biểu hiện đang chuẩn bị dọn đường cho việc kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng. Điều đó khiến công luận lo lắng, khi liên hệ đến những tuyên bố trước đây của các lãnh đạo Việt Nam : "vàng ở trong dân còn nhiều lắm".
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến phản đối kế hoạch trên, đồng thời cho rằng : "Cuộc khủng hoảng ngân hàng do băng đảng của bà Trương Mỹ Lan gây ra, buộc Ngân hàng Nhà nước phải bơm 24 tỷ USD để "cấp cứu" cho Ngân hàng tư nhân SCB. Để bù lỗ, nhà nước đang có chiến dịch "đánh tư bản", nhắm vào các tiệm vàng : Tịch thu vàng không rõ nguồn gốc để "bù lỗ".
Facebooker Nguyen Chanh nhận xét, "nhà nước đẩy giá vàng lên để dân đổ xô đi bán, xong rồi mở chiến dịch kiểm tra hóa đơn của tiệm vàng. Thật đúng là cách huy động vàng trong dân nhanh mà ko tốn nhiều chất xám".
Nhà báo Việt Linh bất bình và viết trên trang cá nhân rằng : "Lại muốn quản lý theo kiểu thời bao cấp, hay là một kiểu ăn cướp mới ? Rồi đây, họ sẽ ùa vào nhà mọi người, lục tung và hỏi gia chủ : vàng này chứng cứ hóa đơn đâu ? Khai thác vàng trong tiệm xong chắc cũng khai thác tiếp trong dân thôi, lòng tham của tụi nó thuộc dạng vô đối"..
Truyền thông nhà nước cho biết, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với công an tiến hành kiểm tra đồng loạt nhiều tiệm vàng, và thẳng tay tịch thu các trang sức vàng, bạc, bị cho là "có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ" và "không có hóa đơn chứng từ".
Trao đổi với phóng viên thời báo.de, một giảng viên Đại học Kinh tế từ Sài Gòn nêu ý kiến, nhà nước không thể ổn định qua việc can thiệp vào giá vàng. Theo đó, "trong nền kinh tế thị trường, việc ổn định giá vàng không nên xem là mục tiêu của chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô khác. Việc tăng giá, xuống giá của giá vàng là do thị trường tự điều tiết theo quy luật".
Vị giảng viên này cũng bày tỏ sự thất vọng đối với giới lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính – người thường xuyên đề nghị Hoa Kỳ và các nước phương Tây công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Việt Nam là quốc gia bị Mỹ đưa vào danh sách "nền kinh tế phi thị trường". Từ trước đến nay, Việt Nam liên tục bị bất lợi trong các vụ kiện chống bán phá giá tại Hoa Kỳ. Đồng thời, việc định danh "nền kinh tế phi thị trường" cũng được Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc, Nga và một số nước khác. Với lý do "có sự can dự mạnh mẽ của nhà nước vào nền kinh tế".
Nói rõ hơn, những quốc gia có nền chính trị độc đoán như Việt Nam, không tuân thủ nghiêm ngặt, đúng và đủ, khái niệm kinh tế thị trường, thì lập tức bị đưa vào danh sách "nền kinh tế phi thị trường", trong khi, câu chuyện nhà nước can thiệp và thị trường vàng là một bằng chứng không thể chối cãi.
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 22/04/2024