Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

15/05/2024

Nhìn Philippines và Campuchia, Việt Nam nên rút kinh nghiệm

Tổng hợp

Cam Bốt-Trung Quốc thắt chặt hợp tác, Việt Nam lo ?

Thu Hằng, RFI, 15/05/2024

Cam Bốt và Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận chung "Rồng Vàng 2024" từ ngày 16 đến 30/05/2024. Cuộc tập trận thường niên lần thứ 6 được chú ý đặc biệt do hai nước đồng minh liên tục có những hoạt động thắt chặt hợp tác trong thời gian gần đây khiến các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, quan ngại về khả năng Trung Quốc án ngữ ở cửa ngõ phía nam Biển Đông.

biendong1

Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 22/04/2024. AP

Trong thông cáo ngày 06/05, bộ Quốc Phòng Cam Bốt khẳng định cuộc tập trận là "cơ hội tốt cho việc củng cố tình hữu nghị sắt đá giữa hai nước, tăng cường phối hợp chiến lược giữa hai quân đội và cùng bảo vệ hòa bình, ổn định ở trong vùng". Cam Bốt huy động hơn 1.300 quân nhân, Trung Quốc cử 760 người đến tham gia cuộc tập trận. Không chỉ dừng ở đó, Hải Quân Trung Quốc điều hai tàu hiện đại - tàu huấn luyện hải quân Thích Kế Quang (Qijiguang) và tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan) - kết hợp với hai tàu khác neo ở cảng Ream từ ngày 03/12/2023.

Theo giải thích của các quan chức Cam Bốt, hai tàu Trung Quốc đã đến quân cảng Ream trước cả 5 tháng "để chuẩn bị cho cuộc tập trận thường niên". Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS, trụ sở tại Washington (Mỹ) công bố nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh cho biết hai tàu này hiện diện tại quân cảng Ream "phần lớn thời gian trong 5 tháng gần đây". Ngoài ra, dường như một trạm xăng đã được Trung Quốc xây tại quân cảng này theo một thỏa thuận bí mật.

Cũng chính Bắc Kinh tài trợ cho Phnom Penh tháo dỡ cơ sở do Mỹ xây dựng trước đó và cải tạo căn cứ Ream để có thể tiếp nhận tàu cỡ lớn. Quân cảng Ream được cho là tiền đồn trong vùng để Hải Quân Trung Quốc có thể nhanh chóng triển khai tác chiến hoặc hiện diện lâu dài để điều chỉnh thế cân bằng ở trong vùng.

Kin Phea, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của Viện Hàn lâm Hoàng gia Cam Bốt, được trang Asianews trích dẫn ngày 09/05, đánh giá cuộc tập trận "Rồng Vàng" cho thấy sự hợp tác quân sự toàn diện giữa Cam Bốt và Trung Quốc. Tuy nhiên, tương tự với nhận định của Yong Kim Eng, chủ tịch Trung tâm Phát triển và Hòa bình Nhân dân, ông cũng cho rằng Cam Bốt "nên mở rộng các cuộc tập trận với các cường quốc để củng cố năng lực" và "học hỏi kinh nghiệm". Nhưng có lẽ vào thời điểm hiện tại, chính quyền Phnom Penh chỉ tập trung hợp tác với đối tác Trung Quốc, ngừng cuộc tập trận "Angkor Sentinel" với Mỹ từ năm 2017 sau khi chuyển sang tiến hành cuộc tập trận "Rồng Vàng" thường niên với Trung Quốc từ tháng 12/2016.

Ngoài ra, vị trí của cuộc tập trận cũng được chú ý : tỉnh Preah Sihanouk và trung tâm huấn luyện quân sự Chum Rikreay ở tỉnh Kampong Chhnang. Tỉnh Sihanouk là nơi có quân cảng Ream, sát với kênh đào Funan Techo dự kiến được khởi công cuối năm 2024 và do Trung Quốc tài trợ hoàn toàn 1,7 tỉ đô la.

Theo trang VOA, một số nhà phân tích cho rằng nước láng giềng Việt Nam lo ngại về kế hoạch này vì tàu chiến Trung Quốc có thể ngược từ vịnh Thái Lan lên biên giới phía bắc giữa Cam Bốt và Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia Brian Eyler, thuộc Trung tâm Stimson Center của Mỹ, được nhật báo Pháp Libération ngày 12/05 trích dẫn, nhận định rằng tạm thời chiến hạm Trung Quốc không thể sử dụng kênh đào này vì "độ sâu của kênh (5,4 mét) sẽ hạn chế việc trung chuyển của những con tàu có lượng giãn nước 4,5 mét".

Dù con kênh hiện chưa phải là một mối đe dọa về quân sự, nhưng Trung Quốc đang giúp Cam Bốt dần tách khỏi Việt Nam về vận tải đường biển. Ngoài ra, kênh Funan cũng là mối đe dọa về môi trường cho đồng bằng sông Cửu Long trong khi khu vực này đã bị tác động nghiêm trong vì tình trạng biến đổi khí hậu trong những năm gần đây.

Cựu thủ tướng Hun Sen, hiện là chủ tịch Thượng Viện, cũng kịch liệt phủ nhận thông tin cho rằng kênh Funan có thể được sử dụng vì các mục đích quân sự của Trung Quốc và trích dẫn điều 53 của Hiến Pháp nhấn mạnh Cam Bốt là nước trung lập, phi liên kết. Tuy nhiên, việc Cam Bốt thắt chặt quan hệ về mọi lĩnh vực với Trung Quốc, đặc biệt là quân sự, khiến Việt Nam, cũng như Thái Lan và Hoa Kỳ lo ngại. Duy trì hiện diện quân sự thường trực và lâu dài ở miền nam Cam Bốt, Trung Quốc sẽ kiểm soát được vịnh Thái Lan, "bủa vây" Việt Nam từ Hải Nam xuống vịnh Thái Lan và án ngữ cửa ngõ phía nam của Biển Đông, tuyến giao thương hàng hải quan trọng của thế giới.

Thu Hằng

*************************

Bắc Kinh tố Việt Nam chiếm đóng nhiều đảo san hô của Trung Quốc ở Biển Đông

Minh Anh, RFI, 15/05/2024

Ngày 14/05/2024, một tổ chức nghiên cứu Trung Quốc công bố một báo cáo, lên án Hà Nội trong ba năm qua đã cải tạo và mở rộng đất đai ở Biển Đông nhiều hơn so với bốn thập kỷ trước. Tổ chức này của Trung Quốc còn cảnh báo rằng những hoạt động này của Việt Nam có thể "gây phức tạp và mở rộng" tranh chấp trong khu vực.

biendong2

Ảnh vệ tinh được công bố ngày 30/11/2016 : Cảnh quan bãi Đá Lát được tôn tạo mở rộng, do Việt Nam nắm giữ, thuộc nhóm đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trevor Hammond/Planet Labs/Handout via Reuters

Theo báo South China Morning Post, trong một báo cáo đề tựa "Xây dựng trên các đảo và rạn san thuộc quần đảo Nam Sa bị Việt Nam, Philippines và Malaysia chiếm đóng", ông Lưu Hiểu Bác (Liu Xiaobo), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hải dương thuộc Viện Grandview và cũng là tác giả của báo cáo, cho rằng "Việt Nam đã tiến hành mở rộng lãnh thổ quy mô lớn trên một số đảo và rạn san hô, bổ sung thêm ba cây số vuông đất mới, vượt xa tổng quy mô xây dựng trong 40 năm trước".

Báo cáo của ông Liu còn tố cáo Việt Nam "chiếm đóng nhiều đảo và rạn san hô của Trung Quốc hơn, cho trú đóng binh sĩ nhiều hơn và xây dựng nhiều cơ sở hơn bất kỳ quốc gia ven biển nào khác ở Biển Đông".

Vẫn theo báo cáo này, Việt Nam trong năm 2021 đã sử dụng máy hút bùn, tàu nạo vét có trang bị máy cắt để khai hoang, nạo vét đá, đất sét, phù sa và cát.

Trong một báo cáo khác được công bố hồi tháng 12/2023, dựa vào các dữ liệu do tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế) công bố tháng 11/2023, Grandview từng cho rằng Việt Nam có thể đã học kinh nghiệm từ Trung Quốc khi "cực kỳ kín đáo và bí mật" xây dựng các đảo nhằm tránh thu hút sự chú ý của quốc tế, và "quy mô xây dựng mở rộng đất đai của Việt Nam tại quần đảo Nam Sa dự kiến sẽ tiếp tục được mở rộng".

Ông Lưu cho rằng Hà Nội có thể đang tìm cách mở rộng vị thế của mình ở quần đảo Trường Sa càng nhiều càng tốt trước khi Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, đang được Trung Quốc và ASEAN thảo luận, có hiệu lực.

Báo cáo công bố hôm qua của Grandview cũng chỉ trích Philippines tìm cách sửa chữa và gia cố một tầu chiến mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.

Cuối cùng ông Lưu cho rằng tất cả những hành động trên của Việt Nam và Philippines "làm phức tạp thêm và mở rộng" tranh chấp, đồng thời "làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định" trong khu vực.

Minh Anh

*****************************

Biển Đông : nhiều nước tạm tránh đối đầu Trung Quốc khi Mỹ bị hút vào "điểm nóng" khác

RFA, 15/05/2024

Tiến sĩ Celia Lamkin, nhà sáng lập "Phong trào Thanh niên Quốc gia vì Biển Tây Philippines" (Biển Tây Philippines là Biển Đông trong tiếng Việt), nói rằng việc Trung Quốc phong tỏa bãi cạn Scarborough là vi phạm Luật biển Quốc tế (UNCLOS) vì theo UNCLOS, người ta có quyền tự do hàng hải trong khu vực này. Tiến sĩ Celia cũng cho rằng bài học kinh nghiệm lớn nhất của Philippines về bãi cạn Scarborough mà Việt Nam nên học để ứng phó với Trung Quốc là "đừng bao giờ tin Trung Quốc".

biendong3

Ngày 4/5/2024, Hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế Unaizah của Philippines cho bãi Cỏ Mây - Reuters

Còn theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay căng thẳng, Mỹ và Phương Tây bị hút nguồn lực ra nhiều mặt trận khác nhau, Trung Quốc có cơ hội để hung hăng hơn ở Biển Đông thì Việt Nam nên tạm ngưng khai thác một số mỏ dầu khí để tránh nguy cơ bị Trung Quốc chọn làm mục tiêu. 

Bài học niềm tin với Trung Quốc

Nói về tình hình hiện tại của Philippines khi Trung Quốc đang phong tỏa cùng lúc ba thực thể của nước này, trong đó có hai thực thể trong vùng đặc quyền kinh tế là Bãi Cỏ Mây, tức Second Thomas Shoal, và Bãi cạn Scarborough, Tiến sĩ Celia Lamkin chia sẻ, bài học kinh nghiệm lớn nhất của Philippines về bãi cạn Scarborough mà Việt Nam nên học để ứng phó với Trung Quốc là "đừng bao giờ tin Trung Quốc".

Phân tích thêm về mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc, Tiến sĩ Celia cho rằng, về kinh tế, Trung Quốc cho Philippines vay rất nhiều để nói rằng họ quan tâm đến lợi ích của Philippines. Nhưng điều đó không đúng, họ muốn lấy nguồn lợi của Philippines từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, dầu khí, sinh vật biển… Dưới thời cựu tổng thống Duterte, Philippines đã được Trung Quốc cho vay hàng nghìn tỷ peso (hiện nay, một tỷ peso tương tương khoảng 17 triệu dollars) để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc đầu tư ở Philippines. Nhưng những cơ sở hạ tầng ấy bây giờ ở đâu rồi? Bà Lamkin đặt câu hỏi. 

Mặt khác, Tiến sĩ Lamkin tố cáo Trung Quốc đã lừa dối Philippines bằng cách nói rằng họ xây dựng nơi trú ẩn trên rạn san hô cho ngư dân của họ, nhưng rồi sau đó họ biến chúng thành đảo nhân tạo. Những đảo nhân tạo như Đá Vành Khăn và Đá Subi đã bị quân sự hóa.

Bãi cạn Scarborough nằm trong 200 hải lý thềm lục địa Philippines, cách đường cơ sở nước này khoảng 120 hải lý. Trung Quốc đẩy Philippines khỏi bãi cạn này và chiếm đóng thực tế từ tháng 4 năm 2012 trong thời gian hai nước Philippines - Trung Quốc đối đầu nhau.

Philippines đã bị lừa vì sau khi cả Trung Quốc và Philippines đều yêu cầu phía kia rời khỏi Bãi cạn Scarborough. Philippines thực hiện điều đó, còn Trung Quốc chưa bao giờ rời Bãi cạn Scarborough cho đến tận bây giờ, người sáng lập "Phong trào Thanh niên Quốc gia vì Biển Tây Philippines" nói với RFA.  

Việt Nam nên tránh đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông

Phân tích về tình hình Việt Nam giữa những căng thẳng tại Biển Đông đang gia tăng, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng Việt Nam nên tạm ngừng khai thác dầu khí ở một số mỏ tại Biển Đông để tránh đối đầu với Trung Quốc khi mà Hoa Kỳ và Châu Âu đang phải tập trung vào các điểm nóng Ukraine và Trung Đông. 

Trước việc Trung Quốc phong tỏa bãi cạn Scarborough và bãi Cỏ Mây của Philippines, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng Việt Nam không có những điểm yếu tương tự để Trung Quốc lấn tới.

Bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát thực tế nhưng đó là một bãi san hô có nhiều đá ngầm và đá nổi, hiện chưa thể đưa người đến đồn trú. Bãi cạn Cỏ Mây (the Second Thomas Shoal) thì Philippines có quân đồn trú nhưng trú trên một con tàu cũ và con tàu sắp bị sập. Trung Quốc phong tỏa bãi Cỏ Mây vì nếu phong tỏa đủ lâu thì Philippines sẽ phải rút quân. Trong khi đó, Trung Quốc khó bao vây Việt Nam như vậy vì trên Biển Đông, Việt Nam không có những điểm yếu tương tự để dễ dàng phong tỏa đến mức phải rút quân. Ông nói: 

"Việt Nam không có những điểm yếu tương tự như vậy. Bản thân Philippines đang chiếm hữu một số đảo lớn như Thị Tứ chẳng hạn. Trung Quốc mạnh hơn nhưng không dễ gì tấn công Philippines ở Thị Tứ. Từ đó có thể suy ra trường hợp Việt Nam. Các căn cứ Việt Nam chiếm hữu đều được xây dựng đầy đủ. Nói chung với những cấu trúc được xây dựng, trang bị mạnh mẽ như vậy thì những việc Trung Quốc làm như với bãi Cỏ Mây thì khó lắm. 

Những chỗ tranh tối tranh sáng như bãi Cỏ Mây thì họ mới sử dụng vũ lực được, có thể chiếm hữu thay thế được, còn ở những chỗ đã được trang bị tốt thì họ không làm được. Mà có làm thì bị các nước khác phản đối ngay. Cách quan trọng nhất mà Việt Nam phải tính về mặt ngoại giao là không để xảy ra sự đối đầu như thế". 

Năm 2014, Việt Nam và Trung Quốc từng đối đầu nhau trong vụ giàn khoan HD-981. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói rằng cuộc đối đầu năm 2014 từng rất căng thẳng, khốc liệt không kém Philippines và Trung Quốc hiện nay ở bãi Cỏ Mây. Bài học mà Việt Nam học được qua lần đối đầu đó, theo ông Hoàng Việt, là muốn chống lại chiến thuật vùng xám thì phải có đủ cảnh sát biển, dân quân biển để đối phó chứ không thể đem hải quân chính quy ra được. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt chia sẻ : 

"Đối phó với chiến thuật vùng xám thì phải xem ai kiên nhẫn hơn, mạnh mẽ hơn. Và năm 2014 thì Việt Nam đã thành công. Còn hiện tại và tương lai thì Việt Nam lại chọn tránh tối đa đối đầu với Trung Quốc. 

Theo đánh giá của phía Việt Nam thì hiện Trung Quốc đe dọa Việt Nam trong kế hoạch khai thác các mỏ mới, chứ khó có lý do để bao vây những thực thể Việt Nam đã chiếm giữ, xây dựng kiến cố từ lâu. 

Hiện Việt Nam chấp nhận tạm ngưng khai thác ở một số mỏ để tránh đối đầu khi tình hình quốc tế đang căng thẳng ở các khu vực khác, nhưng không có nghĩa là sẽ lùi bước mãi mãi". 

Mỹ bị hút bởi điểm nóng khác 

Tình hình quốc tế căng thẳng mà nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói đến ở đây là các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông. Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Tiến sĩ Nagao Satoru ở Hudson Institute cho rằng kể từ khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, các đối thủ của Mỹ đã đánh giá thấp Mỹ trong vai trò là cường quốc răn đe các cuộc xung đột. Sau đó, do cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine và bất ổn ở Trung Đông, Mỹ cần chia sẻ nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ Ukraine và Israel. Trong tình hình như vậy, Mỹ không thể chia sẻ đủ nguồn lực với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhìn từ phía Trung Quốc thì đây là một cơ hội. Tiến sĩ Nagao chỉ ra là năm 2023, Trung Quốc tăng cường cung cấp vũ khí lưỡng dụng (có thể dùng cho cả quân sự và dân sự) cho Nga để hỗ trợ ngành công nghiệp quân sự Nga. Trung Quốc chưa cung cấp vũ khí cho Nga nên kho vũ khí của Trung Quốc vẫn còn đủ khi cần. Trong khi đó, Mỹ đang cạn dần kho vũ khí vì cần chia sẻ thêm vũ khí để hỗ trợ Ukraine và Israel. Đó là tình huống khiến Trung Quốc có ý định tạo cơ hội mở rộng lãnh thổ tại Scarborough hiện nay, vị chuyên gia an ninh quốc tế ở Hudson Institute chia sẻ góc nhìn của mình với RFA. 

Còn theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay căng thẳng, Mỹ và Phương Tây bị hút nguồn lực ra nhiều mặt trận khác nhau, Trung Quốc có cơ hội để hung hăng hơn ở Biển Đông thì Việt Nam tạm ngưng khai thác một số mỏ dầu khí để tránh nguy cơ bị Trung Quốc chọn làm mục tiêu. 

Đông Nam Á quan sát mức độ cam kết của Mỹ 

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, không chỉ Việt Nam mà một số nước khác có xung đột lợi ích với Trung Quốc như Malaysia và Indonesia cũng chọn cách giải quyết tránh đối đầu với Trung Quốc. Ông nói : 

"Theo tôi hiểu thì những quốc gia như Malaysia, Indonesia đang thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc và Biển Đông. Một mặt, họ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia ở Biển Đông, bao gồm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán. Mặt khác, họ cho rằng Biển Đông là vấn đề lâu dài, không giải quyết được trong ngắn hạn, nên vẫn muốn tranh thủ hợp tác với Trung Quốc để kích thích nền kinh tế của họ. 

Tôi nghĩ Việt Nam cũng có cách tiếp cận như vậy. Malaysia, Indonesia đều là những quốc gia thực dụng. Họ sẽ quan sát liên minh ba bên Mỹ, Nhật, Philippines xem nó hiệu quả đến đâu. Họ muốn nhìn xem liên minh của Philippines với Mỹ, Nhật có sức ngăn cản được tham vọng của Trung Quốc không. Hay liên minh này lại tạo ra cái cớ cho Trung Quốc lấn tới, gây thiệt hại nhiều hơn cho Philippines. 

Nếu liên minh Philippines - Mỹ mà thất bại, không ngăn cản được Trung Quốc bành trướng ở bãi cạn Scaborough thì tôi chắc là Việt Nam, Malaysia, Indonesia cũng sẽ không dại gì đối đầu với Trung Quốc. Còn nếu liên minh của Philippines với Mỹ - Nhật có hiệu quả, có sức bền vững, lâu dài, ngăn cản được sức bành trướng của Trung Quốc, giúp Philippines bảo vệ được chủ quyền thì tôi nghĩ Việt Nam, Malaysia, Indonesia cũng sẽ xem xét lại chính sách của mình liên quan đến Biển Đông. Họ có thể điều chỉnh nhất định với chính sách nếu chiến lược của Philippines hiệu quả".

Nguồn : RFA, 15/05/2024

******************************

Việt Nam nên quan sát tình hình Philippines để chuẩn bị cho mình

RFA, 14/05/2024

Trung Quốc hiện đang phong tỏa cùng lúc ba thực thể của Philippines, trong đó có hai thực thể trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là Bãi Cỏ Mây, tức Second Thomas Shoal, và Bãi cạn Scarborough. Đồng thời Trung Quốc cũng đang bao vây thực thể thứ ba là đảo Thị Tứ do Philippines quản lý. Trước tình hình đó, ông Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Stanford, cho rằng : "Việt Nam nên quan sát tình hình Philippines để chuẩn bị cho mình".

vietphi1

Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu BRP Bagacay (giữa) của Philippines hôm 30/4/2024 gần bãi Scarbrough ở Biển Đông - Philippine Coast Guard (PCG) / AFP

Theo ông Powell, Việt Nam hiện đang quản lý nhiều thực thể hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và đến một lúc nào đó Trung Quốc sẽ hướng mắt về những thực thể này. Tất cả những gì Việt Nam quản lý đều nằm trong yêu sách của Trung Quốc và "bây giờ chúng ta có thể thấy Trung Quốc sẵn sàng đi bao xa".

Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell cũng cho rằng động thái Trung Quốc hiện nay xâm nhập vào khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam có mục đích khẳng định các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh. Mặc dù hành động này diễn ra đồng thời với việc phong tỏa ba thực thể của Philippines, tuy nhiên, việc diễn ra đồng thời không có gì đặc biệt. Ông nêu quan điểm của mình với RFA :

"Bởi lẽ, tàu Hải cảnh 5403 của Trung Quốc có lịch trình riêng của nó. Những cuộc tuần tra của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính diễn ra khá đều đặn. Luôn có tàu CCG trong khu vực. Khi tàu này rời đi, tàu khác sẽ thế chỗ. Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần, tra xâm nhập trong vùng biển tranh chấp "để thiết lập sự hiện diện liên tục và dần dần bình thường hóa quyền tài phán của Trung Quốc đối với các khu vực vốn là của các nước láng giềng nếu xét theo luật pháp quốc tế".

vietphi2

Tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5403 xâm nhập, tuần tra bãi Tư Chính của Việt Nam hôm 13/5/2024. SeaLight / Raymond Powell

Tuy vậy, Tiến sĩ Nagao Satoru ở Hudson Institute thì không có cái nhìn như vậy. Theo Tiến sĩ Nagao, Trung Quốc có cái nhìn tổng hợp, kết nối tất cả các khu vực trong một tầm nhìn duy nhất. Đối với các nước khác thì đó là các vùng khác nhau, nhưng đối với Trung Quốc thì các vùng khác nhau đó nằm trong cùng một vùng. 

Tiến sĩ Nagao Satoru chỉ ra rằng, nếu nhìn từ phía Trung Quốc, Trung Quốc có thể tích hợp và kiểm soát mọi hành động quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ Biển Hoa Đông, Đài Loan, Biển Đông, biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương, v.v. dưới một trung tâm điều hành, một chính phủ. Ví dụ, Trung Quốc có thể kiểm soát Biển Hoa Đông và Biển Đông để cô lập Đài Loan như một chiến lược tổng hợp. 

Nhưng đối với các nước xung quanh Trung Quốc, theo ông Nagao, mỗi vấn đề đều được tách biệt. Đối với Philippines và Việt Nam, Biển Đông là vấn đề chính. Đối với Nhật Bản, biển Hoa Đông là vấn đề chính. Đối với Đài Loan, vùng biển xung quanh Đài Loan mới là vấn đề. Đối với Ấn Độ, biên giới Ấn Độ-Trung Quốc và Ấn Độ Dương là những vấn đề chính. Vấn đề Nam Thái Bình Dương là vấn đề lớn đối với Úc (hoặc QUAD) nhưng không phải là vấn đề đối với tất cả các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Vì vậy, theo Tiến sĩ Nagao Satoru, hoạt động phối hợp trong tầm nhìn toàn cảnh là rất quan trọng đối với các quốc gia này, vị chuyên gia ở Hudson Institute về an ninh quốc tế nhận định với RFA.

Giai đoạn 2013-2022, Trung Quốc đóng 148 tàu hải quân. Đây là quy mô tương đương với tổng số Hải quân ở Nhật Bản hoặc Ấn Độ. Để đối phó với lực lượng Trung Quốc khổng lồ như vậy, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc hoặc các quốc gia khác nên phối hợp nỗ lực với Mỹ để đối phó với Trung Quốc, Tiến sĩ Nagao Satoru chia sẻ góc nhìn của mình. Ông trao đổi với RFA : 

"Chúng ta nên làm gì ? Tôi nghĩ điều quan trọng là khả năng răn đe bằng năng lực tấn công. Trung Quốc có thể mở rộng lãnh thổ vì họ không phải lo lắng về khả năng phòng thủ của mình. Vào tháng 4/2024, Philippines đã tiếp nhận hệ thống tên lửa tầm xa mới "Typhon" (dựa trên Tomahawk) của Mỹ. Nhật Bản đang nhập khẩu tên lửa Tomahawk từ Mỹ. Úc sẽ sở hữu các tàu ngầm hạt nhân mới với tên lửa Tomahawk dưới sự quản lý của AUKUS. Đài Loan đang sở hữu tên lửa tầm xa tấn công Thượng Hải. Hàn Quốc đang mở rộng phạm vi của kho vũ khí tên lửa của mình. Ấn Độ đang phát triển nhiều loại tên lửa đủ tầm xa răn đe Trung Quốc. Và Việt Nam cũng đang sở hữu tên lửa phóng từ tàu ngầm Klub. Khả năng răn đe bằng năng lực tên lửa của các nước này rất quan trọng vì Trung Quốc cần chi nhiều tiền hơn để phòng thủ chúng. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không thể sử dụng toàn bộ ngân sách và nguồn lực của mình cho hành vi xâm lược. Tất cả các quốc gia này nên tích hợp các nỗ lực của mình và nâng cao năng lực cũng như hiệu quả. Đó là giải pháp".

Theo thông tin từ ông Raymond Powell, vào ngày 12/5/2024, tàu Hải cảnh Trung Quốc 5403 đã tiến hành xâm nhập vào khu vực các mỏ dầu khí của Việt Nam gần Bãi Tư Chính. Đồng thời, Trung Quốc huy động bốn tàu hải cảnh và 26 tàu dân quân biển để phong tỏa bãi cạn Scarborough của Philippines cũng như bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và đảo Thị Tứ. Và đó là những diễn biến đang diễn ra hiện nay trên Biển Đông.

Nguồn : RFA, 14/05/2024

******************************

Trung Quốc điều 300 quân đến tập trận cùng Campuchia

RFA, 14/05/2024

Tàu đổ bộ lưỡng cư của Trung Quốc mang theo 300 lính vừa đến tỉnh Sihanoukville của Campuchia để tham gia cuộc tập trận chung Rồng Vàng 2024 giữa hai nước.

vietphi3

Tàu Trung Quốc đến cảng ở Sihanoukville hôm 13/5/2024 - Facebook/Ream naval base

Các hình ảnh đăng tải trên trang Facebook của căn cứ hải quân Ream của Campuchia cho thấy một buổi lễ chào đón tàu Trung Quốc Type 071 Qilianshan đến cảng ở Sihanoukville.

Hồi tuần trước, trang tin quân sự Trung Quốc – China Military Online – cho biết tàu Qilianshan đã rời cảng Trạm Giang ở tỉnh Quảng Đông mang theo 300 quân từ các lực lượng hải quân, không quân và bộ binh tham gia cuộc tập trận chung.

Cuộc tập trận Rồng Vàng lần thứ sáu sẽ diễn ra từ ngày 16/5 đánh dấu bước tiếp theo trong việc làm sâu hơn quan hệ hợp tác quân sự giữa Xứ Chùa Tháp với Trung Quốc. Cuộc tập trận kéo dài 15 ngày ở hai địa điểm thuộc hai tỉnh Kampong Chhnang và Sihanoukville.

Tướng Thong Solimo, người phát ngôn Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia nói tại họp báo hôm 13/5 ở Phnom Penh rằng Campuchia sẽ tham gia với 1.300 quân và Trung Quốc sẽ có hơn 700 quân tham gia. Cùng tham gia tập trận có ba tàu chiến lớn của Trung Quốc và 11 tàu chiến của Campuchia. Đây được coi là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay giữa hai bên.

Hiện không rõ hơn 400 quân Trung Quốc khác sẽ đến tham gia tập trận vào lúc nào.

Tập trận chung Rồng Vàng giữa hai nước được thực hiện hằng năm bắt đầu từ năm 2016 nhưng bị hủy vào các năm 2021 và 2022 do đại dịch Covid-19.

Báo chí Campuchia dẫn lời tướng Thong Solimo hôm 13/5 cho biết cuộc tập trận chung với Trung Quốc lần này nhằm nâng cao khả năng của quân đội cũng những kỹ năng tác chiến nhưng không nhằm đe dọa hay gây hại cho bất cứ quốc gia nào.

Nguồn : RFA, 14/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Minh Anh, RFA tiếng Việt
Read 520 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)