Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

29/12/2016

Biển Đông: Trung Quốc bất cần luật lệ

RFI tiếng Việt

bd4

Chiếc tàu lặn không người lái thuộc loại bị Hải Quân Trung Quốc thu giữ ngày 15/12/2016. Ảnh tư liệu.US NAVY

Vụ tàu Hải Quân Trung Quốc ngang nhiên thu giữ chiếc tàu lặn không người lái của Mỹ (drone) ngày 15/12/2016 đã khiến giới quan sát phải ngỡ ngàng trước thái độ công khai coi thường luật lệ quốc tế của Bắc Kinh. Trong một bài viết ngày 19/12, nhật báo Mỹ Wall Street Journal phân tích : "Bắc Kinh chẳng quan tâm gì mấy đến tính chất hợp pháp khi chặn giữ một chiếc drone của Mỹ".

Tờ báo ghi nhận : Trong một tin nhắn trên mạng Twitter, ông Donald Trump (tổng thống tân cử Mỹ) cho đấy là một hành vi ăn cắp. Nhiều chuyên gia pháp lý phương Tây đồng ý với ông : Việc thủy thủ trên một chiến hạm Trung Quốc chận đường rồi thu giữ một chiếc drone của Hải quân Mỹ, không khác gì một hành động cướp biển. Lầu Năm Góc gọi hành động đó là "phi pháp".

Một lập luận khiến ai cũng sững sờ

Ngày 19/12/2016, Trung Quốc đã trao trả lại chiếc drone, một hôm sau khi một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh là thủy thủ đoàn trên tàu Trung Quốc chỉ thu giữ một vật bị bỏ rơi ngoài biển,giống như người ta "nhặt một vật gì đó bị đánh rơi trên đường phố".

Đối với nhật báo Mỹ, lập luận này quả là khó mà tin nổi. Trung Quốc đã vượt qua một ngưỡng mới, và một lần nữa cảm thấy cần phải biện minh cho hành động quyết đoán của họ ở Biển Đông bằng một cái khung pháp lý bao quát, cho dù dưới mắt Mỹ và các đồng minh, cách lý giải luật pháp đó có vẻ nông cạn, giả tạo và đáng tranh cãi.

WSJ tuy nhiên đã so sánh : Việc bám víu vào luật pháp, cùng với nỗ lực chinh phục khu vực với chính sách ngoại giao "hầu bao" - thương lượng tự do mậu dịch, đầu tư vào hạ tầng cơ sở, tín dụng với lãi suất thấp và các gói viện trợ - là điều phân biệt giữa Trung Quốc và Nga, nước đã công khai xem thường các chuẩn mực quốc tế khi chiếm Gruzia và phần nào phân mảnh Ukraina.

Trên thân chiếc tàu lặn có những ghi chú rõ ràng, và cũng rõ ràng là thiết bị đó đang trong tầm kiểm soát của chiếc tàu nghiên cứu USNS Bowditch gần sát đó. Nếu Trung Quốc đã có thể tóm lấy một tàu lặn không người lái thì họ hoàn toàn có thể chận giữ một chiếc tàu đang đi qua ? Trên vấn đề này, luật biển quốc tế không phân biệt loại tàu cũng như kích thước con tàu.

Đòn đáp trả các tuyên bố của Donald Trump ?

Trung Quốc một lần nữa lại làm cho người ta đặt nghi vấn về những tuyên bố theo đó họ không hề hạn chế quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Các láng giềng đang lo ngại là Trung Quốc đang từng bước rời khỏi con đường từng tuyên bố là muốn vươn lên "một cách hòa bình". Chỉ mới năm ngoái (2015), ông Tập Cận Bình đã nói là sẽ không quân sự hóa 7 hòn đảo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở Biển Đông. Thế nhưng vừa qua, họ đã đặt hệ thống phòng không trên các đảo này, theo báo cáo của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington.

Báo Wall Street Journal cho rằng sự cố tịch thu tàu lặn Mỹ có lẽ là một đòn đáp trả của Bắc Kinh nhắm vào ông Trump.

Trong con mắt của Bắc Kinh, tổng thống tân cử Mỹ đã thách thức nền tảng quan hệ Mỹ Trung khi nhận điện thoại của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và trên tài khoản Twitter của ông, đã đòi xét lại nguyên tắc "một nước Trung Hoa duy nhất" mà Bắc Kinh ôm ấp. Thế nên, bây giờ đến lượt Trung Quốc phá bỏ một điều cấm kỵ.

Một hành vi không cần giải thích bằng lý lẽ hợp pháp

Dĩ nhiên, không thể so sánh việc lấy đi một tàu lặn không người lái với việc Putin tấn công nước khác. Nhưng đây là một động thái khác đi theo một hướng nguy hiểm.

Vào năm 2001, khi một chiến đấu cơ Trung Quốc đâm vào một máy bay dọ thám Mỹ ở ngoài khơi Hải Nam khiến cho chiếc phi cơ Mỹ phải đáp xuống Hải Nam, Bắc Kinh đã than phiền là máy bay Mỹ đã dọ thám quá gần Trung Quốc một cách bất hợp pháp, và đã áp dụng cách diễn giải riêng của họ về luật quốc tế.

Lần này thì Bắc Kinh chẳng cần tìm cách đưa ra lý lẽ hợp pháp. Tờ Nhân Dân Nhật Báo, ấn bản hải ngoại, cho là chiếc drone nằm trong "vùng biển thuộc thẩm quyền" của Trung Quốc, cho dù chiếc tàu lặn Mỹ nằm bên ngoài đường chín đoạn mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền khắp Biển Đông.

Hai bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Trung Quốc thì nói mơ hồ hơn là thiết bị Mỹ nằm trong "vùng biển đối diện với Trung Quốc".

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm 20/12 còn trách cứ Mỹ là hoạt động do thám sát gần lãnh thổ Trung Quốc.

Trong mọi trường hợp, cả khu vực hiện đã bị quân sự hóa.

Một số học giả Trung Quốc còn cho là việc thu giữ chiếc tàu lặn không người lái là một thông điệp : Bắc Kinh không chấp nhận việc Mỹ ngày càng sử dụng thiết bị không người lái cho hoạt động dọ thám dưới biển ở bất kỳ khoảng cách nào từ bờ biển Trung Quốc.

Quân đội Trung Quốc còn lâu mới lấn át được Mỹ

Tuy nhiên, đối với Wall Street Journal, tranh chấp vũ trang tuy nhiên khó có thể xẩy ra : Quân Đội Trung Quốc còn lâu mới lấn át được siêu cường của thế giới.

Đô đốc Harry Harris, chỉ huy trưởng Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đã gởi một thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh khi ông thông báo vào trung tuần tháng 12 việc triển khai chiến đấu cơ F-22 Raptor ở Úc. Ông đã nói : "Chúng tôi sẽ hợp tác khi có thể, nhưng sẽ sẵn sàng đối đầu khi cần thiết."

Trung Quốc rất có thể sẽ diễn giải những quan điểm nói trên như một sự khiêu khích. Tờ Global Times, phản ứng trước những tin nhắn Twitter của ông Trump đã nói là nếu ông Trump tiếp tục khiêu khích khi ông vào Nhà Trắng, thì Trung Quốc sẽ không kềm chế nữa.

Trong thời chiến tranh lạnh, những quy tắc xử sự trên hiện trường đã được mọi bên tuân theo để phòng ngừa sự cố có thể dẫn đến xung đột Liên Xô-Hoa Kỳ. Mỹ và Trung Quốc cũng đang nỗ lực làm việc trong chiều hướng đó. Thế nhưng hành vi phi pháp có vẻ được tính toán kỹ lưỡng xẩy ra hôm 15/12 đã thay đổi trò chơi.

Giũa ông Trump đã ngang nhiên đánh vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, và thái độ mới của Trung Quốc xem thường luật lệ, thì những va chạm thường xuyên là điều cần phải dự kiến. Trung Quốc rõ ràng là đang thử quyết tâm của Mỹ.

Nếu quả thực là Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược, thì dĩ nhiên quyết định tịch thu tàu lặn Mỹ đến từ bên trên hơn là quyết định của một viên chỉ huy côn đồ cấp dưới. Thể nhưng khả năng thứ hai này cũng hiển nhiên không kém, và điều đó sẽ nêu bật vấn đề hiệu quả của chủ trưởng cải tổ quân đội mà ông Tập Cận Bình tiến hành để áp đặt quyền kiểm soát rộng hơn của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Chính quyền Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng duy trì sự ổn định là nhiệm vụ quan trọng nhất cho năm 2017 trong khi kinh tế không sáng sủa. Bây giờ thách thức của ông Trump đối với Bắc Kinh đang đẩy hai quốc gia vào vùng nước vô định. Hải Quân của ông Tập như vậy vừa làm con tàu chao đảo, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 794 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)