Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/05/2024

Bị cú quật bất ngờ của Tổng Trọng, võ sĩ Tô Đại đành buông tay ?

Gió Bấc

Bộ Chính trị "lật kèo", Tô Đại tướng rớt kiếm phút cuối

Gió Bấc, RFA, 22/05/2024

"Ba mươi chưa phải là tết", "đừng thấy đỏ mà tưởng là chín". Danh ngôn của Tổng Trọng vô cùng thâm thúy, vận hành vô cùng vi diệu, cho thấy chính trường Việt Nam trắc trở, biến ảo không lường. Những tuyên bố chắc nịch trước ngày họp Quốc hội cho thấy Tô Đại tướng cầm chắc hai suất Chủ tịch nước và Bộ trưởng công an. Bất ngờ ngay trước giờ đăng quang, Quốc hội trở cờ bổ sung chương trình nghị sự, thu hồi thanh thượng phương bảo kiếm đầy quyền lực. Tô Đại tướng trúng kế điệu hổ ly sơn, mất hết binh phù, chơ vơ trên chiếc ghế quá nhiều xui rủi. Số phận chính trị tương lai không biết sẽ về đâu. Với người dân, có thêm bài học mới, té ra Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất chỉ là trò chơi của "cơ quan có thẩm quyền".

vosi1

Ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 22/5/2024 - AFP

Ở xứ Đông Lào, Chủ tịch nước là chức vị xui xẻo. Trần Đại Quang chết vì bệnh lạ, Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ ở Kiên Giang, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng liên tục gãy ghế sau thời gian ngắn ngủi. Trong lúc lửa lò đang cháy rực, nếu ngồi ghế Chủ tịch nước mà không có cơ chế quyền lực hậu thuẫn e rằng sinh mạng cũng khó bảo toàn. Dư luận trước nay đồn đoán Tổng Trọng sẽ nhất tiễn hạ song điêu đẩy Tô Đại Tướng lên làm Chủ tịch nước để vừa tước quyền Bộ trưởng Công an vừa buộc phải ngồi vào ghế xui xẻo. Đúng như tin đồn, tin bế mạc kỳ họp Trung ương 9 khẳng định Trung ương giới thiệu Tô Lâm vào chức vụ Chủ tịch nước để Quốc hội bổ nhiệm. Ngoài ra, có cuộc họp "lãnh đạo chủ chốt" (cơ cấu lãnh đạo chủ chốt này không thấy ghi trong điều lệ và các văn kiện của Đảng tiêu chuẩn thế nào gồm nhưng ai, xem trong hình thì có sáu vị gồm cả Tổng Trọng và Tô Lâm) đánh giá lại nội dung kỳ họp. Tại cuộc họp "lãnh đạo chủ chốt", Tổng bí thư chúc mừng việc Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm - ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an - để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước " (1).

Đến thời điểm này điều nhiều người quan tâm là ai sẽ làm Bộ trưởng Công an vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngày 19/5, trong cuộc họp báo, Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ việc Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an - để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước.

Báo chí thắc mắc về việc có phê chuẩn, miễn mhiệm chức vụ Bộ trưởng công an với ông Tô Lâm. Ông Cường trả lời rất rõ rằng : "Trong nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 cũng chưa có giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Bộ Công an. Vì vậy Quốc hội kỳ này chưa phê chuẩn hoặc miễn nhiệm với chức danh này. Ông Cường nhấn mạnh : "Do đó, việc này cơ quan có thẩm quyền, Bộ Chính trị chưa có giới thiệu mới. Vì vậy trong chương trình nghị sự kỳ họp thứ 7 chưa có nội dung phê chuẩn, miễn nhiệm với chức danh Bộ trưởng Bộ Công an" (2).

Đến đây mọi người đều nghĩ rằng Tô Lâm sẽ một đít hai ghế vừa Chủ tịch nước vừa Bộ trưởng công an. Ngay một số cơ quan báo chí nước ngoài đã phân tích bình luận Chủ tịch nước kiêm Bộ Trưởng Công an là vi hiến và tạo ra nhiều hệ quả trái khóay trong bộ máy lãnh đạo nhà nước. Có người cho rằng với vai trò lãnh đạo song trùng như vậy, Tô Lâm sẽ như hổ mọc cánh. Có người lo ngại nó tăng tính công an trị… Nói thật, trẻ con khi bố mẹ buộc ăn thứ chúng không thích, 10 đứa thì có đến chín sẽ thắc mắc, không làm. Ấy vậy mà gần 500 Đại biểu quốc hội dũng cảm, thông thái không hề có ý kiến thắc mắc, vẫn ngoan ngoãn thông qua chương trình, vẫn làm việc bình thường theo chương trình đã định.

Sáng ngày 21/5, báo chí tiếp tục thông tin "Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, vào cuối chiều 21/5, Quốc hội bắt đầu tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cụ thể, từ 16g30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Sau đó, các đại biểu sẽ về thảo luận tại đoàn về danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Các quy trình tiếp theo sẽ thực hiện vào sáng 22/5" (3).

Việc Chủ tịch nước kiêm nhiệm Bộ trưởng công an tưởng như là chắc chắn chỉ còn tính bằng giờ. Ấy thế mà ngay trưa 21/5, gió bỗng đảo chiều, báo chí đồng loạt thông tin căn cứ ý kiến cấp có thẩm quyền, căn cứ quy định pháp luật, xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình các đại biểu xem xét thông qua điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV để thêm nội dung miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm, người được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Ngay sau đó, như đàn cừu quen đươc chăn dắt, Quốc hội đã rụp rụp biểu quyết tán thành việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 7, với 468/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Kẻ duy nhất cả gan không đồng ý với việc bổ sung chương trình kỳ họp ắt hẳn có quyền lợi thiết thân với chương trình cũ (4).

May mắn sao, vào phút 89 của trận đấu, "cơ quan có thẩm quyền" lại đổi ý, tình cờ cứu Hiến pháp khỏi vứt vào sọt rác. Trên sàn đấu, Tô Đại tướng đang hiên ngang như Quan Công đơn đao phó hội bỗng nhiên thất thế như bị Lã Mông đánh úp Kinh Châu.

Bất giác người ta tự hỏi tại sao "cơ quan có thẩm quyền" lại đổi ý nhanh như vậy ? Việc miễn nhiệm Bô trưởng Công an khi chuyển vai trò thành nguyên thủ quốc gia vốn là định chế pháp luât, quyền quyết định hoàn toàn nằm trong tay "cơ quan có thẩm quyền". Tại sao không quyết định từ đầu. Dù cho Quốc hội Việt Nam chỉ là sân khấu kịch nhưng các diễn viên ở đây quen diễn vai chính kịch, luôn trịnh trong cân đai áo mão, bằng cấp toàn giáo sư tiến sĩ. Việc đàn cừu đại biểu tự vả vào mặt mình đến hai lần kém duyên xe so với Hoài Linh ngoáy mông hay Công Lý trề môi.

Phải chăng do thất thế phải ủ mưu ? Phải chăng "Cơ quan có thẩm quyền" cũ thiếu quân ít tướng không đủ phiếu ép Tô Đại tướng văng ra khỏi Bô Công an nên theo kế Minh tri cố muội, giả vờ ngây dại yếu đuối thuận theo yêu sách "một đít hai ghế" của Tô Đại tướng. Khi ván đã đóng thuyền, "Cấp thẩm quyền" đã bổ sung bốn nhân lực bèn ra kế mới Du long chuyển phượng, tách hai ghế hai nơi, đẩy Tô vô cửa tử.

Trong tay "Cơ quan có thẩm quyền" hiện có tướng Trần Quốc Tỏ, Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú, Nguyễn Hòa Bình. Tất cả đều là Ủy viên Bộ chánh trị, đã từng lãnh đạo ngành, địa phương và đều đang là Đại biểu quốc hội, 100% đạt tiêu chuẩn Bô trưởng Công an cứng khừ. Các đàn em của Tô Đại tướng đều còn non xanh, Ủy viên trung ương chưa tròn một khóa, không có đại biểu quốc hôi, làm gì có cửa cạnh tranh.

Giấc mộng đổi ngôi của Tô Đại tướng e rằng bất thành. Dân Đông Lào không biết nên vui hay nên buồn. Thoát nguy cơ làm thần dân của bạo chúa từng xua quân giết cụ Lê Đình Kình, bắt bớ đàn áp biết bao người bất đồng chính kiến, dân vẫn phải tiếp tục sống trong ách cai trị của thái thú thiên triều dâng biển cho Formosa, đem núi rừng tây nguyên nuôi bô xít… Một thái thú theo gương Putin, Tập Cận Bình nuôi giấc mơ hoàng đế suốt đời bất chấp lợi quyền dân tộc, ngay cả kỷ cương phép nước. Hiển hiện cụ thể trong lần này, Quốc hội, Hiến pháp bị biến thành hề trong cuộc chơi quyền bính.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 22/05/2024

Tham khảo :

1. https://tuoitre.vn/dai-tuong-to-lam-va-ong-tran-thanh-man-duoc-trung-uon...

2. https://nld.com.vn/chua-phe-chuan-hoac-mien-nhiem-bo-truong-bo-cong-an-t...

3. https://tuoitre.vn/hom-nay-quoc-hoi-bat-dau-quy-trinh-bau-chu-tich-nuoc-...

4. https://tuoitre.vn/quoc-hoi-se-phe-chuan-mien-nhiem-bo-truong-bo-cong-an...

***************************

Võ sĩ Lâm đã thăng hạng, tiếp theo sẽ là gì ?

Viết từ Sài Gòn, RFA, 22/05/2024

Trước đây tôi có viết một bài về sàn đấu giải tranh đai Chủ tịch nước và dự đoán võ sĩ Tô Lâm sẽ loại bỏ võ sĩ Vương Đình Huệ bằng knock out kĩ thuật như đã từng loại bỏ võ sĩ Võ Văn Thưởng. Và việc gì đến cũng đã đến, Tô Lâm chính thức nắm đai vô địch - bước lên ghế Chủ tịch nước. Thế nhưng, luật chơi đã dừng hay chưa và võ sĩ Tô Lâm có được ngồi yên với đai vô địch của mình chưa ? Đó là câu hỏi rất quan trọng, bởi suy cho cùng, mọi cuộc đấu đá chính trị đều dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế quốc gia, nếu tìm được một quãng thời gian hòa hợp nhất định để vãn hồi trật tự chính trị và kinh tế là điều vô cùng quan trọng cho đất nước.

vosi2

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch nước Tô Lâm ngày 22/5/2024

Qua quan sát, có thể thấy rằng tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa, nếu không nói là mọi nguy cơ vẫn đang rình rập các võ sĩ. Bởi trước khi nắm đai vô địch, võ sĩ Lâm đã đánh sát ván và không nễ mặt bề trên, cụ thể là võ sư Nguyễn Phú Trọng.

Mặc dù võ sư Trọng bây giờ chân yếu, tay run, mắt mờ và chẳng đánh đấm được gì nữa. Nhưng sự hiện hữu của ông lại khiến cho võ đài trở nên có uy tín, có bảo chứng và quan trọng hơn hết là có đối lập. Tức các phe phái có cái cớ để luân chuyển từ võ đường này sang võ đường khác để thi đấu, để tìm cơ hội tốt nhất cho bản thân.

Và cũng qua các trận đấu đầy máu lửa và sát thương giữa các võ sĩ, mới thấy rằng trong luật chơi của họ, chẳng có võ sĩ nào trung thành với võ đường, võ phái nào, thứ mà họ trung thành chính là Danh Lợi, võ đường, võ phái nào có cơ may mang đến danh lợi cho họ thì họ sẽ đầu quân và sẵn sàng thách đấu, tấn công vào võ đường cũ của mình.

Nói chính xác là một sàn đấu có phần lộn xộn, bất tín và tham vọng quá cao, độ sát thương quá cao mặc dù những băng rôn, biểu ngữ của võ đài luôn mang tính nhân bản, nhân văn, đấu vì tinh thần thượng võ, đấu vì tinh thần võ sĩ đạo, đấu vì chính nghĩa, đấu vì danh dự của võ sĩ... Kỳ thực, đó là những gì người ta treo và múa miệng với nhau trước khi lao vào đấm vỡ quai hàm, đấm toạc mồm nhau và knock out nhau một cách nặng nề nhất có thể.

Lần này, võ sĩ Lâm bước lên bục nhận đai vô địch với gương mặt điềm tỉnh và đượm buồn. Đượm buồn bởi ông vừa rời võ đường vốn là bệ phóng của mình - Bộ Công an. Nếu như trước khi nắm đai vô địch, mọi võ sĩ có thể thay đổi võ đường, thay đổi võ phái xoành xoạch, không ngoại trừ Tô Lâm, thì khi nắm đai vô địch xong rồi, việc anh bắt buộc phải rời võ đường là một sự cô đơn, thậm chí là một sự nguy hiểm.

Điều này làm nhớ tới võ sĩ Trần Đại Quang trước đây, sau khi nắm đai vô địch, làm Chủ tịch nước, mỗi trưa, ông vẫn ghé về Bộ Công an, vẫn ngồi vào ghế Bộ trưởng để làm việc, còn Bộ trưởng Lâm mới chấp chính, nhận chức Bộ trưởng lúc ấy nhìn nhỏ nhoi, lép vế hơn Trần Đại Quang bội phần.

Thế nhưng khi đã chính thức bị bứt khỏi võ đường, võ sĩ Trần Đại Quang nhanh chóng rơi vào cô lập, và các trận thách đấu tuy không xảy ra nhưng những màn đấu đá theo luật chơi giang hồ lại nhắm vào võ sĩ Quang. Kết cục, võ sĩ Quang rời khu vực thi đấu bằng một cách thế chẳng giống ai.

Giờ đến võ sĩ Lâm, nắm đai Chủ tịch nước nhưng người ta lại đoạt mất quyền trượng Bộ trưởng công an. Nếu xét về mặt quyền lực cũng như thực lực và cơ hội, thì phải nắm quyền trượng Bộ trưởng công an trong tay mới có thể hô mưa gọi gió được, nếu mất quyền trượng, ngồi vào ghế Chủ tịch nước không thôi thì xem như đã bị phế võ công.

Vì võ công và quyền lực của Chủ tịch nước rất hạn chế, Thủ tướng còn nắm được các bộ trong tay, Chủ tịch Quốc hội còn nắm được lực lượng thứ ba tức dân biểu, các nhà "lập pháp" trong tay, Tổng bí thư vừa nắm thóp tất cả các thành viên trong trung ương Đảng, và có thực lực ở những cơ quan bên dưới như Bộ Quốc phòng, Tổng bí thư vẫn nắm quyền tối cao, quyền sinh sát trong Bộ Quốc phòng, và ngay cả Bộ Công an, Tổng bí thư vẫn đứng ở vị trí rất cao. Ngược lại, Chủ tịch nước không đứng tối cao trong các Bộ quan trọng, đặc biệt hai bộ vừa nói.

Chính vì vậy mà trong các trận đấu đá vừa qua, vị trí Thủ tướng vẫn được vững, vị trí Tổng bí thư chẳng hề hấn, chỉ có Chủ tịch nước là thay đổi xoành xoạch, hạ bệ xoành xoạch. Đặt giả định nếu như Vương Đình Huệ không phải đối thủ nặng ký của Tô Lâm thì có lẽ, Chủ tịch Quốc hội cũng chẳng hề hấn gì, chẳng bị knock out thê thảm như đã thấy.

Còn bây giờ, Tô Lâm đã đạt được đai vô địch, nắm đai Chủ tịch nước, thế nhưng quyền trượng Bộ trưởng công an bị lấy tức thì, không để ông có cơ hội hô mưa gọi gió nữa, thì cái ghế Chủ tịch nước chẳng khác nào cái ghế thư ký võ đài hoặc chủ tịch danh dự của giải đấu.

Phải chăng đây là kế điệu hổ ly sơn của ai đó ? Bởi một khi để võ sĩ Lâm tiếp tục nắm quyền trượng võ phái Bộ Công an thì chắc chắn rằng, võ sĩ này còn tiếp tục gầy trận và thách đấu với mọi võ sĩ, võ sư, cái lý của võ sĩ này là chỉ có những võ sĩ, võ sư xứng đáng mới ngồi vào ghế chủ tọa, đương nhiên, trận đấu như vậy sẽ gây kịch tính và tiếng vỗ tay không ngớt, nhưng nguy hiểm cho các võ sư lắm thay !

Thôi, thì có cách nào hay hơn là lấy đi quyền trượng Chưởng môn, cắt đứt mọi quyền thách đấu cũng như dẫn dắt võ sĩ thi đấu, cho vào ghế chủ tịch danh dự của võ đài và ngồi đó mà uống nước trà, ngồi đó mà buồn, vì quyền lợi từ vật chất đến tinh thần của cái ghế danh dự kia chẳng bao giờ sánh nổi với cái quyền trượng Chưởng môn đầy thực lực, giúp ta hô mưa gọi gió vậy ! Điều này chẳng khác nào cho rồng lên cạn, cho hổ xuống đồng bằng.

Và, quyền trượng Bộ trưởng công an được giao cho Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, một người mà theo quan sát, không nằm trong võ đường, võ phái Bộ Công an thời Tô Lâm còn nắm quyền trượng. Theo nhận xét của các nhà quan sát, có vẻ như võ sĩ Tô Lâm chính thức bị cắt cánh, chặt hết mọi quyền lực ? !

Nhưng, kỳ thực, kẻ nắm quyền trượng (tạm thời) mới có đủ nội lực để chấp chính Chưởng môn võ phái Bộ Công an hay không lại là chuyện khác. Và, liệu cựu Chưởng môn Tô Lâm có nhìn thấy vấn đề này ngay từ đầu, ông đã chuẩn bị lực lượng phản vệ ngay trong võ phái của mình, phòng khi kẻ khác nắm quyền trượng hay chưa ?

Đây là những câu hỏi bỏ ngỏ, và đương nhiên, với việc thiết lập một hệ thống đủ mạnh để có thể xô dạt mọi đối thủ, võ sĩ Tô Lâm đã nghiễm nhiên đứng vị trí trụ đồng của võ đài, việc ông bị đẩy lên ghế Chủ tịch danh dự ngồi chơi xơi nước có làm ông suy suyễn sức mạnh hay không lại còn tùy thuộc vào sự trung thành cũng như giá trị lợi dụng của ông trong các đồng nghiệp thuộc cấp. Đây là bài toán có phương trình vô nghiệm, rất khó để tìm ra một nghiệm cụ thể.

Nên, chuyện Tô Lâm bị điệu hổ ly sơn hay là Tô Lâm như hổ mọc thêm cánh vẫn còn là một ẩn số, và võ đài sắp tới sẽ còn nhiều trận đấu gay cấn, li kì, võ đài đẫm máu chỉ mới bắt đầu !

Và cơ hội để võ sĩ Lâm bước tiếp một bước, thách đấu với võ sư Nguyễn Phú Trọng, tạo ra trận đấu một mất một còn để nắm quyền tổ chức võ đài, nắm luôn quyền trượng Tổng bí thư không phải là không có. Vấn đề thời gian và bí mật quyền lực của mỗi võ sĩ được tính toán, bảo đảm như thế nào mới là điều đáng nói !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 22/05/2024

Quay lại trang chủ
Read 515 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)