Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/08/2017

Nuôi tôm hay trồng lúa ?

Thanh Trúc

Nuôi tôm thay vì trồng lúa giúp cho nhiều nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ăn nên làm ra và thoát nghèo trong gần hai thập niên qua.

tom1

Những vuông tôm của nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ảnh chụp hôm 13/7/2017. AFP photo

Thoát nghèo

Sau một thời gian dài được mệnh danh là vựa lúa hay kho gạo của cả nước, từ năm 2000 Đồng Bằng Sông Cửu Long trở thành nơi mà nhiều nông dân thay vì trồng lúa đã chuyển sang nuôi tôm và có cuộc sống khấm khá hơn trước.

Hãng tin AFP hôm 9 tháng Tám cho biết như vừa nêu và dẫn lời một người chuyên nuôi tôm ở khu vực này xác nhận việc nuôi tôm có lợi nhiều hơn trồng lúa gạo, và người này hy vọng có thể kiếm được một tỷ đồng, tương đương 44.000 đô la, trong năm 2017.

Ông Sáu, chủ nhân một đầm tôm ở Tiền Giang cho biết vì tôm đang được giá nên hiện nhiều người muốn vay thêm vốn để phát triển ngành nghề đã giúp họ cơ hội thoát nghèo này :

Cá nhân chú thì không cần, nhưng mà nông dân nuôi tôm, nuôi trồng hải sản thì người ta thiếu nguồn vốn.

Ông Thời, một người nuôi tôm ở Sóc Trăng, đồng ý rằng vùng duyên hải Đồng Bằng Sông Cửu Long là khu vực thuận lợi để nuôi tôm, thế nhưng muốn có hiệu quả thì vẫn phải có vốn để đầu tư :

Điều kiện thuận lợi thì cũng không thể không vay, nếu như thuận lợi và lời thì có lời nhưng vẫn không đủ để mà lấp vụ. Lấp vụ tức là cải tạo lại ao đìa, thả con giống mới vân vân...

Từ năm 2000, hoạt động nuôi tôm ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long được nhà nước khuyến khích trở thành một ngành công nghiệp với kỹ thuật nuôi trồng cải tiến, trong lúc nhu cầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các nước EU tăng cao. Ông Thắng, chủ nhân một hộ nuôi tôm ở Tiền Giang, cho biết :

Trước đây mình làm theo dạng nông dân tức mạnh ai người đấy làm. Sau này chính phủ làm theo công nghệ mới và làm theo chuỗi sản phẩm mới thì chắc chắn đã đẩy mạnh để mình có thương hiệu tôm sạch. Những người nông dân như bọn anh đều được đi học và được cập nhất những kiến thức mới về nuôi tôm. Trước đây 1 hectare chỉ được khoảng 5 tấn thôi, bây giờ 1 hectare có thể nuôi được 7 tấn đến 8 tấn.

Ngành nuôi tôm ở Đồng Bằng Sông Cửu Long không chỉ đang phát triển rất tốt mà còn mang lại thu nhập cao cho người nuôi trồng, là khẳng định của tiến sĩ Đặng Kim Sơn, viện trưởng Viện Chiến lược nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam :

Có thể sản lượng sẽ không nhiều nhưng mà giá bán ổn định hơn, rủi ro ít đi, đặc biệt đảm bảo thu nhập cho bà con tăng lên, tôi cho đó là điều quan trọng.

Từ tháng Hai 2017, Việt Nam đề ra mục tiêu 10 tỷ đô la xuất khẩu tôm một năm cho đến năm 2025, nghĩa là tăng hơn gấp 3 lần kim ngạch xuất khẩu tôm hiện tại ở mức 3 tỷ đô la.

Đây là thông tin từ Hội nghị Phát triển ngành tôm qui tụ đại diện chính phủ cùng lãnh đạo của gần 30 tỉnh và hơn 50 doanh nghiệp nuôi tôm được tổ chức tại Cà Mau ngày 6 tháng Hai năm 2017, qua đó cho thấy Việt Nam dự định tập trung nguồn lực vào kỹ nghệ nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long, vốn là vựa lúa truyền thống nhưng đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu thời gian qua. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị rằng biến đổi khí hậu đang đe dọa ngành sản xuất lúa gạo khiến Việt Nam phải thay đổi lại việc sản xuất hiệu quả và bền vững hơn. Vẫn theo lời ông, ngành nuôi trồng tôm đang chứng minh rằng con tôm hiện là sản phẩm nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam.

VIETNAM-ECONOMY-FARMING-AGRICULTURE-SHRIMP

Một đầm nuôi tôm của nông dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh chụp hôm 13/7/2017. AFP photo

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, sau đó là cục trưởng Cục Chế biến nông lâm, thủy sản và nghề muối ở Hà Nội, nói rằng phát triển là tốt nhưng có nhiều điểm Việt Nam cần lưu ý :

Đồng Bằng Sông Cửu Long không phải nơi nào cũng có thể nuôi tôm được thành ra phải có qui hoạch cụ thể. Vừa rồi thủ tướng nói làm sao từ đây tới 2025 phải nâng xuất khẩu đang 3 tỷ lên thành 10 tỷ. Đó là ước vọng nhưng muốn thành hiện thực cũng hết sức khó khó khăn. Bởi vì trồng lúa thì kỹ thuật không cần cao lắm, thứ hai là chi phí, vốn đầu tư cũng không cần cao lắm, hệ thống cơ giới thiết bị máy móc nó đầy đủ.

Bây giờ chuyển sang nuôi tôm thì nó để ra nhiều chuyện khác, đất đai môi trường như thế nào là một việc, thứ hai nuôi tôm nuôi cá phải cả chục tỷ mới làm được mà rất là rủi ro về môi trường, có thể thắng hai ba vụ đầu mà thất bại một vụ là bán nhà. Hiện nay thấy người ta nuôi tôm có một số rất giàu, nhưng đại đa số đất đai những người nuôi tôm đều nằm trong ngân hàng.

Cái thứ hai nữa là thị trường, qua Mỹ hay qua Úc mà chỉ cần rào cản kỹ thuật hoặc rào cản thương mại thì sẽ bị vướng, người làm chưa chắc đã thắng lợi. Thành ra vấn đề này theo tôi cũng phải cân nhắc chứ không phải cứ bỏ lúa nuôi tôm là tốt đâu.

Làm sao phát triển bền vững

Biến tôm thành một ngành công nghiệp đại trà chưa chắc là sự phát triển bền vững nếu ảnh hưởng đến rừng ngập mặn và phá hủy cảnh quan hay môi trường, là khuyến cáo của ông Andrew Wyatt, giám đốc quản lý chương trình của tổ chức có tên Liên Minh Quốc Tế Bảo Tồn Thiên Nhiên, gọi tắt là IUCN (International Union for Conservation of Nature).

Ông Phong, người có đến 20 hecta diện tích nước nuôi trồng tôm ở Kiên Giang, xác nhận chuyện nguồn nước nuôi tôm bị nhiễm bẫn là vì :

Thường nước nuôi mà có tôm bị bịnh khi người này xả ra môi trường thì người kia lấy vô thôi.

Trong cương vị một tổ chức chuyên bảo vệ những khu rừng ngập mặn. một di sản thiên nhiên quí báu của Đồng bằng sông Cửu Long, Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên thường nhắc nhở nông gia tránh sử dụng chất hóa học trong khi nuôi trồng với mục đích giữ nguồn nước sạch cũng như bảo đảm tôm họ nuôi trồng là sản phẩm sạch.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu phó Đại học Nam Cần Thơ :

Rất đúng ở cái phần phải tiếp tục giữ rừng ngập mặn, cái đó dứt khoát phải làm. Nuôi tôm trên vùng trồng lúa thì rất bền vững, chỉ có một cái là không phá rừng ngập mặn để nuôi tôm nữa, vấn đề này là các tỉnh cũng đang lo.

Việc nuôi tôm này là bây giờ phải tổ chức lại để nuôi được khoa học hơn. Nuôi theo cách tự phát, mạnh ai nấy nuôi, đo đó nước của ruộng tôm này đổ ra thì ruộng tôm kia lấy vô thì nó lây lan bịnh. Tới đây phải tổ chức lại để nông dân nào cũng có nước mới, khi xả nước cũ ra thì xả ra chung một dòng kinh đưa ra ngoài biển. Tổ chức được như vậy thì nuôi tôm rất bền vững. Tới đây cũng phải có những loại thuốc an toàn để kiểm soát bệnh của tôm, cấm là cấm những loại thuốc kháng sinh, nhưng những loại thuốc probiotic thì có thể sử dụng được vì không bị cấm.

Xuất khẩu tôm của Việt Nam ra các nước thời gian qua đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2016, xuất khẩu tôm vượt qua xuất khẩu gạo, chỉ đứng sau mặt hàng cà phê mà thôi.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 10/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 816 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)