Vì sao, sự nổi loạn của Tô Đại trước Tổng Trọng, là cái chết đã được báo trước ?
Trà My, Thoibao.de, 23/05/2024
Ngày 22/5, cựu Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước. Đây rõ ràng là sự kiện được đánh giá là một khúc ngoặt quan trọng. Theo giới quan sát, sự kiện này sẽ chấm dứt cuộc nổi loạn của Tô Lâm trong nhiều tháng vừa qua, và đã đến lúc, ông cần thời gian, để chuẩn bị cho thời kỳ hậu "Tô Lâm".
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 7/11/2023 - Ảnh : Gia Hân
Cách đây không lâu, mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của đảng đã hết sức sâu sắc, tới mức gần như mất kiểm soát. Bộ Công an của Bộ trưởng Tô Lâm tả xung hữu đột như chốn không người.
Nhà báo David Hutt đã đưa nhận xét :
"Những nỗ lực tưởng chừng đáng khen, nhằm diệt tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam, nay đã trở thành những trò ăn thịt lẫn nhau thật cay đắng".
Ông David Hutt so sánh chuyện ông Thưởng, ông Huệ – nhân vật hiếm hoi được đánh giá là có năng lực nhất, trong số đó, có các ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế Tổng bí thư. Ông Hutt cho rằng :
"Mọi thứ trong nội bộ Đảng, nay là một tiến trình rõ ràng : con thú nào quyền lực nhất, sẽ ăn thịt đồng loại để chiếm chỗ".
Tuy nhiên, sự góp mặt của ông Tô Lâm vào "Tứ trụ", đã khiến cho giới quan sát chính trị Việt Nam, trong nước và quốc tế, không thể giải thích nổi. Bộ trưởng Tô Lâm đang đóng vai trò gì trong cuộc chiến "vương quyền" hiện nay ?
Theo giới phân tích, cuộc "đảo chính cung đình", hay cái gọi là, sự khởi đầu của chiến dịch "ván bài lật ngửa" của ông Tô Lâm, và Ban lãnh đạo Bộ Công an, là sự thất bại, hay là một cái chết đã được báo trước. Với lý do, Tô Lâm đã không đánh giá được thực chất sức mạnh bản thân và phe cánh của ông.
Theo đó, Bộ trưởng Tô Lâm và Bộ tham mưu của ông, đã đánh giá sai tình hình. Họ đơn giản cho rằng, Bộ Công an – với một kho tàng thư – "big data", chứa các bộ "hồ sơ đen" của giới quan chức, thì luôn có thể sử dụng.
Nhưng Tô Lâm đã nhầm. Bởi vì, sức mạnh thật sự của ông đến từ quyền lực của Bộ trưởng Bộ Công an. Ngược lại, điểm yếu chết người của ông chính là vấn đề phe phái. Bộ Công an và Tô Lâm hầu như không có liên minh, hơn nữa, nội bộ Bộ Công an còn chia 5 xẻ 7, thiếu tính đoàn kết thống nhất.
Theo giới phân tích, không phải đến bây giờ, sau khi đã thất bại trước Tổng Trọng, thì ông Tô Lâm mới biết những điều kể trên. Mà ông đã phát hiện ra, kể từ khi có những dấu hiệu biểu hiện của sự thất thế, để thối lui và chơi bài "hai mặt".
Còn nhớ, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, vào ngày 4/5, Trung tướng Tô Ân Xô – người phát ngôn Bộ Công an, nói rằng :
"Khi lãnh đạo Ban Chuyên án báo cáo Tổng bí thư về một số vụ án, do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, Tổng bí thư đã khen ngợi Bộ Công an, quyết tâm, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".
Tướng Xô còn cho biết thêm, Tổng bí thư cũng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục quyết tâm, quyết liệt hơn, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Điều này cho thấy, ông Xô đang cố gắng chứng minh với công luận rằng, những xáo trộn lớn trong nội bộ Đảng gần đây, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ thực hiện trong vai trò chống tham nhũng, theo chỉ đạo của Tổng bí thư, "không có vùng cấm, không có ai là ngoại lệ". Chứ Tô Lâm hoàn toàn không có chuyện "tranh quyền đoạt vị" của Tổng Trọng, như các "thế lực thù địch" kích động, và cố tình gây chia rẽ nội bộ Đảng.
Giới quan sát đã đưa ra nhận định, ông Tô Lâm và phe cánh của ông đang sử dụng lá bài "hai mặt", trong canh bạc vương quyền, nhằm che mắt thiên hạ. Nhưng nhiều khả năng, đó là những biểu hiện thất thế của ông ta và Bộ tham mưu.
Xin nhắc lại, sự "nổi giận" của Tô Lâm được cho là xuất phát từ sự tham quyền cố vị của Tổng Trọng. Ông Trọng đã không dấu diếm tham vọng muốn ngồi lại ghế Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 4. Đến hôm nay, cuộc chơi đã tạm dừng lại, nhưng khả năng cao, ông Tô Lâm và ban lãnh đạo Bộ Công an sẽ bị "xóa bài", và làm lại từ đầu.
Phe cánh của Bộ Công an hay phe của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuy thất thế, nhưng chưa thất bại hoàn toàn. Ngoài ra, các phe cánh và nhiều lãnh đạo trong Đảng, cũng đang ở trong một tâm trạng ấm ức chung.
Vì thế, tình trạng mất đoàn kết và đấu đá tranh giành quyền lực sẽ không có hồi kết, và có thể dẫn tới tình trạng bất ổn trầm trọng hơn, tới mức, Đảng cộng sản Việt Nam có thể sụp đổ.
Trà My
******************************
Đang mải mê tung đấm vào Tổng, Tô bị võ sĩ Minh Chính thọc đòn chí tử ! Gục ?
Trần Chương, Thoibao.de, 23/05/2024
Chính trường Việt Nam những ngày qua, liên tục có những diễn biến bất ngờ.
Chiều ngày 21/5, ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, cho biết, sẽ bổ sung việc miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm vào chương trình nghị sự của Quốc hội kỳ này. Đây được xem như bàn thắng vào phút thứ 89, ghi bàn 1-0 nghiêng về phe Tổng Trọng. Cơ hội cho Tô Lâm gỡ gạc lần này rất ít, nếu không muốn nói là không thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ôm chúc mừng tân Chủ tịch nước Tô Lâm, bên phải là Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, bên trái là Thường trực Ban Bí thư Lương Cường. Ảnh : Hoàng Phong
Trước đó, ngày 19/5, cũng chính ông Bùi Văn Cường đã thông báo, chương trình họp Quốc hội không có phần miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an. Như vậy, chỉ sau 2 ngày, ông Cường đã thay đổi, quay ngoắt 180 độ.
Được biết, Trung ương Đảng nhóm họp Hội nghị Trung ương 9, từ ngày 16 đến ngày 18/5. Như vậy, có thể hiểu, tại Hội nghị Trung ương 9, Trung ương Đảng chưa ra quyết định miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Công an, đối với ông Tô Lâm. Từ đó có thể suy ra, quyết định miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an chỉ xảy ra sau ngày 19/5. Trong khi đó, từ ngày 19/5 đến ngày 21/5 không có bất kỳ một kỳ họp bất thường nào của Trung ương Đảng.
Ông Bùi Văn Cường cũng cho biết, phía Chính phủ đã gửi tờ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tờ trình này do Thủ tướng Chính phủ ký, đề nghị Quốc hội trình các đại biểu xem xét, để thông qua điều chỉnh chương trình kỳ họp, bổ sung nội dung miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.
Như vậy, quyết định này là do ông Phạm Minh Chính, lấy tư cách là người đứng đầu Chính phủ, để loại ông Tô Lâm khỏi Bộ Công an. Ông Chính đã nhanh chân tung cú cước hiểm vào Tô Lâm, mà không cần thông qua Trung ương Đảng. Đấy cũng là cách mà Tô Lâm đã sử dụng trong vài tháng qua, để triệt hạ Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ. Ông Phạm Minh Chính chỉ lặp lại đúng theo cách mà Tô Lâm đã làm, với chính ông Tô.
Tô Lâm cố bám giữ ghế Bộ trưởng Bộ Công an, mặc dù đã lên chức, nhằm bảo hộ bản thân và gia đình, và nếu còn có thể, thì sẽ tung thêm vài cú đấm khác vào Ban Bí thư mới vừa được gia cố của ông Tổng. Nhưng Tô Lâm chưa kịp ra đòn, thì chính ông đã bị dính chưởng, và knock-out. Kẻ tung quyền cước kia, chính là kẻ đã từng giả vờ hợp tác với ông Tô, trong vụ đánh Vương Đình Huệ.
Tô Lâm dính đòn này, xem như, Ban Bí thư của ông Trọng được giải vây. Tuy nhiên, vấn đề sâu xa hơn là, Phạm Minh Chính tung đòn hiểm, để loại đối thủ nguy hiểm nhất có thể tranh với ông, trong việc kế nhiệm chiếc ghế Tổng bí thư.
Sở dĩ, Phạm Minh Chính dám cho đánh úp, không theo quy trình do Đảng luật quy định, là bởi, việc làm này của Phạm Minh Chính sẽ được 14 ủy viên Bộ Chính trị khác ủng hộ, trừ Tô Lâm. Có lẽ, lợi dụng thời cơ, vào lúc mà gần như toàn bộ Trung ương Đảng, toàn bộ Bộ Chính trị, ai ai cũng căm Tô Lâm, nên khi Phạm Minh Chính tung đòn, sẽ làm vừa lòng rất nhiều người.
Lâu nay, Tô Lâm có lợi thế do nắm binh quyền trong tay, cộng với máu liều, bất chấp, nên ông đã làm phản. Ông vốn không được xếp vào hàng "đa mưu túc trí", mà bị đánh giá là "võ biền" nhiều hơn, bởi Tô Lâm có thói quen xấu là dựa vào bạo lực.
Một lần nữa, cú ra đòn mới đây của ông Chính, lại càng củng cố thêm nhận định : ông Chính là người "chơi cờ người" rất giỏi.
Trong hầu hết các trận đấu, "cầu thủ" Phạm Minh Chính lờ đờ trên sân, không hề tham gia bất kỳ pha tấn công, tranh đoạt nào. Nhưng đợi đến phút 89, khi Tô Lâm hở sườn, là ông Chính tung đòn quyết định, hạ đối thủ. Ở khía cạnh này, Tô Lâm không bằng Phạm Minh Chính.
Trước mắt, cú ra đòn của ông Chính đem lại lợi ích và sự an toàn cho phe ông Tổng. Giờ đây, đường đến ghế Tổng bí thư của Phạm Minh Chính đã rộng mở hơn. Tuy nhiên, ông Trọng vẫn chưa thể hiện ý định từ bỏ quyền lực. Nếu trong tương lai gần, có xảy ra trận kịch chiến giữa Phạm Minh Chính và Nguyễn Phú Trọng, thì dân lại có cơ hội xem phim "sư tử già chiến hổ dữ".
Đảng là như thế, kẻ này gục, kẻ khác lại ngoi lên chiến nhau chí tử. Đất nước tan hoang, kinh tế đổ nát, đời sống người dân cực khổ.
Trần Chương