Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/05/2024

Việt Nam dịch chuyển sang hệ vũ khí NATO để giảm phụ thuộc Nga ?

Thương Lê

Sau khi Nga mở cuộc chiến tại Ukraine, Việt Nam dường như đang tăng tốc đa dạng hóa kho vũ khí của mình, thông qua mua vũ khí từ Mỹ, Israel, Châu Âu và gần đây là Hàn Quốc.

vukhi1

Huấn luyện phòng không trên tàu chiến của Hải quân Việt Nam

Dù vẫn tích cực đàm phán với "người bạn lâu năm" Nga về một thỏa thuận cung ứng vũ khí mới, động thái mới của Hà Nội là lên kế hoạch mua pháo tự hành Hanwha K9 của Hàn Quốc để trang bị cho quân đội.

Tạp chí quốc phòng toàn cầu Janes cho biết Việt Nam được cho là sẽ mua 108 khẩu pháo K9 Thunder (Sấm sét) với cỡ nòng 155mm theo tiêu chuẩn NATO, thay cho các loại pháo có tuổi đời hàng chục năm dùng đạn 152mm từ thời Liên Xô.

Trước đó, vào tháng 9/2023, có thông tin Việt Nam và Mỹ đang đàm phán về một thỏa thuận vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa hai cựu thù, với chiến đấu cơ F-16 là loại vũ khí chính được chuyển giao.

Các chuyên gia về quốc phòng - an ninh nhận định với BBC News tiếng Việt việc Việt Nam "chuyển hệ" sang mua vũ khí, khí tài của phương Tây, giảm phụ thuộc vào Nga đã bắt đầu từ hơn một thập niên trước và là một xu hướng dài hạn.

Từ Seoul, Tiến sĩ Yang Uk ở Viện nghiên cứu chính sách Asan nói với BBC News tiếng Việt việc Hà Nội tìm kiếm những nguồn cung cấp vũ khí ngoài Moscow "không thể là tạm thời".

"Vì khả năng sản xuất của Nga có hạn và họ phải sử dụng cho cuộc chiến ở Ukraine. Nga hiện tại thậm chí còn phải nhập khẩu vũ khí từ Bắc Hàn, nên Việt Nam không thể chỉ dựa vào Nga", ông giải thích.

Mặt khác, theo ông, Việt Nam cũng có mâu thuẫn với Trung Quốc nên việc có những nguồn cung khác ngoài Nga cũng là một ý tưởng rất tốt.

"Chúng ta biết Nga là bạn của Trung Quốc", ông Yang Uk nhấn mạnh.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Đài Loan, cũng như những xung đột thường xuyên xảy ra trên Biển Đông giữa tàu Trung Quốc và tàu của các quốc gia khác trong khu vực, các chuyên gia cho rằng việc đa dạng và hiện đại hóa kho vũ khí giúp Việt Nam tránh "bỏ hết trứng vào một rổ" và cũng là một phần trong "chiến lược phòng ngừa rủi ro".

Giáo sư Alexander L Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Mỹ), cho rằng trong 10-20 năm tới, Việt Nam sẽ phải có được những vũ khí tương đối hiện đại, và nhiều loại trong số đó sẽ phải là từ các nước phương Tây chứ không thể đơn thuần là từ Nga được.

vukhi2

Việt Nam được cho là đang lên kế hoạch mua pháo tự hành K9 của Hàn Quốc để triển khai cho Lữ đoàn pháo binh 204

Thay thế kho pháo lỗi thời ?

Thông tin Việt Nam quan tâm đến việc mua pháo tự hành K9 được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố trong một thông cáo báo chí sau Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 11 ở Hà Nội hôm 23/4.

Trích dẫn thông cáo này, đài truyền hình quốc gia KBS của Hàn Quốc cho biết Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến "đánh giá cao" và bày tỏ ý định mua pháo tự hành K9 với người đồng cấp Kim Seon-ho tại sự kiện trên.

Một ngày sau, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, cho biết Hà Nội hi vọng được "nhanh chóng giới thiệu" về pháo K9 trong một cuộc gặp khác với ông Kim Seon-ho, người đã đến thăm một lữ đoàn pháo binh Việt Nam gần Hà Nội.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, ông Nguyễn Hồng Phong cho biết đã đích thân chứng kiến sự ưu việt của pháo tự hành K9 khi đến nước này vào năm ngoái và nói rằng nếu Việt Nam mua pháo K9, loại vũ khí này có thể được triển khai cho Lữ đoàn pháo binh 204.

Các tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Phong và Hoàng Xuân Chiến tiếp nối chuyến thăm cấp cao Hàn Quốc của Bộ Quốc phòng Việt Nam vào tháng 3/2023 do Bộ trưởng Phan Văn Giang dẫn đầu.

Tờ Quân đội Nhân dân khi đó tường thuật Đại tướng Giang và đoàn đã tham quan căn cứ của Quân đoàn cơ động số 7 của Hàn Quốc và xem nhiều loại vũ khí, khí tài, bao gồm cả pháo tự hành K9.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, kho vũ khí của lực lượng pháo binh Việt Nam gồm các hệ thống vũ khí có tuổi đời hàng chục năm từ thời Liên Xô. Dù cũng có một số lượng pháo tự hành do Mỹ sản xuất thu được trong chiến tranh Việt Nam, nhưng hệ thống vũ khí tiêu chuẩn NATO chỉ chiếm một phần nhỏ trong kho vũ khí của Việt Nam.

vukhi03

Ông Hoàng Xuân Chiến (phải) và ông Kim Seon-ho tại Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 11

Pháo tự hành K9 (được giới thiệu vào năm 1999) đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, chiếm hơn một nửa số đơn đặt hàng pháo trên toàn thế giới.

Cho đến nay, hơn 1.400 khẩu K9 đã hoặc sẽ được xuất khẩu sang 8 quốc gia, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Phần Lan, Estonia, Ấn Độ, Na Uy, Úc và Ai Cập, 6 nước trong số đó là thành viên NATO hoặc đồng minh của Mỹ.

Tiến sĩ Yang Uk nói loại pháo này đang rất thịnh hành ở nhiều quốc gia trên thế giới vì sự ưu việt.

"Pháo tự hành K9 có tầm bắn lên tới 40 km. Ngoài ra, loại vũ khí còn có một khả năng đặc biệt khi kết hợp với xe tiếp đạn tự hành K10, từ đó có thể mang lại tốc độ bắn liên tục trong trận chiến", chuyên gia quốc phòng cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh về độ chính xác của loại pháo được coi là niềm tự hào của công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, đưa dẫn chứng về trận chiến ở đảo Yeonpyeong (Diên Bình), khi Thủy quân lục chiến nước này đã sử dụng pháo tự hành K9 để phản công, ở khoảng cách xa 20-30km, và đã vô hiệu hóa hỏa lực của đối phương.

"Để so sánh thì tôi cho rằng chỉ có mẫu PzH 2000 do Đức sản xuất là có hiệu suất tương tự, nhưng giá thì gần gấp đôi giá của Hàn Quốc. Và nếu đặt mua hàng của Đức thì phải mất nhiều năm trời mới nhận được vũ khí, trong khi nếu đặt của Hàn Quốc thì có thể nhận được trong vài năm", ông Yang nói thêm.

Vì vậy, ông cho rằng đó là lí do khiến nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Ba Lan, nước đang bị đe dọa bởi cuộc chiến ở Ukraine, chọn mua loại pháo này.

vukhi3

Tiêm kích Su-30 tại căn cứ không quân ở Biên Hòa, Đồng Nai

Chuyển giao công nghệ ?

Khi nói đến trường hợp của Việt Nam, ông Yang Uk cho rằng nếu Việt Nam muốn thay đổi toàn bộ hệ thống pháo lỗi thời của Nga thì cần ít nhất vài trăm khẩu.

Nhưng do pháo Nga có đạn khác với pháo Hàn Quốc, nên nếu Việt Nam mua K9 thì phải chuyển đổi cả đạn dược sang tiêu chuẩn NATO, điều mà ông Yang cho rằng sẽ trở thành một vấn đề lớn.

Để giải quyết vấn đề tương thích, Giáo sư Vuving cho rằng Việt Nam có thể sẽ "bắt cá hai tay", tức là mua hoặc tự sản xuất trong nước cả hai loại đạn của Liên Xô lẫn NATO.

Ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales (Úc), đánh giá bên cạnh việc mua vũ khí thì Hà Nội chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ quốc phòng.

"Việt Nam sẽ mong muốn tự tìm cách lắp ráp loại pháo tự hành K9 ở trong nước, cải thiện toàn bộ chuỗi công nghiệp quốc phòng của mình", ông Phương trả lời BBC.

Cũng theo ông, quân đội Việt Nam đang cố gắng làm cái gì dễ trước, tức là hiện đại hóa những quân binh chủng mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào Nga.

"Trong khi hiện đại hóa không quân và hải quân tốn rất nhiều nguồn lực và tiền của, đồng thời Việt Nam chưa đủ sức để tiếp cận được ở một mức độ nhất định, thì hiện đại hóa lục quân là điều có thể làm trước", ông nêu ý kiến.

Theo chuyên gia này, quân đội Việt Nam hiện đang tái cấu trúc lại lục quân, từ mua sắm xe tăng đời mới cho đến bây giờ là mua cho pháo binh.

"Quân đội đang có xu hướng làm cho lực lượng lục quân tinh gọn hơn, đồng thời duy trì khả năng chiến đấu chứ không tập trung vào sức người như trước. Đó là lí do Việt Nam muốn mua pháo tự hành K9 chứ không phải là một loại vũ khí khác", ông Phương giải thích.

Và ông cũng cho rằng đây là phát súng đầu tiên, vì trong tương lai mối quan hệ quốc phòng song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, quốc gia nằm trong top 10 xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, sẽ có rất nhiều tiềm năng.

vukhi4

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn pháo binh 168 (Quân khu 2)

Thách thức nào cho Việt Nam ?

Khi BBC đặt vấn đề liệu Hàn Quốc có khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất pháo K9 cho Việt Nam, Tiến sĩ Yang Uk cho rằng có nhiều thứ cần phải xem xét.

"Đó không chỉ là một cái thỏa thuận. Đó không chỉ là việc ký hợp đồng mua bán sản phẩm. Vì vậy, nếu muốn Hàn Quốc chuyển giao công nghệ cho Việt Nam thì phải cần hợp tác quân sự", ông nói thêm.

Khác với các mặt hàng thông thường như ô tô, điện thoại,… vũ khí và công nghệ không phải là những thứ có thể dễ dàng mua bán.

"Trước tiên, chúng ta phải xem chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ đủ thân thiết, gần gũi để có một thỏa thuận vũ khí và tôi không chắc điều đó có khả thi hay không", ông lý giải.

Một vấn đề nữa mà ông đề cập là một trong những điều mà ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc gặp phải với một số quốc gia.

"Chúng tôi không được phép tự do làm việc với một số nước kém minh bạch, vì các thỏa thuận vũ khí thường được giám sát trong suốt quá trình. Ý tôi là trong mọi giao dịch đều có hoa hồng. Không có quy định nào khi giao dịch trên quốc tế, nhưng đó là thông lệ", ông nói.

Theo nhà nghiên cứu người Hàn Quốc này, điều đầu tiên chính phủ Việt Nam phải làm là xây dựng mối quan hệ tin cậy, giao dịch minh bạch.

Giáo sư Vuving cho rằng hoa hồng là thách thức lớn nhất, khiến những thương vụ giữa Việt Nam với các nước phương Tây không được bôi trơn.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng điều đó không có nghĩa là thương vụ giữa Việt Nam và một đồng minh của Mỹ không được bôi trơn, chẳng hạn việc mua bán giữa Việt Nam và Israel là có, nhưng đương nhiên là không thể nào dễ dàng như những thương vụ giữa Việt Nam và Nga được.

Chuyên gia Nguyễn Thế Phương nêu dẫn chứng Việt Nam từng đặt mua máy bay Airbus, nhưng hợp đồng bị dính vào vấn đề tham nhũng nên thay vì có mười mấy chiếc máy bay thì thương vụ chỉ dừng lại ở ba chiếc.

"Dù Việt Nam đã quá quen thuộc với việc mua bán với một bạn hàng mà từ lâu đã cũng mập mờ y hệt như Việt Nam, nhưng Hà Nội nên dần thích ứng, không thể yêu cầu người ta theo mình được khi tham gia một sân chơi toàn cầu", ông Phương nhận xét.

vukhi5

Trực thăng của Không quân Việt Nam đang hạ cánh trên nhà giàn ở Biển Đông

Trung Quốc sẽ can thiệp ?

Trong một bài viết gần đây, tờ South China Morning Post nêu vấn đề rằng việc Việt Nam quan tâm đến mua pháo tự hành K9 của Hàn Quốc có thể báo hiệu ý định của Việt Nam nhằm chống lại Trung Quốc.

Giáo sư Vuving cho rằng ý kiến này là đánh lạc hướng, vì theo ông, câu chuyện của Việt Nam không phải là chống lại Trung Quốc.

"Việt Nam không bao giờ, không thể nào đủ sức chống lại Trung Quốc và Việt Nam cũng không có ý định chống lại Trung Quốc. Đơn thuần là Việt Nam muốn bảo vệ những cái gì mà họ cho là của mình, tức là lãnh thổ của mình, biển của mình, đảo của mình… Thì một trong những cách bảo vệ đó là phải có vũ khí để tự vệ trong trường hợp người ta đánh mình", ông nêu luận điểm.

Ông Nguyễn Thế Phương đồng ý với quan điểm này, cho rằng những vũ khí mà Việt Nam mua về mặt phát ngôn vẫn chỉ là phục vụ vấn đề liên quan tới phòng thủ chứ không nhằm vào quốc gia nào cả.

"Sự cân bằng về mặt quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay rõ ràng là nghiêng về Trung Quốc rất nhiều. Mỗi năm Trung Quốc đóng 24 tàu chiến, một con số mà Việt Nam không thể nào so được. Trung Quốc thừa hiểu rằng Việt Nam làm gì có khả năng có thể tạm gọi là có gì đó để có thể thay đổi cục diện", ông giải thích.

vukhi6

CNS Phúc Kiến, tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, bắt đầu chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên vào ngày 1/5/2024 tại Thượng Hải

Nhưng trong khi ông Phương cho rằng việc chính quyền Hà Nội mua sắm vũ khí chỉ tạo ra thêm một lớp răn đe cho Việt Nam, tức là cái giá mà Trung Quốc hay bất kì nước nào nhắm tới đe doạ chủ quyền của Việt Nam phải trả sẽ ngày càng lớn, thì giáo sư Vuving không đồng ý với quan niệm răn đe này.

"Theo cách hiểu của tôi là học thuyết quân sự của Việt Nam cụ thể đối với vấn đề biển đảo cũng như đối với Trung Quốc là 'mua vũ khí để không phải dùng đến vũ khí'. Bởi vì theo cam kết quân sự của Việt Nam hiện nay họ thì vẫn cho rằng nếu để chiến tranh xảy ra thì tức là đã thất bại rồi", Giáo sư Vuving nói với BBC.

"Chính vì thế mà tôi có cảm nghĩ rằng Việt Nam không thực sự nghĩ đến chuyện thực chiến, có phần nào thôi, nên có thể dùng từ 'phòng ngừa rủi ro'", ông giải thích thêm.

Bên cạnh đó, ba chuyên gia quốc phòng mà BBC phỏng vấn đều cho rằng dẫu không thể can thiệp vào việc Việt Nam mua sắm vũ khí, Trung Quốc sẽ tìm cách gây nhiễu.

"Điều mà Trung Quốc giỏi là họ biết tạo mâu thuẫn, gây ảnh hưởng tới các quốc gia khác bằng những cách hợp pháp hoặc bất hợp pháp. Trong một số trường hợp, họ có thể sử dụng không gian mạng hoặc các phương pháp khác để gây ảnh hưởng tới nước khác", Tiến sĩ Yang Uk nhận định.

Theo ông, Trung Quốc đương nhiên sẽ có những bình luận rất gay gắt về việc mua bán, họ sẽ không dễ chịu trong vấn đề này.

Ông Nguyễn Thế Phương đồng quan điểm và nêu một số ví dụ, như về mặt ngoại giao, Trung Quốc sẽ nêu quan ngại, các học giả Trung Quốc họ sẽ chỉ trích, báo chí Trung Quốc sẽ tấn công, ví dụ Thời báo Hoàn cầu chắc chắn sẽ lên bài đe dọa.

"Về cơ bản, Trung Quốc không thích việc một số quốc gia mà họ không ưa được vũ trang. Đặc biệt là trong trường hợp của Đài Loan. Hàn Quốc cũng không thể bán vũ khí cho Đài Loan", ông Yang Uk bổ sung.

Nguồn cung nào ngoài Nga ?

vukhi7

Tên lửa phòng không S-300 do Nga sản xuất đang được Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng

Trước năm 2014 thì khoảng 90% vũ khí nhập khẩu của Việt Nam là từ nhà cung cấp vũ khí truyền thống Nga, giá cả hợp túi tiền, vì Việt Nam có sự tin cậy với Nga rất lớn và đã dùng nhiều nên sẽ tiếp tục mua để có sự tương thích.

"Nhưng tính từ năm 2014 đến nay thì Việt Nam nhập khẩu vũ khí từ Nga chỉ khoảng độ 2/3 thôi, không còn là 90% như ngày xưa nữa", Giáo sư Vuving nhận định.

Ông chỉ ra rằng hồi chuông cảnh tỉnh thúc đẩy Việt Nam nghiêm túc tìm nguồn cung thay thế là việc Hà Nội muốn mua tàu chiến Gerpad của Moscow vào năm 2014 nhưng bất thành.

Nguyên nhân là do loại tàu này do Nga đóng nhưng một trong những bộ phận quan trọng nhất của con tàu là động cơ thì lại do Ukraine sản xuất.

Khi Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine, quan hệ hai bên đổ vỡ, Việt Nam phải thương lượng riêng biệt với cả hai nước để có được cả tàu và động cơ, nhưng vì khó khăn quá nên đã phải bỏ thương vụ này.

"Nếu nhìn vào kho vũ khí lớn (tàu chiến máy bay hay xe tăng…) thì chủ yếu là của Nga, nếu không muốn nói là hoàn toàn nhập từ Nga. Việt Nam hiện nay vẫn chưa tìm ra được một ứng viên nào khác để có thể thay thế", ông Nguyễn Thế Phương nói.

Nhiều nhà quan sát nói là toàn bộ quá trình hiện đại hóa của không quân và hải quân Việt Nam dừng lại ở năm 2014. Từ đó đến nay, Việt Nam chưa có một hợp đồng vũ khí nào lớn cả.

Ông Phương cũng nhắc đến một cột mốc trong năm 2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần Hoàng Sa, là một động lực lớn đối với Việt Nam.

Tới năm 2017, chính quyền Donald Trump của Mỹ ban hành luật Chống đối thủ của Mỹ Thông qua Lệnh trừng phạt (CAATSA), thì trong đó những nước như Việt Nam hoặc Ấn Độ mua vũ khí của Nga sẽ bị nằm trong diện điều chỉnh của luật đó.

"Chính quyền Trump đã tạm hoãn để Ấn Độ và Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi luật này, nhưng chỉ mang tính tạm thời chứ không phải là miễn hoàn toàn, nên Việt Nam thực sự phải nghĩ đến đa dạng hóa nguồn vũ khí của mình", Giáo sư Vuving nói.

Và gần đây nhất, Nga dùng rất nhiều vũ khí cho chiến trường Ukraine nên cũng không còn nhiều để bán cho nước ngoài. Nước này cũng bị cấm vận nên khả năng sản xuất bị giới hạn.

Ông Nguyễn Thế Phương cho rằng để đa dạng hóa nguồn cung ngoài Nga, Việt Nam có thể tìm đến hiện tại là Hàn Quốc, trong tương lai có thể là Nhật Bản, một số nước Đông Âu.

vukhi8

Còn riêng về Trung Quốc, quốc gia cũng là một nhà xuất khẩu vũ khí lớn, các chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ khó lòng mua vũ khí sát thương từ nước láng giềng này.

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ bán vũ khí cho bất kỳ bên nào muốn mua, nhưng nếu bên mua là kẻ thù tiềm năng, có thể Bắc Kinh sẽ làm gì đó với những vũ khí đó, chẳng hạn hạ cấp hoặc chỉnh sửa để làm suy yếu hệ thống trong dài hạn", Tiến sĩ Yang Uk nhận định,

Ông nói rằng nếu Việt Nam đủ sáng suốt, họ sẽ không mua những vũ khí từ những kẻ thù tiềm tàng.

Giáo sư Vuving đặt giả thuyết nếu chiến tranh xảy ra thì chính vũ khí mua từ Trung Quốc lại trở thành "con ngựa thành Troy" hay "nỏ thần Trọng Thủy", nên Việt Nam chỉ mua vũ khí từ những nước mà Việt Nam tin cậy : vẫn tiếp tục là Nga và những nước khác mà họ cũng tin cậy như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Israel… những nước mà họ biết là chả có gì để chơi khăm Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Phương thì cho rằng không chỉ riêng Trung Quốc, vũ khí của phương Tây cũng có rủi ro tương tự, nhắc đến chiến đấu cơ F-16 được cho rằng đang trong quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ.

"Việc chuyển giao máy bay sẽ phải đi kèm với một số loại vũ khí, mà để sử dụng được những vũ khí này thì Mỹ sẽ phải đưa thêm mã code, khi người lái nhấn mã này thì mới phóng được tên lửa. Có thể xảy ra trường hợp Mỹ sẽ không giao code này, và đã có tiền lệ rồi", ông giải thích thêm.

Tự chủ vũ khí ?

Việt Nam được cho là một mặt sẽ tiếp tục giữ quan hệ truyền thống với Nga, mặt khác vẫn tiếp tục tìm cách đa dạng hóa nguồn vũ khí.

"Gần đây có tin trong vòng 20 năm tới thì Việt Nam sẽ mua 8 tỷ USD vũ khí của Nga thông qua cái gọi là chuyển ngân qua sổ sách của một công ty liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Nga ở Siberia", Giáo sư Vuving nói với BBC.

Còn về việc đa dạng hóa nguồn cung, Tiến sĩ Yang Uk nói rằng sẽ không dễ dàng, bởi theo ông vũ khí không chỉ mua bằng tiền mà còn bằng sự tin tưởng, thứ sẽ mất thời gian tạo dựng.

Nhưng ông cũng cho rằng trong khi chờ đợi, Việt Nam cũng có thể tạo ra hệ thống vũ khí riêng.

Ông Yang nói rằng ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc chỉ bắt đầu vào đầu những năm 1970, khi chính phủ Mỹ tuyên bố Mỹ mong đợi các đồng minh Châu Á có trách nhiệm tự lo về quốc phòng. Và thậm chí Washington còn nói rằng binh lính Mỹ ở Hàn Quốc sẽ rời khỏi bán đảo Triều Tiên, đó là lý do vì sao Seoul khởi động ngành công nghiệp quốc phòng của chính mình.

"Nên tôi cho rằng đây là lúc Việt Nam nên xác định thực hiện các bước đi tương tự", vị tiến sĩ nhận xét .

Ông Nguyễn Thế Phương cũng nêu triển vọng về việc Việt Nam tự mình có thể chế tạo vũ khí và từ đó không phải phụ thuộc vào các nguồn nhập khẩu.

"Một số người nói rằng Việt Nam hiện nay không có nguồn lực, nhưng theo tôi là có. Việt Nam đã có một số dự án chế tạo vũ khí trong nước có tiềm năng và mức tiệm cận của Việt Nam trong một số loại công nghệ nguồn, công nghệ lõi là đã tiệm cận với thế giới rồi chứ không phải như trước đây nữa", ông nói.

vukhi9

Một thiết bị bay không người lái được trưng bày tại gian hàng của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022 tại Hà Nội

Theo ông, Việt Nam đang cố gắng xây dựng một chính sách công nghiệp quốc phòng nội địa mạnh, nổi lên là Viettel và các công ty con, trong việc phát triển một số loại vũ khí công nghệ cao, thể hiện thông qua Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2022.

Ngoài ra, ông nêu thêm một yếu tố khác là trong năm nay, Quốc hội Việt Nam sẽ thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam sẽ cho phép tư nhân tham gia công nghiệp quốc phòng và luật hóa toàn bộ mối quan hệ giữa các công ty tư nhân và các tập đoàn quốc phòng nhà nước.

Trong đó, Việt Nam sẽ xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng và từ đó sẽ có một hành lang pháp lý cho các công ty tư nhân tham gia phát triển vũ khí.

"Khi đó nguồn lực xã hội sẽ được tập trung hiệu quả hơn, thay vì chỉ nhà nước tham gia. Đây là một phần nhỏ cho thấy cố gắng của Việt Nam trong việc xây dựng khả năng tự chủ vũ khí", ông Phương nói.

Thương Lê

Nguồn : BBC, 25/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thương Lê
Read 206 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)