Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/06/2024

Đối thoại An ninh Shangri-La năm nay có gì lạ ?

Nhiều nguồn tin

Đối thoại An ninh Shangri-La : Trung Quốc bực bội vì sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương ?

Thanh Hà, RFI, 03/06/2024

Diễn đàn Đối Thoại An Ninh Shangri-La 2024 vừa khép lại tại Singapore hôm 02/06/2024. Trong ba ngày họp, Trung Quốc ba lần tổ chức họp báo và ngày cuối cùng, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân trong bài phát biểu hơn 40 phút đã xoáy vào Đài Loan và Philippines. Nhưng theo một số nhà quan sát, "cảnh cáo Hoa Kỳ" mới là mục tiêu số 1 mà Trung Quốc muốn nhắm tới.

shangrila1

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân (Dong Jun) phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, ngày 2/6/2024. Reuters - Edgar Su

Phát biểu một ngày sau bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin, ông Đổng Quân cảnh báo, bất kỳ ai muốn tách rời Đài Loan khỏi Hoa Lục sẽ bị "tiêu vong", đòi độc lập cho Đài Loan là một sự "tự hủy diệt". Bắc Kinh muốn thống nhất Đài Loan bằng giải pháp hòa bình nhưng "viễn cảnh đó đang mờ nhạt dần" và do vậy Trung Quốc phải sẵn sàng "đối phó với tất cả những tình huống cực đoan nhất". Liên quan đến vùng Biển Đông và căng thẳng gia tăng với Philippines, tránh nêu đích danh chính quyền của tổng thống Ferdinand Marcos Jr. có lập trường thân Mỹ, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc cho rằng Manila được các "cường quốc bên ngoài xúi giục", "cố tình" khiêu khích Bắc Kinh, "dàn cảnh" về những màn vu cáo tàu cá hay tàu tiếp liệu của Philippines bị Trung Quốc uy hiếp chẳng qua chỉ là để lừa gạt công luận… Vẫn theo ông Đổng Quân, tới nay Trung Quốc đã "kềm chế" nhưng sự kiên nhẫn đó "có hạn".

Dù vậy, phần lớn các phương tiện truyền thông quốc tế không nghĩ rằng một cuộc xung đột đang cận kề trong khu vực. Tất cả đều ghi nhận những lời lẽ cứng rắn đó của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc chủ yếu nhắm vào Hoa Kỳ. Trong ba năm qua, ông Đổng Quân là vị bộ trưởng thứ ba của Trung Quốc phát biểu tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La, lập trường của Bắc Kinh về Đài Loan về Biển Đông "không có gì thay đổi". Thậm chí ông Đổng Quân còn nhắc lại gần như nguyên văn câu nói một người tiền nhiệm đòi "nghiền nát" mọi ý đồ độc lập của Đài Loan.

Điều mà lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc bực mình hơn cả lần này là nội dung bài diễn văn hôm 01/06/2024 của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Thứ nhất, ông Austin dù chỉ rất ít nhắc đến Đài Loan nhưng trước cử tọa trong phòng họp toàn là giới chuyên gia về quân sự, đã trực tiếp nhắm vào Bắc Kinh khi cho rằng những tranh chấp "cần được giải quyết một cách ôn hòa thông qua đối thoại thay vì áp dụng những hành vi hù dọa, hoặc chọn giải pháp xung đột. Và chắc chắn là những hành vi được cho là để trừng phạt" sẽ không có hiệu quả.

Trong hai ngày 23 và 24/05/2024 Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận bao quanh Đài Loan và theo thông cáo chính thức là để "trừng trị" chính quyền mới của tổng thống Lại Thanh Đức, để "trắc nghiệm về khả năng đánh chiếm Đài Loan" của các lực lượng quân đội Trung Quốc.

Điểm thứ nhì, theo như phân tích của tờ báo Anh The Guardian liên quan đến Biển Đông, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã khiến Bắc Kinh bực mình khi ông nói đến, "một kỷ nguyên mới về an ninh đang mở ra tại Châu Á-Thái Bình Dương" mà tiêu biểu nhất là những mối liên hệ và hợp tác quân sự mà Hoa Kỳ dưới chính quyền Biden không ngừng mở rộng với các đối tác, từ Úc đến Nhật Bản, Hàn Quốc và kể cả nhiều nước Đông Nam Á.

Thái độ bực tức đó của Bắc Kinh được thể hiện qua phát biểu của ông Đồng Quân hôm qua : Tránh nêu đích danh Hoa Kỳ nhưng bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc đã nói đến "một quốc gia nào đó được một vài cường quốc bên ngoài yểm trợ, nên đã cả gan nuốt lời hứa, xóa bỏ những cam kết" với Bắc Kinh để duy trì ổn định ở Biển Đông. Đồng thời ông Đổng Quân tô điểm cho hình ảnh và vai trò của Trung Quốc như một cường quốc thế giới có trách nhiệm.

Bà Bonnie Glaser, giám đốc chương trình Ấn Độ-Thái Bình Dương, thuộc quỹ nghiên cứu German Marshall Fund của Đức được South China Morning Post trích dẫn mỉa mai : Có một "cách biệt rất lớn" giữa lời nói và hành động của Trung Quốc và Bắc Kinh mới là "bên nuốt lời hứa". Quốc gia này, theo bà Glaser "không tôn trọng các quy luật và luật pháp quốc tế".

Về việc Đài Loan và Biển Đông đã chiếm một phần lớn diễn văn hôm qua của bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, chuyên gia về Châu Á này cho rằng trên cả hai vấn đề đó, Bắc Kinh không đưa ra bất kỳ một điều gì mới mẻ.

Nếu đúng là như vậy thì có lẽ tuyên bố của trung tướng Cảnh Kiến Phong (Jing Jianfeng) cũng hôm 01/06/ lên án Hoa Kỳ mưu toan thành lập một phiên bản của NATO tại Châu Á Thái Bình Dương mới đáng chú ý hơn. Theo quan chức này "Mỹ chính là thách thức lớn nhất đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực".

Một ngày sau đến lượt một quan chức khác trong bộ quốc phòng Trung Quốc, đại tá Cao Diên Trung (Cao Yanzhong) được South China Morning Post trích dẫn tuyên bố Bắc Kinh mới là bên có "trách nhiệm" và quan tâm đến "an ninh chung của cộng đồng quốc tế", trong lúc Hoa Kỳ quan niệm "an ninh là một vấn đề được phân chia theo từng khối".

Thanh Hà

*************************

Đối thoại An ninh Shangri-La : Trung Quốc không cho phép "xung đột" hay "hỗn loạn" tại khu vực

Trọng Thành, RFI, 02/06/2024

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân (Dong Jun) trong diễn văn hôm nay, 02/06/2024, tại diễn đàn Đối thoại An ninh Shangri-La, Singapore, đã khẳng định không chấp nhận chiến tranh xảy ra tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, dù chiến tranh "lạnh" hay chiến tranh "nóng". Lãnh đạo bộ quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối lại các đối thoại quân sự với Washington nhưng lên án Hoa Kỳ gây căng thẳng khi gia tăng ủng hộ Đài Loan và Philippines.

shangrila1

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân phát biểu trong Đối thoại An ninh Shangri-La lần thứ 21 tại Singapore, ngày 02/06/2024. AP - Vincent Thian

Hãng tin Mỹ AP dẫn lời bộ trưởng quốc phòng Đổng Quân : "Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai mang xung đột địa chính trị hoặc bất kỳ cuộc chiến tranh nào, dù nóng hay lạnh, đến khu vực của chúng tôi" và "không cho phép bất kỳ quốc gia hay thế lực nào gây xung đột và hỗn loạn trong khu vực". Ông Đổng Quân nói thêm : "Nền văn hóa chiến lược của Trung Quốc gắn liền với tình yêu thương phổ quát và lập trường không xâm lược" . 

Căng thẳng tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines là một trong những điểm nóng hàng đầu của khu vực. Lãnh đạo bộ quốc phòng Đổng Quân cáo buộc Philippines "được các cường quốc bên ngoài khuyến khích", cố tình khiêu khích Trung Quốc, đồng thời cảnh báo "Trung Quốc đã rất kiềm chế khi đối mặt với những hành vi xâm phạm và khiêu khích nhưng sự kiềm chế của chúng tôi là có giới hạn".

Hôm thứ Sáu 31/05, trong ngày đầu tiên của diễn đàn Shangri-La, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã tỏ ra rất cứng rắn khi cảnh báo, nếu phía Trung Quốc cố tình sát hại dù chỉ một người Philippines tại Biển Đông thì điều này có thể coi như một "hành động gây chiến". Nguyên thủ Philippines tin tưởng Hoa Kỳ, quốc gia có Hiệp định phòng thủ chung với Manila cũng có quan điểm tương tự.

Mỹ hoan nghênh lập trường cứng rắn của Manila, nhưng cổ vũ đối thoại với Bắc Kinh

Trong bài phát biểu hôm qua 01/06, theo AP, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã hoan nghênh lập trường cứng rắn của Philippines, qua phát biểu tối hôm trước của tổng thống Ferdinand Marcos Jr., "kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế", tuy nhiên ông từ chối cho biết phản ứng cụ thể của Hoa Kỳ trong trường hợp một người Philippines thiệt mạng khi đụng độ với Trung Quốc.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Philippines và Hoa Kỳ "gắn bó mật thiết" với Hiệp định phòng thủ chung, nhưng đối thoại với Trung Quốc cũng rất quan trọng, và các đối thoại quân sự với Bắc Kinh cho phép không để xảy ra "các hiểu lầm và đánh giá sai lầm", khiến mọi sự "rơi vào vòng xoáy vượt khỏi tầm kiểm soát". "Chiến tranh với Trung Quốc không phải là chuyện sắp xảy ra và không phải là điều không thể tránh khỏi", ông Lloyd Austin lưu ý.

Cơ hội "thống nhất hòa bình" với Đài Loan ngày càng nhỏ

Về Đài Loan, theo Reuters, trong bài phát biểu hôm nay, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc khẳng định viễn cảnh "tái thống nhất" hòa bình với hòn đảo "ly khai" ngày càng nhỏ. Ông Đổng Quân cáo buộc "các phần tử đòi ly khai" và "các thế lực nước ngoài" là thủ phạm, và việc nước ngoài bán nhiều vũ khí cho Đài Loan "gửi đi một tín hiệu rất xấu" đến các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, khiến họ "càng trở nên hung hãn hơn". "Mục tiêu thực sự" của hành động này, theo lãnh đạo bộ quốc phòng Trung Quốc, là nhằm "sử dụng Đài Loan để kiểm soát Trung Quốc". 

Trọng Thành

****************************

Đối thoại Shangri-La : Trung Quốc đe dọa một Đài Loan 'ngày càng ly khai'

BBC, 02/06/2024

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã chỉ trích "những kẻ ly khai" ở Đài Loan trong một bài phát biểu gay gắt vào Chủ nhật tại phiên Đối thoại Shangri-La.

shangrila2

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ngày 2/6/2024

Mặc quân phục của một đô đốc Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, ông Đổng cảnh báo rằng viễn cảnh thống nhất hòa bình của Đài Loan đang bị xói mòn và thề rằng hòn đảo này sẽ không bao giờ có được độc lập.

Ông Đổng cũng tuyên bố không cho phép bất kỳ quốc gia nào châm ngòi chiến tranh - nóng hay lạnh - tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

"Chúng tôi sẽ không cho phép bá quyền và chính trị quyền lực gây tổn hại đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng không cho phép các cuộc xung đột địa chính trị, chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng xảy ra ở châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia hay thế lực nào gây ra chiến tranh và hỗn loạn ở đây", ông Đổng Quân tuyên bố tại Diễn đàn Shangri-La.

Mỹ-Trung căng thẳng về Đài Loan

Ông Đổng Quân khẳng định Đài Loan là "vấn đề cốt lõi trong các vấn đề cốt lõi" đối với Trung Quốc. Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) cầm quyền tại hòn đảo bị đại lục chỉ trích "ngày càng lún sâu vào con đường ly khai và quyết tâm tẩy trắng việc mình là một phần của Trung Quốc".

Trung Quốc coi Đài Loan dân chủ như một phần lãnh thổ của mình, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phía Đài Bắc.

Tháng trước, Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo để thể hiện sự tức giận sau lễ nhậm chức của Tổng thống Lại Thanh Đức, người mà Bắc Kinh gọi là "kẻ ly khai".

Khi ông Lại Thanh Đức nhậm chức, Thời báo Hoàn Cầu nói ông Lại "kiêu ngạo" và "liều lĩnh" và cảnh báo rằng nếu ông Lại Thanh Đức và DPP của ông "duy trì con đường độc lập cho Đài Loan, cuối cùng họ sẽ sụp đổ và cháy rụi".

Ông Đổng Quân, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói tại phiên Đối thoại Shangri-La :

"Những kẻ ly khai đó gần đây đã đưa ra những tuyên bố cuồng tín cho thấy sự bội phản của chúng đối với dân tộc Trung Hoa và tổ tiên. Chúng sẽ bị đóng đinh lên cột ô nhục lịch sử".

Ông Đổng Quân cũng phát biểu rằng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ kiên quyết chống lại các lực lượng độc lập của Đài Loan và "bất kỳ ai dám tách rời Đài Loan khỏi Trung Quốc sẽ bị nghiền nát thành từng mảnh và tự chuốc lấy sự hủy diệt".

Một quan chức Mỹ giấu tên đánh giá bài phát biểu của Đổng không có nhiều điểm mới.

Quan chức này nói : "Trong ba năm liên tiếp, mỗi năm Trung Quốc lại cử một bộ trưởng quốc phòng mới đến Shangri-La. Và năm nào họ cũng đưa ra bài phát biểu hoàn toàn không ăn nhập với thực tế về các hoạt động cưỡng ép của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong khu vực. Năm nay cũng không khác gì".

Bài phát biểu của họ Đổng được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các đại biểu rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn là trọng tâm chính của Mỹ, ngay cả khi Mỹ phải vật lộn với việc hỗ trợ an ninh cho Ukraine và cuộc chiến ở Gaza.

"Hãy để tôi nói rõ : Hoa Kỳ chỉ có thể an toàn nếu châu Á an toàn", Austin nói. "Đó là lý do vì sao Mỹ từ lâu đã duy trì sự hiện diện ở khu vực này".

Đáp lại bài phát biểu của Austin, Trung tướng Trung Quốc Cảnh Kiến Phong cho biết chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm mục đích "tạo ra sự chia rẽ, kích động đối đầu và làm xói mòn sự ổn định".

Một số quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh đã trở nên bạo gan hơn và gần đây, họ đã phát động cái mà họ mô tả là các cuộc tập trận "trừng phạt" quanh Đài Loan, điều động chiến đấu cơ được trang bị vũ khí hạng nặng và tiến hành các cuộc tấn công mô phỏng sau khi ông Lại Thanh Đức nhậm chức tổng thống Đài Loan.

Khi được hỏi liệu các cuộc tập trận của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc quanh đảo có cho thấy Bắc Kinh thực sự quan tâm đến việc thống nhất hòa bình với Đài Loan hay không, ông Đổng Quân cho biết các lực lượng độc lập của Đài Loan đang "đơn phương thay đổi hiện trạng của eo biển Đài Loan".

Ông nói rằng bài phát biểu nhậm chức vào ngày 20 tháng 5 của lãnh đạo mới của hòn đảo, Lại Thanh Đức, "đã bộc lộ tham vọng tìm kiếm độc lập cho Đài Loan".

Tuy nhiên, phản ứng trước những cuộc tập trận liên tiếp của Trung Quốc quanh Đài Loan thì sự ủng hộ dành cho DPP có xu hướng tăng lên, còn sự ủng hộ dành cho Quốc Dân Đảng "thân thiện với Trung Quốc" lại giảm xuống.

Một trường hợp gần đây hơn là : các cuộc tập trận quân sự diễn ra nhiều tháng trước cuộc bầu cử vào tháng 1 đã đưa ông Lại lên vị trí đứng đầu.

Như vậy, có thể thấy, nếu mục đích của các cuộc tập trận là khiến người dân Đài Loan sợ hãi quay lưng lại với các đảng và các nhà lãnh đạo thách thức Bắc Kinh thì cho đến nay dường như chúng đang có tác dụng ngược lại.

Chạm đến 'giới hạn' của Bắc Kinh

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng cáo buộc các thế lực nước ngoài nhúng tay vào "các vấn đề nội bộ" và "cổ vũ cho những kẻ ly khai Đài Loan".

Ông Đổng nói thêm rằng dù Trung Quốc cam kết thống nhất Đài Loan trong hòa bình, thì Quân Giải phóng Nhân dân "sẽ vẫn là lực lượng hùng mạnh bảo vệ việc thống nhất đất nước".

"Chúng tôi sẽ thực hiện các hành động kiên quyết để ngăn chặn nền độc lập của Đài Loan và đảm bảo một âm mưu như vậy không bao giờ đạt được. Chúng tôi rất tin tưởng vào khả năng ngăn chặn Đài Loan độc lập", ông Đổng nói thêm.

Trung Quốc đã nhiều lần giận dữ trước việc Mỹ hỗ trợ Đài Loan, chẳng hạn việc bán vũ khí cho hòn đảo này, ngay cả khi không có quan hệ ngoại giao chính thức.

Ông Đổng gọi việc bán vũ khí là một thách thức đối với "giới hạn" của Trung Quốc.

"Họ đang bán rất nhiều vũ khí cho Đài Loan. Hành vi này gửi đi những tín hiệu rất sai lệch đến các thế lực ly khai của Đài Loan và khiến Đài Loan trở nên rất hung hăng. Tôi nghĩ chúng ta đã rõ ràng rằng mục đích thực sự của thế lực nước ngoài là sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc".

Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã nhiều lần đề nghị đàm phán với Bắc Kinh nhưng bị từ chối. Ông nói chỉ có người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của mình.

shangrila3

Lễ nhậm chức của ông Lại Thanh Đức với sự hiện diện của cựu Tổng thống Thái Anh Văn (trái) và Phó Tổng thống Tiêu Mỹ Cầm

Ông Dương Niệm Tổ, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, cho biết Bắc Kinh tuyên bố sẽ theo đuổi sự "thống nhất" bằng cách chinh phục nhân tâm người dân Đài Loan nhưng "hành động của họ chưa đi đôi với lời nói". Ông Dương nói, thay vào đó, Bắc Kinh đang "dùng một cây gậy lớn" (ý nói dùng vũ lực và đe dọa) và "có thái độ đối đầu và mâu thuẫn".

Ông Dương hy vọng Mỹ sẽ duy trì kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan theo đúng lịch trình để hòn đảo này có thể nâng cao khả năng tự vệ.

Trong hai năm qua, Đài Loan đã than phiền về việc Mỹ chậm trễ trong việc giao vũ khí, chẳng hạn như tên lửa phòng không Stinger, do các nhà sản xuất cung cấp cho Ukraine để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống lại Nga.

Vào năm 1979 Mỹ chấm dứt quan hệ chính thức với chính quyền tại Đài Bắc chuyển qua công nhận chính quyền Bắc Kinh.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan đã được điều chỉnh bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, tạo cơ sở pháp lý để Mỹ cung cấp cho Đài Loan các phương tiện tự vệ, nhưng không yêu cầu Mỹ phải hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công.

Hoa Kỳ tiếp tục là nguồn cung cấp vũ khí quốc tế quan trọng nhất của Đài Loan, và tình trạng tranh chấp của Đài Loan là nguyên nhân gây hiềm khích thường xuyên giữa Bắc Kinh và Washington.

Nguồn : BBC, 02/06/2024

****************************

Shangri-La : Kiev công kích Trung Quốc "hỗ trợ" Nga cản trở hội nghị vãn hồi hòa bình cho Ukraine

Thanh Hà, RFI, 02/06/2024

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Shangri La sáng 02/06/2024, tổng thống Volodymyr Zelensky vận động các nước trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương "tham gia" hội nghị hòa bình cho Ukraine, dự trù diễn ra ngày 15-16/06 tại Thụy Sĩ. Trong cuộc họp báo ngay sau đó, lãnh đạo Ukraine chỉ trích Bắc Kinh "ngăn cản" nhiều quốc gia tham dự hội nghị hòa bình nói trên. Nhưng với Zelensky, điều quan trọng hơn cả là các cuộc đối thoại bên lề với nhiều lãnh đạo quốc phòng và an ninh trên thế giới.

shangrila4

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong Đối thoại An ninh Shangri-La lần thứ 21 tại Singapore, ngày 02/06/2024. AP - Vincent Thian

Hãng tin Mỹ AP ghi nhận, trước cử tọa của Đối thoại An ninh Shangri-La ông Zelensky cho biết trong hai tuần nữa, tại Thụy Sĩ, Ukraine sẽ trình bày với các đối tác về một kế hoạch hòa bình với một số điểm cơ bản như "an ninh về nguyên tử, an ninh lương thực", Kiev cũng đòi Nga "trả tự do cho các chiến binh Ukraine và cho trẻ em Ukraine bị cưỡng bức sống dưới chế độ của Vladimir Putin".

Ông Zelensky đã đến trung tâm hội nghị từ hôm 01/06/2024 và trong diễn văn sáng nay, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia Châu Á, hiện diện đông đảo tại hội nghị ở Thụy Sĩ sắp tới đây. Hiện tại tổng thống Mỹ, Joe Biden chưa cho biết sẽ có dự hội nghị này hay không. Trung Quốc thì đã chính thức thông báo vắng mặt. Ngay cả bộ trưởng quốc phòng Singapore, cũng hoàn toàn im lặng về khả năng cử đại diện đến Thụy Sĩ vào giữa tháng này. Ông Ng Eng Hen chỉ tuyên bố "sát cánh cùng Ukraine" và sự hiện diện của tổng thống Zelensky tại hội nghị Shangri-La chứng tỏ Singapore mong muốn một "trật tự thế giới dự trên các quy luật bảo đảm an ninh và sự tồn tại cho tất cả các quốc gia bất luận lớn hay bé".

Hãng tin Mỹ AP ghi nhận vào lúc tổng thống Ukraine phát biểu, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, Đổng Quân, dường như không có mặt trong phòng họp.

Trả lời báo chí sau bài phát biểu chính thức nói trên, tổng thống Ukraine mạnh mẽ chỉ trích Bắc Kinh đứng về phía Moskva. Volodymyr Zelensky khẳng định "Nga lợi dụng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng, kể cả việc khai thác các kênh ngoại giao của Trung Quốc, để gây sức ép, ngăn cản nhiều nước tham dự hội nghị hòa bình" cho Ukraine. Ông nhấn mạnh "thật lấy làm tiếc là một nước lớn và hùng mạnh như Trung Quốc lại trở thành một công cụ trong tay Putin".

AP cũng lưu ý rằng trên khán đài sáng nay, phát biểu trước ông Zelensky, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, Đổng Quân, tránh đả động đến hội nghị tại Thụy Sĩ sắp tới mà chỉ nhắc lại lập trường cố hữu của Bắc Kinh "kêu gọi hòa đàm và mỗi bên thể hiện thái độ có trách nhiệm".

Đối thoại Volodymyr Zelensky – Lloyd Austin

Đỉnh điểm ngày làm việc thứ nhì của tổng thống Ukraine là đối thoại trực tiếp với bộ trưởng quốc phòng Mỹ, hai ngày sau khi Washington cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Hoa Kỳ để tấn công vào một số mục tiêu của Nga trên lãnh thổ Nga. Trên mạng xã hội X, ông Zelensky nói đến một cuộc "trao đổi rất tích cực" với lãnh đạo Lầu Năm Góc. Kiev đã có dịp trình bày về những nhu cầu phòng thủ : "Ukraine cần tăng cường hệ thống phòng không, cần chiến đấu cơ F-16 và cần một thỏa thuận song phương về an ninh" với Hoa Kỳ, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP. Tổng kết cuộc trao đổi giữa ông Austin và nguyên thủ Ukraine, phát ngôn viên của bộ quốc phòng Mỹ, tướng Pat Ryder, nhắc lại "Mỹ kiên trì hỗ trợ Ukraine đối mặt với cuộc xâm lược mà Nga đang tiến hành".

Thanh Hà

***************************

Lầu Năm Góc : An ninh của Châu Á cũng là an ninh của Hoa Kỳ

Thanh Hà, RFI, 01/06/2024

Phát biểu trong khuôn khổ Đối thoại An ninh Shangri-La, tại Singapore sáng nay 01/06/2024 bộ trưởng quốc phòng Mỹ khẳng định "An ninh Châu Á -Thái Bình Dương trước một kỷ nguyên mới" nhờ những mối liên kết và đối tác trong khu vực. Lãnh đạo Lầu Năm Góc đã gắn liền an ninh của Hoa Kỳ với khu vực và khẳng định lại Ấn Độ -Thái Bình Dương là một "ưu tiên" đối với Washington.

shangrila5

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trên diễn đàn Đối thoại An ninh Shangri-La, Singapore, ngày 01/06/2024. AP - Vincent Thian

Sau đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ và đồng cấp Trung Quốc hôm 31/05/2024, mà phía Bắc Kinh đánh giá là "tích cực", trong phát biểu sáng nay ông Lloyd Austin tìm cách trấn an các đồng minh Châu Á rằng khu vực này vẫn là "một ưu tiên" của Hoa Kỳ bất chấp xung đột tại Gaza và chiến tranh Ukraine.

Hãng tin Mỹ AP lưu ý, ông Austin tạm xua tan lo ngại nổ ra một cuộc xung đột vũ trang giữa hai siêu cường thế giới khi cho rằng kịch bản đó "hiện tại không cận kề và là điều có thể tránh được cho dù căng thẳng trong vùng Châu Á –Thái Bình Dương đang gia tăng". 

Lãnh đạo Lầu Năm Góc đồng thời nhấn mạnh "nước Mỹ chỉ có thể được an tòan, nếu như an ninh của Châu Á được bảo đảm và đó là lý do vì sao từ lâu nay Hoa Kỳ vẫn duy trì hiện diện trong khu vực". Ông Austin đặc biệt chú trọng đến tầm mức quan trọng của các mối liên minh và đối tác với quốc gia trong vùng khi nói tới một "kỷ nguyên mới về an ninh cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương".

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại trong nhiệm kỳ của tổng thống Joe Biden, chính quyền Mỹ đã liên tục mở rộng và thắt chặt hợp tác quốc phòng với từ Nhật Bản đến Úc và thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung, huy động tàu chiến, chiến đấu cơ đến eo biển Đài Loan và Biển Đông, hai vùng nhậy cảm đối với Bắc Kinh.

Trong phát biểu hôm nay, bộ trưởng quốc phòng Mỹ không quên chĩa mũi dùi vào Trung Quốc khi cho rằng những tranh chấp "cần được giải quyết một cách ôn hòa thông qua đối thoại thay vì áp dụng những hành vi hù dọa hay chọn giải pháp xung đột. Và chắc chắn là những hành vi được cho là để trừng phạt" sẽ không có hiệu quả. AP bình luận, ông Austin muốn nói đến việc Trung Quốc dùng nhiều hình thức trừng phạt, o ép Đài Loan và Philippines ở Biển Đông.

Sau phát biểu của ông Lloyd Austin, một quan chức trong bộ quốc phòng Trung Quốc, trung tướng Cảnh Kiến Phong (Jing Jianfeng) lên án Hoa Kỳ mưu toan thành lập một phiên bản của NATO tại Châu Á Thái Bình Dương. Theo quan chức này "Mỹ chính là thách thức lớn nhất đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực".

Trở lại với đối thoại trực tiếp giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc hôm 31/05/2024, các ông Lloyd Austin và Đổng Quân thông báo "nối lại kênh liên lạc quân sự trong những tháng tới" góp phần "tạo ổn định trong quan hệ về an ninh" song phương. Theo AP, ông Đổng Quân cảnh báo đồng cấp Mỹ tránh can thiệp vào vấn đề Đài Loan, đó là "chuyện nội bộ" của Bắc Kinh.

Thanh Hà

***************************

Đối thoại An ninh Shangri-La : Mỹ - Trung thông báo nối lại đường dây liên lạc quân sự

Minh Anh, RFI, 31/05/2024

Hôm 31/05/2024, Diễn đàn Đối thoại An ninh Shangri – La khai mạc tại Singapore. Tuy nhiên, mọi chú ý đổ dồn vào cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo quốc phòng Mỹ - Trung. Sau hơn một giờ hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Đổng Quân, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại đường dây liên lạc quân sự "trong những tháng sắp tới".

shangrila6

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và đồng nhiệm Trung Quốc Đổng Quân gặp nhau tại Singapore, ngày 31/05/2024. via Reuters - U.S. Department of Defense

Theo AFP, trong biên bản cuộc gặp được Lầu Năm Góc công bố, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh quyết định nối lại đường dây điện thoại quân sự giữa hai nước đã từng được tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo hồi tháng 11/2023. Bắc Kinh đã đình chỉ các đối thoại quân sự với Mỹ hồi cuối năm 2022 nhằm trả đũa chuyến thăm Đài Bắc của chủ tịch Hạ Viện lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.

Thông cáo của bộ quốc phòng Mỹ còn cho biết, ông Lloyd Austin hoan nghênh kế hoạch từ nay đến cuối năm, thành lập nhóm công tác về thông tin khủng hoảng với Trung Quốc.

Về phần mình bộ quốc phòng Trung Quốc đánh giá cuộc họp giữa hai lãnh đạo Mỹ - Trung là "tích cực", đồng thời cho rằng mối quan hệ quân sự giữa hai nước đã "ngừng suy thoái" và "đang trên đà ổn định". Dù vậy, Bắc Kinh cũng cảnh báo, các hành động của Mỹ xung quanh đảo Đài Loan là vi phạm nguyên tắc "Một nước Trung Hoa duy nhất".

Đáp lại, phía Mỹ lưu ý Trung Quốc không nên tranh thủ quá trình chuyển tiếp chính trị Đài Loan như là một "cái cớ cho các hành động cưỡng ép".

Liên quan đến Ukraine, Trung Quốc khẳng định không cung cấp vũ khí cho bên nào trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Theo một phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc, thì "Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu các linh kiện quân sự".

Theo AFP, hai bộ trưởng quốc Phòng Mỹ và Trung Quốc vào cuối tuần này sẽ có những bài phát biểu trình bày một loạt các điểm bất đồng liên quan đến hai nước.

Trong những năm gần đây, Đối thoại An ninh Shangri-La thường niên là "thước đo" cho mối quan hệ Mỹ - Trung. Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, Trung Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận quy mô lớn bao vây đảo Đài Loan mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền. Chiến dịch quân sự diễn ra vài ngày sau khi ông Lại Thanh Đức thuộc đảng Dân Tiến tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Hãng tin Anh Reuters dẫn sáu nguồn tin cho biết tổng thống Ukraine rất có thể sẽ đến dự hội nghị Shangri-La vào cuối tuần này. Hỗ trợ cho an ninh Ukraine sẽ phải là một trong các chủ đề chính được đề cập đến trong diễn đàn năm nay.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Trọng Thành, Thu Hằng, Minh Anh, RFI tiếng Việt, BBC tiếng Việt
Read 211 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)