Cách nay ba ngày (1/6/2024) người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam kháo nhau rằng ông Trương Huy San (nhà báo có bút danh là Huy Đức, blogger có nickname là Osin) và ông Trần Đình Triển (luật sư, cựu Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội) cùng bị bắt[1].
Ông Tô Lâm vừa được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam ngày 22/5/2024, tại Hà Nội.
Tuy nhiên đến nay – ngày 4/6/2024 - các thông tin vừa kể vẫn chỉ là "tin đồn" bởi giới hữu trách tại Việt Nam chưa công bố bất kỳ thông tin chính thức nào. Có thể vì giới hữu trách đang tận dụng quy định liên quan đến "tạm giữ hình sự".
Theo luật Tố tụng hình sự, công an Việt Nam có quyền "tạm giữ hình sự" bất kỳ ai trong vòng ba ngày. Nếu không đủ căn cứ để khởi tố thì sau đó phải trả tự do cho người bị tạm giữ, trừ trường hạn đặc biệt, có thể gia hạn tạm giữ thêm ba ngày nữa[2].
Chuyện ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đột nhiên "mất tích" tạo ra làn sóng với vô số đồn đoán, bình phẩm, trong đó nổi lên hai vấn đề : Thứ nhất, nếu họ bị bắt, thì vì sao họ bị bắt ? Thứ hai, nếu họ bị bắt, thì tại sao lại bắt giữ họ vào thời điểm này ?
Ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đều có rất đông bạn bè, người theo dõi trên mạng xã hội. Nếu điểm lại những status mà cả hai từng post trong khoảng nửa tháng vừa qua, hẳn sẽ nhận ra sự tương đồng.
***
Ngày 18/5/2024, Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 công bố kết quả hội nghị lần thứ chín (16/5/2024-18/5/2024), theo đó các Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 "thống nhất rất cao trong việc giới thiệu ông Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, nhân vật đang đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an – để Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bầu làm Chủ tịch nước [3]. Hôm sau (19/5/2024), trong cuộc họp báo giới thiệu chương trình nghị sự kỳ họp thứ bảy của Quốc hội khóa 15, ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội – loan báo : Quốc hội sẽ bầu ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước song sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm, đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm[4].
Cũng trong ngày 19/5/2024, ông Trương Huy San giới thiệu suy nghĩ của ông. Theo đó, ông đã đọc rất kỹ cả tường thuật về cuộc họp báo mà ông Bùi Văn Cường chủ trì lẫn hiến pháp, đồng thời đã tìm hiểu các tiền lệ nhưng "vẫn không hiểu được cách giải thích của ông Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường". Bởi ông Cường đề cập đến tiền lệ (ông Trần Hồng Hà, vừa là Phó Thủ tướng, vừa kiêm Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường cho đến khi có người thay ông Hà làm Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường) nên ông Trương Huy San nói thêm :"Không rõ cách ông Bùi Văn Cường trả lời báo chí trên đây là ý kiến cá nhân ông hay ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có nên coi đây là cách mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp và lúc này thì những công dân sợ hãi như chúng ta phải hiểu Hiến pháp theo cách đó không ?Nếu vậy thì điều này chắc chắn tạo ra một tiền lệ tương tự như khủng hoảng Hiến pháp" Đồng thời ông Trương Huy San lưu ý : "Hiến pháp không cấm Chủ tịch nước kiêm bộ trưởng, cũng như Hiến pháp không cấm Thủ tướng làm chánh án. Nhưng quyền lực nhà nước là chỉ đ ược làm những gì pháp luật cho phép chứ không phải làm những gì pháp luật không cấm" [5].
Tuy trang Facebook của ông Trương Huy San đã bị đóng nhưng có thể tìm đọc status vừa trích dẫn trên trang Tiếng Dân[6]. Nếu chịu khó theo dõi mạng xã hội hẳn sẽ thấy, sau 19/5/2024, rất nhiều người sử dụng mạng xã hội đã nêu chính kiến về việc ông Tô Lâm không thể vừa là Chủ tịch nước, vừa là Bộ trưởng Công an. Việc ông Tô Lâm bị miễn nhiệm Bộ trưởng Công an không phải do dư luận nhưng chắc chắn dư luận là một phần trong việc Thủ tướng đột nhiên đề nghị miễn nhiệm ông Tô Lâm và Quốc hội điều chỉnh nghị trình !
Điều tương tự cũng đã xảy ra với trang Facebook của ông Trần Đình Triển nhưng theo lưu trữ của người viết bài này thì ngày 14/5/2024, ông Trần Đình Triển từng viết "Phải chăng các vua Hùng đã lựa chọn".
Trong status, ông Triển đề cập đến chuyện Bộ Chính trị có họp không chính thức về việc sắp đặt nhân sự giữ các trọng trách của đảng và nhà nước vào ngày 11/5/2024 hay không và tại sao "những nội dung quan trọng về nhân sự lại bị rò rỉ". Tuy nhấn mạnh "không quan tâm đến chính trị, ai được Đảng, Nhà nước và nhân dân để bạt làm lãnh đạo thì tôi đều trân trọng và quý mến" nhưng ông Trần Đình Triển cho rằng : "Những vị trí nhân sự lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước trước khi bổ nhiệm, không nên đưa vào danh mục ‘Bí mật nhà nước’. Căn cứ Luật Trưng cầu dân ý, Luật Tiếp cận thông tin ; ‘Đảng ta là lực lượng duy nhất lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện hệ thống chính trị’ ; ‘Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân’… thì những người đứng đầu các tổ chức Đảng và Nhà nước cần công khai lấy ý kiến rộng rãi của Đảng viên và công dân trước khi bầu cử tại tổ chức có thẩm quyền. Nếu làm được vậy, có thể không xảy ra nhiều vị lãnh đạo bị kỷ luật như thời gian qua ; vì quần chúng là tai mắt nhìn nhận, phản ánh mọi hoạt động của xã hội".
Trong status vừa dẫn, ông Triển còn giới thiệu tấm ảnh dâng hương tại Đền Hùng và viết thêm : "Giả sử thông tin cuộc họp Bộ Chính trị ngày 11/5/2024 bị tiết lộ là chính xác, nếu mọi người tinh ý đã phỏng đoán được từ 29/4/2024 (tức 10/3 âm lịch, ngày giỗ tổ Hùng Vương)". Trong tấm ảnh ấy, từ trái qua phải là Đại tướng Lương Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhân vật chủ lễ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm[7].
*************************
Hình bìa tác phẩm Bên Thắng Cuộc của nhà báo Huy Đức.
Sau khi Thủ tướng đương nhiệm đột nhiên đề nghị Quốc hội miễn nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm và Quốc hội nhất trí sửa đổi nghị trình để thực hiện đề nghị này, ngày 22/5/2024, ông Tô Lâm được bầu và trở thành Chủ tịch Nhà nước (Chủ tịch nước thứ 13 của Cộng hòa Ban chấp hành trung ương Việt Nam.
Thiên hạ tin rằng, những diễn biến bất thường ấy cho thấy, cuộc chiến giành quyền lực ở thượng tầng đã đến giai đoạn khốc liệt. Dẫu khả năng ông Tô Lâm trở thành người kế nhiệm ông Trọng lớn hơn trước nhưng không có gì bảo đảm điều đó sẽ thành sự thật vì dư luận không ủng hộ ông, còn đồng chí thì thuộc phạm trù khó lường.
Trong bối cảnh đó, ngày 28/5/2024, ông Trương Huy San viết "Những suy nghĩ không rời rạc". Theo lời Trương Huy San : "Một vị tướng lão thành từng giữ một vị trí đầy quyền lực trong ngành công an vừa điện thoạitâm sự với tôi rằng : Nếu như tinh thần xây dựng một nhà nước pháp quyền từng thắng thế trong thập niên 2000s thì nay, tinh thần đó đã bị bóp chết. Trước Hiến pháp 1992, nhà nước của chúng ta là nhà nước chuyên chính vô sản. ‘Pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị hay lực lượng cầm quyền’. Cho dù không tuyên bố thì sau Hiến pháp 1992, từ hình luật, dân luật cho đến các luật chuyên ngành khác đều được Việt Nam xây dựng trên tinh thần hướng tới nhà nước pháp quyền. Đặc biệt, Quốc hội đã phải sửa hàng trăm điều luật cho tương thích dần với các quốc gia mà ta làm ăn với họ(BTA với Mỹ, WTO, TTP…).Những nỗ lực này kết thúc từ 2006 và những gì ta đang chứng kiến cho thấy, hồn ma ‘pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền’ đang dần hiện về".
"Những suy nghĩ không rời rạc" không chỉ có thế. Đó là tâp hợp một số suy nghĩ của Trương Huy San từ giữa thập niên 2010. Lúc ấy, ông Trương Huy San từng nhận xét "việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị" và "không chóng thì chày sẽ có Ba X tân thời thay cho Ba X cũ". Nay, trước thực tại như ai cũng thấy, Trương Huy San nói thêm : "Những người biết chuyện cung đình đánh giá cao sự giữ gìn của ông Nguyễn Phú Trọng và vợ con ông(ít nhất là cho đến nay). Nhưng, quản trị quốc gia(trong đó có chống tham nhũng) phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào ‘tấm gương đạo đức’ của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa.Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa".
Ngoài khái quát về "tinh thần pháp quyền đã chết" và "đức trị hay pháp trị", trong "Những suy nghĩ không rời rạc", Trương Huy San lập lại cảnh báo "Đường xa phải nghĩ nỗi sau này". Cụ thể : "Đừng sợ mất vai trò của Đảng. Một đảng tốt là một đảng đảm bảo có một hệ thống tư pháp có thể cung cấp công lý chứ không phải là một đảng khi muốn thì thọc tay vào vụ án. Các tướng lĩnh cũng không nên cố công bảo vệ đặc quyền cho công an. Quan nhất thời. Hãy nhìn gương tướng Quắc, tướng Trần Văn Thanh. Rất có thể có ngày quý vị trở thành nạn nhân của hệ thống tư pháp mà quý vị đang thiết kế.Tất nhiên, cũng như nhiều trường hợp khác, ý kiến của thường dân như chúng ta, thường rơi vào hư không". Nhân hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ, Trương Huy San nhắn thêm : "Khi nhiều quyền lực nhất hay nhiều tiền bạc nhất mà chỉ cậy quyền, cậy tiền thì cũng coi như đang làm những việc thất đức, tổn phúc là điều không tránh khỏi" [8], [9].
Cũng trong ngày 28/5/2024, ông Trần Đình Triển viết "Quan tham là lũ lưu manh côn đồ trong đảng". Trong status này, sau khi nêu câu hỏi : "Tham nhũng là ai ?", ông Triển tự trả lời : "Là kẻ có chức có quyền, là đảng viên, là cán bộ công chức.Là những kẻ có quyền uy mà nhà nước trao cho ; kiến thức chuyên môn thì dốt nát - nhưng thủ đoạn chính trị thì thâm sâu ; bẻm mép và dối trá ; hủ hóa và đĩ bợm ; lươn lẹo và mưu mô ; hở ra là đớp không từ một thứ gì của nhà nước và của dân. Mua quan bán chức, bè phái, cha truyền con nối hình thành một đội ngũ có tính giai cấp lưu manh và thượng lưu mới tàn bạo, độc ác, bất nhân bất nghĩa nhất chưa từng có trong các hình thái xã hội của lịch sử loài người.Mang danh Đảng chống lại Đảng ; mang danh nhà nước chống lại nhà nước, mang danh vì dân nhưng bóc lột và chống lại nhân dân Mang danh đầy tớ của dân, nhưng xử sự với dân không khác gì côn đồ ; ăn trên ngồi trốc, hống hách và trịch thượng. Mỗi tên quan tham là một tên lưu manh côn đồ giả danh lương thiện !" [10].
***
Đã có không ít đồn đoán về chuyện ông Tô Lâm củng cố quyền lực tại Bộ Công an, sử dụng bộ này như công cụ hỗ trợ ông loại bỏ các đối thủ chính trị thông qua "chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Sau khi phải rời khỏi Bộ Công an, ông Tô Lâm vẫn tìm mọi cách để có thể tiếp tục chi phối Bộ Công an[11] nhằm "tạo ra sức ép", qua đó có đủ sự ủng hộ và trở thành người kế nhiệm ông Trọng. Tuy nhiên thiên hạ chỉ có thể tìm thấy hình ảnh và thông tin về "Hội nghị Cán bộ chủ chốt lấy ý kiến giới thiệu nhân sự kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Công an nhiệm kỳ 2021-2026" diễn ra vào ngày 28/5/2024 trên mạng xã hội[12]. Theo "tin đồn", thay vì để Bộ Chính trị lựa chọn và phân công, Ủy viên Bộ Chính trị nào sẽ là Bộ trưởng Công an thì Bộ Công an tổ chức hội nghị để Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố bỏ phiếu đề cử và nhân vật vừa được đề cử (Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Công an) sẽ chiếm một trong những ghế còn trống ở Bộ Chính trị.
Tin mới nhất và cũng là tin chính thức – ông Nguyễn Duy Ngọc, Thượng tướng, Thứ trưởng khác của Bộ Công an, đồng thời còn là một đồng hương khác của ông Tô Lâm (Hưng Yên) vừa được đề cử làm Chánh Văn phòng Ban chấp hành trung ương đảng – tin này hợp thức hóa một phần các tin đồn[13].
Dường như việc chia sẻ bất kỳ nhận xét, đề nghị nào dẫu thành tâm, thiện ý và về lý, chẳng có gì sai song có thể tác động đến nhận thức của cả đồng chí lẫn đồng bào, gây nguy hại cho "sự nghiệp chính trị" của ông Tô Lâm đều có thể dẫn tới "mất tích" dù "khi quân" không có trong luật hình sự Việt Nam !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 04/06/2024
Chú thích
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-hinh-su-2015-296884.aspx
[5] https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=7411870405514743&id=10000075570124
[6] https://baotiengdan.com/2024/05/19/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-dang-giai-thich-hien-phap/
[9] https://baotiengdan.com/2024/05/28/nhung-suy-nghi-khong-roi-rac/