Ông Diến : "Nếu chỉ kỷ luật cán bộ mà không xử lý số tài sản bà Thoa có được từ hành vi bất minh, thì Đại biểu quốc hội, cử tri và nhân dân sẽ không đồng tình".
Đề nghị làm rõ "dấu hiệu vụ lợi" của bà Thoa
Văn phòng trung ương Đảng công bố quyết định của Ban Bí thư về việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự Đảng bộ công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, và đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ công thương đối với cán bộ này.
Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là việc, phần tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa có được từ những hành vi bất minh có bị thu hồi hay không ?
Câu chuyện nói trên cũng đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực của những người có chức vụ, để tránh hiện tượng mưu lợi cá nhân, lợi ích nhóm.
Về việc này, hôm 9/8, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Sỹ Diến, Phó đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc để làm rõ số tài sản của bà Thoa có được từ hành vi bất minh, đồng thời đưa ra phương án xử lý số tài sản đó.
"Theo luật phòng chống tham nhũng, nếu tài sản có dấu hiệu bất minh thì cơ quan chức năng phải yêu cầu cán bộ giải trình về nguồn gốc tài sản đó.
Trong trường hợp này, cơ quan điều tra cần vào cuộc làm rõ số tài sản của bà Thoa có được do hành vi bất minh, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ.
Việc này rất quan trọng bởi, nếu phần tài sản bà Thoa có được là hợp pháp thì cán bộ này có quyền sở hữu nó.
Còn tài sản bất hợp pháp được hình thành trong quá trình điều hành quản lý, thực hiện chức trách được giao, nhưng có vi phạm, thì phải xem xét thu hồi.
Trong vụ việc này, cơ quan có thẩm quyền cần chủ động vào cuộc, làm rõ chứ không phải chờ tính tự giác của bà Hồ Thị Kim Thoa", ông Diến đề nghị.
Đại biểu quốc hội Mai Sỹ Diến, Phó trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Thanh Hóa (ảnh : Trung tâm thông tin Quốc hội).
Phó đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định, căn cứ theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, bà Thoa trong quá trình thực thi nhiệm vụ có có dấu hiệu rõ nét của việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi.
"Hành vi vi phạm của bà Thoa đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận rõ. Bản thân bà Thoa không có khiếu nại về kết luận trên, chứng tỏ cán bộ này đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình.
Những vi phạm đó thể hiện rõ nét việc cán bộ này có dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi.
Vấn đề đặt ra là, nếu chỉ kỷ luật cán bộ và cho thôi chức vụ của bà Thoa mà không xử lý số tài sản cán bộ này có được từ hành vi bất minh thì Đại biểu quốc hội, cử tri và nhân dân sẽ không đồng tình.
Xử lý kỷ luật cán bộ, nhưng vẫn để bà Thoa sở hữu khối tài sản được hình thành từ hành vi bất minh trong quá trình điều hành, hoạt động, thì chưa đạt được mục đích cuối cùng của việc chống tham nhũng", Đại biểu Mai Sỹ Diến nhận định.
Văn phòng trung ương Đảng vừa có công văn công bố quyết định của Ban bí thư về việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự Đảng bộ công thương của bà Kim Thoa. ảnh : Tuổi trẻ.
Vị Đại biểu quốc hội này cũng cho rằng, còn quá sớm để khẳng định rằng có "nhóm lợi ích" đằng sau những vi phạm của bà Thoa.
"Cần phải điều tra, xác minh, làm rõ những người có liên quan (nếu có) tới những vi phạm của bà Thoa cho dù họ là cấp dưới hay cấp trên của bà Thoa.
Khi đó mới có thể kết luận được rằng, có lợi ích nhóm trong vụ việc này hay không", ông Diến thận trọng.
Một khía cạnh khác cũng được dư luận hết sức quan tâm, đó là việc một số cán bộ có chức vụ, khi bị phát hiện vi phạm thường đưa ra lý (do xin đi chữa bệnh, hoặc nghỉ việc) để vắng mặt. Điều này ít nhiều khó khăn cho hoạt động điều tra.
Liệu những người đó có đang trốn tránh trách nhiệm trước những vi phạm có liên quan ?
Về việc này, ông Mai Sỹ Diến cho rằng : "Có một số trường hợp lợi dụng vào chuyện ốm đau, để trốn tránh, hoặc cố tình trì hoãn việc điều tra, thanh tra những vấn đề có dấu hiệu vi phạm, rồi tìm cách này hoặc cách khác tẩu tán tài sản vi phạm, hoàn thiện hồ sơ…
Đối với những trường hợp này, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại cơ sở phải xác minh, làm rõ bản chất sự việc, xử lý đúng người, đúng việc, chứ không thể lẫn lộn, để đối tượng vi phạm có cơ hội bỏ trốn.
Trường hợp người ta có bệnh thật thì khi chữa bệnh xong vẫn phải đưa về điều tra, trừ trường hợp người đó mất", ông Diến cho biết.
Kiểm soát và giám sát quyền lực
Từ những phân tích trên, Đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng, những vi phạm của bà Thoa nêu rõ tại kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương đặt ra vấn đề kiểm soát và giám sát quyền lực đối với cán bộ có chức quyền, nhằm chấm dứt hiện tượng tha hóa quyền lực.
"Vấn đề kiểm soát quyền lực theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và điều hành đã thể hiện rõ việc này.
Đảng thực hiện kiểm soát quyền lực thông qua các các
cơ quan lãnh đạo, cơ quan chức năng của Đảng (Ủy ban Kiểm tra và các ban đảng các cấp) để thực hiện việc kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan của bộ máy nhà nước....
Chức năng thanh tra, kiểm tra chính là cách Đảng kiểm soát quyền lực.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, điều hành, có tình trạng buông lỏng quản lý cán bộ ở một số đơn vị, dẫn đến việc cán bộ lạm dụng quyền lực, mưu lợi cá nhân. Hâu quả của nó để lại cho nền kinh tế là vô cùng to lớn.
Bài học từ các dự án nghìn tỷ đắp chiếu là những ví dụ điển hình. Khi người ta thuyết trình dự án thì nghe hiệu quả rất ghê gớm, nhưng khi đi vào vận hành thì thua lỗ hoặc đắp chiếu.
Câu chuyện trên cũng đặt ra vấn đề, các tổ chức giám sát đã làm tròn trách nhiệm tới nơi tới chốn hay chưa ? Tổ chức đó có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ hay không ?", ông Diến đặt câu hỏi.
Vị Phó đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc Đảng ban hành nhiều quy định siết chặt công tác cán bộ trong thời gian gần đây, đồng thời xử lý nghiêm minh cán bộ vi phạm, chính là cách kiểm soát quyền lực hiệu quả nhất.
"Dù muộn còn hơn không. Đến thời điểm này hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày càng rõ rệt. Niềm tin của dân với Đảng càng được củng cố.
Nhiều cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao có vi phạm bị xử lý nghiêm khắc cũng là lời cảnh báo, răn đe nghiêm khắc cho những người có ý định làm việc xấu phải chùn tay", Đại biểu Mai Sỹ Diến cho hay.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 15, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã chỉ ra một loạt những vi phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Bộ công thương Hồ Thị Kim Thoa trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004 - 5/2010).
Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng xác định, bà Thoa mua cổ phần vượt mức quy định ; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của điều lệ công ty.
Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Xuân Quang
Nguồn : GDVN, 10/08/2017