Việt Nam - Nga cần gì ở nhau trong chuyến thăm sắp tới của Putin ?
Carl Thayer, Nguyễn Thế Phương, RFA, 13/06/2024
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Việt Nam dự kiến diễn ra trong hai ngày 19 và 20/6 ngay sau chuyến thăm Triều Tiên.
AFP
Chương trình nghị sự chính
Reuters, hôm 10/6, dẫn lời một quan chức Việt Nam nói như vậy và cho biết thêm rằng chương trình nghị sự vẫn đang được bàn bạc.
Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam nhận định, về phía Nga, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin gồm có các mục tiêu chính :
"Đầu tiên, Nga muốn chứng minh cho liên minh phương Tây phản đối sự can thiệp của nước này vào Ukraine rằng Nga không bị cô lập.
Thứ hai, Nga và Việt Nam sẽ tìm cách củng cố quan hệ kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.
Thứ ba, Nga sẽ thúc đẩy Việt Nam cam kết mua sắm vũ khí.
Thứ tư, Việt Nam và Nga sẽ tìm cách tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Việt Nam đang tìm kiếm sự đảm bảo rằng quan hệ Nga - Trung sẽ không gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam".
Theo The Diplomat, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga đã được thảo luận vào cuối tháng ba. Trong một cuộc điện đàm của ông Nguyễn Phú Trọng với ông Putin, "Tổng Bí thư Trọng đã gởi lời mời Tổng thống Putin đến thăm Việt Nam trong thời gian tới và Tổng thống Putin đã vui vẻ nhận lời".
Ông Putin đã có bốn chuyến thăm Việt Nam kể từ khi ông nắm quyền. Lần gần đây nhất là dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng năm 2017.
Tập trung tăng cường hợp tác kinh tế
Tờ Vedomosti của Nga dẫn lời đại diện thương mại của nước này tại Việt Nam cho biết vào tháng trước rằng vấn đề thương mại cấp bách nhất giữa hai nước là hỗ trợ ngân hàng để giải quyết các khoản thanh toán.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Phương, chuyên gia an ninh quốc phòng, nhận định về kinh tế, Nga mong muốn được đa dạng hoá đối tác của họ với hi vọng thoát khỏi cấm vận và sức ép kinh tế từ phương Tây nên sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương, kinh tế và thương mại với Việt Nam. Trước hết là tăng cường hơn nữa hiệu lực của Hiệp ước Thương mại Tự do Liên minh kinh tế Á Âu :
"Thứ hai là thảo luận về các cơ chế tài chính làm sao cho các công ty của cả hai bên được thanh toán với nhau dễ dàng hơn. Rõ ràng là Nga bị cấm vận thì vấn đề thanh toán đang rất là khó.
Ngoài ra còn những thỏa thuận về khoa học công nghệ khác, ví dụ như về hạt nhân, hàng không vũ trụ chẳng hạn. Vậy thì Việt Nam sẽ tập trung nói nhiều về vấn đề phi an ninh và quốc phòng nhiều hơn".
Việt Nam vẫn cần vũ khí của Nga
Theo Bloomberg, Việt Nam và Nga có mối quan hệ từ nhiều thập kỷ trước Liên Xô. Moscow là nhà cung cấp viện trợ quân sự chính cho Việt Nam trong cuộc chiến với Mỹ. Quốc gia Đông Nam Á này kể từ đó đã phụ thuộc vào Nga về vũ khí quân sự, bao gồm máy bay và tàu ngầm Kilo chạy bằng diesel.
Moscow hiện cũng là bên đối tác chính trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam. Vietsovpetro, liên doanh giữa Việt Nam và Nga, điều hành một trong những mỏ dầu lớn nhất Đông Nam Á tại Bạch Hổ, đã hoạt động được khoảng bốn thập kỷ qua.
Ông Phương nói, lần này, hai nước sẽ thúc đẩy mạnh hơn về hợp tác năng lượng và an ninh quốc phòng :
"Hai mảng này có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Vai trò và sự hiện diện của các công ty dầu khí Nga và các lô dầu khí ở Biển Đông giúp cho Việt Nam có một cái thế cân bằng so với Trung Quốc".
Theo ông Thế Phương, dù Việt Nam muốn giảm sự phụ thuộc vũ khí vào Nga, nhưng Việt Nam vẫn đang dựa vào vũ khí của Nga, đặc biệt là các loại vũ khí lớn :
"Việt Nam muốn giảm phụ thuộc vấn đề vũ khí vào Nga không thể một sớm một chiều là thực hiện được.
Nói về hợp tác an ninh quốc phòng thì thực ra không chỉ có buôn bán vũ khí, mà còn có những thứ khác nữa, như là tình báo, chia sẻ kinh nghiệm chiến trường hoặc là buôn bán những cái không phải là vũ khí lớn…
Và cái nữa là một số vũ khí của Việt Nam rất khó tìm được nguồn thay thế nên Việt Nam vẫn phải dựa vào Nga trong một số mặt hàng vũ khí cụ thể.
Đó là lý tại sao an ninh quốc phòng vẫn là một trong những lĩnh vực mà hai bên tiếp tục đào sâu hơn".
Tuy nhiên, ông Phương cũng lưu ý thêm rằng nếu Việt Nam có mua thêm vũ khí từ Nga thì cả hai bên cũng phải tập trung thảo luận tạo ra cơ chế để Việt Nam có thể chuyển tiền cho Nga. Bởi vì bây giờ việc chuyển tiền bằng đồng đô-la Mỹ thì khó đối với Nga do liên quan tới cấm vận.
Tiềm năng phát triển mối quan hệ
Theo giáo sư Carl Thayer, do lo ngại lệnh trừng phạt của phương Tây dành cho Nga, kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Việt Nam đã hạn chế mua vũ khí từ Nga vì lo ngại các lệnh trừng phạt của phương Tây :
"Việt Nam cũng đã tuyên bố chuyển chính sách, từ bỏ phiếu trắng trong ba phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và bỏ phiếu phản đối nghị quyết đình chỉ Nga khỏi Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, sang lập trường trung dung, khiêm tốn.
Việt Nam tán thành các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi "các bên liên quan… kiềm chế, ngừng chiến đấu, nối lại đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế".
Thạc sĩ Thế Phương cũng cho rằng Việt Nam hiện nay đang rất cân nhắc đặt mối quan hệ giữa mình với Nga như thế nào để nó không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam với một số nước phương Tây. Dù vậy, xu hướng tương lai của mối quan hệ song phương giữa Việt Nam với Nga vẫn là thân thiết :
"Việt Nam cũng khá cần Nga trong việc cân bằng mối quan hệ Việt Nam với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
Bởi vì cả Trung Quốc và Mỹ thì Việt Nam đều có vấn đề nhưng mà với Nga thì không có vấn đề gì. Không có tranh chấp lãnh thổ cũng không có sức ép về dân chủ, nhân quyền.
Việt Nam và Nga đã có mối quan hệ bạn bè truyền thống từ xưa đến giờ, cho nên Nga là một đối tác, dưới con mắt của các nhà lãnh đạo Việt Nam, là đóng vai trò then chốt để Việt Nam có thể cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc".
Hồi tháng 3/2023, Tổng thống Nga Putin đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh truy bắt vì liên quan đến tội ác chiến tranh ở Ukraine. Theo giáo sư Carl Thayer, do Việt Nam không phải là quốc gia thành viên Công ước Rome về thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế ; do đó, Việt Nam không có nghĩa vụ bắt giữ ông Putin.
Nguồn : RFA, 13/6/2024
***************************
Vì sao Putin đến Hà Nội sẽ giải tỏa nghi vấn về quyền lực và sức khỏe của Tổng Trọng ?
Trà My, Thoibao.de, 12/06/2024
Trung tuần tháng 5/2024, truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ sớm tới thăm Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau đó, các hãng tin quốc tế đưa tin, chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Nga có thể sẽ không thành hiện thực, với lý do, Việt Nam chuẩn bị bầu tân Chủ tịch nước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Việt Nam và Bắc Hàn sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 20/6/2024
Mới nhất, ngày 10/6, báo Vedomosti của Nga đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới thăm Việt Nam và Bắc Hàn vào tuần tới đây. Trong khi, một hãng tin quốc tế đưa tin, với một sự dè dặt hơn, khi cho biết, "một nguồn tin cho hay, chuyến thăm Việt Nam của ông Putin, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 20/6, nhưng vẫn chưa ấn định cụ thể".
Từ trước chuyến thăm Bắc Kinh của ông Putin, trong các ngày 16 và 17/5, đã có các thông tin về khả năng ông sẽ thăm Việt Nam sau đó. Thậm chí, Hà Nội từng hoãn cuộc họp với quan chức hàng đầu Liên Hiệp Châu Âu (EU), vốn đã được lên lịch vào 2 ngày, 13 và 14/5, để chuẩn bị cho khả năng ông Putin thăm Việt Nam.
Thực tế, chuyến thăm dự kiến của ông Putin vào trung tuần tháng 5/2024 đã không thành hiện thực, bởi tình hình bất ổn chính trị ở thượng tầng lãnh đạo Việt Nam. Khi đó, Việt Nam vẫn chưa có Chủ tịch nước và Chủ tịch quốc hội, đồng thời đang trải qua một thời kỳ xáo trộn chưa từng thấy, đối với giới chức lãnh đạo cấp cao.
Đến nay, chính trị Việt Nam đã dần dần ổn định, và bộ máy "tứ trụ" đã bầu bán xong. Một hãng tin quốc tế dẫn lời một quan chức Việt Nam, nói rằng, tuy ngày thăm đã được thống nhất, chương trình nghị sự vẫn đang được thảo luận. Các vấn đề liên quan tới năng lượng, hợp tác quân sự, giải quyết vấn đề thanh toán, và một thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục, dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự, trong chuyến thăm này của ông Putin.
Đáng chú ý, BBC ngày 15/5, tiết lộ, theo Tiến sĩ Ian Storey – chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính trị Đông Nam Á (ISEAS), có trụ sở tại Singapore, đã nhận định rằng "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang không có sức khỏe tốt, và có lẽ, không thể gặp ông Putin".
Tại Hội nghị Trung ương 9 khóa 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, diễn ra từ ngày 16 đến 18/5, người ta vẫn thấy ông Trọng xuất hiện để điều hành Hội nghị quan trọng này. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Tổng Trọng lại tiếp tục biến mất một cách bí ẩn, giữa lúc có những đồn đoán cho rằng, ông Trọng đang ở một tình trạng sức khỏe rất xấu.
Vào trung tuần tháng 9/2023, trong chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Hà Nội, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất "Đối tác chiến lược toàn diện". Vào thời điểm đó, ông Trọng nổi lên như một lãnh đạo kiểm soát toàn bộ vấn đề đối nội và đối ngoại của nhà nước Việt Nam.
Vẫn theo giới quan sát, Tổng Trọng là người lên kế hoạch, chủ trì lễ đón chính thức, cũng như hội đàm và thảo luận trực tiếp với Tổng thống Mỹ, tại trụ sở Văn phòng trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Khi đó, bộ 3 trong "Tứ trụ", là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, và Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, cũng chỉ là những cái bóng mờ nhạt sau lưng ông Trọng.
Đó là lý do vì sao, giới quan sát trong nước cũng như quốc tế, đã và đang tỏ ra hồi hộp, trông chờ sự xuất hiện của Tổng Trọng – người nắm giữ quyền lực cao nhất (trên danh nghĩa), của Việt Nam. Liệu ông Trọng có tham gia đón tiếp Tổng thống Nga Putin hay không ?
Sự kiện này hết sức quan trọng, để có thể khẳng định chính thức, về vai trò quyền lực cũng như sức khỏe của ông Trọng hiện nay, là như thế nào ?
Hơn nữa, ông Trọng được cho là tác giả của cái gọi là chính sách ngoại giao "cây tre" của nhà nước Việt Nam, thì đây cũng là một phép thử, đối với Chủ tịch nước Tô Lâm.
Sau khi ông Tô Lâm nhậm chức Chủ tịch nước vào ngày 22/5, ông Putin là một trong những vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên, gửi điện và thư chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm. Và trong những ngày tiếp theo, cũng chỉ có một vài quốc gia độc tài chúc mừng ông, như Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Lào, Campuchia…
Trong khi đó, Việt Nam cũng nằm trong số ít quốc gia, bao gồm Bắc Hàn, Trung Quốc… có lãnh đạo nhiệt liệt chúc mừng ông Putin tái đắc cử nhiệm kỳ 5 Tổng thống Nga, trong cuộc bầu cử bị phương Tây chỉ trích là giả hiệu.
Ông Putin đã bị Tòa án hình sự quốc tế ICC phát lệnh truy nã, vào tháng 3/2023, vì liên quan đến các tội ác chiến tranh ở Ukraine. Việt Nam hiện không phải là thành viên của Tòa Hình sự quốc tế này, nên Tổng thống Nga Putin sẽ không bị bắt tại Việt Nam, theo lệnh truy nã của ICC.
Trà My
**************************
Tổng thống Putin sẽ thăm Việt Nam trong tuần tới
VOA, 12/06/2024
Tổng thống Vladimir Putin sẽ tới Việt Nam trong tuần tới, theo các nguồn tin và truyền thông Nga, giữa lúc Kremlin bị cô lập và người đứng đầu nước Nga đang chịu lệnh bắt giữ của tòa quốc tế vì cuộc chiến ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một lần gặp gỡ Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa
Thông tin về chuyến thăm của ông Putin được đưa ra không lâu sau khi Việt Nam kiện toàn được ‘bộ tứ’ lãnh đạo hàng đầu sau một thời gian khủng hoảng các vị trí chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội.
Một nguồn tin nói với VOA rằng chuyến thăm của ông Putin đã được Hà Nội ấn định cho ngày 19 và 20 tháng này. Reuters cũng trích dẫn một quan chức dấu tên cho biết chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu nước Nga được dự kiến vào thời gian như trên nhưng chưa được khẳng định. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản dẫn các nguồn ngoại giao giấu tên, trong đó có các quan chức cấp cao của Nga, nói rằng ông Putin đang chuẩn bị thăm Triều Tiên và Việt Nam vào tuần tới.
Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora được truyền thông Nga, gồmVedomosti và Moscow Times, trích lời nói hôm 10/6 rằng ông đang "tích cực" chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Putin tới Bình Nhưỡng trong khi một quan chức ngoại giao dấu tên được trích dẫn cho biết ông Putin sẽ đi thăm Việt Nam sau đó.
Trả lời phóng viên hôm 10/6 về chuyến thăm của ông Putin tới Triều Tiên và Việt Nam, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết "khi thời điểm đến, chúng tôi sẽ đưa ra thông báo thích hợp", theo Moscow Times. Trước đó hôm 30/5, ông Peskov nói với Sputnik rằng chuyến thăm của ông Putin tới Việt Namđang được chuẩn bị và ngày giờ cụ thể sẽ được thông báo vào thời điểm thích hợp.
Đại sứ quán Nga ở Hà Nội không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về thông tin chuyến thăm của ông Putin tới Việt Nam. VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Người phát ngôn Phạm Thu Hằng tháng trước nói rằng hai bên vẫn đang chuẩn bị cho chuyến thăm này và sẽ thông tin chi tiết khi phù hợp.
Nga đang chịu hàng nghìn chế tài từ Mỹ và các nước phương Tây do cuộc xâm lược của họ ở Ukraine trong khi Tổng thống Putin bị Tòa án hình sự quốc tế phát lệnh bắt giữ vào tháng 3 năm ngoái vì cáo buộc chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh trục xuất bất hợp pháp trẻ em khỏi Ukraine.
Việt Nam, giống như Trung Quốc và Triều Tiên, đã không bỏ phiếu chống lại Nga trong các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và vẫn tiếp tục quan hệ hợp tác với Nga trên nhiều mặt dù Kremlin bị cô lập khỏi thế giới phương Tây.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã mời ông Putin đến thăm trong một cuộc điện đàm diễn ra hôm 26/3 ngay sau khi ông Putin tái đắc cử tổng thống Nga và theo truyền thông trong nước, ông Putin đã nhận lời.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 23/5 nói rằng Kremlinđề cao "quan điểm hợp lý" của Hà Nội về cuộc khủng hoảng Ukraine và rằng các lãnh đạo Việt Nam "vẫn tuân thủ các tiếp cận cân bằng và có trách nhiệm". Việt Nam khẳng định rằng họ "không chọn bên mà chọn chính nghĩa" khi bị chỉ trích từ truyền thông quốc tế vì quan điểm "tránh đối đầu" với Nga.
"Việt Nam khẳng định không đứng về bên nào trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhưng việc trốn tránh Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine ở Thụy Sỹ, trong khi tiếp đón ông Putin đến thăm cùng thời điểm gửi đi một thông điệp khá mâu thuẫn", nhà nghiên cứu Huong Le Thu, phó giám đốc về Châu Á của Crisis Group, nói trong mộtđăng tải trên X hôm 11/6, ngụ ý tới việc Việt Nam chưa có tuyên bố gì về việc có cùng 90 nước tham gia Thượng đỉnh Hòa bình Ukraine sẽ được tổ chức ở Burgenstock từ 15-16 tháng này hay không.
Ông Putin được cho là đã dự kiến tới thăm Việt Nam trên đường trở về từ chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 16-17 tháng 5. Reuters lúc đó cho biết rằng Việt Nam đã trì hoãn cuộc họp với quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu về các biện pháp trừng phạt Nga trước chuyến thăm có thể diễn ra của ông Putin tới Hà Nội. Nhưng đài DW của Đức sau đó tiết lộ chuyến thăm của ông Putin dự kiến vào thời gian đó có thể không thành hiện thực trong lúc Đảng cộng sản Việt Nam rơi vào hỗn loạn do đấu đá nội bộ và chưa bầu được chủ tịch nước mới. Vị trí chủ tịch Quốc hội của Việt Nam lúc đó cũng đang bị bỏ trống.
Ông Putin đã có 4 chuyến thăm tới Việt Nam trong thời gian nắm quyền, bao gồm chuyến thăm gần đây nhất vào năm 2017 khi nhà lãnh đạo Nga tới Đà Nẵng tham dự Diễn đàn APEC.
Việt Nam và Nga dự kiến sẽ bàn thảo để thống nhất các phương hướng hợp tác chiến lược, nhất là về thương mại và thanh toán trong chuyến thăm của ông Putin vào tuần tới, theo nguồn tin của VOA. Nguồn tin không muốn nêu danh tính nói rằng hai bên sẽ ký kết hàng chục văn kiện, trong đó có việc giữ liên doanh dầu khí, và thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân.
Một quan chức được Reuters trích dẫn nói rằng nghị trình vẫn còn được bàn thảo nhưng các vấn đề chính dự kiến sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của ông Putin bao gồm năng lượng, hợp tác quân sự, giải quyết các khoản thanh toán và thỏa thuận trong lĩnh vực giáo dục.
Theo nguồn tin của VOA, Việt Nam muốn tranh thủ sự ủng hộ của ông Putin về các vấn đề Biển Đông, Mekong và người Việt ở Nga.
Ông Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, nói với VOA hồi tháng trước rằng ông Putin sẽ sử dụng chuyến thăm Việt Nam "để đánh tính hiệu tới thế giới rằng chính sách ‘Hướng Đông’ của chính phủ ông vẫn đi đúng hướng và phương Tây đã thất bại trong việc cô lập Nga".
Nguồn : VOA, 12/2024