Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/06/2024

Shangri-La 2024 : Diễn đàn xung đột chiến lược quốc phòng Mỹ - Trung

Nguyễn Giang, Minh Anh

Từ ngày 31/5 đến ngày 02/06/2024, hội nghị Đối thoại An ninh – Quốc phòng Shangri – La đã diễn ra tại Singapore. Căng thẳng chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại vùng châu Á – Thái Bình Dương vẫn là tâm điểm hội nghị xung quanh các vấn đề chính là Đài Loan và Biển Đông.

shangrila1

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin và đồng nhiệm Trung Quốc Đổng Quân trong cuộc gặp bên lề Diễn đàn An ninh Shangri-La, tổ chức tại Singapore, ngày 31/05/2024 via Reuters - U.S. Department of Defense

Tại hội nghị cấp cao Đối thoại Shangri-La, diễn ra ở Singapore, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bảo vệ các tầm nhìn đối lập nhau về tương lai an ninh châu Á, bất chấp cuộc gặp trao đổi giữa hai lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ - Trung để cải thiện quan hệ.

Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ tìm cách thiết lập một "phiên bản NATO tại vùng châu Á – Thái Bình Dương", gây căng thẳng và can thiệp vào chuyện nội bộ khu vực. Trong khi đó, Hoa Kỳ tìm cách thúc đẩy các mối quan hệ đối tác trong vùng theo cách mà giới phân tích đánh giá là lời cảnh báo chống lại hành động gây hấn quân sự của Trung Quốc.

Khác biệt về tầm nhìn rất hiển nhiên giữa hai nước, nhất là trong ngôn từ mô tả khu vực : Hoa Kỳ nói đến một vùng "Ấn Độ - Thái Bình Dương", còn Trung Quốc thì nhắc đến "châu Á – Thái Bình Dương", một thuật ngữ hẹp hơn không bao gồm Nam Á theo như nhận định trên trang mạng USNI News.

Giới quan sát cũng ghi nhận rằng, đến dự hội nghị năm nay, Bắc Kinh cử một phái đoàn đông đảo đến dự hội nghị, đồng thời khéo léo bố trí một số đại biểu ở những vị trí chiến lược nhằm đảm bảo rằng tiếng nói của Trung Quốc được lắng nghe trong suốt hội nghị. Đây cũng là cách để Trung Quốc nhắc nhở các bên tham gia rằng châu Á – Thái Bình Dương là sân sau của họ.

Mời quý vị theo dõi phần giải thích của thông tín viên Nguyễn Giang, tại Singapore.

---------- ********** ----------

RFI : Đối thoại An ninh Shangri-La, từ nhiều năm qua được ví như là "thước đo" mối quan hệ Mỹ-Trung. Việc hai nước thông báo nối lại đường dây liên lạc quân sự bị đình chỉ hồi cuối năm 2022, trong cuộc gặp đầu tiên giữa ông Austin với bộ trưởng Quốc Phòng mới của Trung Quốc trước khi diễn đàn khai mạc, có thể được xem như là một dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước không ?

Nguyễn Giang : Đây không phải là lần đầu tiên bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Lloyd Austin III đến thăm Singapore hoặc tới dự Diễn đàn Đối thoại Quốc phòng-An ninh Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược IISS của Anh tổ chức thường niên ở Singapore từ 2002. Thế nhưng đây là lần đầu tiên đô đốc Đổng Quân tới dự Diễn đàn này, kể từ khi lên nhậm chức bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc từ tháng 12 năm 2023.

Vì thế, việc hai ông gặp nhau lần đầu ở Singapore là dấu hiệu hai nước đều cảm thấy nhu cầu đối thoại quốc phòng là rất quan trọng trong bối cảnh như ông Austin nói thẳng ra, Hoa Kỳ coi Trung Quốc là quốc gia "cạnh tranh" trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hai ông đã có cuộc hội đàm hôm thứ Sáu 31/05. Mục đích là để tránh các hiểu lầm chứ không phải là hai bên tỏ ra hòa hoãn hơn trước.

Quan sát truyền hình trực tiếp các bài diễn văn của hai bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Mỹ thì thấy là hai bên không hề nhượng bộ gì hơn trong các vấn đề cơ bản có khác biệt quan điểm rõ rệt ở Biển Đông, về Philippines, về eo biển Đài Loan. Tuy thế, về ngôn từ thì cả hai lãnh đạo bộ quốc phòng Mỹ và Trung Quốc nói với báo chí ngắn gọn sau cuộc gặp mặt song phương rằng đó là "dịp nói chuyện tốt, có tính xây dựng".

Có thể nói đây là dịp quan chức quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Quốc làm rõ, công khai hơn cách nhìn của họ về các vấn đề an ninh vùng, và có thể tạm gọi đây là cuộc trao đổi không công kích nhau trực diện, nhưng về quan điểm thì hai bên không đổi, không hạ nhiệt.

RFI : Bài diễn văn của bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc thường rất được chú ý, phản ảnh mối bận tâm và lợi ích của hai nước cho khu vực. Năm 2022, Mỹ và Trung Quốc chỉ trích nhau gay gắt, thậm chí là cáo buộc bên này hay bên kia là nguồn cội căng thẳng trong khu vực. Năm nay, các phát biểu của hai bên phản ảnh thế nào mối bận tâm của Mỹ và Trung Quốc cho khu vực và có những điểm gì khác so với năm 2022 ?

Nguyễn Giang : Theo dõi bài diễn văn và phần trả lời các câu hỏi từ cử tọa dự Đối thoại Shangri-La thì có thể thấy ông Austin không nêu ra tên nước Trung Quốc, nhưng bày tỏ sự chú ý vào các điểm nóng trong vùng mà Trung Quốc bị Hoa Kỳ và đồng minh gây ra. Về cơ bản, ông Austin như để trấn an các nước châu Á rằng Hoa Kỳ luôn bảo vệ họ giữ an ninh chung, đã nói rằng "Hoa Kỳ sẽ chỉ an toàn khi châu Á an toàn".

Ai cũng rõ đây là câu ám chỉ Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ đặc biệt nhấn mạnh ý rằng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương không chấp nhận một quốc gia nào đóng vai trò bá quyền, và xác nhận Hoa Kỳ không bỏ đi, vì đã và đang luôn là một quốc gia bên bờ Thái Bình Dương.

Điểm mới so với năm 2022 là quan chức Mỹ nêu ra sự tham gia rộng hơn của Hoa Kỳ vào an ninh vùng với các nước đồng minh, đối tác, cụ thể như tập trận Balikatan ở Philippines có cả Pháp và Úc tham gia, tập trận Rắn Hổ Mang Vàng (Golden Cobra) ở Thái Lan có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và nhiều nước khác tham gia.

Ông cũng nhắc đến dự án tàu ngầm nguyên tử AUKUS của Hoa Kỳ, với Anh và Úc để tạo cho Úc đội tàu ngầm chạy động cơ hạt nhân vào thập kỷ tới. Ông Austin cũng nhắc đến quan hệ an ninh quốc phòng Hoa Kỳ triển khai với Ấn Độ, với Papua Tân Guinea...để nói rằng nước Mỹ đang có rất nhiều đồng minh, đối tác cùng chia sẻ viễn kiến về tự do hàng hải, về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải.

Riêng ông Đổng Quân, lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc, xuất thân từ Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA), đã dành một thời lượng lớn để nói rằng, về lịch sử, các nước trong khu vực đều đã xóa bỏ chế độ thuộc địa và muốn giữ chủ quyền, không muốn bị các thế lực bên ngoài lôi kéo.

Theo ông, các nước châu Á hoàn toàn có thể tự lo liệu về an ninh và không cần dựa vào bên ngoài, hàm ý nói Hoa Kỳ không nên dính líu vào các vấn đề trong vùng. Ông cũng nói nhiều về Đài Loan và lên án "các thế lực ly khai" và cho rằng các thế lực này sẽ bị nghiền nát vì đã phản bội dân tộc Trung Hoa.

Trước đó, ông Austin đã nêu quan điểm của Hoa Kỳ rằng chính quá trình dân chủ hóa tự nhiên của người Đài Loan là rất bình thường – hàm ý cuộc bầu cử đưa ông Lại Thanh Đức của đảng Dân Tiến lên cầm quyền gần đây – và TQ đã gây ra lo ngại vì các hoạt động khiêu khích của Quân Giải phóng quanh eo biển Đài Loan (concern about recent provocative PLA activity around the Taiwan Strait). Phía Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngưng các biện pháp đe dọa xung quanh Đài Loan. 

RFI : Trong bài phát biểu, ông Austin dường như cho thấy có sự thay đổi cách tiếp cận an ninh của Mỹ trong khu vực, từ "mô hình trung tâm và nan hoa" mà Mỹ là trung tâm sang hình thức một "tập hợp các sáng kiến và thể chế chồng chéo và bổ sung", được thúc đẩy bởi một tầm nhìn chung, ý thức nghĩa vụ chung. Anh có thể giải thích thêm về sự thay đổi thái độ này của Mỹ ?

Nguyễn Giang : Theo lời ông Austin thì Hoa Kỳ không chọn cách là một điểm trung tâm về an ninh châu Á-TBD với các đồng minh liên kết vào tâm điểm đó như một mạng lưới, mà nay, Hoa Kỳ cổ vũ cho mạng lưới an ninh với nhiều lớp, nhiều quan hệ đa phương, song phương đan cài, bổ sung. Cấp độ quan hệ, là đồng minh quân sự có hiệp ước với Mỹ, hay là đối tác an ninh có hiệp định, hoặc đối tác không có hiệp định, đều tốt. Giữa các nước cùng chia sẻ quan tâm về an ninh vùng cũng có thể có các đối tác ký với nhau. Bởi sự đa dạng về cấp độ này phản ánh nhu cầu của mỗi nước.

Ví dụ, sau Thỏa thuận Trại David năm 2023, thì sang năm nay, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có sáng kiến song phương riêng, lập ra hệ thống chung cảnh báo hỏa tiễn từ Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ cũng nói có dự án "Các quốc gia liên kết tự do" (The Freely Associated States), nhắm tới 2040 cho ba đảo quốc ở vùng Thái Bình Dương, hỗ trợ họ về an ninh biển. Bên cạnh đó là các dự án quốc phòng đặc thù với Philippines về bản đồ hải dương, với Nhật về tăng cường năng lực phòng thủ của Nhật, với Hàn Quốc bằng cách lập trạm đỗ cho pháo đài bay B-52 mang bom nguyên tử lần đầu trở lại bán đảo Triều Tiên sau nhiều thập niên.

RFI : Trung Quốc chỉ trích bài phát biểu tổng thống Philippines là "dẫn sói vào nhà", phá vỡ vai trò trung tâm của ASEAN. Anh có những nhận định thế nào về bài phát biểu của ông Marcos ?

Nguyễn Giang : Là nguyên thủ quốc gia nước Philippines, láng giềng của Singapore, ông Ferdinand Marcos Jr được mời đọc diễn văn khai mạc hội nghị Shangri-La năm nay. Đây là bài diễn văn mạnh mẽ, bằng tiếng Anh ngôn từ rất hay, trình bày rất truyền cảm, nhấn mạnh tới tinh thần vì hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines trước sức ép từ Trung Quốc.

Trên trang YouTube của đài CNA tức Channel News Asia ở Singapore, tôi đọc thấy khá nhiều người Philipine đã vào mục Bình luận dưới video ông Marcos phát biểu để chia sẻ niềm tự hào về lãnh đạo nước họ. Ông cảnh báo Trung Quốc rằng trong cuộc giằng co ở Biển Đông mà Manila gọi là Biển Tây Philippines, cái chết của bất cứ người lính, người dân Philippines vào sẽ được coi là hành động rất gần với việc tuyên chiến chống lại nước ông.

Thế nhưng phần hỏi đáp thì ông Marcos đã bị trung tướng Hà Lôi thuộc đoàn Trung Quốc thách thức, hỏi rằng quan điểm của Manila là sự có mặt của Hoa Kỳ là trọng yếu cho an ninh của Philippines, vậy có phải là đi ngược với nguyên tắc "ASEAN là trung tâm" hay không, và việc Philippines làm thế có phải là tạo ra "đối đầu giữa các khối quốc gia" (bloc confrontation) ?

Ông Marcos đã bác bỏ cách nhìn của trung tướng Trung Quốc, và nói chính tính trung tâm, đa diện của ASEAN từ ngày thành lập tới nay luôn là kim chỉ nam cho ngoại giao Philippines. Bộ trưởng Đổng Quân của Trung Quốc cũng chỉ trích gay gắt thái độ của Philippines về biển đảo.

RFI : Và Các nước Đông Nam Á có phản ứng như thế nào trước các phát biểu của Mỹ, Trung và Philippines ?

Nguyễn Giang : Báo chí khu vực viết nhiều về các bài diễn văn của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Trung Quốc và Philippines. Ở đây có thể thấy rõ vấn đề ngôn ngữ. Có vẻ như là các khách Hoa Kỳ và Philippines nói tiếng Anh và trả lời câu hỏi của cử tọa trực tiếp bằng tiếng Anh, khá rõ ràng, rành mạch. Còn ông Đổng Quân, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc nói tiếng Trung khi đọc diễn văn và cử tọa chỉ nghe lời phiên dịch. Tương tự, ông cũng trả lời các câu hỏi qua phiên dịch nên giảm đi nhiều tính tương tác.

Báo Singapore, tờ Strait Times bình luận rằng đoàn các tướng tá Trung Quốc dự Shangri-La khá đông nhưng cách thức họ chọn để đưa ra thông điệp của mình lại là như sau : Sau khi các bộ trưởng Philippines và Hoa Kỳ phát biểu thì có sĩ quan cao cấp của Trung Quốc đứng lên đặt câu hỏi bằng tiếng Anh, thách thức quan điểm của Mỹ, của Philippines, nhưng sau đó, theo tờ báo Singapore mô tả, các tướng Trung Quốc ra gặp các nhà báo để nói rõ hơn rằng tiếng Trung, tiếng mẹ đẻ của họ, để giải thích rộng hơn, đầy đủ hơn góc nhìn của họ về Philippines, về Đài Loan.

Theo tờ Singapore thì đoàn Trung Quốc đã có các cuộc briefing, nói với báo giới nhiều nhất trong số các đoàn quốc phòng tới Hội nghị Shangri-La. Nhật báo Singapore cũng cho biết phát biểu của tướng Trung Quốc cần phải xin ý kiến từ Quân ủy Trung ương ở Bắc Kinh rồi mới nói, nên phái đoàn Trung Quốc không có được tính linh hoạt như các đoàn khác.

Ngay cả bộ trưởng Quốc Phòng Đổng Quân cũng có vẻ không quen trả lời chất vấn trực tiếp (live) vì ở Trung Quốc phóng viên phải nộp câu hỏi trước, nên màn đối thoại của ông không trôi chảy. Có những chỗ ông Đổng không trả lời câu hỏi mà nói chung chung theo sách của Đảng Cộng sản về Đài Loan. Như thế, ấn tượng về đoàn Trung Quốc với báo chí không giống như người ta thấy với các đoàn khác, vốn quen với ngôn ngữ tiếng Anh của Hội nghị Shangri-La.

RFI : Diễn đàn năm nay đặc biệt có sự tham dự của tổng thống Ukraine. Bài phát biểu của ông được đón nhận thế nào và có ý nghĩa gì cho diễn đàn năm nay ? Theo quan sát của anh, ông Zelensky tìm kiếm điều gì tại Shangri-La năm nay ?

Nguyễn Giang : Tôi xem trên truyền hình thì thấy đúng ra là ông Volodymyr Zelensky đọc tiếng Anh từ một bản soạn sẵn và có vẻ đọc không trôi chảy, vì thế nghe không thuyết phục lắm. Dù được chào đón nồng hậu bởi giới chức Singapore, nước có quan điểm hoàn toàn ủng hộ Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga, ông Zelensky có lẽ không thuyết phục được sự ủng hộ toàn bộ của các nước, tới dự Shangri-La năm nay về sáng kiến Hội nghị Hòa bình cho Ukraine ở Thụy Sĩ vào tháng Sáu này.

Điều rõ ràng là Trung Quốc đã nói sẽ không dự hội nghị đó, và năm nay, không có đoàn Nga tới dự Diễn đàn Shangri-La. Khi ông Zelensky phát biểu, đoàn Trung Quốc đã bỏ đi không nghe và ông đã nói rằng với sự trợ giúp Nga đến từ Trung Quốc thì cuộc chiến sẽ không thể nào ngưng được. Ông Zelensky cũng không đạt được nguyện vọng tiếp xúc với các tướng lĩnh Trung Quốc. Điều này cho thấy vấn đề quan hệ Nga-Trung đã phần nào phủ bóng lên hội nghị năm nay.

Cũng không rõ là ngoài Singapore thì các nước chủ chốt trong ASEAN như Indonesia, Malaysia có ủng hộ Ukraine hay không. Tổng thống mới đắc cử, chưa lên cầm quyền ở Indonesia, ông Prabowo Subianto, bản thân là một cựu tướng quân đội, thì dùng diễn đàn Shangri-La để nói về Gaza, chứ không nói về Ukraine.

RFI : RFI tiếng Việt xin cảm ơn TTV. Nguyễn Giang tại Singapore.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 13/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Giang, Minh Anh
Read 168 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)