Thế lực thù địch ở đâu mà nhiều thế ! Trang mạng báo QĐND điện tử có thành lập một cột riêng, mang tên "Chống diễn biến hòa bình", chỉ để lên án, tố cáo hay đổ thừa cho các thế lực thù địch tiếp tay gây khó khăn cho chế độ cộng sản Việt Nam trong việc giải quyết những vấn đề nội bộ.
Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch
Những tác giả của cột này, chắc chắn là sĩ quan cao cấp, chí ít cũng phải là đại tá, đã thay mặt ban tuyên huấn trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam viết những bài bình luận tố cáo hay lên án những chống đối tự phát của người dân trong nước, kể cả những vụ án do chính chế độ đứng ra xét xử.
Gần đây dư luận trong nước bàn luận nhiều về quân đội làm kinh doanh. Quả là một điều bất thường. Chức năng đầu tiên của quân đội là bảo vệ tổ quốc và chống ngoại xâm, nhưng tại Việt Nam không có gì là bất thường. Quân đội còn đảm nhiệm nhiều vai trò lạ lùng hơn nữa : làm kinh tế, làm dịch vụ, làm môi giới bất động sản, làm trung gian vận chuyển hàng lậu, khai thác gỗ rừng, phá danh lam thắng cảnh để bán đất và đá.
Quan trọng hơn nữa, quân đội còn làm chính trị. Hiện nay quân đội đang lấn lướt đảng để giành vai trò chỉ đạo chính trị. Tổng cục chính trị quân đội đang làm nhiệm vụ tuyên huấn và chỉ đạo an ninh nội chính. Có thể nói quân đội là một chính quyền trong chính quyền. Quân đội có toàn quyền trên tất cả mọi quyền, lãnh đạo mỗi đơn vị quân đội là một sứ quân mà không ai dám làm phật lòng (có thể mất mạng như chơi).
Vì muốn được yên ổn làm ăn, quân đội không muốn bị làm phiền, nhất là giới đối lập bất đồng chính kiến, những nhà đấu tranh ôn hòa chỉ lên tiếng bảo vệ kẻ yếu và lẽ phải. Vấn đề là dư luận quốc tế, quân đội và đảng cộng sản không thể muốn làm gì thì làm. Do đó muốn bịt miệng đối lập, đảng và quân đội phải đẻ ra những cụm từ như "thế lực thù địch", "diễn biến hòa bình", "hoạt động lật đổ" để gây lo sợ và vận động bảo vệ đảng kiểu "còn đảng cò mình".
Khi nhét vào miệng người dân hai chữ "chính trị", đảng cộng sản tin rằng ma lực của cụm từ này sẽ làm im bặt những tiếng nói phản kháng. Điều này có lẽ đã thành công trong quá khứ vì không nhiều thì ít những ai bị bắt về các tội chống đối nhà nước đều đã im bặt khi vừa bước qua ngưỡng cửa nhà tù để về nhà. Nhưng ngày nay, khi lạm dụng một cách quá đáng hai chữ này, chính quyền cộng sản đang nhận lại những hậu quả ngược. Rất nhiều tiếng nói bất đồng muốn được chính quyền gán ghép vào những tội chính trị.
Quốc gia nào cũng có Bộ Luật hình sự, nhưng Bộ Luật hình sự Việt Nam ngoài việc liệt kê những tội hình sự còn có một chức năng khác : biểu tượng đàn áp chính trị. Tất cả những hành vi cao thượng như bảo vệ nhân quyền, bênh vực lẽ phải, bênh vực kẻ yếu, chống cường hào ác bá, chống cướp đất cướp nhà, chống hà hiếp dân, chống ô nhiễm… đều bị chính quyền cộng sản Việt Nam kết thành tội chính trị, theo của điều 88, 79, 87, 245, 258… của Bộ Luật hình sự.
Nói chung, biết đã làm mất lòng dân Đảng Cộng sản Việt Nam rất lo sợ những bất ngờ xảy ra sau mỗi biến cố xã hội. Bất cứ ai - cán bộ về hưu, giáo dân, nông dân… - chính quyền cộng sản đều nghi ngờ là thế lực thù địch.
Dưới đây là những bài viết phản ánh tâm trạng lo sợ đó trên trang mạng của báo QĐND điện tử.
Nguyễn Văn Huy
*****************
Đằng sau chiêu trò "chính trị hóa" các vụ án hình sự (QĐND, 14/08/2017)
Một trong những chiêu trò mà các thế lực thù địch thường áp dụng khi thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" là "chính trị hóa" các vụ án hình sự. Từ những vụ án đơn lẻ, các thế lực thù địch thổi phồng, xuyên tạc, suy diễn lái vụ việc sang hướng khác rồi quy kết thành những vấn đề chính trị của từng quốc gia. Tình hình chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với Việt Nam thời gian gần đây càng cho thấy rõ điều đó.
Một điều chúng ta không khó để nhận ra trong thời gian qua là các thế lực thù địch cùng những phần tử cơ hội chính trị, phản động trong và ngoài nước đã "chính trị hóa" một số vụ án hình sự bằng cách đơm đặt, dựng chuyện, xuyên tạc, suy diễn, cắt khúc, gán ghép các tình tiết trong vụ án với những vấn đề chính trị hệ trọng của đất nước, nhất là những vấn đề nóng, nhạy cảm trong xã hội để lợi dụng kích động, chống phá.
Chẳng hạn như sự việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ về tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" theo Điều 123, Bộ luật Hình sự và tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" theo Điều 143, Bộ luật Hình sự. Đây thực chất chỉ là một vụ án hình sự đơn lẻ, nhưng những kẻ "ăn không nói có" đã lượm lặt thông tin trên internet để nhào nặn rồi phán bừa rằng "vụ khởi tố này là bằng chứng cho thấy một sự đấu đá ở hậu trường"… Rõ ràng họ đã lợi dụng vụ án hình sự đơn thuần để đơm đặt rồi lái sang câu chuyện "đoàn kết nội bộ" trong Đảng, trong chính quyền… Mục tiêu sâu xa mà các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị, phản động hướng tới không gì khác là gây ra sự hoài nghi trong nội bộ, phá hoại sự đồng thuận trong xã hội, chia rẽ cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân.
Hay từ sự việc một số phần tử xấu ở các tỉnh : Nghệ An, Hà Tĩnh… núp dưới vỏ bọc "tôn giáo" lợi dụng sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung kích động, lôi kéo một bộ phận giáo dân tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự… Xét thấy có những yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng các địa phương đã khởi tố vụ án để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Thực chất đây chỉ là vụ án hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng"… Thế nhưng thông qua một số trang mạng ở nước ngoài, các thế lực thù địch, những phần tử phản động đã "chính trị hóa" vụ việc này rồi lái câu chuyện sang vấn đề "dân chủ, nhân quyền" và cho rằng "Việt Nam đàn áp tôn giáo", "Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo"…
Ảnh minh họa/qdnd.vn
Tương tự mới đây là vụ Lê Duy Phong, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị Công an Thành phố Yên Bái khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản", theo Điều 280, Bộ luật Hình sự... Thế nhưng trên một vài trang mạng, một số phần tử phản động, có tư tưởng thù địch đã xuyên tạc, suy diễn, quy chụp theo kiểu lấy cái cụ thể để đánh giá, kết luận về cái tổng thể và cho rằng "Việt Nam vi phạm tự do báo chí", chính quyền Việt Nam "gài bẫy" để đưa các nhà báo chống tham nhũng vào vòng lao lý. Hơn thế, từ sự việc này họ còn suy diễn, xuyên tạc, bóp méo quan điểm của Đảng ta về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ; xuyên tạc thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Không chỉ vậy, họ còn cho rằng : "Cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc đấu đá phe cánh", "tăng cường phòng, chống tham nhũng chỉ là chiêu trò mị dân" ; có sự "bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng" của cấp ủy, chính quyền các cấp... Nguy hiểm hơn, họ còn chụp mũ cho rằng tham nhũng thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là hệ quả của cơ chế lãnh đạo độc tôn.
Cần khẳng định một vài vụ việc nêu ra trên đây chỉ là những vụ án hình sự bình thường. Tuy nhiên, thông qua những bài viết trên một số trang mạng của những người có tư tưởng cực đoan, phản động đã xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo làm sai lệch bản chất vấn đề, hướng lái dư luận sang những vấn đề chính trị, xã hội hệ trọng khác như : Tự do tôn giáo, tự do báo chí, đoàn kết nội bộ... hòng triệt để khoét sâu từng vụ việc từ đó chống phá Đảng, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Mục tiêu sâu xa của họ vẫn là nhằm phủ nhận những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trên các lĩnh vực, vẽ ra bức tranh méo mó về xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, để từ đó gieo rắc sự hoài nghi trong nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng ; về khả năng quản lý, điều hành của chính quyền, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ xã hội chủ nghĩa, để rồi thừa cơ xúi giục, kích động những người dân nhẹ dạ, cả tin đứng lên chống lại chính quyền, đòi thay đổi cương lĩnh, thể chế chính trị, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi chuyển xã hội ta sang một xã hội "đa nguyên, đa đảng".
Từ những vấn đề lý luận chỉ ra và thực tiễn kiểm chứng, rõ ràng chúng ta không thể lấy hiện tượng để quy kết thành bản chất, không thể dùng cái đơn lẻ để quy thành hệ thống. Ấy vậy mà từ những vụ án hình sự đơn lẻ, các thế lực thù địch sẵn sàng suy diễn, gán ghép, quy chụp để từ đó đưa ra những nhận định về những vấn đề chính trị lớn trong xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chúng ta không lạ gì với chiêu trò này, bởi suy diễn, quy kết chủ quan, phiến diện trở thành thói quen, trở thành "căn bệnh" của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị, phản động. Mọi sự việc, mọi vấn đề họ đều có thể suy diễn, chụp mũ miễn sao đạt được mục tiêu tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, bên cạnh những thành tựu, không một quốc gia, dân tộc nào không có những vấn đề phức tạp nảy sinh. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong quá trình lãnh đạo, quản lý điều hành đất nước, bên cạnh những thành quả đạt được, Đảng và Nhà nước Việt Nam không phủ nhận trong xã hội đã và đang tồn tại những vấn đề nổi cộm. Để giải quyết những vấn đề đó nhằm củng cố niềm tin trong nhân dân, Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt ; đồng thời cũng kiên quyết lên án, đấu tranh không để các thế lực thù địch lợi dụng những vấn đề ấy để tiến hành các chiêu trò nhằm thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá Việt Nam.
Bản chất của chiêu trò "chính trị hóa" các vụ án hình sự nhằm chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch ngày càng hiện rõ. Thực tế cho thấy các thế lực thù địch luôn tận dụng triệt để mọi cơ hội có thể để thực hiện chiêu trò "chính trị hóa" các vụ án hình sự. Cho dù chiêu trò đó phần nào chứng tỏ sự bất lực của các thế lực thù địch trước thực tiễn sinh động của đất nước Việt Nam, nhưng cần phải thấy rõ đây là một âm mưu chính trị và hoạt động chống phá hết sức nguy hiểm. Mỗi người Việt Nam chân chính ở cả trong và ngoài nước cần nhận thức rõ về chiêu trò này và kiên quyết lật tẩy, đấu tranh, phản bác. Mặt khác mọi người dân cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác, không ngộ nhận trước chiêu trò ấy, không tin vào luận điệu xuyên tạc, suy diễn, quy chụp của những phần tử cơ hội chính trị, phản động cực đoan ; không tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Kim Thanh
******************
Nghiêm trị những kẻ đội lốt "dân chủ", "nhân quyền" phá hoại đất nước (QĐND, 07/08/2017)
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 6 đối tượng trong vụ án "Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" xảy ra tại Hà Nội và một số địa phương.
Sau sự việc trên, trên mạng internet, một số tổ chức, cá nhân đội lốt "dân chủ", "nhân quyền" cho rằng "Nguyễn Văn Đài vô tội"; đòi Chính phủ Việt Nam phải "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với Nguyễn Văn Đài". Những giọng điệu và đòi hỏi trên là hết sức phi lý, bởi đó là việc làm can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn là rất rõ ràng.
"Ngựa quen đường cũ"
Dư luận chưa quên những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam của Nguyễn Văn Đài cùng cộng sự Lê Thị Công Nhân vào thời điểm trước năm 2007. Không làm ngơ trước những hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội của các đối tượng, tháng 3-2007, cơ quan chức năng quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, để điều tra về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Ngày 11/5/2007, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên phạt Nguyễn Văn Đài 5 năm tù giam. Ngày 27/11/2007, tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử giảm nhẹ cho Nguyễn Văn Đài xuống còn 4 năm tù giam về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88, Bộ luật Hình sự.
Đối tượng Nguyễn Văn Đài. Ảnh : baotintuc.vn.
Những tưởng sau khi mãn hạn tù Nguyễn Văn Đài sẽ tỉnh ngộ. Nhưng không, y vẫn "ngựa quen đường cũ". Ngay sau khi ra tù, thông qua mạng xã hội, Nguyễn Văn Đài tiếp tục tuyên truyền xuyên tạc lịch sử dân tộc và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước. Trên trang facebook cá nhân, Nguyễn Văn Đài liên tục đăng tải các bài viết có nội dung xuyên tạc chính sách của Nhà nước, tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Đặc biệt, Nguyễn Văn Đài đã tập hợp một số phần tử bất mãn, cơ hội... lập ra cái gọi là "Hội anh em dân chủ". Dưới sự điều hành của Nguyễn Văn Đài, "Hội anh em dân chủ" trở thành nơi tụ tập của những kẻ có tư tưởng, quan điểm sai trái, chuyên xuyên tạc, bịa đặt, kích động, cổ xúy cho những phần tử chống phá Đảng, Nhà nước. Do nhẹ dạ cả tin, một số người trở thành nạn nhân của Nguyễn Văn Đài và "Hội anh em dân chủ" đã lầm đường, lạc lối và phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc. Nguyễn Văn Đài còn thường xuyên trả lời phỏng vấn một số đài, báo nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam nhằm tuyên truyền xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng... Ngoài việc có mối quan hệ rất mật thiết với tổ chức khủng bố Việt Tân, Nguyễn Văn Đài còn được biết đến với vai trò chủ chốt, khởi xướng cái gọi là "Trung tâm nhân quyền Việt Nam", "Khối 8406", "Công đoàn độc lập", "Liên minh dân chủ nhân quyền Việt Nam", "Hội Cựu tù nhân lương tâm"... Đó là những hội, nhóm thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam… Nguyễn Văn Đài còn thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, huấn luyện cách thức "đấu tranh bất bạo động" tại Nhà thờ Thái Hà và nhiều địa phương khác. Nguyễn Văn Đài là cộng tác viên viết blog cho RFA cùng một số trang song ngữ chuyên xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ bức tranh dân chủ, nhân quyền, kích động chống phá Việt Nam. Đáng nói nữa, trên facebook cá nhân của mình, Nguyễn Văn Đài viết nhiều bài có nội dung bịa đặt, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, thóa mạ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Thực chất những hành vi của Nguyễn Văn Đài là nhằm mục đích đầu cơ chính trị, cầu xin những đồng đô-la tài trợ từ các thế lực thù địch bên ngoài để kiếm sống và duy trì các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam... Chỉ điểm qua bấy nhiêu đã đủ khẳng định việc cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giữ Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn để điều tra là cần thiết và hoàn toàn đúng luật.
Bảo vệ nhân quyền hay bảo vệ kẻ chống đối ?
Hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Đài và các đối tượng đã rất rõ ràng. Vậy tại sao vẫn có những tổ chức, cá nhân đội lốt "dân chủ", "nhân quyền" đứng ra bênh vực cho Nguyễn Văn Đài cùng đám tay chân?! Không khó để có câu trả lời.
Là dân tộc đã phải chịu nhiều đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, Việt Nam luôn khát khao hòa bình, ổn định để phát triển và mong muốn đóng góp cho nền hòa bình, phát triển bền vững của nhân loại. Đại đa số các chính giới và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều hiểu rõ tâm nguyện ấy và luôn mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với đất nước, con người Việt Nam. Thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn một vài tổ chức, cá nhân vì những động cơ thấp hèn, âm mưu phá hoại Nhà nước Việt Nam, muốn làm cho Việt Nam mất ổn định chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam mất vai trò lãnh đạo; chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam suy yếu đi đến sụp đổ. Để thực hiện mục tiêu ấy, họ không từ bất cứ thủ đoạn nào, đặc biệt là trò "ném đá giấu tay" ngấm ngầm tổ chức, nuôi dưỡng, xúi giục, kích động những phần tử cơ hội như Nguyễn Văn Đài.
Cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của con người trên tất cả các lĩnh vực. Thế nhưng chủ nghĩa cơ hội đã làm những kẻ như Nguyễn Văn Đài mờ mắt, không thấy được thực tiễn đó. Nhờ sự hà hơi, tiếp sức của một số tổ chức phản động lưu vong, đội lốt "bảo vệ dân chủ, nhân quyền", Nguyễn Văn Đài không chỉ tuyên truyền phủ nhận những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, mà còn kêu gọi, kích động người dân tụ tập biểu tình, gây rối an ninh trật tự. Cũng do mờ mắt trước những đồng đô-la kiếm được từ một vài tổ chức, cá nhân ở nước ngoài mà Nguyễn Văn Đài và đám tay chân liên tiếp có những lời nói và hành động mưu toan chống phá, lật đổ chính quyền nhân dân, đòi thực hiện chế độ đa nguyên, đa đảng... Chẳng lẽ Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn không thấy được một thực tế đang diễn biến ở không ít quốc gia theo chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là các đảng phái tranh giành quyền lực, đấu đá lẫn nhau, gây ra những rối loạn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tại những quốc gia đó, chẳng những quyền dân chủ của người dân không được bảo đảm, mà tính mạng của họ cũng thường xuyên bị đe dọa... Với một người luôn rêu rao là am hiểu pháp luật như Nguyễn Văn Đài thì không thể nói là thiếu hiểu biết, không nhận thức được vấn đề. Rõ ràng Nguyễn Văn Đài và đồng bọn đã cố tình vi phạm Điều 4, Hiến pháp năm 2013 xác định quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều 79, Bộ luật Hình sự, quy định về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân".
Ấy vậy mà một vài cá nhân, tổ chức đội lốt "dân chủ", "nhân quyền" vẫn cố tình cho rằng "Nguyễn Văn Đài vô tội". Họ vu cáo chính quyền Việt Nam khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Văn Đài và đồng bọn là vi phạm nhân quyền. Vì theo họ, Nguyễn Văn Đài và đám tay chân chỉ "bày tỏ chính kiến một cách hòa bình", chỉ là "thực hiện quyền tự do dân chủ"... Phải khẳng định rằng, ở Việt Nam, không có ai bị bắt giam do bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do của người dân, trong đó có quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận trong khuôn khổ luật pháp. Điều này không chỉ đúng với pháp luật Việt Nam, mà còn hoàn toàn phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền. Tại Điều 29 của Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền, khẳng định: "Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người phải chịu những hạn chế do luật định… nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và nền an sinh chung". Mang danh "bảo vệ dân chủ, nhân quyền" nhưng chỉ nghe qua những giọng điệu của một vài cá nhân, tổ chức ấy đã đủ thấy họ hoàn toàn không phải vì nhân quyền cho Việt Nam. Thực chất, đó là hành vi bảo vệ, tiếp tay cho những kẻ âm mưu lợi dụng tự do dân chủ để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do của công dân, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ nhân quyền, nhưng Việt Nam kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu và hành động đội lốt "dân chủ", "nhân quyền" để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, lợi dụng quyền tự do để chống phá Đảng và chính quyền nhân dân. Ở Việt Nam không có chỗ cho thứ "dân chủ", "nhân quyền" coi thường kỷ cương phép nước. Vụ án "Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" sẽ được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng theo đúng trình tự tố tụng của Việt Nam. Cũng như ở các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Đặc biệt đối với Nguyễn Văn Đài, kẻ đã qua 4 năm thụ án, 3 năm quản chế tại địa phương, được các cấp chính quyền, đoàn thể nhiều lần giáo dục, nhắc nhở, răn đe, nhưng vẫn chứng nào tật ấy thì càng phải xử lý nghiêm khắc hơn.
Kim Ngọc