Hậu duệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Sinh ra ở Miền Nam trong gia đình có người thân bên này và cả bên kia, hoa mắt trong những trào lưu văn hóa phản chiến, tranh đấu, thích nhạc Trần Thiện Thanh nhưng cũng mê đắm Trịnh Công Sơn, tôi lơ mơ không chính kiến. Bị guồng máy tuyên truyền nhồi nhét, nhào nặn một thời gian dài tôi cũng tin những anh dép râu nón cối đã là người hùng giải phóng Miền Nam. Mãi khi tóc đã bạc, đã va chạm đến mòn mỏi với bao oan khiên trái khoáy ở xứ thiên đường tôi mới hiểu ra ý nghĩa cuộc chiến, nỗi đau của hàng triệu người lính Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh để cuối cùng trở thành "bên thua trận".
Nhân cách, phẩm chất của lớp người nặng mang tinh thần "Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm" chiến đấu bảo miền nam tự do.
Đọc hồi ký của một số cựu sĩ quan, binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa như Phan Nhật Nam, Vương Mộng Long, Trần Hoài Thư… tôi mới thấm thía nhân cách, phẩm chất của lớp người nặng mang tinh thần "Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm" chiến đấu bảo miền nam tự do. Số phận nghiệt ngã, nói theo nghệ sĩ Viễn Châu là "trời không chiều lòng người dũng sĩ", quân đội ấy đã bị bức tử. Nhưng chính trong tình cảnh yếu thế của bên bại trận, nhân cách, danh dự của họ càng tỏa sáng.
Tôi từng chứng kiến những buổi đưa tang các cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa ngay trong xã hội miền Nam cộng sản, những anh em đồng khóa, chung đơn vị dù xa xôi, tuổi tác, bệnh tật vẫn tụ về viếng thăm và cùng đứng thành hàng đưa tay chào kính quan tài theo quân cách dù quân ngũ đã rời xa từ lâu lắm.
Nhưng điều đáng nói hơn là thế hệ thứ hai, lớp hậu duệ quân lực Việt Nam Cộng Hòa sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong hòa bình lại càng tỏa sáng. Không kể đến thế hệ hậu duệ ở hải ngoại đã thành đạt trở thành tướng lĩnh, chính khách, nhà văn đoạt giải quốc tế v.v… Ngay tại Miền Nam bại trận, hậu duệ của cố đại tá Nguyễn Đình Bảo - người ở lại Charlie, hay nhiều người khác cũng thoát ra khỏi vòng kim cô về phân biệt lý lịch, thành phần chính trị để thành những chuyên gia khoa học hàng đầu.
Người ở lại Charlie – nhạc và lời Trần Thiện Thanh - Thiên hùng ca Người lính Mũ Đỏ - Trung tá Nguyễn Đình Bảo
Tuy nhiên có một người tôi kính phục, yêu quý vô bờ dù chưa một lần gặp mặt. Đó là chị Nguyễn Thị Kim Liên, ái nữ của một cựu đại tá Biệt Động Quân. Chị không thành đạt, không chói sáng. Như cánh hoa mảnh mai bị vùi dập suốt 49 năm going bảo nhưng dũng khí, lòng thủy chung, sự hy sinh nhân ái của chị vẫn tươi nguyên, ngát hương,
Ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ làm tôi chú ý đến chị là slogan "Hậu duệ Biệt Động Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa" to tướng trên phần giới thiệu trang bìa fb cá nhân (1).
Chị dùng fb làm phương tiện giao tiếp với cộng đồng, kế tục cha anh tiếp tục thực hiện giá trị thiêng liêng Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm trong điều kiện mới, bằng ý chí "Can trường trong chiến bại", như đúc kết của Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại. Dám công khai ngửa mặt xưng tên là dân Ngụy "cọp đầu rằn" giữa đất nước đầy rẫy những hầm bẫy 117, 331 sẵn sàng nuốt chửng người ta vào tù chỉ vì một câu nói hớ. Chỉ có người hâm hoặc gan cóc tía. Chị Kim Liên không hâm, chị không chỉ nói mà làm, làm hăng say, tận tụy, chu đáo, chức trách "hậu duệ Biệt Động Quân". Tù đày không xa lạ mà đeo đẳng đời, chị phải nuôi tù từ lúc thiếu niên đến lúc tuổi già.
Bốn mươi chín năm trước, sau tháng Tư đen, mới 15 tuổi cô nữ sinh Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long bị cướp mất nhà, cha đi tù cải tạo, cả gia đình dắt díu về Long An nương nhờ nhà cô ruột. Cô phải nghĩ học đi làm thuê kiếm sống tảo tần phụ mẹ nuôi em và thăm nuôi cha đang bị đày ải.
Năm 2012, lần lượt hai con trai bị bắt giam, bà mẹ Nguyễn Thị Kim Liên đơn thân độc mã vừa nuôi tù vừa dùng fb làm phương tiện đấu tranh chống chế độ độc tài đòi tự do, công lý cho con. Theo đó, Đinh Nguyên Kha bị bắt vì treo cờ vàng ở nơi công cộng và rải truyền đơn ở Cầu Vượt An Sương, chụp ảnh gởi cho trang "Nhật Ký Yêu Nước" đăng tải. Án sơ thẩm tuyên 8 năm tù về tội "tuyên truyền chống phá nhà nước" nhưng do dư luận, sự đấu tranh kiên cường của bà mẹ "hậu duệ Biệt Động Quân" cấp phúc thẩm phải giảm xuống còn 4 năm. Nhưng chưa thỏa mản với mức án này, người ta dựng lên bản án cố ý gây thương tích bonus cho Kha thêm 2 năm tù. Mãi đến năm 2018, đúng ngày mãn hạn Kha mới đươc ra tù (2).
Sốt ruột vì em bị bắt oan, Đinh Nhật Uy đưa ý kiến trên fb cũng bị khởi tố, bắt giam vì tội tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Tòa tuyên 15 tháng tù treo nhưng thực tế Uy đã bị giam bốn tháng (3).
Tù tội của hai con trai không làm chị chùn bước. Chị lên tiếng đấu tranh mạnh mẻ đòi công lý cho con và còn kết nối, hổ trợ với gia đình các tù nhân lương tâm, các tù oan khác. Đặc biệt, cùng huyện với gia đình tử tù oan Hồ Duy Hải, chị Kim Liên kiên cường hổ trợ tinh thần, chia sẽ với gia đình Hải. Luôn đồng hành trong các lần thăm nuôi hàng tháng. Không chỉ lên tiếng đấu tranh trong nước, chị Kim Liên còn đi sang Úc, Mỹ, cùng các gia đình tù nhân lương tâm khác trình bày nguyện vọng với cơ quan ngoại giao, các tổ chức nhân quyền quốc tế. Nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/2013, chị Kim Liên cùng với Bác Trần Huỳnh (thân phụ của Trần Huỳnh Duy Thức), Bác Trâm (thân phụ Luật sư Lê Quốc Quân) đã tới trụ sở của Liên Hợp Quốc (4).
Cha bị tù 13 năm, hai con bi tù hơn 6 năm, những bản nặng nề ấy đè lên người phụ nữ mãnh mai, yếu ớt nhưng chị vẫn đứng vững, không khuất phục không cúi đầu. Khí tiết ấy được hun đúc từ thế hệ tiền nhân mà chị tự nguyện gánh vác trách nhiệm của người hậu duệ tiếp tục tranh đấu cho nước Việt Nam tự do, dân chủ. Trong một stt chị đã viết "Chỉ 2 tuần nữa là tới ngày 19/6. Ngày mà tui ko bao giờ quên, ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Vì trong đó đã có những cống hiến, hy sinh và gian khổ của Cha và Anh tui, cùng với những người bạn của họ" (5).
Đáng trân quý hơn nửa, chị Kim Liên đã dành cả phần đời còn lại của mình để chăm sóc vật chất, nâng đở tinh thần cho 13 thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trên địa bàn huyện Thủ Thừa quê chị, cả những gia đinh tù nhân lương tâm mà chị biết, trẻ em nghèo và người nghèo quanh thôn xóm.
Chị không phải là đại gia, cũng không có nguồn tài trợ từ trên trời rơi xuống. Chỉ với mảnh vườn nhỏ và ao cá cá rộng 2000m2 và sức lao động, sự khéo léo lòng kiên trì, chị tự làm ra sản phẩm cá khô, cá chà bông, bánh tét ra bán trên mạng lấy tiền, làm quà cho những người thân yêu, người nghèo khổ. Hàng năm vào dịp tết nguyên đán, ngày 30/4, ngày quân lực 19/6, tết trung thu chị đều cố gắng xoay trở để ít nhiều có quà cho những người này.
Chị không phải mạnh khỏe lại thêm tuổi tác, bị đau khớp, đau tim. Nhà chị nằm ven sông Vàm Cỏ ở ven Đồng Tháp Mười, mùa nước bị ngập, mùa khô bị mặn, chuyện nuôi cá cũng không dễ dàng. Ấy nhưng chị vẫn tần tảo vượt qua, vẫn chu đáo trọn vẹn những món quà nghĩa tình ngay trong lúc phong tỏa thắt ngặt của mùa covid.
Dễ thương nhất là tình cờ sinh nhật Đinh Nguyên Kha trùng với ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và ngày này năm 2021, chị Kim Liên đã có stt thật thà đến chạnh lòng :
"Happy birthday con trai Đinh Nguyên Kha, nay con đã 35 tuổi rồi hén.
Năm nay vì mưa hoài, nên 2 Má con mình buôn bán hơi bị ế.
Vì thế nên năm nay Mẹ không làm Sinh nhựt cho con.
Thôi thì Mẹ chúc mừng sinh nhựt con qua Facebook nghen.
Nhưng cái ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (19/6) này của các Anh thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, thì Mẹ không bao giờ quên con à !
Mẹ sẽ cố gắng gởi chút quà nông sản của Mẹ làm, để gởi tặng các Bác ,các Chú thương phế binh quê mình" (6).
Đặc biệt hơn nữa, tuy luống tuổi nhưng chị Kim Liên vẫn giử được giọng hát ngọt ngào thiên phú. Giọng hát mượt mà đài các di sản của một thời Việt Nam Cộng Hòa vàng son nhung lụa. Ngay giọng hát ấy chị cũng dành cho những cựu lính Cộng Hòa. Chị tự nguyện mỗi tuần hát một bài hát về lính tặng cho người lính vào mỗi cuối tuần. Khi nào bận, chị chân thành xin lỗi và hát trong ngày khác chứ không bỏ lỗi. Stt gần nhất của chị trên fb đã bộc bạch chân thành : "Dạ, xin chào Bà con !
Ngày mai Chủ nhật, tui mắc bận nguyên ngày, nên không thể hát tặng Bà con và các bạn nhạc Lính Việt Nam Cộng Hòa được.
Nên giờ tui xin hát gởi tặng trước bài hát : Tình Thư Của Lính, của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Xin mời Bà con cùng nghe.
P/S : Bà con và các bạn biết không ?
Mấy ngày nay tui đã bán thêm được 25kg khô rồi.
Mừng lắm Bà con.
Giờ chỉ còn bán thêm 15 ký nữa, là tui có đủ tiền lời, để tặng quà tới 13 Anh thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa xứ tui đó Bà con.
Bà con nhớ mua nông sản ủng hộ tui nhe !
Có sự ủng hộ là tui sẽ hát tặng cho Bà con và các bạn nghe nhạc Lính Việt Nam Cộng Hòa hoài hoài luôn á !" (7).
Kim Liên tên chị có nghĩa là sen vàng ! Bông Sen Vàng hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa ấy vẫn luôn rực sáng suốt 49 mùa giông bão trong vòm trời đen ngòm chuyên chế, độc tài. Đối chọi với sự tham lam quyền lực, ích kỷ cá nhân đến cùng cực, nghi kỵ, giả dối mị dân gấp trăm lần Tào Tháo của phe thắng cuộc, bị bền bỉ vun trồng, nuôi dưỡng giá trị tự do, trách nhiệm với những đồng đội thương tật, với đồng bào bị áp bức, nghèo khổ. Chị xứng đáng là hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa, đúc kết tinh anh của lòng nhân ái, khát vọng tự do, chí hy sinh, tình yêu thương chân thành, son sắt.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 21/06/2024