Không chỉ mạng xã hội mà hệ thống truyền thông chính thức cũng tham gia đưa công chúng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về một số tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – tổ chức đã cũng như đang dẫn dắt Phật tử mang niềm tin trộn với chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa xã hội) để thực hiện tiêu chí "đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội"...
Thượng tọa Thích Chân Quang trong ngày nhận bằng tiến sĩ luật. (Ảnh : Cổng Thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam).
Chẳng hạn chuyện Đại đức Thích Trúc Thái Minh tiếp tục khuấy động dư luận khi cùng với bà Phạm Thị Yến dùng một thiếu nữ chừng 15 tuổi làm giáo cụ trực quan[1], giáo huấn hàng ngàn đứa trẻ rằng chúng phải tham dự các khóa tu tập do họ tổ chức Cả hai khẳng định, vong theo thiếu nữ ấy từng có nhiều kiếp làm gái mại dâm do 14 kiếp trước lẳng lơ, rù quyến tăng. Kiếp này, thiếu nữ 15 tuổi sẽ thoát khỏi số phận bị cưỡng hiếp, bị phụ bạc, ruồng rẫy, phải lấy nhiều chồng vì may mắn được phụ huynh cho tham dự tu tập một tuần tại chùa Ba Vàng. Theo Đại đức và nữ "cư sĩ" vừa đề cập, đứa trẻ nào muốn thoát vong thì phải tham dự thêm nhiều tuần tu tập khác[2] !
Tuy nhiên Đại đức Thích Trúc Thái Minh chưa phải là tâm của trận bão dư luận. Tâm của trận bão dư luận về những vị tăng của tổ chức tình nguyện đưa Phật tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam là Thượng tọa Thích Chân Quang. Trong vài ngày vừa qua, cả người sử dụng mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức đang cùng xới lại hành trình trở thành Tiến sĩ Luật của trụ trì chùa Phật Quang có thế danh là Vương Tấn Việt. Cứ như những bằng chứng đã được bày ra thì ông Việt sinh năm 1959, đến năm 30 tuổi (1989) mới hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa cấp ba. Mười hai năm sau (2001), lúc 42 tuổi, ông Việt tốt nghiệp Khoa tiếng Anh Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Sau đó 16 năm (2019), ông Việt tốt nghiệp cử nhân ngành Luật (vừa học vừa làm). Mười tháng sau khi cầm văn bằng cử nhân luật, ông Việt được nhận làm "Nghiên cứu sinh Tiến sĩ" (12/2021) và chỉ trong vòng 24 tháng, ông Việt hoàn tất - bảo vệ thành công luận án tiến sĩ [3].
Bởi con đường trở thành "Tiến sĩ Luật chuyên ngành Hiến pháp - Hành chính" của ông Việt vừa ngắn ngủi, vừa lạ thường (trung bình khoảng bốn năm, nếu đặc biệt xuất sắc cũng không thể ít hơn ba năm) nên ngày 25/6/2024, Bộ Giáo dục và đào tạo đã gửi công văn yêu cầu Đại học Luật Hà Nội "báo cáo" [4]. Tuy nhiên chuyện không chỉ có thế...
***
Tuy là tu sĩ nhưng dường như ông Việt đặc biệt ham thích chuyện tự tô vẽ cho chính ông. Đó cũng là lý do công chúng có thể vào YouTube xem ông Việt trình bày luận án tiến sĩ của ông về "Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam". Luận án đã bị nhiều người, nhiều giới ở cả trong lẫn ngoài chỉ trích.
Một trong những phản biện sớm nhất và đáng chú ý nhất đối với luận án của ông Việt là phân tích của ông Nguyễn Quốc Tấn Trung – khi đó đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành công pháp tại Đại học Victoria ở Canada[5]. Trong video clip có thời lượng khoảng 16 phút, ông Trung nêu ra nhiều điểm không chỉ đáng chú ý mà còn đáng lo đối với quan điểm của ông Việt – người cho rằng thế giới đang chệch hướng vì "hiểu sai về nhân quyền". Trong khi ông Việt nhấn mạnh "quyền phải đi kèm với nghĩa vụ", thậm chí phải thực hiện, chu toàn các nghĩa vụ trước khi thụ hưởng các quyền thì ông Trung giải thích và chứng minh loại quan niệm này ngược chiều với văn minh nhân loại.
Ông Trung lưu ý, sở dĩ cộng đồng quốc tế xác định nhân quyền phải là các quyền căn bản, vô điều kiện, không thể tách rời cá nhân và phổ quát vì nhân loại đã từng trả giá rất đắt khi để một số nhà nước đính kèm nghĩa vụ vào các quyền này. Chẳng hạn nhờ việc công nhận "quyền dân tộc tự quyết" mà các dân tộc đang bị đô hộ có quyền tranh đầu đòi lại sự độc lập. Khi "quyền dân tộc tự quyết" có tính đương nhiên thì dân tộc không cần phải thực thi bất kỳ nghĩa vụ nào để được hưởng quyền đó. Tương tự là "quyền bình đẳng giới tính", phụ nữ hoặc những người thuộc cộng đồng giới tính thứ ba chẳng cần hoàn thành bất kỳ nghĩa vụ nào để được bình đẳng với nam giới.
Ông Trung nói thêm, ngay cả khi một cá nhân có dấu hiệu vi phạm luật pháp, vi phạm các chuẩn mực chung thì "không bị tra tấn, không bị đối xử phi nhân tính" vẫn là quyền đương nhiên không thể tách rời khỏi cá nhân đó và cơ quan công quyền vẫn phải tôn trọng quyền này. Đó chính là một loại hàng rào ngăn chặn lạm quyền, gây ra oan sai.
Sau những dẫn chứng, phân tích như vừa lược thuật, ông Trung cho rằng, nỗ lực xem nghĩa vụ là điều kiện, khoác điều kiện lên những quyền đã được hệ thống luật pháp quốc tế về nhân quyền ghi nhận là "đặc biệt nguy hiểm" và "đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến diễn ngôn chính trị".
Khi "Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ" của Đại học Luật Hà Nội với bảy người không là Giáo sư Tiến sĩ thì cũng là Phó Giáo sư Tiến sĩ cùng nhất trí với quan niệm của Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, thậm chí còn cho rằng quan niệm của ông Việt là "cơ sở rút ra những nhận định có giá trị để đưa ra các đề xuất hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam" và "mở một hướng nghiên cứu mới, hướng tiếp cận liên ngành để nghiên cứu về nghĩa vụ con người một cách toàn diện" [6] thì điều đó có khác gì hội đồng này vừa tuyên chiến với giới luật gia thuộc phần còn lại của thế giới, vừa gián tiếp thay nhà nước Việt Nam khai chiến trong cuộc chiến nhận thức lại về nhân quyền ?
Ảnh chụp buổi giới thiệu "Thượng tọa Thích Chân Quang bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ luật học".
Chuyện ông Vương Tấn Việt có pháp danh là Thích Chân Quang đột nhiên trở thành Tiến sĩ chuyên ngành Hiến pháp – Hành chính với nhiều yếu tố bất thường, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định trong đào tạo, buộc Bộ Giáo dục và đào tạo phải lên tiếng, yêu cầu Đại học Luật Hà Nội "báo cáo" [7], thật ra không quan trọng bằng việc các Giáo sư Tiến sĩ và Phó giáo sư Tiến sĩ đang tham gia đào tạo đội ngũ "luật gia" của Việt Nam đồng thanh hoan hô ý tưởng biến nghĩa vụ thành điều kiện, khoác nghĩa vụ lên vai con người, buộc họ thực thi nghĩa vụ trước khi muốn hưởng các quyền căn bản vốn đã được nhân loại, trong đó có cả Cộng hòa chủ nghĩa xã hội Việt Nam công nhận là đương nhiên.
Từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, dường như Việt Nam là quốc gia duy nhất mà một tập thể được xem như "tinh hoa" của giới nghiên cứu – đào tạo luật gia của một dân tộc văn minh cùng bày tỏ sự tâm đắc với ý tưởng phải có "Tuyên ngôn toàn cầu về nghĩa vụ con người" nhằm dùng "tuyên ngôn" đó như đối trọng với pháp luật quốc tế về nhân quyền.
Trong khi "Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền" thúc đẩy các chính phủ, các cộng đồng xem được sống, được mưu cầu hạnh phúc, được tự do bày tỏ chính kiến, được đối xử bình đẳng bất kể chủng tộc, tôn giáo, giới tính, các dân tộc có quyền tự định đoạt thể chế chính trị và theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá, là những quyền tất nhiên, vô điều kiện, không thể tước bỏ vì bất kỳ lý do nào thì ý tưởng của ông Vương Tấn Việt – muốn xác lập các nghĩa vụ, buộc phải chu toàn những nghĩa vụ ấy trước khi muốn hưởng các quyền căn bản của một con người được "Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ" khen là tuyệt !
100% thành viên của hội đồng vừa kể không chỉ nhất trí với việc ông Việt xứng đáng là Tiến sĩ Luật bởi ông "chỉ ra được những điểm hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong pháp luật về nghĩa vụ con người" mà còn khen ý tưởng nên soạn "Tuyên ngôn toàn cầu về nghĩa vụ con người" là "đột phá, táo bạo", đồng thời khẳng định việc xác lập, áp đặt nghĩa vụ lên các quyền đương nhiên của một cá nhân là "có giá trị nhân văn vượt khỏi khuôn khổ nghiên cứu thuần túy lý luận và luật học về nghĩa vụ con người" và là "cơ sở để rút ra những nhận định có giá trị để đưa ra các đề xuất hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam" [8]...
Chưa rõ khi nào thì tập thể được xem như "tinh hoa" của giới nghiên cứu – đào tạo luật gia tại Việt Nam hoặc sẽ khuyến cáo chính quyền Việt Nam, hoặc sẽ xây dựng xong đội ngũ luật gia đủ sức tác động đến chính quyền Việt Nam "hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam" theo hướng vừa đề cập. Cũng chưa rõ chính quyền Việt Nam có dám tiếp nhận và công khai "hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam" theo hướng ngược chiều với phần còn lại của nhân loại hay không nhưng gần đây, khi công chúng bắt đầu chú ý đến luận án của ông Việt, video clip ghi lại buổi bảo vệ luận án của ông Việt để ca ngợi "thành tựu" của ông trên YouTube đã được chuyển sang trạng thái "riêng tư", không cho tham khảo nữa[9].
Tương tự, bộ phận quản trị website của chùa Phật Quang – nơi ông Việt làm trụ trì – mới đưa trang web vào tình trạng "bảo trì", không cho thiên hạ truy cập nữa[10], tuy nhiên nếu chịu khó search trên Google vẫn có thể thấy một phần lời giới thiệu bài "Thượng tọa Thích Chân Quang bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ luật học" ca tụng ông Việt thế này :Và thật hy hữu, đúng ngày sinh thần củaNgười(09/12), Thượng tọa đã xuất sắc bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ Luật học,nhận được vô vàn lời..." (ảnh). Tiếc rằng sau khi công chúng, trong đó có không ít luật gia, giảng viên, chỉ ra những bất thường quanh chuyện "Người" trở thành tiến sĩ [11], ông Việt không muốn sắm vai "Người" nữa[12] !
Đại học Luật Hà Nội – nơi đỡ đầu, tạo ra và đưa Tiến sĩ Vương Tấn Việt vào học giới – cũng đang vất vả chống đỡ dư luận song phương thức chống đỡ mang sắc thái riêng của một nhà nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thay vì tham gia tranh luận để phân định đúng/sai về học thuật, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Đoan, Giảng viên cao cấp của Đại học Luật Hà Nội, người hướng dẫn ông Vương Tấn Việt thực hiện luận văn tiến sĩ đã cảnh báo công chúng thế này :Các facebooker hãy thận trọng và cân nhắc kỹ khi bình luận. Không xúc phạm đến danh dự của tổ chức, cá nhân, đừng tự đưa mình vào trạng thái như Nguyễn Phương Hằng bà chủ của công ty Đại Nam[13] !
***
Sự ngưỡng mộ của công chúng đối với nhà sư Thích Minh Tuệ, phản ứng của công chúng đối với nhiều Đại đức, Thượng tọa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đã đẩy Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến chỗ phải bịt miệng (cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức) Đại đức Thích Nhuận Đức[14], Thượng tọa Thích Chân Quang [15] và chấn chỉnh các khóa tu mùa hè, không để các thành viên trong tăng đoàn tự tung, tự tác như trước[16]. Chùa Ba Vàng – nơi Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì đột ngột thông báo "tạm hoãn các khóa tu còn lại trong hè này" vì bỗng dưng phát giác "bận một số Phật sự quan trọng trong mùa an cư kiết hạ" [17].
Không phải tự nhiên mà nhiều người cùng cho rằng Phật giáo tại Việt Nam đang trong giai đoạn đáng ngại tới mức "chưa bao giờ như bây giờ". Điểm đáng chú ý nhất là càng ngày càng nhiều người với không ít Phật tử cùng tin đó là hậu quả tất yếu của việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhất trí để Đảng dùng đạo pháp làm một trong những công cụ xây dựng chủ nghĩa xã hội !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/06/2024
Chú thích
[1] https://www.youtube.com/watch?v=m-rPS4baoAs&ab_channel=ChinhNhân
[5] https://www.youtube.com/watch?v=ODR3ct4dLxM&ab_channel=HộiĐồngCừu
[9] https://www.youtube.com/watch?v=IlauF4Ox1Z0&t=581s
[10] https://thientonphatquang.com/
[12] https://thientonphatquang.com/tt-thich-chan-quang-bao-ve-xuat-sac-luan-an-tien-si-luat-hoc/
[13] https://www.facebook.com/photo?fbid=10225078236878180&set=pcb.10225078281999308
[16] https://plo.vn/khoa-tu-mua-he-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-quy-dinh-ra-sao-post796250.html
[17] https://www.phunuonline.com.vn/chua-ba-vang-tam-hoan-cac-khoa-tu-mua-he-2024-a1521445.html