Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/01/2017

'Gái có công' và chuyện 'chiếc bệ' tượng Đức Thánh

Kỳ Duyên

ducthanh1

Bức tượng Trần Hưng Đạo tại nhà ông Tống Hồ Phương (xã Ninh Gia, Đức Trọng, Lâm Đồng).

Nếu không cải cách tư pháp một cách tương thích và xứng tầm, sự phát triển của quốc gia cũng sẽ hẫng hụt và khó vững bền, như bức tượng mà thiếu "chiếc bệ", cho dù đó là tượng của Đức Thánh.

Trong tuần, ngẫu nhiên có hai sự kiện lớn thu hút sự chú ý của dư luận xã hội. Bên Tây bán cầu, là sự giã từ chiếc ghế quyền lực của Tổng thống Mỹ tại một quốc gia lớn nhất nhì nhân loại - B. Obama kết thúc tròn hai nhiệm kỳ ở Nhà Trắng. Bên Đông bán cầu, ở nước Việt là tròn 9 tháng của một Chính phủ mới với tất cả những thách thức cùng cơ hội đang mở ra cho một Tuyên ngôn cam kết hành động đầy tính đổi mới : Một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân.

Gái có công chồng chẳng phụ

Chín tháng với một Chính phủ mới chưa phải thời gian dài. Nhưng sự quan tâm, đòi hỏi của nhân dân với sự hành động của Chính phủ trước bộn bề những cam go của sự phát triển thời hội nhập hiện đại, thì không thể chờ đợi. Chín tháng qua, nét phác thảo lớn nhất - theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp (Tuần Việt Nam, ngày 9/1), là Chính phủ đã "định hình con đường cải cách". Với hàng loạt biện pháp mang tính giải quyết các nút thắt. Đó là tháo gỡ những điểm nghẽn kinh tế, cải cách hệ thống ngân hàng, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, đối phó với tăng thâm hụt ngân sách, cải cách môi trường kinh doanh, v.v.

Tất cả những giải pháp tích cực về kinh tế, chứng tỏ Chính phủ có sự quyết liệt hành động.

Mặc dù, những giải pháp đó mới chỉ là những bước đi đầu tiên, có những "nút thắt" kinh tế mới chỉ… chạm vào, chưa được tháo gỡ, nhưng gái có công chồng chẳng phụ. Trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2017 của Ngân hàng Thế giới, đo lường mức độ thuận lợi trong kinh doanh ở 190 quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã tăng 9 bậc.

Những cải cách về hải quan liên quan đến thương mại đã giúp Việt Nam tăng 14 bậc nữa trong Chỉ số thúc đẩy Thương mại 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Mà theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, những cải cách như vậy đóng góp đáng kể cho đà tăng trưởng trong tương lai.

Thế nhưng, đó mới chỉ là vấn đề kinh tế.

Quyết định tăng trưởng kinh tế còn là vấn đề tổ chức, và con người. Là chuyện người tài và môi trường quản trị văn minh

Trong bài "Ấn tượng cuối năm 2016 : Lũ chuột - bình quý và Đổi mới là sống còn" (Tuần Việt Nam, ngày 30/12/2016), người viết bài từng đề cập đến một vấn đề rất cốt lõi của sự phát triển hay tụt hậu - từng là tâm điểm của hàng loạt bài báo trong năm đề cập, nổi lên như một hiện tượng nhức nhối, gây biết bao thị phi và tàn phá không tiếc niềm tin của người dân. Đó là lợi ích nhóm (tiêu cực). Một xã hội sẽ ra sao, nếu các nhóm lợi ích kiểu này o bế, bao vây sự phát triển ?

Và một vấn đề khẩn thiết cần đặt ra, một xã hội sẽ phát triển ra sao, nếu kinh tế thị trường đã bước những bước chân hội nhập, lợi ích nhóm vẫn ngấm ngầm giằng xé, còn nền tảng pháp luật vẫn là như ngày xưa ?

Cầm đèn chạy trước… pháp luật ?

Có một câu chuyện của người dân, rất nhỏ nhưng cũng khiến báo chí, các trang mạng xã hội ồn ào cả tuần qua. Nhỏ về quy mô, nhưng hóa ra, nó lại có tính phổ biến- sự lơ tơ mơ về pháp luật của những người được coi là công bộc của dân.

Đó là câu chuyện của gia đình ông Tống Hồ Phương xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đặt nghệ nhân dựng tượng Trần Hưng Đạo bằng đá Non Nước, cao khoảng 1,6 m trong sân nhà ông, trên phần đất được xây dựng công trình kiên cố. Chuyện chắc chẳng có gì ầm ĩ thế, nếu như không có những rắc rối đến là buồn cười.

Để có được bức tượng được đặt trên một chiếc bệ đá hoa cương cao 1m, trước đó, người nhà ông Phương đã phải lần lượt lên Phòng Văn hóa và thể thao huyện, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng xin phép. Do cho đến nay, chưa hề có quy định về việc người dân dựng tượng danh nhân trong khuôn viên gia đình, nên gia đình ông Phương được hướng dẫn cứ dựng tượng, với điều kiện không được tổ chức các hoạt động có tính chất mê tín dị đoan, bói toán.

Cứ tưởng việc đến đó đã xong xuôi, đâu ngờ tượng dựng xong, theo Tuổi Trẻ, ngày 12/1, ba ngày liên tiếp, chủ tịch xã, công an xã, đội xây dựng của xã đến yêu cầu gia đình phải tháo dỡ phần đế tượng. Anh Quang, người nhà ông Tống Hồ Phương cho biết, đoàn kiểm tra bảo, nếu đặt tượng không đế thì không sao, nhưng tượng có đế thì đó là vi phạm.

Người viết bài cứ ngơ ngẩn tự hỏi : Vì sao tượng không đế thì vô can, mà tượng có đế thì có… can ?

Không những thế, đoàn kiểm tra của xã còn lập biên bản yêu cầu trong 60 ngày không có giấy phép dựng tượng của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng phải tự tháo dỡ, nếu không sẽ cưỡng chế (?)

Rõ là các công bộc cầm đèn chạy trước… pháp luật.

Bởi chính Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng là nơi đã hướng dẫn gia đình ông Phương cứ dựng tượng, với điều kiện không được biến thành nơi tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan.

Chuyện cuối cùng cũng… tóe loe vì đây là thời của FB, có chuyện gì mà không được đưa lên thế giới phẳng ?

Và khi đã tóe loe, thì ý kiến của những nhà chuyên môn am hiểu những quy định của pháp luật về vấn đề này như ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch), bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Hữu Chí, Trưởng phòng Văn hóa và thể thao huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đều nhận xét chung, rằng việc đặt tượng của gia đình ông Tống Hồ Phương trong khuôn viên gia đình họ là không trái luật, còn việc làm của đoàn kiểm tra xã là quá cứng nhắc.

Cái sự cứng nhắc của các công bộc cơ sở không chỉ có ở xã Ninh Gia.

Cách đây 3 năm, câu chuyện hòn đá của người dân đào được trong khuôn viên nhà họ đã bị huyện Chư Sê (Gia Lai) bắt nhốt trong lồng sắt hẳn hoi, khiến cho bạn đọc, ai nhìn thấy hòn đá bị… giam cũng phải bật cười.

Và vụ việc không dừng ở đó. Với những tình tiết khôi hài, sự sĩ diện của các công bộc đã trót "bắt giam" hòn đá, mà cuối cùng, hòn đá - vốn rất xấu xí, cũng đâu phải là dạng đá quý, buộc phải đứng chồm chỗm trên một cái bệ (lại bệ) mà trước đó tạc tượng một vị anh hùng Tây Nguyên, trên một con đường ngã ba trung tâm thành phố Pleiku. Âu cũng là "cái số" của hòn đá vô tri vô giác phải làm… non bộ bất đắc dĩ.

Vụ việc tức cười đó là kết cục của một câu chuyện dài về trình độ hiểu biết pháp luật rất kỳ cục của các công bộc huyện Chư Sê, để lại tiếng… "tiếu lâm" đến tận giờ.

Còn khác hẳn với hòn đá Chư Sê, câu chuyện quán café Xin Chào (huyện Bình Chánh - Thành phố Hồ Chí Minh) dạo nào, rất có thể từ một vụ việc chỉ đáng xử lý hành chính, có nguy cơ thành một vụ án hình sự, nếu không có sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lúc đó mới nhậm chức, hẳn ông chủ quán café Xin Chào sẽ còn… đi xa hơn trên con đường pháp lý ngoài sự tưởng tượng.

Sự mù mờ nhưng cứng nhắc về tư duy am hiểu và thực hiện luật pháp (chưa bàn tới động cơ cá nhân trong từng vụ việc) của các công bộc từ cơ sở, cho thấy nền tư pháp nước Việt có quá nhiều vấn đề, cần phải cải cách, để tương thích với vai trò - một trong những công cụ quản trị quốc gia, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, trước đòi hỏi của thời hội nhập.

Đó mới chỉ là những vụ việc nhỏ mà xử lý của các công bộc phản chiếu trình độ nhận thức và thực thi pháp luật còn quá nhiều khiếm khuyết. Chưa tính tới 71 vụ án oan trong 3 năm (2011-2014) theo báo cáo của Ủy ban thường vuh Quốc hội khóa XII trong kỳ giám sát 3 năm của mình.

Cải cách tư pháp ra sao, thế nào ? Có lẽ còn là bài toán hóc búa hơn cả bài toán kinh tế mà Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang từng bước tìm đáp án.

Nhưng nếu không cải cách tư pháp một cách tương thích, và xứng tầm, sự phát triển của quốc gia cũng sẽ hẫng hụt và khó vững bền, như bức tượng mà thiếu "chiếc bệ", cho dù đó là tượng của Đức Thánh.

Kỳ Duyên

Nguồn : Một Thế Giới, 16/01/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kỳ Duyên
Read 633 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)