Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/07/2024

Tại sao lại là chợ Bến Thành ?

Đặng Đình Mạnh

Công an đã trở thành ông chủ mới thay thế cho đảng cộng sản già nua

Năm 1966, miền Nam xảy ra việc đầu cơ tích trữ để tăng giá gạo làm rối loạn thị trường. Từ giá 5 đồng/kg, giá gạo tăng cao, có lúc lên đến 7,5 đồng/kg. Để đối phó, thủ tướng thời bấy giờ là ông Nguyễn Cao Kỳ chủ trương đưa ra xét xử rồi tuyên án tử hình một thương gia gốc Hoa là ông Tạ Vinh. Việc tử hình được thực hiện vào rạng sáng ngày 14/03/1966 trên lề đường Sở Hỏa Xa, tọa lạc ngay vòng xoay công viên Quách Thị Trang, nhìn sang bên kia đường là cửa nam chợ Bến Thành. Khi ấy, tin tức loang ra công chúng, giá gạo lập tức trở về giá 4,5 đồng/kg.

trattu1

Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/7/2024. Ảnh : VPCTN

Cũng tại cửa nam chợ Bến Thành, ngày 01/07/2024, Bộ Công an chính thức ra mắt "Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở" đồng loạt tại 63 tỉnh thành trong cả nước. Nhưng nơi được tổ chức quy mô và trang trọng nhất là tại Sài Gòn, ngay cửa nam Chợ Bến Thành. Đích thân tân Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, thậm chí, cả tân Chủ tịch nước là Tô Lâm, một cựu Bộ trưởng Bộ Công an cũng đều chọn nơi đến dự buổi ra mắt tại Sài Gòn.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao không chọn nơi tổ chức ra mắt tại Hà Nội, là thủ đô, là đầu não chính trị theo truyền thống ? Thậm chí, nếu tại Sài Gòn, tại sao không chọn dinh Độc Lập hoặc đại lộ Thống Nhất, nơi thường tổ chức các sự kiện của chế độ mà lại chọn nơi tổ chức tại Chợ Bến Thành ?

Với chế độ cộng sản, việc chọn nơi tổ chức các sự kiện quan trọng luôn luôn mang hàm ý thông điệp, mà việc tổ chức sự kiện ra mắt "Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở" là một trong những dịp như vậy.

Lần này, thông qua sự kiện ra mắt, nó giúp đánh dấu một loạt sự đắc thắng của lực lượng công an trong tương quan hệ thống quyền lực chính trị, cả về thế và lượng.

Về thế. Việc một cán bộ công an chiếm giữ các ghế trong tứ trụ quyền lực như Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng chính phủ là điều bình thường trước nay. Trước đó, Trần Đại Quang, một cán bộ công an đã từng ngồi ghế Chủ tịch nước. Lần lượt, Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Minh Chính cũng đều xuất thân là công an trước khi ngồi vào ghế Thủ tướng chính phủ. Nhưng lần này, Tô Lâm, một cán bộ công an chỉ có thể chiếm giữ chiếc ghế Chủ tịch nước sau khi phải ra tay hạ bệ hai người tiền nhiệm khác trong thời gian rất ngắn gồm Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng. Sự đắc thắng ấy cần được tạo dấu ấn để ghi nhớ.

Không chỉ thế, khi Tô Lâm dợm rời ghế Bộ trưởng Bộ Công an, thì lực lượng công an đã sớm đề cử thuộc hạ thân tín của Tô Lâm là Lương Tam Quang vào suất thành viên Bộ Chính trị để làm dọn chỗ nhận ghế Bộ trưởng Bộ Công an. Nhưng trời chẳng chiều lòng người, Lương Tam Quang không đủ túc số phiếu vào Bộ Chính trị. Chẳng sao cả, kế hoạch B được sử dụng. Bộ Công an triệu tập lãnh đạo ngành công an từ 63 tỉnh thành về Hà Nội tham dự hội nghị tổng kết ngành, nhân dịp ấy, hội nghị ra nghị quyết đề cử Lương Tam Quang vào chiếc ghế bộ trưởng đang để trống. Đây là hành động vô tiền khoáng hậu, vì từ trước cho đến nay, chức vụ bộ trưởng này vẫn phải do Bộ Chính trị chỉ định. Thế nhưng, lần này, trước uy thế của Bộ Công an, thì Bộ Chính trị không có cách nào khác mà đành phải muối mặt chấp thuận nghị quyết ấy, giao cho Quốc hội phê chuẩn. Sự đắc thắng chưa từng có này càng cần được tạo dấu ấn để ghi nhớ.

Theo cách đó, không chỉ Bộ Chính trị, mà cả tiểu ban nhân sự trung ương của đảng cộng sản do Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đều bị vô hiệu hóa một cách đầy bẽ bàng.

Ngoài ra, trước nay, đề nghị của Bộ Công an muốn chiếm giữ đến 85% trên số tiền phạt trong ngành cảnh sát giao thông để sử dụng vốn bị treo vô thời hạn, thì nay, với tương quan quyền lực chính trị mới, Quốc hội cũng đã phải chấp thuận phê chuẩn nguồn thu này cho Bộ Công an.

Chưa hết, về lượng. Với việc ra mắt "Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở" để làm cánh tay nối dài cho Bộ Công an, thì họ đã công khai hợp thức hóa tỷ lệ 1/15, tức là cứ 15 lương dân lại có một công an kiểm soát. Theo đó, Việt Nam đã chính thức trở thành một cường quốc công an. Có lẽ, đứng thứ bậc trên cả đàn anh Trung Quốc.

Sự đắc thắng về thế và lượng của lực lượng công an vào thời điểm này phải được khải hoàn tương xứng. Thế nên, tổ chức ra mắt "Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở" ngay tại chợ Bến Thành, thậm chí, dựng khán đài rực đỏ sắc máu che khuất cửa nam chợ Bến Thành, biểu tượng của Sài Gòn, của miền nam, cũng là nơi quân phiệt từng bêu xác, trấn áp kẻ tội phạm vào năm 1966. Rõ ràng, là một sự chọn lựa địa điểm hoàn hảo.

Một mặt, khắc dấu ấn đăng quang, khải hoàn của lực lượng công an trong hệ thống quyền lực chính trị quốc gia. Theo đó, công an đã trở thành ông chủ mới thay thế cho đảng cộng sản già nua. Mặt khác, nó chuyển thông điệp đe dọa, dằn mặt đối với người dân miền nam đang chịu cảnh nô lệ, cày bừa cho những kẻ "có lý luận", rằng : sự dã man, quân phiệt, vô pháp là những điều mà chế độ luôn sẵn lòng.

Trong men say đắc thắng lúc này, có lẽ, chiếm giữ cả chiếc ghế tổng bí thư nữa cũng chưa đủ thỏa mãn với tham vọng của họ, những kẻ kiêu binh đang cứ ngỡ mình là cái thế.

Khốn thay, số phận kiêu binh, sách sử còn ghi đầy…

Đặng Đình Mạnh

Nguồn : VNTB, 04/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đặng Đình Mạnh
Read 594 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)