Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/07/2024

Không thắng được Ukraine, Putin quyết ăn thua đủ với NATO

Nhiều nguồn tin

Thượng đỉnh NATO ở Washington đưa ra những cam kết mới hỗ trợ Ukraine

Thanh Phương, RFI, 12/07/2024

Hội nghị thượng đỉnh của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đánh dấu 75 năm tồn tại của khối quân sự này đã bế mạc hôm qua, 11/07/2024, tại Washington, Hoa Kỳ, sau khi đưa ra nhiều cam kết mới yểm trợ Ukraine chống quân xâm lược Nga. 

240710g-summit-nac

Lần đầu tiên, một bức ảnh tại hội nghị thượng đỉnh Washington chụp lại toàn bộ phái đoàn của 32 quốc gia thành viên NATO (9/7/2024)

Các nước đồng minh đã thông báo sắp chuyển giao cho Kiev các chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo, các hệ thống phòng không mới, cam kết một khoản viện trợ quân sự ít nhất là 40 tỷ euro, đồng thời xác định tiến trình Ukraine gia nhập NATO là "không thể đảo ngược được". 

Theo hãng tin AFP, là khách mời danh dự của thượng đỉnh Washington, tổng thống Volodymyr Zelensky hôm qua đã bày tỏ hy vọng là 5 hệ thống phòng không mà khối NATO hứa cung cấp sẽ nhanh chóng được đưa đến Ukraine, để giúp Kiev chống trả các cuộc oanh kích của quân Nga. Ông cũng kêu gọi các nước thành viên của Liên Minh bãi bỏ các hạn chế về việc sử dụng vũ khí của những nước này để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga. 

Nhiều nước trong NATO cho tới nay vẫn hạn chế việc sử dụng các vũ khí mà họ cung cấp cho Kiev. Ví dụ Đức lo ngại leo thang xung đột với Nga. Riêng Hoa Kỳ thì đã nới lỏng các hạn chế, nhưng vẫn không để cho lực lượng Ukraine toàn quyền sử dụng các vũ khí của Mỹ.

Trong một tuyên bố, các lãnh đạo khối NATO đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về "vai trò mang tính quyết định" của Trung Quốc yểm trợ Nga kể từ khi tổng thống Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. 

Bên lề thượng đỉnh NATO, Nhà Trắng hôm qua thông báo kể từ 2026, Hoa Kỳ sẽ triển khai trên lãnh thổ nước Đức các tên lửa tầm xa, có thể bắn tới các mục tiêu xa hơn so với hệ thống tên lửa của Mỹ hiện được bố trí ở Châu Âu. 

Đối với Nga, các thông báo nói trên cũng như việc NATO tăng cường yểm trợ cho Ukraine là bằng chứng cho thấy khối quân sự này đã can dự "trực tiếp" vào Ukraine và quay trở lại thời kỳ "Chiến tranh lạnh". 

Thanh Phương

***********************

NATO trực tiếp công kích Trung Quốc giúp Nga xâm lược Ukraine

Thanh Hà, RFI, 11/07/2024

Trung Quốc đã hỗ trợ Nga trong chiến tranh Ukraine và hành động này mang tính "quyết định". Trong cuộc họp báo hôm 10/07/2024, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đã nêu rõ "trách nhiệm" của Bắc Kinh trong cuộc xung đột mà Nga tiến hành "một cách bất hợp pháp". Phát biểu này được đưa ra một ngày trước khi 32 thành viên khối NATO thảo luận với các đối tác Châu Á -Thái Bình Dương.

nato2

Tại Trung tâm Hội nghị Washington, Washington DC, Mỹ vào ngày 10/7/2024, các nguyên thủ của các quốc gia thành viên NATO chụp ảnh chung trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO. (Nguồn ảnh : Ludovic Mảin/AFP via Getty Images)

Theo hãng tin Anh Reuters, trong thông cáo chung của thượng đỉnh được tổ chức tại Washington đánh dấu 75 năm thành lập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, các bên nhấn mạnh đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc đang làm dấy lên "mối quan ngại sâu sắc". Những hỗ trợ từ phía Bắc Kinh mang tính "quyết định" tăng thêm sức mạnh cho cỗ máy chiến tranh của tổng thống Vladimir Putin. Lập trường cứng rắn chưa từng thấy của NATO đã được thể hiện qua phát biểu của tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg với báo chí hôm qua : 

"Trung Quốc cung cấp các thiết bị lưỡng dụng, từ vi mạch điện tử đến nhiều công cụ khác để giúp Nga chế tạo tên lửa, bom, máy bay và nhiều loại vũ khí dùng để tấn công Ukraine. Một khi điều này chính thức được phơi bày ra ánh sáng, tất cả các đồng minh trong NATO đều biết, thì đây là một thông điệp quan trọng gửi đến Trung Quốc.

Đương nhiên đối với chúng tôi, mọi việc không thể tiếp tục như vậy mà không ảnh hưởng gì đến lợi ích, đến uy tín của Trung Quốc. Dù vậy, quyết định sau cùng tùy thuộc vào mỗi thành viên. Theo tôi, thông điệp mà NATO đưa ra nhân thượng đỉnh lần này rất rõ ràng và rất mạnh. Và chúng tôi nêu bật trách nhiệm của Trung Quốc trong cuộc xâm lược Ukraine mà Nga tiến hành".

Như chính ông Stoltenberg vừa giải thích, NATO không có thẩm quyền trừng phạt Trung Quốc, nhưng khối này yêu cầu Bắc Kinh ngừng hỗ trợ Moskva cả về vật chất lẫn chính trị. Ngoài ra, NATO đánh giá Bắc Kinh tiếp tục đặt ra những "thách thức có hệ thống", đặc biệt là trong các lĩnh vực không gian, hạt nhân.

Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc

Trung Quốc hôm 11/07/2027 đã lập tức đáp trả. Thông cáo của bộ Ngoại Giao nước này chỉ trích NATO có những lời lẽ hung hăng "như vào thời kỳ chiến tranh lạnh". Bắc Kinh cho rằng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương khơi dậy mối đe dọa Trung Quốc để kích động những xung đột và đối đầu trên thế giới. Cũng theo quan điểm của Bắc Kinh, thay vì lên án Trung Quốc hỗ trợ Nga xâm chiếm Ukraine, phương Tây "nên nghĩ lại xem nguồn gốc cuộc xung đột này là từ đâu".

Căng thẳng bùng lên vào ngày cuối của hội nghị Washington, với 32 thành viên NATO họp với 4 nước Châu Á Thái Bình Dương Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Bắc Kinh coi cuộc họp bên lề thượng đỉnh Washington này là "một cái cớ để NATO mở rộng ảnh hưởng sang Châu Á".

Thanh Hà

***************************

NATO liên tiếp thông báo viện trợ quân sự cho Ukraine chống Nga

Thu Hằng, RFI, 11/07/2024

Ukraine sắp nhận được những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên và sẽ nhận thêm 40 tỉ euro viện trợ cho năm 2025, việc nước này gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO là "tiến trình không thể đảo ngược được". Ngày 10/07/2024, trong ngày họp đầu tiên của thượng đỉnh NATO ở Washington, tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhận được những cam kết vững chắc từ các đồng minh để ngăn cản Nga giành chiến thắng.

nato3

Tổng thống Joe Biden phát biểu trong phiên khai mạc thượng đỉnh NATO ngày 10/07 2024, tại Washington, Hoa Kỳ. AP - Evan Vucci

Theo AFP, ngay trong phiên khai mạc, nhiều nước thông báo đã bắt đầu chuyển chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine. Cụ thể, theo ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, những chiến đấu cơ này đến từ Đan Mạch, Hà Lan và "sẽ bay trên bầu trời Ukraine mùa hè này". Hoa Kỳ và Ukraine cũng đàm phán về khả năng cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công lãnh thổ Nga.

Ngoài ra, hệ thống phòng không Ukraine sẽ được củng cố nhờ nhiều thiết bị khác mà Bỉ và Na Uy cam kết cung cấp để ngăn các vụ tấn công liên tiếp bằng tên lửa của Nga nhắm vào các thành phố, công trình hạ tầng cơ sở ở Ukraine. Trước đó, tổng thống Joe Biden cho biết Kiev sẽ nhận được thêm 5 hệ thống phòng không, trong đó có 4 hệ thống Patriot, và nhiều tên lửa địa đối không được cho là có thể bắn chặn hiệu quả tên lửa của Nga. Đức, Hà Lan, Rumani và Ý cũng sẽ tham gia hỗ trợ Ukraine, nhưng hiện chưa có thông tin chi tiết.

Tuyên bố chung của NATO thông báo khoản viện trợ quân sự cho Ukraine năm 2025 lên tới 40 tỉ euro. Về mong muốn được mời gia nhập NATO, Ukraine sẽ còn phải chờ, do nhiều nước, trong đó có Mỹ, phản đối. Tuy nhiên, NATO trấn an rằng việc Ukraine gia nhập NATO là "tiến trình không thể đảo ngược được". Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá những quyết định được NATO đưa ra "thể hiện lập trường rõ ràng mà Ukraine cần".

Thu Hằng

***************************

Nga tổ chức lại công nghiệp quốc phòng : Cơn ác mộng của NATO

Thanh Hà, RFI, 11/07/2024

Trong diễn văn khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington, tổng thống Joe Biden khẳng định Liên minh Bắc Đại Tây Dương "hùng mạnh hơn bao giờ hết". Hoa Kỳ cũng hài lòng thấy 23 trong số 32 thành viên NATO dành đến 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng.

nato4

Đoàn xe tăng Nga tiến về Nam Ossetia của Gruzia ngày 09/08/2008, chỉ bốn tháng sau khi hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucarest quyết định chưa kết nạp hai nước Ukraine và Gruzia. AP - Musa Sadulayev

Thế nhưng, theo giới quan sát, vẫn có nhiều yếu tố khiến phương Tây lo ngại. Ngành công nghiệp phòng thủ của Nga đã hồi sinh, trong lúc các nhà sản xuất của Châu Âu và Mỹ vẫn gặp nhiều chậm trễ. Đó là chưa kể đến ẩn số chính trị tại Châu Âu cũng như tại Hoa Kỳ có thể làm thay đổi chiến lược tự chủ về quốc phòng của phương Tây. 

Tháng 2/2022, trong những ngày đầu cuộc chiến, giới phân tích đã nói đến sự yếu kém và lệ thuộc của các nhà sản xuất vũ khí Nga vào phụ tùng hay công nghệ của phương Tây. Nhưng tháng 4/2024, tướng Christopher Cavoli, điều phối toàn bộ các lực lượng của Hoa Kỳ tại Châu Âu, báo động Moskva đang tiến gần đến mục tiêu sản xuất "1.200 chiến xa, cung cấp 3 triệu đầu đạn và roket một năm". Khối lượng này "lớn gấp ba lần so với thẩm định của Âu Mỹ hồi đầu 2022". Chỉ riêng về đạn dược, "khả năng sản xuất của một mình nước Nga còn lớn hơn so với của 32 thành viên NATO cộng lại".

Để có được kết quả này, Moskva đã tổ chức lại toàn bộ cỗ máy công nghiệp : trong nhiều lĩnh vực, các nhà máy hoạt động ngày đêm. Chính quyền đồng thời khởi động lại nhiều cơ sở đang chìm vào quên lãng. Điều này giải thích một phần lý do tháng 5/2024 tổng thống Vladimir Putin chỉ định Andrei Belooussov, một nhà kinh tế, vào chức vụ bộ trưởng Quốc Phòng.

Thêm vào đó, như nhận định của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Institute for the Study of War của Mỹ), Moskva có thể trông chờ vào một số đối tác như Iran, Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên để lách cấm vận của phương Tây. Từ mùa thu 2022, Nga ồ ạt sử dụng drone do Iran chế tạo. Về đạn dược, Bình Nhưỡng là một nguồn cung cấp. Theo các số liệu của Washington, trong năm 2023, Bắc Triều Tiên đã chuyển giao 2,5 triệu đạn pháo cho Nga, đủ để dùng trong "nhiều tháng" trên chiến trường Ukraine. Tháng 6/2024, "hiệp ước hợp tác quân sự hỗ tương", được tổng thống Vladimir Putin và chủ tịch Kim Jong Un ký kết, lại càng gắn chặt hai quốc gia này với nhau.

Nhìn đến điểm tựa thứ ba, có lẽ quan trọng nhất, của Moskva là Bắc Kinh, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS giải thích, ngay từ khi đưa quân xâm chiếm Ukraine, Nga đã dựng nên cả một hệ thống hợp tác tinh vi với Trung Quốc. Chính quyền Tập Cận Bình không trực tiếp chuyển giao vũ khí sát thương hay thiết bị quân sự cho Nga, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga riêng trong năm 2022 tăng 26 % và trong số các mặt hàng bán cho Nga có rất nhiều sản phẩm "lưỡng dụng", tức là được sử dụng cả trong lĩnh vực dân sự lẫn quân sự.

Vào lúc mà cỗ máy công nghiệp quốc phòng của Nga đã được tổ chức lại để phục vụ chiến tranh, những tên tuổi lớn trong ngành tại Mỹ đã hoạt động hết công suất. Tại Châu Âu, trong khi một số quốc gia như Pháp, Đức tập trung vào việc bảo đảm "tự chủ công nghiệp, tự chủ về quốc phòng", thì một số nước khác như Ba Lan gấp rút ký hợp đồng mua thiết bị của Hàn Quốc để nâng cao khả năng phòng thủ vì sợ rằng, sau Ukraine, Warszawa sẽ là mục tiêu kế tiếp mà Moskva nhắm tới.

Song, sau hơn 2 năm chiến tranh Ukraine, các nhà máy sản xuất vũ khí của Châu Âu vẫn chậm trễ trong việc chuyển giao đạn dược và các hệ thống phòng thủ cho Kiev. Các nhà máy của Pháp chỉ mới được khởi động lại và chưa bắt kịp được thời gian đã mất.

Ẩn số chính trị tại Âu, Mỹ

Thêm vào đó là yếu tố chính trị tại cả Châu Âu lẫn Hoa Kỳ cùng gây hoang mang. Mỹ sẽ bầu lại tổng thống vào tháng 11 năm nay. Tổng thống mãn nhiệm Joe Biden, 81 tuổi, đang trong thế yếu trước ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump. Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã không ngớt lời khen ngợi Putin và quan niệm Mỹ không có trách nhiệm phải bảo vệ Châu Âu, thậm chí Washington có thể rút khỏi NATO.

Trong khi đó, trên Lục địa già (Châu Âu), chủ trương tự chủ về quốc phòng cho toàn khối Liên Âu mà Paris đề xướng từ 2017 vẫn không thể thành hiện thực, kể cả sau khi Nga đưa quân xâm chiếm Ukraine, chiến tranh xảy ra ngay sát cạnh biên giới Liên Âu. Trước khả năng sau bầu cử Mỹ, Donald Trump trở lại cầm quyền Liên Âu muốn thúc đẩy trở lại kế hoạch tự chủ về quốc phòng của tổng thống Pháp. Hiềm nỗi, sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tháng 6/2024, tổng thống Emmanuel Macron giải tán Quốc hội, đẩy nước Pháp vào một thời kỳ "bất định" về chính trị, và suýt nữa thì đảng cực hữu bài ngoại và thân Nga đã lên cầm quyền. Tại Pháp, cũng như tại nhiều nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu, các đảng cực hữu đang lên như diều gặp gió và ngoại trừ đảng cực hữu của Ý, phần còn lại trong số này chủ trương dĩ hòa vi quý với nước Nga của Putin.

Thêm một điểm khác khiến các lãnh đạo NATO đang họp tại Washington lo lắng, đó là từ nay đến cuối năm 2024 Hungary giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Thủ tướng nước này, Viktor Orban, được coi là "cánh tay nối dài" của điện Kremlin trong Liên Âu. 

Tại Moskva, những thông tin về quân số, về những người lính tử vong trên chiến trường Ukraine cũng như những phương tiện trên bộ, trên không hay trên biển được huy động sang Ukraine thuộc diện bí mật quốc gia. Các nhà phân tích phương Tây khó thẩm định được một cách chính xác tiềm lực quân sự của Nga ở thời điểm hiện tại, nhưng họ biết rất rõ về thực lực, về tiềm năng huy động các phương tiện quân sự của các nước đồng minh trong NATO, về những nguy cơ rình rập các nền dân chủ qua các kỳ bầu cử…

Có lẽ những thông tin và dự phóng liên quan trực tiếp đến các nước phương Tây mới chính là điều khiến NATO lo ngại, hơn cả những báo cáo về khả năng quân sự của nước Nga.

Thanh Hà

Nguồn : RFI,11/07/2024

**************************

Thủ tướng Nhật Bản tăng cường hợp tác với NATO

Thu Hằng, RFI, 11/07/2024

Sự hỗ trợ của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraine cho thấy hai khu vực từ giờ kết nối với nhau về mặt chiến lược. Theo thủ tướng Nhật Fumio Kishida, "không thể tách rời an ninh của Châu Âu-Đại Tây Dương với an ninh của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương". Trong ngày thứ hai của thượng đỉnh Washington, 11/07/2024, các nước thành viên NATO họp với bốn đối tác Châu Á-Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand để thắt chặt hợp tác.

nato5

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Wasshington, Mỹ, ngày 10/07/2024. Ảnh AP - Susan Walsh

Thông tín viên RFI Frédéric Charles tại Tokyo cho biết thêm :

Thủ tướng Fumio Kishida lo sợ rằng "Ukraine ngày hôm nay sẽ là Đông Á ngày mai". Đối với Nhật Bản, thắt chặt quan hệ giữa NATO và các đối tác ở Châu Á-Thái Bình Dương trở thành một ưu tiên. Tokyo đang tham gia cùng với các nước phương Tây trừng phạt Nga, đồng thời viện trợ kinh tế và cung cấp thiết bị quân sự "không sát thương" cho Ukraine.

Bên lề thượng đỉnh NATO, các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand dự kiến họp bốn bên để tái khẳng định sự hợp tác nhằm đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Nga ở vùng eo biển Đài Loan và ở vùng Thái Bình Dương.

Cả bốn đồng minh của Mỹ khẳng định không hề có ý định thiết lập một liên minh theo kiểu NATO ở Thái Bình Dương. Trung Quốc vẫn là một đối tác thương mại quan trọng đối với các doanh nghiệp của những nước này, nhưng thái độ nguy hiểm và hiếu chiến của Bắc Kinh ở trong vùng đã khiến những nước này gia tăng tập trận chung và chia sẻ thông tin tình báo.

Nhật Bản muốn NATO mở văn phòng liên lạc ở Tokyo. Yêu cầu này càng cấp thiết hơn kể từ khi Trung Quốc trở thành một mối đe dọa chung cho Châu Âu và Châu Á.

Thu Hằng

**************************

Thượng đỉnh NATO khai mạc : Hậu thuẫn Ukraine chống Nga xâm lược là chủ đề trọng tâm

Trọng Thành, RFI, 10/07/2024

Thượng đỉnh của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO khai mạc hôm qua, 09/07/2024, tại Washington, Hoa Kỳ, đúng vào dịp khối này kỷ niệm 75 năm thành lập. Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài diễn văn tái khẳng định sự hậu thuẫn mạnh mẽ của NATO giúp Ukraine chống Nga xâm lược. 

nato6

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại thượng đỉnh NATO, Washington, Hoa Kỳ, ngày 09/07/2024. AP - Evan Vucci

Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

"Như mọi nguyên thủ quốc gia, tổng thống Joe Biden coi trọng các biểu tượng. Ông đã có bài diễn văn tại chính nơi mà Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết năm 1949. Mục tiêu là để nhấn mạnh rằng NATO giờ đây hùng mạnh hơn xưa và liên minh cần có Hiệp ước này để đối mặt với các thách thức hiện tại, như trong việc hậu thuẫn đối tác Ukraine. Kiev sẽ nhận được thêm 5 hệ thống phòng không để chống xâm lược Nga.

Tổng thống Biden nói : "Putin không muốn gì hơn là Ukraine bị khuất phục hoàn toàn, là kết liễu nền dân chủ tại Ukraine, hủy diệt nền văn hóa Ukraine, xóa Ukraine khỏi bản đồ thế giới. Chúng ta cũng biết là chế độ Putin sẽ không dừng lại ở Ukraine. Nhưng quý vị đừng lầm, Ukraine có thể và sẽ chặn đứng được bước tiến của Putin".

Phát biểu của tổng thống Biden có mục tiêu trấn an các đồng minh về cam kết của Mỹ. Nhưng ông Biden cũng hiểu rằng các đồng minh lo ngại về khả năng nếu đắc cử Donald Trump có thể đầu tư ít hơn cho liên minh. Về vấn đề này, tổng thống Mỹ tìm cách trấn an : "Trong lưỡng đảng Hoa Kỳ, đại đa số hiểu rằng NATO giúp chúng ta được bảo đảm hơn về mặt an ninh. Việc các đại diện của các đảng Dân chủ và Cộng hòa có mặt tại đây là minh chứng cho điều này".

Ông Biden cũng cho biết khi ông kế nhiệm Donald Trump, mới chỉ có 9 quốc gia đạt được mục tiêu dành 2% GDP cho chi phí quân sự như đòi hỏi của tổng thống Mỹ tiền nhiệm, nhưng hiện tại đã có 23 nước".

Tối hôm qua, tổng thống Mỹ cùng các lãnh đạo Đức, Ý, Hà Lan và Rumani đã ra một thông cáo chung, cho biết cấp thêm cho Kiev nhiều hệ thống phòng không mới, trong đó có 5 hệ thống Patriot, loại vũ khí đặc biệt hiệu quả trong việc đánh chặn các tên lửa đạn đạo của Nga. Theo Reuters, như vậy phương Tây đã cung cấp đủ số lượng hệ thống tên lửa phòng không Patriot tối thiểu cần thiết, theo yêu cầu của Kiev.

Trọng Thành

**************************

Thượng đỉnh ở Washington : Ukraine hy vọng NATO hứa kết nạp trong tương lai

Phan Minh, RFI, 10/07/2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm qua 09/07/2024, đã tới Washington để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, kéo dài đến ngày mai 11/07. Nguyên thủ Ukraine hy vọng các quốc gia thành viên NATO đưa ra những cam kết cụ thể về việc kết nạp Kiev, cũng như tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine để chống quân Nga xâm lược.

nato7

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Viện Ronald Reagan, bên lề thượng đỉnh NATO tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 09/07/2024. AP - Jose Luis Magana

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan tường trình :

Gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương một ngày nào đó là mục tiêu chiến lược của Nhà nước Ukraine, nhưng triển vọng này vẫn không có gì chắc chắn và các nhà lãnh đạo Ukraine hy vọng rằng vào cuối hội nghị thượng đỉnh, các nước thành viên NATO sẽ đưa ra lời hứa rằng kết nạp Ukraine trong tương lai là một điều "không thể đảo ngược được".

Ngoài ra, một ngày trước khi khởi hành đến Washington, Volodymyr Zelensky đã nêu ra các ưu tiên của Ukraine trong hội nghị thượng đỉnh này. Trước hết, Ukraine sẽ kêu gọi các đối tác cung cấp cho Kiev thêm nhiều hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố Ukraine và cơ sở hạ tầng quan trọng bị hư hại do các cuộc không kích liên tục.

Sau đó, Zelensky cũng sẽ kêu gọi các đồng minh trong NATO cung cấp thêm chiến đấu cơ F-16 trong 2 năm tới. Những chiếc F-16 đầu tiên dự kiến từ Hà Lan sắp tới Ukraine, nhưng quân đội Ukraine sẽ cần thêm F-16 nếu muốn chống lại ưu thế trên không của Nga.

Cuối cùng, hơn bao giờ hết, phái đoàn Ukraine sẽ tìm cách thuyết phục phương Tây cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Liên Bang Nga bằng vũ khí phương Tây, giải pháp duy nhất để Kiev ngăn chặn những cuộc oanh kích không ngừng nghỉ như hôm thứ Hai vừa qua.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Thanh Hà, Thu Hằng, Trọng Thành, Phan Minh
Read 368 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)