Nga cảnh báo các thủ đô Châu Âu có thể là mục tiêu trả đũa, nếu Mỹ bố trí tên lửa tầm xa tại Đức
Hôm 13/07/2024, điện Kremlin cảnh báo Châu Âu có nguy cơ sẽ phải hứng chịu các đòn trả đũa của Nga nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm xa tại Đức. Quyết định triển khai tên lửa được Hoa Kỳ và đồng minh đưa ra trong dịp thượng đỉnh NATO tuần qua tại Washington, nhằm răn đe mọi mưu toan của Moskva tấn công một quốc gia thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.
Quân đội Mỹ bắn thử phiên bản đầu tiên của Hệ thống tên lửa chiến thuật, tại khu bắn thử White Sands Missile Range, Fort Bragg N.C., bang New Mexico, Mỹ, ngày 14/12/2021. Ảnh tư liệu minh họa : AP - John Hamilton
Trong bài phát biểu trên đài truyền hình Nga Russia 1, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, khẳng định : "Có một tình huống trớ trêu, đó là Châu Âu sẽ là mục tiêu của các tên lửa của Nga, trong lúc đất nước chúng tôi là mục tiêu của các tên lửa Mỹ. Nước Nga đã biết, đã trải qua tình thế này. Chúng tôi có khả năng đánh chặn các tên lửa như vậy, nhưng các nạn nhân (của một đòn trả đũa từ Nga) có thể là thủ đô các nước Châu Âu".
Phát ngôn viên điện Kremlin cho rằng việc Mỹ triển khai các tên lửa tầm xa có thể làm Châu Âu "tan rã", tương tự như việc Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Điện Kremlin coi quyết định tái triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ tại Châu Âu như sự trở lại với thời "Chiến tranh Lạnh" với cuộc khủng hoảng "tên lửa Châu Âu" cuối những năm 70 và trong thập niên 80, khi Mỹ và Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân tại Châu Âu.
Cuộc khủng hoảng chấm dứt với việc Mỹ và Liên Xô ký kết Hiệp ước về Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), cấm bố trí tại Châu Âu các hỏa tiễn đạn đạo và tên lửa hành trình trên bộ, có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Tuy nhiên Hiệp ước này đã bị đình chỉ sau khi chính quyền Mỹ thời tổng thống Donald Trump quyết định rút vào năm 2019, với cáo buộc Moskva không tuân thủ Hiệp định INF.
Quyết định triển khai tạm thời các tên lửa SM-6 và tên lửa Tomahawk có tầm bắn 1.600 km, có thể mang đầu đạn hạt nhân tại Đức kể từ năm 2026 vốn không được phép nếu Hiệp định nói trên còn có hiệu lực.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, quan hệ giữa Nga và NATO đã xấu đi nghiêm trọng. Nhiều quốc gia sườn đông NATO lo ngại sẽ trở thành mục tiêu tấn công tiếp theo của Nga. Thông cáo chung Mỹ - Đức hôm 11/07 về việc triển khai tên lửa nhấn mạnh là quyết định này "cho thấy cam kết vững chắc của Hoa Kỳ với NATO và góp phần vào sức mạnh răn đe chung của Châu Âu".
Tiếp tục chính sách răn đe "đã rất thành công thời Chiến tranh Lạnh"
Trước đó, hôm 11/07, ông Christoph Heusgen, chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, nguyên cố vấn về chính sách an ninh và đối ngoại của thủ tướng Đức Angela Merkel, hoan nghênh quyết định triển khai tên lửa với nhận định "đây là ngôn ngữ duy nhất mà nhà cầm quyền Nga có thể hiểu được… Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục chính sách răn đe đã được chứng minh là rất thành công trong Chiến tranh Lạnh, và tôi nghĩ rằng đây là một thông điệp phù hợp được đưa ra vào thời điểm phù hợp".
Theo New York Times, cùng với quyết định triển khai tên lửa tầm xa, khối NATO tại thượng đỉnh vừa qua cũng thông báo hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo của Mỹ ở Ba Lan hiện đã "sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ" sau nhiều năm phát triển.
Trọng Thành