Khi không có đa số tuyệt đối trong Quốc hội, các nước Châu Âu được lãnh đạo như thế nào ?
Thành lập liên minh, thỏa thuận theo từng trường hợp, văn hóa thỏa hiệp : mặc dù hệ thống chính trị của Pháp ít khi vướng phải những vấn đề nêu trên, song trên thực tế, nhiều hệ thống nghị viện tại các nước Châu Âu hoạt động mà không có đa số tuyệt đối.
Trụ sở Hạ Viện Pháp trong ngày bỏ phiếu vòng hai bầu cử Quốc hội trước thời hạn, Paris, 07/07/2024. Reuters - Guglielmo Mangiapane
Không thể lãnh đạo được đất nước ? Đây là câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra ở Pháp và nước ngoài, sau khi không có liên minh nào giành được đa số tuyệt đối rõ ràng sau vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn, diễn ra hôm 07/07. Ngay từ năm 2022, việc phe Macron giành được đa số không quá bán tại Quốc hội đã là điều bất thường trong nền chính trị Pháp. Bởi hệ thống kế thừa từ Hiến Pháp của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa (1958) thường trao cho cơ quan hành pháp rất nhiều quyền lực, đặc biệt sau khi nhiệm kỳ tổng thống từ 7 năm rút xuống còn 5 năm vào những năm 2000, giúp cho phe của tổng thống gần như chắc chắn nắm được đa số tuyệt đối trong Quốc hội, khi bầu cử lập pháp diễn ra ngay sau bầu cử tổng thống.
Tuy nhiên, ở một số quốc gia Châu Âu theo chế độ nghị viện, việc lãnh đạo không cần đa số, chỉ dựa vào các liên minh, thỏa thuận theo từng trường hợp cụ thể hay thỏa hiệp, là một phần không thể thiếu của hệ thống chính trị. Dưới đây là một số ví dụ về cách thức hoạt động của các chế độ này, và tổng thống Macron cùng với lãnh đạo các chính đảng có thể sẽ lấy cảm hứng từ đó để phá vỡ bế tắc sau cuộc bỏ phiếu ngày 07/07.
Hệ thống liên minh ở Đức
Hệ thống nghị viện Đức kể từ thời hậu chiến hoàn toàn dựa vào các liên minh, trừ thời điểm 1960-1961, vào lúc Đức được lãnh đạo trong vòng 14 tháng bởi một lực lượng chính trị duy nhất, đảng CDU của thủ tướng Konrad Adenauer. Chính phủ hiện tại của thủ tướng Olaf Scholz tập hợp các đảng Dân Chủ Xã Hội, Dân Chủ Tự Do và đảng Xanh.
Nhưng kể từ sau chiến tranh, các liên minh này nhìn chung đều có được đa số ở Quốc hội. Tại Đức, trường hợp chính phủ nắm thiểu số ở Quốc hội kể từ năm 1949 thực sự là một ngoại lệ, chủ yếu vào các năm 1966 và 1982, với những chính phủ lâm thời chỉ tồn tại trong vài tuần.
Trên lý thuyết, hiện tượng một chính phủ khi bắt đầu nhiệm kỳ không có được đa số tại Hạ Viện có thể xảy ra, nhưng trên thực tế, điều đó rất khó thành hiện thực. Bởi cần lưu ý là thủ tướng Đức do các dân biểu bầu lên, chứ không giống như tổng thống Pháp đắc cử trực tiếp nhờ lá phiếu người dân.
Các liên minh tồn tại trong thời gian ngắn ở Ý
Sau khi chế độ phát xít của Benito Mussolini sụp đổ, những người sáng lập Cộng Hòa Ý vào năm 1946 muốn có một hệ thống không trao quá nhiều quyền lực cho một đảng hoặc một cá nhân. Nhưng bất ổn chính trị không phải là điều lạ thường ở Ý, với gần 70 chính phủ đã được thành lập, cùng với sự biến động của các liên minh, tồn tại trong thời gian ngắn.
Năm 2021-2022, cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi lên lãnh đạo chính phủ Ý để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tăm tối. Ông đứng đầu một liên minh quy tụ nhiều đảng đối lập, từ đảng cực hữu đến đảng cánh tả, trước khi liên minh tan rã.
Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng Fratelli d'Italia và là thủ tướng Ý từ tháng 10/2022, đứng đầu một liên minh hội tụ thêm hai đảng cực hữu khác. Bà đề xuất sửa đổi Hiến Pháp để cho bầu lãnh đạo chính phủ theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trực tiếp, nhằm tránh để xảy ra tình trạng bất ổn.
Văn hóa thỏa hiệp bám rễ ở Thụy Điển
Văn hóa thỏa hiệp vốn đã bám rễ ở Thụy Điển, nhưng sự trỗi dậy của đảng cực hữu Dân Chủ Thụy Điển (SD) đã làm thay đổi mô hình chính trị trong nước từ hơn 10 năm qua. Tháng 09/2022, một khối chưa từng có bao gồm cánh hữu và phe cực hữu đã giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử lập pháp. Cánh hữu, bao gồm những nhân vật ôn hòa của thủ tướng Ulf Kristersson, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo và đảng Tự Do, đã thành lập một chính phủ thiểu số được đảng SD hậu thuẫn trong Quốc hội.
Đảng cực hữu SD đã trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất của đa số mới tại Quốc hội và là đảng thứ hai trong nước sau đảng Dân Chủ Xã Hội. Mặc dù không có đại diện trong chính phủ, nhưng tiếng nói của SD có trọng lượng trong các quyết định của chính phủ và đại diện của SD thường xuyên có mặt trong các cuộc họp báo của chính phủ. Bốn đảng đã thống nhất về lộ trình bao gồm các biện pháp chống tội phạm và hạn chế nhập cư, những mối bận tâm chính của đảng cực hữu.
Các chính phủ liên minh gần đây ở Tây Ban Nha
Trong nhiều thập kỷ, lưỡng đảng cầm quyền là chuẩn mực ở Tây Ban Nha : đảng Nhân Dân (PP) cánh hữu và đảng Xã Hội (PSOE) cánh tả thay phiên nhau nắm giữ đa số tuyệt đối ở Hạ Viện. Nhưng chế độ lưỡng đảng này đã tan vỡ vào cuối năm 2015 sau khi đảng tự do Ciudadanos và đảng cánh tả cấp tiến Podemos thẳng tiến vào Quốc hội, dẫn đến một thời kỳ bất ổn kéo dài.
Tây Ban Nha đã trải qua bốn cuộc tổng tuyển cử trong 4 năm cho đến cuối năm 2019, khi PSOE hợp tác với Podemos để thành lập chính phủ liên minh đầu tiên của đất nước kể từ khi chế độ độc tài Franco kết thúc vào năm 1975. Chính phủ này được thủ tướng Pedro Sánchez lãnh đạo. Hai đảng không chiếm đa số tuyệt đối trong Hạ Viện, buộc chính phủ đôi khi cần đến sự ủng hộ của những thành phần ly khai xứ Basque và Catalunya để thông qua những cải cách lớn.
Sánchez đã lặp lại công thức này sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 07/2023. Mặc dù đảng PP giành chiến thắng, nhưng họ không xây dựng được đa số ở Quốc hội. Sánchez sau đó thành lập một liên minh thiểu số với Sumar, đảng cực tả thay thế Podemos và nhận được sự ủng hộ của các đảng trong khu vực, và đặc biệt lần đầu tiên nhận được sự hậu thuẫn của đảng đòi độc lập, Chung Sức vì Catalunya (Junts).
Đổi lại, ông Sánchez phải đồng ý thông qua luật ân xá cho những người ly khai ở Catalunya, sau nỗ lực giành độc lập bất thành cho vùng lãnh thổ này vào năm 2017. Liên minh "thập cẩm" này đã tạo điều kiện cho Sánchez tiếp tục giữ chức thủ tướng từ tháng 11/2023 với nhiệm kỳ mới kéo dài 4 năm, nhưng Sánchez vẫn cần đến sự hậu thuẫn của Junts để lãnh đạo đất nước. Cách đây 2 tuần, tòa án đã từ chối ân xá cho lãnh đạo Catalunya, Carles Puigdemont. Cơ quan công tố đã kháng cáo.
Liên minh chính phủ ở Bỉ
Là quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến, Vương Quốc Bỉ được lãnh đạo bởi các liên minh. Nghị viện (ở cấp liên bang và các vùng, cộng đồng tạo thành liên bang) được bầu theo hệ thống đại diện tỷ lệ, tạo điều kiện cho sự phân chia đảng phái chính trị và gây khó khăn cho việc xây dựng đa số trong Quốc hội.
Trong giai đoạn 2010-2011, Bỉ đã trải qua 541 ngày không có chính phủ nắm toàn bộ quyền hành. Suýt nữa Bruxelles phá vỡ kỷ lục này vào mùa thu năm 2020, sau khi bảy đảng, 493 ngày sau cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 05/2019, đạt đồng thuận và khai sinh ra liên minh tả hữu do thủ tướng Alexander De Croo, theo chủ nghĩa dân tộc Flemish, lãnh đạo.
Một ngày sau cuộc bầu cử lập pháp ngày 09/06, đánh dấu chiến thắng của phe cánh hữu và trung hữu, thủ tướng De Croo đã đệ đơn từ chức. Như thường lệ, trong hoàn cảnh như vậy, chính phủ của ông tiếp tục điều hành "các công việc dang dở" – xử lý thường vụ – trong khi chờ đợi một liên minh mới được thành lập.
Các đảng quá yếu để có thể cai trị một mình ở Hà Lan
Trong hệ thống chính trị mà quyền lực bị phân tán mạnh mẽ như ở Hà Lan, nơi không có đảng nào đủ mạnh để lãnh đạo một mình, các cuộc bầu cử thường diễn ra sau nhiều tháng đàm phán (trung bình 103 ngày kể từ năm 1946) để thành lập chính phủ, trong đó nội các sắp mãn nhiệm đảm nhiệm xử lý thường vụ.
Thậm chí phải mất tới 271 ngày để thành lập chính phủ liên minh trung hữu gần đây nhất của thủ tướng Mark Rutte vào năm 2021, và đó là kỷ lục. Thỏa thuận thành lập liên minh hiện tại, do phe cực hữu của Geert Wilders đứng đầu, đã đạt được vào tháng 5, gần 6 tháng sau cuộc bầu cử lập pháp. Cuối tháng 6, cựu giám đốc tình báo Hà Lan Dick Schoof đã nhậm chức thủ tướng Hà Lan, đứng đầu chính phủ liên minh cánh hữu, chịu trách nhiệm thực hiện chính sách nhập cư "nghiêm ngặt chưa từng có" ở đất nước này.
Trong nhiều trường hợp, sự đồng thuận có thể giúp thành lập chính phủ liên minh nắm đa số ở Quốc hội. Nhưng vào năm 2010-2012, chính phủ liên minh trung hữu đầu tiên do Mark Rutte thành lập đã không chiếm đa số trong Quốc hội và phải cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài của đảng Vì Tự Do (PVV) của ông Wilders.
Tình hình chính trị ở Pháp hiện tại vẫn bất định. Mặc dù đã đệ đơn từ chức, nhưng thủ tướng Gabriel Attal, theo điện Elysée, đã được tổng thống Emmanuel Macron đề nghị tiếp tục lãnh đạo chính phủ "vào thời điểm này nhằm bảo đảm sự ổn định của đất nước". Về phần mình, liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP), về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội, tuyên bố sẽ đề cử một nhân vật thích hợp vào điện Matignon.
(Theo L’Express, 08/07/2024)
Phan Minh