Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/07/2024

Tô Lâm đứng trước cơ hội trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam

Zachary Abuza - RFA

Nguyễn Phú Trọng phải điều trị bệnh, Tô Lâm chiếm lợi thế làm Tổng bí thư nhiệm kỳ tới

Zachary Abuza, RFA, 18/07/2024

Cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm - người vừa được Đảng chọn làm Chủ tịch nước vào tháng năm vừa qua - đang đứng trước cơ hội trở thành Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vào nhiệm kỳ tới khi có những thông tin về tình hình sức khỏe ngày một yếu của đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

RFA phỏng vấn Giáo sư Zachary Abuza - giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown - về tình hình chính trị Việt Nam vào lúc này.

tolam0

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái), Chủ tịch nước Tô Lâm - Reuters/AFP/RFA edit

____________________

RFA : Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam mới đây đã phân công ông Tô Lâm điều hành Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư để tập trung điều trị tích cực cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo ông, điều này cho thấy dấu hiệu gì trong tình hình chính trị Việt Nam vào lúc này ?

Zachary Abuza : Sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng đã không được tốt trong một thời gian dài. Nên điều này không có gì mới. Ông ấy đã không tham gia nhiều cuộc họp quan trọng kể từ cuối năm 2023 và nhiều nhân vật quan trọng phải thay thế cho ông ta. Và gần đây nhất là việc Chủ tịch nước Tô Lâm lên nắm trách nhiệm thay ông ta. Theo điều lệ của Đảng, Thường trực Ban Bí thư – tướng Lương Cường – phải là người nắm quyền thay Tổng bí thư khi Tổng bí thư không thể thực hiện nhiệm vụ. Lương Cường mới được bầu vào chức vụ này. Ông ta đã ở trong Ban Bí thư một thời gian nhưng mới chỉ là Thương trực Ban bí thư vài tháng thôi. Tôi nghĩ, thông điệp của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng đưa ra hôm nay nói rằng ông Tô Lâm sẽ nắm trách nhiệm và hoạt động như một quyền Tổng bí thư có thể cho thấy là Ban chấp hành Trung ương ít nhiều đồng ý rằng Tô Lâm sẽ trở thành Tổng bí thư trong Đại hội 14 sẽ diễn ra vào tháng 1/2026.

RFA : Như vậy là ông Tô Lâm mới chỉ tạm quyền và ông ta vẫn cần phải được bầu vào vị trí Tổng bí thư tại Đại hội Đảng 14 diễn ra vào năm 2026 để có thể chính thức nắm chức vụ này ?

Zachary Abuza : Đúng vậy. Tôi nghĩ là ông ta sẽ làm quyền Tổng bí thư cho đến lúc đó. Nhưng điều này vẫn đặt ông ta vào một vị trí đầy quyền lực bước vào Đại hội tới. Ông ta đã chọn được những người gần gũi mình vào vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, người hiện không phải là ủy viên Bộ Chính trị nhưng rất có thể sẽ sớm thành một ủy viên.

Ông ta cũng chọn người thân cận từ Bộ Công an vào Văn phòng Trung ương Đảng, một vị trí vô cùng quan trọng trong việc tổ chứ Ban chấp hành Trung ương gồm 180 ủy viên và các hoạt động hàng ngày của họ cũng như sắp đặt các nghị trình, tổ chức các cuộc họp. Vì vậy ông ta đã có những đồng minh hết sức gần gũi ở các vị trí quyền lực.

Điều khác nữa là ông Tô Lâm đồng thời lại là Chủ tịch nước trong khi Việt Nam có một hệ thống lãnh đạo tập thể. Việt Nam có xu hướng tách hai vị trí này riêng biệt, mặc dù vậy, Nguyễn Phú Trọng đã từng nắm hai chức vụ này cùng lúc trong giai đoạn từ 2018 đến 2021 khi Chủ tịch nước qua đời. Nhưng khác với Trung Quốc, Việt Nam đã thực sự cố gắng tách rời hai vị trí này. Tôi không nghĩ Tô Lâm muốn cả hai. Tôi nghĩ nếu có ai đó muốn thực hiện theo mô hình của Trung Quốc tức là hợp nhất cả hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch nước thì Tô Lâm có thể làm được điều này và ông ta đang ở một vị trí đầy quyền lực để có thể làm điều này.

RFA : Nếu ông Tô Lâm được bầu vào vị trí Tổng bí thư và thậm chí nắm luôn cả chức Chủ tịch nước thì điều này có ý nghĩa gì ?

Zachary Abuza : Điều này chắc chắn cho thấy quyền lực mạnh mẽ của ông ta. Việt Nam luôn tự hào là có hệ thống lãnh đạo tập thể nơi không có một nguồn quyền lực duy nhất. Như chúng ta thấy thì vị trí Tổng bí thư không phải là một vị trí điều hành.

Tổng bí thư không quản lý các bộ, ngành. Vị trí này không có nhiều quyền lực trên giấy tờ nhưng không ai lại không đồng ý rằng đó là vị trí quyền lực nhất trong đất nước. Vì vậy bất cứ ai có thể gom cả hệ thống Đảng lẫn Nhà nước vào chung thì sẽ ở một vị trí cực kỳ mạnh. Mặc dù vậy, có logic trong việc hợp nhất hai vị trí này cùng lúc hoặc để một người nắm giữ hai chức vụ cùng lúc như Trung Quốc. Theo nghi thức ngoại giao, sẽ rất là lạ lùng nếu một quan chức (nước ngoài) đến Việt Nam mà lại không được gặp người quyền lực nhất của cả nước nếu chỉ có cuộc gặp với Chủ tịch nước. Tất nhiên, bạn có thể linh hoạt và có cách sắp xếp. Nhưng cuối cùng thì ông ta (TBT) cũng không phải là người đứng đầu Nhà nước, ông ta chỉ là TBT. Cho nên có logic trong việc Tổng bí thư cũng là Chủ tịch nước.

RFA : Đâu là những rào cản đối với ông Tô Lâm bước vào Đại hội 14 sắp tới ?

Zachary Abuza : Tô Lâm bước vào Đại hội 14 ở một vị trí đầy quyền lực. Như tôi đã nói, ông ta đã sắp đặt cho những người thân cận, ông ta đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng và loại bỏ một cách có hệ thống các đối thủ của mình. Chúng ta chưa từng thấy điều này bao giờ trước kia. Bảy trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị được bầu ở Đại hội 13 vào tháng 1/2021 bị bắt buộc phải từ chức. Theo điều lệ hiện hành của Đảng, chỉ có một ứng cử viên khác đã phục vụ hai nhiệm kỳ ở Bộ Chính trị đủ điều kiện làm Tổng bí thư và đó là Phạm Minh Chính – Thủ tướng. Bản thân ông ta cũng có vấn đề về tham nhũng treo lơ lửng trên đầu.

Những rào cản mà Tô Lâm phải đối mặt, theo tôi, là hai điều. Thứ nhất, đó là có những quan ngại rằng ông ta là một người đầy tham vọng và tàn bạo. Ông ta đã vũ khí hóa việc chống tham nhũng. Ông ta đã sử dụng quyền lực bao trùm của Bộ Công an để loại bỏ các đối thủ cho tham vọng quyền lực cá nhân mà người Việt Nam vốn không quen thuộc. Khác với Trung Quốc, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam là một cơ quan rất quyền lực. Chúng ta đã thấy trong quá khứ Ban chấp hành Trung ương đã chống lại quyết định của Bộ Chính trị về vị trí Tổng bí thư tiếp theo. Điều này xảy ra với ông Lê Khả Phiêu. Cho nên có một khả năng là Ban chấp hành Trung ương được bầu vào Đại hội 14 tới sẽ muốn một sự bắt đầu hoàn toàn mới và muốn dọn sạch nhà và tôi có thể thấy điều này có thể xảy ra.

Phạm Minh Chính có thể là một nhân vật được thỏa hiệp. Cũng có thể họ sẽ thay đổi những quy định trong Đảng và họ có một bộ mặt mới cho vị trí Tổng bí thư.

Rào cản thứ hai mà Tô Lâm có là việc ông ta cũng có những scandal tham nhũng của chính mình. Rõ ràng là khi mọi người nghĩ đến Tô Lâm, họ thường nghĩ đến cảnh ăn bò dát vàng ở London trị giá 2.000 đô la. Nhưng mà gia đình ông ta, anh em của ông ta cũng có việc kinh doanh và một người trong số họ đứng đầu một tập đoàn lớn. Có những tin đồn rằng ông ta đang bị điều tra bởi quân đội qua hệ thống của quân đội mà Tô Lâm hoàn toàn không thể kiểm soát. Cho nên đó là hai rào cản mà tôi nghĩ Tô Lâm đang gặp phải. Nhưng nhìn chung, ông ta đang ở vị trí rất mạnh, dặc biệt là khi ông ta nắm vị trí quyền Tổng bí thư.

RFA : Nếu ông Tô Lâm trở thành Tổng bí thư thì công cuộc chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam sắp tới sẽ ra sao ?

Zachary Abuza : Công cuộc đốt lò chống tham nhũng chắc chắn là điểm chính trong chính trị Việt Nam lúc này và trong suốt tám năm qua. Tham nhũng là vấn đề hết sức lớn ở Việt Nam. Không có cách nào để nói khác đi được. Tham nhũng ở tất cả mọi cấp và nó dường như càng ngày càng tệ hơn.

Mặc dù vậy, tôi nghĩ là chúng có thể thấy chiến dịch chống tham nhũng sẽ có chú ít được nới nhẹ hơn vào lúc này. Đây là một ưu tiên mang tính cá nhân khi ông Nguyễn Phú Trọng thực sự tin tham nhũng là mối đe dọa hiện hữu của Đảng cộng sản và nó làm mất đi tính chính danh của Đảng trong mắt công chúng. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ là Tô Lâm là người thực sự đã vũ khí hóa nó cho mục đích chính trị. Bây giờ ông ta lại nắm quyền Tổng bí thư, logic chính trị của việc duy trì sự mất ổn định không nằm ở đó. Thực tế là Tô Lâm hưởng lợi ở mức độ nào đó nhờ sự ổn định chính trị. Tôi nghĩ là ông ta là một người thực dụng hơn Nguyễn Phú Trọng. Tô Lâm không phải là người lý luận. Ông ta là công an. Ông ta quan tâm đến việc kiểm soát. Ông ta quan tâm đến việc duy trì quyền lực độc quyền của Đảng. Nhưng ông ta cũng quan tâm và tin là tính chính danh đến từ tăng trưởng kinh tế. Thực tế là Nguyễn Phú Trọng không muốn đánh đổi quyền lực của Đảng lấy tăng trưởng kinh tế. Và đây là điều khác biệt giữa hai người. Cho nên chiến dịch chống tham nhũng sẽ vẫn tiếp tục. Nó sẽ luôn được sử dụng để chống lại những đối thủ chính trị. Và như tôi đã nói, ông ta (Tô Lâm) đã sắp đặt cho "đệ tử" của mình làm Bộ trưởng Công an nên ông ta có thể tin tưởng cái tổ chức này sẽ phục vụ ông ta nhưng logic chính trị của việc duy trì sự mất ổn định không phải vào lúc này.

RFA : Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn

Nguồn : RFA, 18/07/2024

***************************

Bộ Chính Trị "phá lệ" thông báo tình hình sức khỏe Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng ?

RFA, 18/07/2024

Trưa 18/07/2024, truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt loan thông báo của Bộ Chính trị về tình hình sức khỏe của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch nước Tô Lâm được Bộ chính trị phân công chủ trì công việc của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định.

tolam2

Ông Nguyễn Phú Trọng tháng 5/2021 - AFP

Cũng trong ngày 18/07/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt lãnh đạo đảng, Nhà nước công bố quyết định và trao Huân chương Sao vàng tới ông Nguyễn Phú Trọng. Lễ trao tặng huân chương diễn ra tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Không có bản tin nào kèm hình ảnh.

Việc Bộ Chính trị thông báo tình hình sức khỏe của ông Trọng được dư luận quan tâm, bởi trước đó chỉ hai tháng, ngày 22/05/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 440/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế. Theo đó, danh mục bí mật nhà nước độ tối mật gồm : Hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Bốn năm trước, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc cũng ký ban hành Quyết định 1295/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế. Theo quyết định này, những vấn đề liên quan sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư trung ương Đảng như : Hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe... thuộc danh mục ‘tối mật’.

Nhận định về việc này, một bác sĩ ở Hà Nội từng chăm sóc sức khỏe cho lãnh đạo cao cấp, yêu cầu ẩn danh, nói với RFA :

"Với trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng, khi mà tình hình sức khỏe lãnh đạo được cho là ‘tối mật’ mà họ phải phá lệ, thông báo ra tức là nó có chuyện rồi. Người ta thông báo thế để dân khỏi thấy bất ngờ, chứ thật ra dân biết cả rồi. Trước đây có hai vị lãnh đạo chết lúc còn đương chức là ông Hồ Chí Minh và ông Lê Duẩn. Bây giờ ông Trọng có thể là người thứ ba. 

Sở dĩ tôi nói vậy vì Bộ Chính trị thông báo tình hình sức khỏe ông Trọng cùng lúc với tin trao Huân chương Sao vàng cho ông Trọng tại bệnh viện. Thường huân chương này hầu như được trao lúc sắp chết hoặc đã chết vì nó là huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam mà. Tổng bí thư Lê Duẩn nhận huân chương sao vàng khi đã mất rồi.

Ông Trọng nằm viện lâu rồi, không biết có còn ý thức để biết mình được tặng huận chương hay không nữa chứ. Có những người được tặng huân chương hay được trao quân hàm vào lúc chẳng còn biết gì nữa. Thiếu tướng Đỗ Xuân Hợp - Giám đốc Học viện Quân y - là một ví dụ. Ông Hợp được trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lúc đang hôn mê, chả biết gì".

Vị bác sĩ này nói thêm, ông Nguyễn Phú Trọng là trường hợp lãnh đạo cao cấp thứ hai được Bộ Chính trị thông báo về tình hình sức khỏe, ông Hồ Chí Minh là trường hợp thứ nhất. Ông kể :

"Tôi nhớ cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 1969, chính tôi nghe đài Hà Nội thông báo cho đồng bào và chiến sĩ cả nước biết tình hình sức khỏe Hồ chủ tịch không tốt và các bác sĩ đang cố gắng chăm sóc sức khỏe cho chủ tịch thì chỉ vài ngày sau ông ấy chết".

Tình hình sức khỏe của ông Trọng bị cho là yếu đi từ sau lần đột quỵ ở Kiên Giang vào giữa tháng 4/2019 dù báo chí Nhà nước hoàn toàn im lặng. Sau sự kiện đó, ông Trọng nhiều lần vắng mặt tại một số buổi tiếp đón các nguyên thủ quốc tế. Đặc biệt trong tháng 1/2024, ông Trọng không xuất hiện để đón Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày 6 và 7/1 ; không ra mặt tiếp Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 đến 13/1. Đến sáng 15/1 ông Trọng mới xuất hiện tại lễ khai mạc kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội với tư cách "khách mời và lãnh đạo Đảng, Nhà nước".

Mạng báo Bloomberg lúc đó dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết ông Trọng phải nhập viện. Báo chí Nhà nước vẫn im lặng.

Với lần công bố tình hình sức khỏe ông Trọng lần này, nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn nhận định :

"Theo tôi, sở dĩ họ phải thông báo vì họ thấy tin này không thể giữ bí mật được nữa, trước sau gì nó cũng lọt ra ngoài. Nó là một tin rất quan trọng. Công luận trong và ngoài nước đều quan sát và biết tình hình sức khỏe ông Trọng rất yếu, đã đến giai đoạn cuối cùng của cuộc đời rồi cho nên không cần phải bí mật nữa. Ngoài ra, báo nhà nước đưa tin trao Huân chương Sao vàng cho ông Trọng cũng cho thấy họ đang dọn đường cho biến cố lớn. Một là ông Trọng sẽ ra đi theo quy luật sinh-lão-bệnh-tử ; hai là không cưỡng được việc phải trao chức Tổng bí thư cho người kế vị là ông Tô Lâm. Hiện nay, quyền lực và ảnh hưởng của ông Tô Lâm rất mạnh mà Thường trực Ban bí Thư Lương Cường không thể vượt qua được".

Nguồn : RFA, 18/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Zachary Abuza, RFA
Read 335 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)