Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/07/2024

Vương quốc Anh hết còn là thiên đường của người rơm

Nick Eardley - RFA

Người Việt bị từ chối tị nạn tại Anh : Buộc hồi hương trong hôm nay

Nick Eardley, BBC, 24/07/2024

Hôm nay thứ Tư 24/7 là ngày hàng chục người Việt xin tị nạn tại Anh không thành công sẽ bị Anh đưa trở lại Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên một chuyến bay đưa những người xin tị nạn bị Anh từ chối về lại Việt Nam kể từ năm 2021, theo các nguồn tin.

anh1

Trong quý một năm 2024, gần 1/5 số người vượt eo Manche biển bằng thuyền nhỏ để vào Anh là người Việt Nam

Anh dùng các nguồn tiền mà chính phủ trước đây dành riêng cho kế hoạch Rwanda để đưa người tị nạn không được chấp nhận về lại Việt Nam.

Chính phủ do Đảng Lao động cầm quyền đã hủy bỏ kế hoạch Rwanda - mà nếu được thực hiện thì có thể sẽ đưa một số người xin tị nạn ở Anh đến quốc gia Rwanda ở Đông Phi - chỉ trong vòng vài giờ sau khi nắm quyền.

Đảng Lao Động cho rằng kế hoạch này chỉ là một "chiêu trò" và lãng phí tiền bạc.

Nhưng chính phủ Anh hiện sẽ sử dụng một chiếc máy bay vốn dự định để đưa người đến Rwanda để đưa khoảng 55 người về Việt Nam, các nguồn tin của Đảng Lao động cho biết.

Những người này bị trục xuất theo một thỏa thuận hồi hương, thay vì bị trục xuất sang nước thứ ba.

Trong quý đầu tiên của năm 2024, gần 1/5 số người vượt biển vào Anh bằng thuyền nhỏ mà chính quyền Anh ghi nhận được là đến từ Việt Nam - cao nhất so với bất kỳ quốc tịch nào.

Chính phủ Anh chưa bao giờ tiết lộ toàn bộ chi tiết về hợp đồng đưa người tị nạn bị từ chối đến Rwanda.

Nhưng có thể hiểu rằng số tiền được phân bổ cho kế hoạch này hiện đang được sử dụng cho chuyến bay đưa người tị nạn về lại Việt Nam.

Những người sắp bị đưa về Việt Nam có thể đã nằm trong hồ sơ xem xét của chính phủ Anh một thời gian, rất lâu trước khi Đảng Lao động lên nắm quyền.

Một nguồn tin của Đảng Lao động nói rằng : "Đảng Bảo thủ đã tạo ra sự hỗn loạn trong hệ thống tị nạn và nhập cư của chúng ta.

"Hàng chục ngàn người xin tị nạn có tên trong hệ thống xét duyệt và được phép ở lại lâu dài trong các khách sạn hoặc các cơ sở tị nạn.

"Chính phủ Đảng Lao động đã thành lập một đơn vị thực thi và 'trục xuất' mới, với tối đa 1.000 nhân viên mới để đẩy nhanh việc trục xuất những người không có quyền ở lại đây".

Trong khi đó, chính phủ cũng thông báo hợp đồng thuê sà lan Bibby Stockholm, nơi chứa những người xin tị nạn ngoài bờ biển Dorset, sẽ không được gia hạn sau tháng Một.

Bộ Nội vụ cho biết bước đi này là một phần trong cam kết giải quyết tình trạng tồn đọng hồ sơ tị nạn và sửa chữa hệ thống.

Hôm thứ Hai 22/7, Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper nói với Hạ viện rằng kế hoạch Rwanda đã khiến người nộp thuế phải trả 700 triệu bảng Anh trong khi kết quả là chỉ có 4 người tị nạn tự nguyện sang Rwanda.

Kế hoạch này nhằm mục đích ngăn cản người tị nạn băng qua eo biển Manche bằng thuyền nhỏ, nhưng đã bị đình trệ bởi các rào cản pháp lý.

Bà Cooper cho biết bằng cách loại bỏ chương trình này, chính phủ sẽ tiết kiệm được 220 triệu bảng cho các khoản thanh toán trực tiếp tiếp theo cho Rwanda trong vài năm tới, và một khoản lên tới 750 triệu bảng đã được dành để trang trải cho chương trình này trong năm nay.

Bà cho biết một số tiền tiết kiệm được sẽ được đầu tư vào Bộ Tư lệnh An ninh Biên giới mới, nơi tập hợp giới chức lực lượng biên phòng, cảnh sát và cơ quan tình báo để cùng xử lý các băng nhóm buôn lậu người.

Chính phủ cũng đã bố trí lại nhân viên Bộ Nội vụ từ chương trình Rwanda để chuyển sang trục xuất những người xin tị nạn không thành công.

Đảng Lao động đã xác nhận sẽ tiếp tục xử lý tất cả các đơn xin tị nạn, bao gồm cả những người đến Vương quốc Anh bất hợp pháp.

Đảng này cho biết họ có kế hoạch đưa những người không có quyền ở Anh trở về quê hương của họ.

Tuy nhiên, Đảng Bảo thủ cáo buộc Đảng Lao động đã đưa ra một chính sách có tác dụng như một "ân xá", bằng cách gửi thông điệp rằng "nếu quý vị đến bằng thuyền nhỏ thì có thể xin tị nạn".

Bộ trưởng Nội vụ Đối lập James Cleverly đặt câu hỏi làm thế nào những người bị từ chối tị nạn từ các quốc gia như Afghanistan, Iran và Syria có thể được đưa về nước.

Ông nói trước Quốc hội : "[Bộ trưởng Nội vụ] đã bắt đầu đàm phán các thỏa thuận hồi hương người tị nạn với Taliban, các giáo chủ của Iran hay Tổng thống Bashar al-Assad của Syria chưa ?".

Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, hơn 15.000 người đã vượt eo biển Manche bằng thuyền nhỏ.

Con số này cao hơn cùng kỳ trong 4 năm trước đó, mặc dù năm 2023 nhìn chung có sự sụt giảm so với năm 2022.

Nick Eardley

Nguồn : BBC, 24/07/2024

**************************

Anh hồi hương người Việt không được chấp nhận quy chế tỵ nạn

RFA, 24/07/2024

Có 55 người Việt đến Anh để xin quy chế tỵ nạn nhưng bị từ chối, vào ngày thứ Tư 24/7 được cơ quan chức năng London đưa về Việt Nam bằng máy bay.

anh2

Những người vượt eo biển Manche (Channel) vào Anh hôm 10/1/2022 - Reuters

BBC loan tin trong cùng ngày, theo đó tân chính phủ Anh dùng chiếc máy bay mà trước đây dự định sang Rwanda đưa người đến Xứ Sương mù xin tỵ nạn nhưng bị từ chối, nay chuyển 55 người Việt về nước.

Số này được hồi hương theo một thỏa thuận giữa hai phía chứ không phải đưa đi nước thứ ba. Và đây là chuyến bay đầu tiên đưa người không được cấp quy chế tỵ nạn về nước kể từ năm 2021.

Thống kê cho thấy trong quý I năm 2024, cứ một trong năm người đến Anh bằng thuyền nhỏ là người Việt Nam. Đây là số đông nhất trong những người tìm đường vào Xứ sở Sương mù.

Vào ngày 15/4 vừa qua, mạng báo The Telegraph của Anh loan tin dẫn số liệu của Chính phủ London cho thấy vào ngày chủ nhật 14/ có hơn 530 người đến đất Anh. Đây là con số cao nhất đến Anh bất hợp pháp qua eo biển Manche chỉ trong một ngày. Từ đầu năm đến giữa tháng tư đã có tổng cộng 6.265 người thuộc dạng này đến được Xứ Sương mù ; tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng số người Việt Nam vượt eo biển Manche vào Anh tính đến trung tuần tháng tư năm nay tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022 có 505 người và nay lên 1.323 người. Lực lượng Biên phòng Anh báo cáo có những chiếc thuyền nhỏ chở đến 20 người Việt.

Tin cho biết do biện pháp an ninh chặt chẽ hơn đối với các xe tải, cũng như vụ 39 người Việt chết ngạt trong thùng xe đông lạnh hồi năm 2019 khiến nhiều người tránh đi bằng đường bộ mà chuyển sang đường biển vào Anh bằng thuyền nhỏ.

Số lượng người Việt vào Anh bất hợp pháp gia tăng là một lý do mà phát ngôn nhân chính thức của Thủ tướng Anh nêu ra yêu cầu Quốc hội nước này cần thông qua Dự luật Rwanda. Mục đích là “cứu mạng cho những người đang bị các băng nhóm buôn người bóc lột”.

Người Việt nhập cư lậu vào Anh thường do những băng nhóm buôn người đưa đến làm tại những tiệm làm móng tay-móng chân, những trang trại trồng cần sa, những nhà hàng và vào ngành mua bán dâm tại Anh Quốc.

Nguồn : RFA, 24/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nick Eardley, RFA tiếng Việt
Read 472 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)