Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/07/2024

Đảng cộng sản Việt Nam dưới thời Tô Lâm

Phạm Trần - RFA

Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, Chủ tịch nước Tô Lâm nổi lên như là ứng viên hàng đầu vào chức Tổng bí thư thay ông Trọng. Nhưng Việt Nam dưới thời Tổng bí thư Tô Lâm sẽ như thế nào ?

tolam1

Chủ tịch nước Tô Lâm nổi lên như là ứng viên hàng đầu vào chức Tổng bí thư thay ông Trọng.

Thắc mắc này không khó trả lời vì tập quán của Đảng cộng sản Việt Nam là "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách".

Theo tiểu sử chính thức thì ông Tô Lâm mang quân hàm Đại tướng Công an, sinh ngày 10/07/1957, quê quán tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông còn có biệt danh "anh Tư Tô Lâm, chú Tư Tô Lâm".

Theo gương Bố, ông Lâm theo học ngành an ninh từ khi còn trẻ. Tháng 10/1974, ông là học viên khóa sáu của Trường Công an Trung ương, sau đổi tên thành Đại học An ninh nhân dân, nay là Học viện An ninh nhân dân. Sau đó, ông theo học và nghiên cứu lĩnh vực pháp luật, nhận bằng Tiến sĩ Luật học. Ngày 22/10/2015, ông được phong học hàm Giáo sư ngành Khoa học An ninh.

Tiểu sử không ghi ông đã theo học ở nước ngoài, nhưng được coi là người có kinh nghiệm nhất về an ninh nội bộ.

Theo tài liệu của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì khi phục vụ tại "Cục Bảo vệ chính trị III, tiền thân là Phòng Trinh sát thuộc Vụ Bảo vệ chính trị, Bộ Công an, ông "tập trung vào việc điều tra khám phá, đàn áp các tổ chức, cá nhân bất đồng chính kiến ngoài nước".

Ông được cho đã lãnh đạo chiến dịch chống lại những người bất đồng chính kiến, đàn áp các tổ chức xã hội dân sự, thắt chặt kiểm soát internet và khống chế những người tranh đấu đòi dân chủ, tự do và nhân quyền.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội từng đánh giá về Tô Lâm : "Ông Lâm cũng là nhân vật cứng rắn, nhưng thông minh và quan tâm tới việc tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực".

Tướng Tô Lâm được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an từ ngày 9 tháng 4 năm 2016. Sau khi ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước vào ngày 20/3/2024, ông Tô Lâm chính thức trở thành Chủ tịch nước Việt Nam thứ 13 ngày 22/5/2024. Từ ngày 19/7/2024, ông Lâm chính thức tạm thời điều hành công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời.

Chống tham nhũng

Trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Công an, tướng Tô Làm là phụ tá đắc lực của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác chống tham nhũng.

Thành tích nổi bật của ông Tô Lâm là đã thành công trong vụ bắt Trịnh Xuân Thanh, nguyên Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang và Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Trịnh Xuân Thanh bị điều tra và kết luận có nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong thời gian công tác tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Tuy nhiên Trịnh Xuân Thanh đã nhanh chân bỏ trốn ra nước ngoài. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của Nga và Slovakia, Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt tại Đức và dẫn độ về nước.

Ông Tô Lâm cũng thành công trong vụ án Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị khởi tố, xét xử, kết án 30 năm tù do những sai phạm quản lý kinh tế khi giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Bộ Công an, dưới thời ông Tô Lâm cũng thành công trong vụ án nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tội nhận hối lộ, lần lượt chịu chịu tù chung thân và 14 năm tù.

Ngoài ra, ông Tô Lâm cũng thành công trong các vụ án : nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị bắt giữ, điều tra về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Khi xẩy ra dịch Covid 19, Việt Nam tổ chức hồi hương công nhân ở nước ngoài, nhưng tham nhũng đã xẩy ra liên quan đến các chuyến bay giải cứu và bê bối tại công ty Việt Á làm nhiều quan chức bị điều tra và bỏ tù.

tolam2

Trong thời còn là Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm nói : "Trong mọi thời kỳ, xây dựng và phát huy sức mạnh của nền an ninh nhân dân luôn là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia". 

Miếng thịt bò dát vàng

Bên cạnh thành công, dư luận vẫn chưa quên tai vụ tiếng của ông Tô Lâm tại nhà hàng ‘đắt tiền" nổi tiếng nhất Luân Đôn (Anh) Salt Bae hồi đầu tháng 11/2021.

Tin trên mạng viết : "Một đoạn video được đăng trên tài khoản TikTok của đầu bếp nổi tiếng Nusret Gökçe, được cho là trong chuyến ông Lâm công du tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021. Trong clip, ông được đầu bếp Gökçe tận tay dùng kiếm đút miếng thịt bò dát vàng vào miệng.

Không rõ bữa ăn do ai chi trả, nhưng theo các tờ báo quốc tế, sự kiện này đã gây phẫn nộ với nhiều người Việt Nam trên mạng. Họ cho rằng đây là bữa ăn xa xỉ, với giá món thịt bò dát vàng còn cao hơn một tháng lương của vị bộ trưởng, trong bối cảnh Việt Nam đang chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra với hàng triệu người đang gặp khó khăn".

Tuy nhiến, ông Lâm không bị Đảng kỷ luật về vụ này và báo chí của đảng cũng không dám loan tin.

Kiên định chủ nghĩa cộng sản – Uyển chuyển về ngoại giao

Xét trên lĩnh vực chính trị thì ông Lâm là người "tuyệt đối trung thành và kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hô Chí Minh. Mức độ giáo điều và bảo thủ của ông Tô Lâm cũng không thua gì cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Khi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, Tô Lâm đã hứa : "Tôi sẽ cùng với các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" (Pháp luật online,22/05/2024).

Ông Tô Lâm cũng dự kiến không thay đổi chủ trương ngoại giao được gọi là "cây tre" do ông Nguyễn Phú Trọng đề ra. Chính sách này đặt trên nền tảng "gốc vững, cành uyển chuyển". Tuy nhiên, Việt Nam thời Tô Lâm cũng giống như thời Nguyễn Phú Trọng sẽ không dám "xa Trung thân Mỹ" như nhiều người hy vọng.

Như vậy, nếu lấy hành động quá khứ để suy diễn tương lai thì hoạt động đấu tranh cho dân chủ, tự do và nhân quyền ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi Tô Lâm được bầu làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.

Phạm Trần

***************************

Thời Chủ tịch Tô Lâm, chính sách về ngoại giao và nội trị Việt Nam có gì thay đổi ?

RFA, 29/07/2024

Các chính sách đối nội, đối ngoại của Việt Nam trước mắt sẽ không có gì thay đổi, ít nhất cho tới Đại hội 14 của đảng cộng sản Việt Nam, một nhà quan sát chính trị nhận định.

thoi1

Chủ tịch nước Tô Lâm trong ký họp Quốc hôi vào tháng 5/2024 - AFP

Ưu tiên thâu tóm quyền lực

Chỉ trong vòng hơn một năm, từ tháng 1/2023 - 5/2024, Việt Nam thay thành viên tứ trụ ba lần, bao gồm hai ông cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, cùng một Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Vào thời điểm đó, các chuyên gia quan sát tình tình chính trị Việt Nam đều đánh giá những thay đổi ở cấp thượng tầng như thế vẫn không ảnh hưởng đến các chính sách đối ngoại, cũng như chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi người đứng đầu Đảng cộng sản là ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, chủ tịch nước Tô Lâm tạm thời nhận luôn nhiệm vụ của ông Trọng khiến dấy lên câu hỏi các chính sách đối nội, đối ngoại sắp tới của Việt Nam có gì thay đổi hay không ?

Một nhà báo độc lập ở Việt Nam, hiện đang ở trong nước yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, cho rằng ít nhất là tới Đại hội Đảng 14 vào năm 2026, ông Tô Lâm sẽ chỉ thúc đẩy các chính sách đã được hoạch định từ đại hội Đảng 13 :

"Sẽ không có gì thay đổi. Đường lối đa dạng hóa và cân bằng giữa các cường quốc, chủ trương ngoại giao phục vụ kinh tế được đề ra từ các Đại hội Đảng trước đây.

Đường lối Ngoại giao cây tre vẫn được duy trì, vì chủ trương ấy đã mang lại những kết quả ngoạn mục trong thời gian ông Trọng nắm quyền. Ông Trọng là Tổng bí thư duy nhất của Đảng trong thời gian tại vị đã đón tiếp Nguyên thủ của cả ba cường quốc Mỹ – Trung – Nga".

Cô Duyên Bùi, hiện là giảng viên ngành Khoa học Chính trị tại trường đại học Hawaii Pacific University, cũng cho rằng Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả Trung Quốc và Mỹ để bảo vệ chỗ đứng của mình trên trường Quốc tế. Tuy nhiên :

"Nhưng tôi nghĩ Tô Lâm cũng sẽ nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn Mỹ. Bởi vì, đến cuối cùng thì những người lãnh đạo họ vẫn muốn bảo vệ chính quyền của họ và sợ diễn biến hòa bình nếu gần Mỹ quá".

Trong lời tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước hôm 22/5/2024, ông Tô Lâm khẳng định kiên định và triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ; kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân.

Nhà báo giấu tên cho rằng, nếu muốn điều chỉnh các chính sách để khẳng định dấu ấn riêng của mình, ông Tô Lâm phải chờ đến Đại hội 14 diễn ra vào tháng 1/2026, sau khi thâu tóm xong quyền lực. 

Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Tứ Duy, Tổng bí thư Đảng Việt Tân ở Hoa Kỳ, cho rằng trước mắt, người cần lo lắng trong lúc này chính là các thành viên trong nội bộ Đảng, những người thuộc các phe nhóm đối thủ của ông Tô Lâm trước đây :

"Trong cái tiến trình mà Tô Lâm tiếp tục củng cố quyền lực thì những người đối thủ trước đây, những phe nhóm khác thì họ sẽ gặp phải sự phản ứng từ Tô Lâm. Cho nên, tôi nghĩ là vấn đề là thời gian tới, chính thành viên cao cấp trong Đảng cộng sản Việt Nam là những người mà phải lo sợ cái sự thắng thế của của phe Tô Lâm".

Cô Duyên Bùi cũng cho rằng sắp tới ông Tô Lâm sẽ sử dụng quyền lực hiện có của mình nhằm loại trừ các đối thủ trong Đảng, thay vì tập trung vào cải tiến các chính sách quốc gia :

"Những người trong quân đội và công an mà lên nắm quyền như vậy thì mình thấy cái xu hướng là họ không có mạnh về kinh tế hoặc đối ngoại, vì quan tâm của họ là giữ quyền lực. Vì vậy, khi họ lên, trước hết là hăm dọa và triệt tiêu đối lập để tiếp tục giữ quyền, cho nên họ sẽ không tập trung vào những mặt khác của xã hội".

Năng lực điều hành quốc gia của Tô Lâm đến đâu ?

Theo ông Hoàng Tứ Duy, thế mạnh của ông Tô Lâm là "thanh trừng nội bộ". Ông Tô Lâm leo lên được vị cao trong Đảng như hiện nay là nhờ loại bỏ được các đối thủ chính trị chứ không phải là do năng lực điều hành quốc gia :

"Tôi nghĩ là một cái thử thách lớn cho ông Tô Lâm trong những ngày tới là ngoài cái khả năng thanh trừng nội bộ thì Tô Lâm có khả năng điều hành quốc gia hay không, và tôi nghĩ thường thường là các nhà độc tài họ không giỏi trong vấn đề điều hành quốc gia". 

Theo nhà báo giấu tên, khả năng nội trị lẫn ngoại giao không phải là thế mạnh của của Tô Lâm. Tuy nhiên, chủ tịch nước tỏ ra khá linh hoạt qua hai chuyến xuất ngoại đầu tiên ở Lào và Campuchia mới đây :

"Cả hai chuyến thăm đều không có tuyên bố chung, nhưng bên trong, khi tiếp xúc với lãnh đạo hai đối tác quan trọng này, ông Tô Lâm đã đề cập đến nhiều vấn đề then chốt trong quan hệ với hai nước láng giềng phên dậu, không tránh những vấn đề gay cấn trong quan hệ, như vấn đề Kênh đào Phù Nam ở Campuchia". 

Tình hình cả nội trị lẫn ngoại giao tới đây của Việt Nam sẽ khá phức tạp và nhiều thách thức mới. Nhà báo giấu tên đánh giá ông Tô Lâm sẽ có đất dụng võ, vấn đề chưa rõ là ông ấy sẽ "múa các đường quyền" như thế nào :

"Cách đây nhiều năm, Tô Lâm từng được Mỹ đánh giá là thông minh, sắc sảo khi ông ấy mới giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Công an. Từ ấy đến nay, ông ấy đã trưởng thành nhiều, nhưng chủ yếu trên lĩnh vực an ninh trong nước. Trên địa hạt kinh tế và đối ngoại, dĩ nhiên là ông ấy cần tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. 

Nhất là trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung trong khu vực Ấn Độ dương- Thái Bình Dương sẽ đặt ra rất nhiều thách thức mới cho ASEAN, trong đó có VN. Nếu ông ấy nới tay đàn áp xã hội dân sự trong nước, tỏ rõ bản lĩnh trong quan hệ với Trung Quốc trên Biển Đông thì ông ấy sẽ được ghi điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là những kỳ vọng, thực tế sẽ còn phải chờ".

Cô Duyên Bùi cũng nhắc lại một số vụ tai tiếng của ông Tô Lâm như đi ăn bò dát vàng đắt đỏ hay chỉ đạo vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Đức về nước… Theo cô Duyên, điều này làm cho hình ảnh của một vị lãnh đạo quốc gia trở nên xấu hơn trong mắt quốc tế.

Nguồn : RFA, 29/07/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần, RFA tiếng Việt
Read 597 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)