Chống tham nhũng thời hậu Nguyễn Phú Trọng : Sẽ vẫn "diệt chuột không để vỡ bình"
Lê Hồng Hiệp, Thanh Phương, RFI, 29/07/20224
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời ngày 19/07/2024, chủ tịch nước Tô Lâm, nguyên bộ trưởng Công An, tạm giữ chức tổng bí thư, câu hỏi đang được đặt ra là chiến dịch chống tham nhũng, còn được gọi là "chiến dịch đốt lò", do ông Trọng phát động rồi sẽ đi đến đâu ? Cùng với cuộc chiến chống tham nhũng, đấu đá trong nội bộ Đảng để giành chiếc ghế lãnh đạo tối cao sẽ diễn ra như thế nào từ đây đến Đại Hội Đảng năm 2026 ?
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến họp báo sau khi tái đắc cử tại Đại hội Đảng 13. Hà Nội 01/02/2021. AP - Minh Hoang
RFI Việt ngữ phỏng vấn nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, về chủ đề này.
RFI : Thưa anh Lê Hồng Hiệp, trước hết điểm lại những gì mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được trong cuộc chiến chống tham nhũng do chính ông phát động kể từ khi lên lãnh đạo Đảng cách đây hơn 1 thập niên, anh nhận thấy có những điểm gì đáng ghi nhận ?
Lê Hồng Hiệp : Có thể nói thành tựu quan trọng nhất của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại chính là đã phát động và dẫn dắt thành công một chiến dịch chống tham nhũng có thể nói là "vô tiền khoáng hậu" nhắm vào các quan chức thuộc mọi cấp bậc.
Từ năm 2011, khi bắt đầu nắm chức tổng bí thư, ông đã bắt đầu phát động chiến dịch này, nhưng do một số trở ngại, đặc biệt là có sự lãnh đạo chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng thời bấy giờ, vai trò của Đảng và của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc chống tham nhũng còn hạn chế. Tuy nhiên, kể từ năm 2016, khi ông Trọng đã củng cố được quyền lực, chiến dịch này đã tăng tốc rất mạnh, tạo ra một làn sóng thanh lọc trong nội bộ Đảng.
Từ 2016 đến nay, có khoảng 139 ngàn đảng viên đã bị kỷ luật, trong đó có hơn 40 ủy viên Trung ương Đảng và 50 tướng lĩnh trong lực lượng quân đội, công an. Đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 2021 đến nay, có 7 ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có những vị trong "tứ trụ", như chủ tịch nước Võ Xuân Phúc, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ và nguyên Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã bị buộc phải thôi nhiệm vụ vì các lý do khác nhau liên quan đến các vụ tham nhũng. Để so sánh thì chúng ta thấy là từ 1986 đến 2016, không có một ủy viên Bộ Chính trị nào bị cách chức vì tham nhũng, chỉ có 9 ủy viên Trung ương Đảng bị kỷ luật vì các vi phạm liên quan đến tham nhũng.
Trong cương vị tổng bí thư, nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Trọng là bảo vệ sự sinh tồn của Đảng, cũng như duy trì vai trò cầm quyền của Đảng. Ông luôn tâm niệm tham nhũng là mối đe dọa đối với sự tồn vong và vai trò lãnh đạo của Đảng, chính vì vậy ông luôn nhấn mạnh chống tham nhũng là biện pháp để duy trì vai trò của Đảng. Tham nhũng đã ăn rất sâu ở Việt Nam và đã gây tác hại rất lớn, đặc biệt là trong nhiệm kỳ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng mà cho tới nay người ta vẫn phải mất rất nhiều công sức để giải quyết hậu quả.
Bản thân ông Trọng cũng có nhu cầu dùng chiến dịch chống tham nhũng này để nâng cao vai trò kiểm soát của Đảng, đặc biệt là sau thời kỳ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giai đoạn mà vai trò của bên chính phủ đã lấn át vai trò của lãnh đạo Đảng. Cuộc chiến chống tham nhũng này cũng là một cách để giúp khôi phục vai trò kiểm soát của Đảng trong hệ thống chính trị. Qua đó gián tiếp củng cố vai trò, quyền lực cá nhân của ban lãnh đạo Đảng, trong đó có tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
RFI : Như vậy những yếu tố nào đã giúp ông Nguyễn Phú Trọng có thể mạnh tay như thế trong chiến dịch chống tham nhũng ?
Lê Hồng Hiệp : Ông Trọng hơi khác chút so với các lãnh đạo khác, đó là ông được tiếng trong sạch thanh liêm, trong quá trình vươn lên nắm quyền, ông không dính vào các bê bối tham nhũng, ít nhất là cho đến lúc này. Chính vì vậy là ông có thẩm quyền đạo đức, có tiếng nói đủ lớn để có thể dẫn dắt cuộc chiến chống tham nhũng này mà không gặp sự kháng cự, không có các điểm yếu mà các đối thủ của ông có thể khai thác.
Mặt khác, ông cũng có khả năng tập hợp được sự ủng hộ, hợp tác của một bộ phận lãnh đạo, từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho tới Bộ Công an và những cơ quan giúp thực thi chiến dịch này. Đặc biệt là ông Trọng đã đóng vai trò trong Đảng ủy Công an Trung ương, một vai trò mà các tổng bí thư trước ông Trọng chưa từng có, kiểm soát Bộ Công an thành một công cụ hiệu quả trong việc chống tham nhũng. Nhờ vậy mà ông Trọng đã rất thành công trong việc thực hiện chiến dịch chống tham nhũng cho đến nay. Di sản đó được duy trì đến đâu trong thời gian tới ? Đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
RFI : Tuy chủ trương "Diệt chuột không để vỡ bình", nhưng ta đã thấy là trong thời gian qua, kể cả các ủy viên Bộ Chính trị cũng bị kỷ luật, bị cách chức. Vậy thì chiến dịch chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng phát động đã có tác động như thế nào đến thượng tầng lãnh đạo của Đảng ?
Lê Hồng Hiệp : Diệt chuột không để vỡ bình tức là không để ảnh hưởng tới sự sinh tồn của chế độ, không để những người mà Đảng xem là "các thế lực thù địch", hoặc những người chống đối vai trò lãnh đạo của Đảng "lợi dụng" để làm suy yếu Đảng. Chính vì vậy mà trong quá trình chống tham nhũng, thay vì nâng cao vai trò của báo chí, xã hội dân sự, những thành phần có thể đóng góp vào cuộc chiến chống tham nhũng bằng cách phơi bày các quan chức tham nhũng, thì trong thời kỳ vừa qua, Đảng đã thắt chặt kiểm soát đối với báo chí và xã hội dân sự. Đảng muốn chống tham nhũng theo cách của Đảng và các biện pháp được thực hiện đều nằm trong sự kiểm soát của Đảng, không thể ảnh hưởng đến an ninh chế độ.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng những tác dụng phụ nhất định : Ngoài việc thắt chặt đối với không gian công cộng, không gian xã hội dân sự, không gian tự do báo chí ở Việt Nam, khi người ta nhấn mạnh đến chống tham nhũng, trong một số trường hợp, cuộc chiến chống tham nhũng biến thành công cụ tranh giành quyền lực hoặc thanh lọc các đối thủ chính trị. Rất nhiều lãnh đạo, kể cả trong "tứ trụ", đã bị loại bỏ, bị thay thế, dẫn đến biến động trong cấu trúc thượng tầng lãnh đạo của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, họ sẽ không cho phép những biến động này ảnh hưởng tới an ninh của chế độ.
Một tác dụng phụ khác, đó là cuộc chiến chống tham nhũng này cũng tạo ra cảm giác bất an, xuống tinh thần, trong một bộ phận cán bộ, công chức, thể hiện qua việc họ thường xuyên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, hay tránh đưa ra các quyết định về các dự án hay các quyết định đầu tư, do lo sợ trách nhiệm về mặt pháp lý khi đưa ra các quyết định mà sau này có thể bị coi là có vi phạm, ảnh hưởng tới sinh mệnh chính trị của họ. Việc đùn đẩy trách nhiệm, né tránh ra quyết định cũng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Về lâu dài, những biến động về chính trị và trì trệ về kinh tế cũng là những thách thức mà Đảng không thể bỏ qua, trong ngắn hạn không phải là vấn đề, nhưng nếu nó kéo dài quá lâu thì sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, ổn định chính trị của đất nước và làm giảm uy tín của Đảng. Chính vì vậy, tôi nghĩ trong tương lai có thể họ sẽ phải có một số điều chỉnh, không để các tác dụng phụ này kéo dài, ảnh hưởng quá lớn đến vai trò, uy tín của Đảng, cũng như sự phát triển của đất nước.
RFI : Ngay trước khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời, Bộ Chính trị đã giao cho ông Tô Lâm tạm nắm quyền tổng bí thư, không biết ông sẽ nắm chức vụ này đến lúc nào, nhưng có vẻ như ông Tô Lâm đang có lợi thế rất lớn để tranh chức tổng bí thư sau này. Liệu có nguy cơ là kể từ nay ông có toàn quyền để tiếp tục chống tham nhũng nhưng là để củng cố thế lực cá nhân của ông ?
Lê Hồng Hiệp : Hiện tại ông Tô Lâm có một số lợi thế trong việc kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên việc bầu ông Tô Lâm hay ai đó thì vẫn còn phải chờ quyết định của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Tuy nhiên, bất kể ai được bầu chọn thì cũng sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng này. Lý do thứ nhất đó là di sản ông Nguyễn Phú Trọng để lại quá lớn. Người kế nhiệm ông Trọng không thể làm ngơ trước di sản đó, không thể một sớm một chiều lật ngược di sản đó. Di sản quan trọng nhất của ông là chống tham nhũng, vì vậy người kế nhiệm sẽ gặp áp lực rất lớn, không thể không tiếp tục cuộc chiến này, để thể hiện tính chính danh của Đảng, cũng như của bản thân người đó.
Thứ hai, bản thân người kế nhiệm cũng thấy có lợi ích trong việc duy trì cuộc chiến chống tham nhũng này, cụ thể là sẽ tiếp tục sử dụng nó như một công cụ hiệu quả để kiểm soát nội bộ và có thể hướng tới kiểm soát các đối thủ chính trị, thông qua việc thanh trừng những người có thể là nguy cơ đối với quyền lực của họ. Cuộc chiến chống tham nhũng này vẫn sẽ tiếp tục dưới thời lãnh đạo mới. Vấn đề đặt ra là cách thức tiến hành của họ sẽ như thế nào, quy mô, cũng như cường độ của cuộc chiến sẽ ra sao.
Có thể sẽ có một số điều chỉnh, ví dụ như họ có thể có những sáng kiến mới để vừa duy trì được nhiệm vụ chống tham nhũng, vừa hóa giải được một số thách thức về phát triển kinh tế xã hội phù hợp với mục tiêu của nhà lãnh đạo mới, tức là vừa duy trì được quyền lực, vừa có thể chống tham nhũng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, cũng như duy trì được sự ổn định trong thượng tầng kiến trúc của hệ thống chính trị. Liệu ông Tô Lâm, hay một ai đó, có sẽ thay đổi cách tiếp cận hay không ? Chúng ta hãy chờ xem.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 29/07/2024
******************************
Công cuộc chống tham nhũng sẽ ra sao sau khi mất người "đốt lò" Nguyễn Phú Trọng ?
RFA, 29/07/2024
Ông Nguyễn Phú Trọng qua đời khi vẫn nắm trong tay chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đảng cộng sản Việt Nam, với chiến dịch đốt lò do ông khởi xướng. Ông Trọng mất đi, chiến dịch đốt lò sẽ hoạt động ra sao, là điều dư luận quan tâm.
Một số lãnh đạo Việt Nam tại tang lễ ông Nguyễn Phú Trọng - AFP
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định :
"Tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn thì việc đốt lò vẫn tiếp tục, nhưng rồi việc sát phạt nhau nó sẽ bớt đi sau khoảng một cho đến một năm rưỡi nữa, bởi các địch thủ lúc bấy giờ gần như bị hạ hết rồi. Lúc đó chỉ còn những vụ nhỏ, lặt vặt bên dưới chứ không còn những vụ lớn nữa.
Việc chống tham nhũng qua tên gọi "đốt lò" là một quyết tâm rất chân thành của ông Trọng. Ông ấy muốn làm trong sạch cái bộ máy đảng của ông ấy vì ông ấy thấy bộ máy ấy nhiều sâu quá, nó ăn rỗng hệ thống đi. Đấy là cái nguy cơ thực sự của bản thân hệ thống. Chỉ có điều đáng tiếc là ông ấy không hiểu cái bản thân bộ máy ấy nó sinh ra sâu, nên ông ấy không thể diệt được sâu mà không đụng đến bộ máy, tức không đụng đến cái bình.
Muốn giảm tham nhũng thì phải sửa đổi bản thân cái hệ thống. Ông ấy không dám làm việc ấy mà ông ấy chỉ nghĩ rằng với sự tu dưỡng, với sự loại bỏ những kẻ tham nhũng thì bộ máy nó sẽ trong sạch lên, nó sẽ hoạt động hiệu quả lên".
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đã để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống chính trị và xã hội Việt Nam ; được triển khai một cách quyết liệt và có hệ thống, từ trung ương đến địa phương, không có "vùng cấm, không có ngoại lệ" ; đã tạo nên một làn sóng thanh lọc chưa từng có trong bộ máy Đảng và nhà nước.
Cũng theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, kết quả của chiến dịch này đã được thể hiện rõ nét qua việc nhiều quan chức cấp cao, bao gồm cả ủy viên Bộ Chính trị, các bí thư cấp tỉnh, phó thủ tướng và bộ trưởng, đã bị kiểm tra, điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật. Ông nói thêm :
"Chiến dịch chống tham nhũng không chỉ mang lại những kết quả cụ thể trong việc xử lý các vụ án, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tác hại của tham nhũng. Tuy nhiên, di sản này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho giai đoạn tiếp theo.
Câu hỏi lớn đặt ra là liệu cuộc chiến chống tham nhũng có thể duy trì được động lực và tạo hiệu quả cao hơn hay không. Điều này đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ từ Tổng bí thư kế nhiệm, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, và Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở cả cấp trung ương lẫn địa phương. Mặc dù chiến dịch đã góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, nhưng cũng xuất hiện những lo ngại về việc nó có thể tiếp tục làm chậm quá trình ra quyết định và thực thi chính sách.
Nhiều cán bộ, công chức trở nên e ngại trong việc đưa ra quyết định vì sợ mắc sai lầm và bị xử lý hình sự. Đây là một thách thức cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước mà vẫn duy trì được tinh thần chống tham nhũng. Cuối cùng, là thách thức đối với việc tạo dựng văn hóa minh bạch và trách nhiệm giải trình trong bộ máy nhà nước và xã hội nói chung, tạo nên những thay đổi tích cực trong cách thức quản lý và điều hành đất nước".
"Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công", là câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng, được người dân gọi là "người đốt lò". Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra tại Hà Nội đầu tháng 2 năm 2024 cho thấy, năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó lần đầu tiên có 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập. Ngoài ra, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên, tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, chiến dịch đốt lò của ông Trọng phơi bày cho người dân thấy tham nhũng ngày càng nhiều và số tiền tham nhũng ngày càng lớn, tức là hậu quả không lường trước được của việc rất chân thành, ý định có thể rất tốt của ông Trọng. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ngoài việc làm cho người dân thấy chế độ này quá tham nhũng, chiến dịch đốt lò của ông Trọng còn làm cho bản thân bộ máy không dám hoạt động vì sợ thành củi, triệt tiêu sự sáng tạo, sự thử nghiệm những cái mới ở cơ sở, ở địa phương dẫn đến xã hội trì trệ vì không ai dám có sáng kiến, dám làm nữa.
Mặc dù chiến dịch đã góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, nhưng cũng xuất hiện những lo ngại về việc nó có thể tiếp tục làm chậm quá trình ra quyết định và thực thi chính sách. - Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
Một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước cho rằng, để chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng thành công khi ông Trọng qua đời, cần một số yếu tố sau :
"Theo tôi, để thành công trong chuyện hậu đốt lò khi ông Trọng mất, phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó quan trọng nhất là người kế nhiệm phải chuyển chế độ này từ độc đảng toàn trị sang độc tài toàn trị. Khi đó họ mới tạo ra được một ê kíp làm việc, và vị thống lĩnh mới phải nắm toàn bộ quyền bính trong tay để thực hiện việc đức trị. Yếu tố nữa là phải xóa được cái văn hóa một người làm quan cả họ được nhờ. Yếu tố tiếp theo là chính sách nội trị phải cụ thể qua các chỉ số về y tế, an sinh xã hội, việc làm…
Điều quan trọng nữa cho việc hậu đốt lò là phải xóa bỏ hoàn toàn độc quyền trong lĩnh vực điện lực, hàng không và vàng bạc đá quý. Và sau cùng, vị thống lĩnh mới thay thế ông Trọng phải chấm dứt được chuyện quân đội và công an làm kinh tế".
Nhắc đến chuyện công an làm kinh tế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định phân công nhiệm vụ quản lý kinh tế đối với tân Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang ở hai địa phương là Đà Nẵng và Hưng Yên.
Quyết định được truyền thông Nhà nước trích đăng nêu rõ : "Thủ tướng phân công đồng chí Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an là Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc với 2 địa phương (thành phố Đà Nẵng và tỉnh Hưng Yên) về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính… và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn".
Nguồn : RFA, 29/07/2024