Hàng năm, cứ đến ngày 19 tháng 8, Đảng Cộng sản Việt Nam lại tổ chức mừng "Cách Mạng tháng 8". Ngày đó được báo chí nhà nước mô tả như sau :
"Ngày 15/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ thị cho Hà Nội khởi nghĩa và thành lập Ủy ban khởi nghĩa. Hà Nội tràn ngập không khí Cách mạng. Sáng 19/8/1945, hơn 10 vạn đồng bào Hà Nội đã xuống đường tuần hành thị uy. Cuộc mít tinh lớn ở quảng trường Nhà hát Lớn đã chuyển thành khởi nghĩa giành chính quyền.
"Lực lượng quần chúng nhanh chóng chiếm Phủ Khâm sai, Tòa thị chính thành phố, Trại bảo an và các công sở quan trọng khác. Cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng. Cuộc khởi nghĩa nổ ra và giành thắng lợi ở Hà Nội đã góp phần làm tan rã nhanh chóng toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền tay sai của Nhật trong cả nước. Đến ngày 28/8/1945, chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân".
Sự thật không đúng như vậy !
Một bí ẩn cần được nhắc lại
Có một điều quan trọng mà Đảng Cộng sản Việt Nam không bao giờ nhắc đến, đó là lúc đó Mỹ đang huấn luyện Việt Minh thành một công cụ để chống Nhật, nhưng chưa chiến đấu gì cả. Nhân khi Nhật vừa đầu hàng Đồng Minh, Việt Minh đã thừa cơ hội dùng lực lượng này để cướp chính quyền ngày 19/8/1945.
Trong cuốn "Những bí ẩn lịch sử trong cuộc chiến Việt Nam", xuất bản năm 1999 (Quyển I, tái bản hai lần và đã hết), chúng tôi đã ghi lại khá đầy đủ các diễn biến lịch sử kể từ khi Nhật đổ quân vào Đông Dương cho đến khi Nhật đầu hàng Đồng Minh và Việt Minh cướp chính quyền... căn cứ vào các tài liệu đã được tiết lộ và sự tường thuật của các nhân chứng lịch sử.
Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và toán "Deer Team" của Mỹ
Cuốn "Why Vietnam ? Prelude to America’s Albatross" của Archimedes L.A. Patti (1913–1998) đã cung cấp cho chúng ta những tài liệu phong phú. Ông là một Trung tá trong Quân đội Hoa Kỳ, đã chỉ huy các cuộc hành quân của tổ chức Office of Strategic Services (OSS), tiền thân của CIA, chống Nhật ở Côn Minh (thủ phủ của tỉnh Vân Nam) và Bắc Việt trong hai năm 1944 và 1945, nên nắm rất vững các sự kiện xảy ra ở miền Bắc Việt Nam trong thời gian đó. Tài liệu của ông rất hữu ích.
Trong bài này, chúng tôi xin tóm lược lại chuyện ngày xưa Mỹ đã cố gắng biến Việt Minh thành môt công cụ chống Nhật như thế nào và nhờ đó Việt Minh có lực lượng để cướp chính quyền năm 1945, để giúp rút ra những bài học lịch sử khắc nghiệt.
Mỹ quyết định dùng Việt Minh
Mặc dầu đã có một tổ chức chung là Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Cách), các đảng phái Việt Nam không ngồi lại với nhau được vì tranh chấp về quyền hành và vì không tổ chức nào muốn chịu sự điều khiển của những người thuộc tổ chức khác, nên không đáp ứng được yêu cầu của Mỹ và chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Do đó, Đại tá Austin Glass của Mỹ, chuyên gia OSS, và chính phủ Trung Hoa quyết định dùng Hồ Chí Minh và ra lệnh thả Hồ Chí Minh đang bị giam ra.
Sau khi được phóng thích, Hồ Chí Minh đến ở ngay trong hội quán của Việt Cách tại Liễu Châu, Quảng Tây. Ông kiếm một cái ghế bố đặt trong một góc để nằm. Ông khai vô đảng phái. Có ai đến hỏi chuyện, ông tránh né rất khôn khéo. Ông hòa nhã đối với mọi người và âm thầm ngồi chờ thời cơ. Nay thời cơ đã đến.
Năm 1944, do sự thúc đẩy của Mỹ, chính phủ Trung Hoa đã yêu cầu Việt Cách tổ chức một hội nghị tại Liễu Châu, Quảng Tây, vào ngày 19/3/1944 để thành lập một tổ chức đưa trở về Việt Nam hoạt động chống Nhật. Các yếu nhân trong tổ chức Việt Cách đều không muốn xung phong trở về. Do sự sắp xếp trước của tướng Trương Phát Khuê, Tư lệnh Đệ Tứ Quân Khu, Hồ Chí Minh liền giơ tay xung phong. Ông được cấp giấy giới thiệu của tướng Trương Phát Khuê và của Việt Cách, một giấy thông hành dài hạn, một bản đồ quân sự, một số tiền bạc và 20 cán bộ do ông lựa chọn.
Ông Hồ Chí Minh đã chọn 18 cán bộ sau đây : Dương Văn Lộc, Vi Văn Tôn, Hoàng Kim Liên, Phạm Văn Minh, Hoàng Văn Trao, Nông Văn Mưu, Hoàng Sĩ Vinh, Trương Hữu Chí, Hoàng Gia Tiên, Lê Nguyên, Nông Kim Thành, Hoàng Nhân, Hoàng Thanh Thủy, Hà Hiến Minh, Dương Văn Lễ, Đổ Trọng Viên, Lê Văn Tiến và Đỗ Thị Lạc. Đa số thuộc Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội và đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương. Đỗ Thị Lạc về sau có một đứa con với Hồ Chí Minh và đã bị thủ tiêu.
Trước khi lên đường, Hồ Chí Minh xin thêm 1.000 khẩu súng, 6 súng cộng đồng, 4.000 trái lựu đạn, 50.000 quốc tệ, 25.900 tiền Đông Dương và 15.000 viên thuốc quinine. Nhưng ông chỉ được cấp một súng lục tùy thân, thuốc quinine và 76.000 quốc tệ với lời hứa khi các đơn vị chiến đấu được thành lập, Mỹ sẽ huấn luyện và cung cấp vũ khí.
Hồ Chí Minh đã làm lễ tuyên thệ trước cờ của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, hứa trung thành với Hội và giúp hai chính phủ Trung Hoa và Hoa Kỳ thiết lập hệ thống tình báo tại Việt Nam.
Tháng 7 năm 1944, Hồ Chí Minh đem nhóm cán bộ được tuyển chọn về Việt Nam. Khi đến Bắc Giang, có hai cán bộ bị giết vì không chịu theo Đảng cộng sản. Hồ Chí Minh chia ra hai đoàn, một đoàn do Đặng Văn Ý cầm đầu và một đoàn do chính Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đặng Văn Ý là một cựu trung úy của quận đội Pháp, khi về đến Lạng Sơn đã chiêu mộ được một số quân và tổ chức thành những đơn vị chiến đấu rồi mở cuộc tấn công vào đồn Ban Lạc, Hà Giang. Hồ Chí Minh với sự phụ tá của Vũ Nam Long (sau gọi là tướng Nam Long) đã tiến về Cao Bằng, mở cuộc tấn công đồn Đồng Mu, Sóc Giang, rồi quay về Pắc Bó lập căn cứ địa. Ông ra lệnh cho Tỉnh ủy Cao Bằng và Lạng Sơn hoãn lại cuộc khởi nghĩa tại hai tỉnh này như đã dự tính, vì tình hình chưa thuận tiện. Đầu tháng 12, Hồ Chí Minh cho thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân. Đội này đã ra mắt ngày 22/12/1944. Bộ chỉ huy đóng tại Pắc Bó, Cao Bằng. Sau đó, ông đi Côn Minh dự Hội nghị đồng minh chống phát xít.
Mặc dầu Pháp đã ban hành Sắc luật ngày 26/9/1939 nghiêm cấm mọi tổ chức của Đảng cộng sản hoạt động trên lãnh thổ Đông Dương, nhưng sau khi Nhật đã tràn vào Đông Dương năm 1940, Pháp đã thay đổi thái độ, chấp nhận để cho Đảng cộng sản hoạt động chống Nhật.
Được Mỹ huấn luyện và trang bị
Trong hai năm 1944 và 1945, các sĩ quan tình báo của Hoa Kỳ trong cơ quan tình báo chiến lược của Hoa Kỳ là Office of Strategic Services (OSS) đã hợp tác với Hồ Chí Minh để chống Nhật. Lúc đó các viên chức OSS nhận xét Hồ Chí Minh là một người "thông minh và có khả năng" (brilliant and capable man), một người ôn hòa và thân Tây Phương.
Đại úy Archimedes L.A. Patti, Trưởng phòng hành quân của OSS đặt tại Côn Minh, nói rằng lúc đầu ông có ý sử dụng tất cả các đảng phái chính trị của Việt Nam càng nhiều càng tốt, nhưng về sau ông thấy hai đảng Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng không đáng tin cậy. Đại Việt là đảng thân Nhật và hoạt động cho tình báo Nhật, còn Việt Nam Quốc Dân Đảng tổ chức theo kiểu Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Ông có sử dụng một vài người của Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhưng thấy rằng những người này vừa cung cấp tin tức cho Hoa Kỳ, vừa cung cấp cho Trung Hoa và Pháp. Cuối cùng, ông nhận thấy Việt Minh là nhóm duy nhất có thực lực có thể giúp Đồng Minh đánh Nhật.
Ngày 16/7/1945, một toán biệt kích (commando) Mỹ - Pháp gồm 6 người do Thiếu tá Allison K. Thomas cầm đầu, được gọi là "Deer Team" (Toán Con Hươu), đã đến Việt Nam để thức hiện một sứ mạng được gọi là "Deer Mission" (Công tác Con Hươu). Toán nhảy dù xuống Kim Lung, Tuyên Quang, để huấn luyện cho quân đội của Hồ Chí Minh chống lại Nhật. Trong toán này người ta thấy có 3 người Mỹ là Thiếu tá Allison Thomas, Trung úy William Zeilski, Trung sĩ Logos, một người Pháp là Trung úy Montfort và một người Việt Nam. Hồ Chí Minh đã phái người đến đón họ và đưa về một căn cứ địa ở Cao Bằng. Trước cửa căn cứ có treo một cái biểu ngữ : "Hoan hô những người bạn Mỹ". Tuy nhiên, sau đó Hồ Chí Minh yêu cầu Thiếu tá Thomas cho viên sĩ quan Pháp trở lại Trung Quốc vì ông ta không muốn hợp tác với người Pháp. Ông nói rằng ông thích một số người Pháp, nhưng ghét những gì người Pháp đã làm trên đất nước ông và dân nước ông không chấp nhận sự hổ trợ của người Pháp. Nhưng rồi ông cũng phải nhượng bộ Mỹ và khoe rằng ông hiện đang có 3.000 tay súng ở khắp nơi !
Toán Deer Team đã huấn luyện cho các đơn vị của Võ Nguyên Giáp về hoạt động tình báo, từ thu thập và đánh giá tin tức, đánh cắp tài liệu, chỉ điểm, ám sát... đến tuyên truyền và giải cứu các phi công Đồng Minh bị bắn rơi.
Thiếu tá Thomas đã yêu cầu Hồ Chí Minh cho thành lập một trung tâm huấn luyện du kích và thiết lập một đơn vị biệt kích để ngăn chận sự vận chuyển của Nhật trên đất liền. Theo báo cáo của Thomas thì quân của Hồ gồm khoảng 200 tay súng. Thomas cho lập một phi trường để nhận tiếp tế, phi cơ L-5 có thể hạ cánh được. Công việc lập phi trường do toán AGAS thực hiện và đã hoàn tất vào ngày 20/7/1945. Thomas khuyến cáo Washington đừng tin vào các tin nhảm nói rằng Hồ Chí Minh là cộng sản. Ông quả quyết Hồ Chí Minh "không phải là cộng sản, không do cộng sản kiểm soát hay lãnh đạo".
Toán "Deer Team" đang huấn luyện Việt Minh
Thomas lựa ra 100 người khỏe mạnh để huấn luyện. Mỗi ngày huấn luyện từ 5 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều. Sau khi huấn luyện xong, từ 10 đến 14/8/1945 Hoa Kỳ đã gởi đến cho Hồ Chí Minh các loại súng Carbines, Garant M-1, tiểu liên Tommygun, tiểu liên Brens, súng không giật Bazooka, súng phóng lựu, súng cối và lựu đạn.
Tình hình trở nên rối loạn
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 10/3/1945 Tổng tư lệnh Nhật tại Đông Dương tuyên bố : "Chánh phủ Đông Kinh long trọng trao trả độc lập cho Việt Nam để cùng lập khối thịnh vượng chung Đông Nam Á". Ngày 12/3/1945 Cao Mên tuyên bố độc lập. Lào tuyên bố độc lập chậm nhất, vào ngày 15/4/1945. Ngày 17/3/1945 vua Bảo Đại tuyên chiếu rằng từ nay vua sẽ đích thân cầm quyền theo nguyên tắc "Dân vi quý" và chỉnh đốn lại quốc gia. Ngày 17/4/1945 chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Thành phần chỉnh phủ gồm 10 Bộ và ông là Tổng lý Nội các (Thủ tướng).
Ngày 15/8/1945 Nhật đầu hàng Đồng Minh. Khi nghe tin Nhật đầu hàng, Thomas ra lệnh án binh bất động để đợi tước khí giới Nhật. Như vậy, Việt Minh chưa góp phần gì trong việc hợp tác với Mỹ chống Nhật, trái lại đã tiếp nhận võ khí và hướng dẫn của Mỹ về kỹ thuật hoạt động tình báo và tác chiến. Đây cũng là một lý do khiến Hồ Chí Minh đã cướp được chính quyền.
Ngày 16/8/1945, Thomas và một số cán bộ Việt Minh tiến về Thái Nguyên, dù công việc huấn luyện chưa chấm dứt. Ngày 9/9/1945, Toán Con Hươu về tới Hà Nội bằng đường bộ và ngày 19/9/1945 rời Hà Nội về Mỹ.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ (1898–1967), Chủ tịch Ủy ban Giám đốc Chính trị Miền Bắc, cho biết sáng ngày 14/8/1945, Phó lãnh sự Nhật đã nói với ông : "Nous sommes à votre disposition" (Chúng tôi đặt dưới quyền sử dụng của các ông). Nếu muốn nhờ quân đội Nhật trong một tình thế nào, Nhật sẵn sàng giúp đỡ. Nhật biết Việt Minh sẽ cướp chính quyền nên đã gợi ý như vậy. Ý kiến của Bác sĩ Chữ là nên duy trì chính quyền hiện nay của Triều đình Huế, còn Phan Kế Toại đi theo Việt Minh.
Trong khi tình hình đang lộn xộn thì ông Nguyễn Xuân Tiếu, lãnh tụ đảng Đại Việt Quốc Xã cùng với một người nữa, đến Phủ Khâm Sai yêu cầu Khâm sai Phan Kế Toại từ chức và nhường quyền lại cho ông. Khâm sai Phan Kế Toại cho người đi mời Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ đến. Nguyễn Xuân Tiếu tự giới thiệu là lãnh tụ Đại Việt Quốc Xã và người đi theo là phó lãnh tụ. Ông cho biết đảng ông đã từng hợp tác chặt chẽ với Nhật trong cuộc đảo chánh ngày 6/3/1945 và đang được Nhật yểm trợ để nắm chính quyền. Ông yêu cầu Khâm sai Phan Kế Toại từ chức và trao quyền lại cho ông. Ông nói rằng người Nhật chỉ tin ở ông và giao vũ khí cho ông mà thôi.
Việt Minh chớp thời cơ
Sau khi toán Deer Team rời Hà Nội, Việt Minh đã ra lệnh cho Võ Nguyên Giáp đưa khoảng 100 quân vừa được Mỹ huấn luyện và trang bị, về Hà Nội ngay. Ngày 17/8/1945, các công chức Hà Nội tổ chức một cuộc biểu tình lớn trước Nhà Hát Lớn tại Hà Nội, biểu dương ý chí bảo vệ đất nước và ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Việt Minh lợi dụng cơ hội, cho cán bộ trà trộn vào đám biểu tình, bắn mấy phát súng, trương biểu ngữ của Mặt Trận Việt Minh lên và nhảy lên cướp máy phóng thanh, biến cuộc biểu tình đó thành cuộc biểu tình của Việt Minh.
Tối hôm đó, Đại Việt Quốc Gia Liên Minh họp khẩn cấp. Phía Việt Nam Quốc Dân Đảng có Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Viễn và Lê Khang. Phía Đại Việt Quốc Dân Đảng có Trương Tử Anh và Phạm Khải Hoàn. Đại Việt Quốc Dân Đảng cho rằng Việt Minh có cướp chính quyền thì cũng đi tới mục đích là giành độc lập cho quốc gia. Nhưng Lê Khang nói : "Thì ra đến giờ phút này mà các anh vẫn chưa hiểu rõ ‘Việt Minh cộng sản’ là thế nào cả, huống hồ là dân chúng !".
Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân của Việt Minh
Sáng 19/8/1945, trong khi quân Nhật đang gác trên các đường ở Hà Nội, Việt Minh lại hô hào dân chúng đến biểu tình trước Nhà Hát Lớn. Khoảng 8 giờ, 30 dân quân giải phóng cầm 17 khẩu súng lục tiến vào Nhà Hát Lớn. Một cán bộ đọc những lời hiệu triệu. Đến 10 giờ, đoàn biểu tình kéo về Phủ Khâm Sai. Phan Kế Toại không có mặt. Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ ra lệnh cho lính Bảo an mở cửa, Việt Minh vào tước khí giới. Một toán khác cũng đã chiếm tòa thị chính Hà Nội. Tin được loan đi một cách nhanh chóng : "Đã cướp được Phủ Khâm Sai" !
Ngày 23/8/1945, Việt Minh công bố chính phủ lâm thời. Khi biết Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội, Bảo Đại đã nói : "Trẫm có thiết gì ngôi vua đâu, miễn là bọn Việt Minh giữ được nền tự chủ của nước nhà là đủ. Trẫm muốn làm người dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ".
Ngày 25/8/1945, tại lầu Ngọ Môn, Huế, Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị. Sau đó Bảo Đại trao quốc ấn và bảo kiếm cho đại diện của Việt Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận, và tiếp nhận huy hiệu "Người công dân thứ nhất của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" và lấy tên là "Công dân Vĩnh Thụy".
Ngày 22/8/1945, Archimedes L.A. Patti cùng với Carleton B. Swift Jr (OSS) và một viên chức Pháp đã đến Hà Nội lo về các tù binh. Ngày 26/8/1945, Patti đã gặp Hồ Chí Minh và giúp Hồ Chí Minh soạn bản tuyên ngôn đọc lập phỏng theo bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ.
Lịch sử đang được lặp lại
Năm 1944 và 1945, Mỹ phải sử dụng Việt Minh làm công cụ chống Nhật vì các đảng phái quốc gia không được tổ chức chặt chẽ và thiếu đoàn kết. Do đó, Việt Minh đã nắm được thời cơ và cướp chính quyền. Nay Mỹ đã ký tuyên ngôn "đối tác toàn diện" với Đảng Cộng sản Việt Nam về cả chính trị, kinh tế lẫn quân sự với mục tiêu dùng Đảng Cộng sản Việt Nam làm công cụ chận đứng Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á. Lịch sử đang được lặp lại.
Wynne McLaughlin đã từng nói : "Có lẽ lịch sử sẽ không phải lặp lại chính nó nếu chúng ta thỉnh thoảng lắng nghe" (Maybe history wouldn't have to repeat itself if we listened once in a while).
Những người biết ít về lịch sử, thường sợ sự thật lịch sử và thích sống hoang tưởng, rất dễ trở thành nạn nhân của tình trạng lịch sử được lặp lại, nhất là khi người chủ trương lại chính là "Đồng Minh" !
Ngày 17/8/2017
Lữ Giang