Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/08/2024

Tô Lâm – Đại tướng Công an "cân" 2 đại tướng Quân đội

Trần Chương

Vì sao Tô Lâm thắng ?

Hiện nay, chính trường Việt Nam có 3 đại tướng, trong đó, 1 Đại tướng Công an và 2 đại tướng Quân đội. Trước khi Tô Lâm tạo phản, quân đội đã có 2 đại tướng, nhưng cuối cùng lại để Tô Lâm lên ngôi.

daituong1

Việt Nam có 3 đại tướng, trong đó, 1 đại tướng Công an (Tô Lâm) và 2 đại tướng Quân đội (Phan Văn Giang và Lương Cường).

Nói về sức mạnh cơ bắp, Bộ Công an không thể sánh bằng Bộ Quốc phòng. Trong Bộ Quốc phòng có cơ quan tình báo, có tòa án và cơ quan điều tra riêng. Nói chung, Bộ Quốc phòng như là một nhà nước nhỏ trong một nhà nước lớn. Với ban bệ nhiều hơn, vũ khí mạnh hơn, ngân sách lớn hơn, Bộ Quốc phòng sẽ là thành trì của các ông đại tướng, nếu biết tận dụng cơ hội.

Ông Phan Văn Giang đang là Đại tướng – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, có thông tin cho biết, ông bị suy thận nặng, khó có thể đảm đương chức Bộ trưởng thêm một nhiệm kỳ nữa. Còn Đại tướng Lương Cường thì giờ đây đang bị kẹt trong Ban Bí thư. Ông Lương Cường đã trở thành cấp phó cho ông Tô Lâm trong Ban Bí thư, rất khó để ông có thể xoay xở.

Công an và Quân đội đều là công cụ của Đảng. Những người từng đứng đầu Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, thường được giao cho chiếc ghế "hữu danh vô thực" như Chủ tịch nước. Tuy nhiên, một tướng Công an lên đến Tổng bí thư, thì chỉ mới có Tô Lâm. Tướng Quân đội thì từng có cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, tuy nhiên, ông Phiêu không có khả năng thâu tóm quyền lực như Tô Lâm. Điều này cho thấy sự khác biệt giữa Tô Lâm với những đại tướng khác. Tô Lâm biết cách nuôi quân để dùng vào thời khắc quyết định.

Ngay như lúc này, Đảng rất cần một lực lượng để cân bằng quyền lực với thế lực công an của Tô Lâm, đấy chính là quân đội. Tuy nhiên, không ông đại tướng Quân đội nào chịu dưới ông kia, nên cuối cùng, phải nhường thế thượng phong lại cho Tô Lâm.

Với tình hình này, rất có thể, sau Đại hội 14, cả Bộ Quốc phòng cũng rơi vào tay Tô Lâm. Phan Văn Giang có khả năng rút lui vì bệnh tật, Lương Cường có khả năng bị cho về hưu, vì đang bị Tô Lâm kìm kẹp rất chặt trong Ban Bí thư. Trong khi đó, phe Hưng Yên trong quân đội cũng đang manh nha trỗi dậy, Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến là người Hưng Yên. Nếu ông Phan Văn Giang và ông Lương Cường không liên minh, thì rất có thể, ông Hoàng Xuân Chiến lại có cơ hội trỗi dậy, như Lương Tam Quang ở Bộ Công an.

Quân đội tuy đông, tiền nhiều, quyền lớn, nhưng chia rẽ, còn công an thì thống nhất. Giờ đây, công an đang làm chủ Đảng cộng sản, và dần chi phối nhà nước. Sắp tới, Tô Lâm sẽ cơ cấu lại Ban Bí thư, đưa vào toàn những người thuộc phe cánh, rồi từ đó kiểm soát Bộ Chính trị.

Trong quá khứ, chưa có ai nắm được cả 2 thanh kiếm của chế độ. Nguyễn Phú Trọng chỉ nắm trọn vẹn thanh kiếm Công an một thời gian, nhưng đã đủ để làm mưa làm gió trên chính trường. Giờ đây, Tô Lâm có cơ hội rất lớn, khi có đồng hương Hưng Yên là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Sự hợp tác chặt chẽ giữa những người Hưng Yên sẽ đem lại cho Tô Lâm sức mạnh đáng kể. Hơn nữa, nếu Tô Lâm và Hoàng Xuân Chiến bắt tay, thì cả 2 cùng có lợi.

Chủ nghĩa bè phái chưa bao giờ phát triển mạnh như hiện nay, từ đó, Đảng bước sang giai đoạn "loạn sứ quân". Hầu hết các phe phái đều chỉ tin tưởng người cùng địa phương, hoặc có quan hệ mang tính chất gia đình, như thế mới hạn chế khả năng bị phản bội.

Với thành công của Tô Lâm, ắt hẳn trong quân đội cũng sẽ manh nha hình thành dạng nhóm lợi ích địa phương. Nếu Tô Lâm đẩy được 2 đại tướng Quân đội về hưu ở Đại hội 14, rất có thể, khi đó, nhóm lợi ích Hưng Yên sẽ nổi lên trong quân đội.

Hãy chờ xem, diễn biến trong thời gian tới sẽ như thế nào.

Trần Chương

Nguồn : Thoibao.de, 15/08/2024

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Chương
Read 267 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)