Gia tộc Thaksin trở lại nắm quyền dưới sự giám sát của phe bảo hoàng
Trọng Thành, RFI, 16/08/2024
Ngày 16/08/2024, Quốc hội Thái Lan đã bầu bà Paetongtarn Shinawatra làm thủ tướng mới, thay thế cho ông Sretta Thavisin, buộc phải từ chức theo một phán quyết của Tòa án Bảo hiến. Vị thủ tướng 37 tuổi, trẻ tuổi nhất trong lịch sử Thái Lan, không ai khác hơn chính là con gái của cựu thủ tướng tỉ phú Thaksin Shinawatra, 75 tuổi, một trong những thủ tướng được lòng dân nhất trong lịch sử Thái Lan, bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006.
Tân thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cùng các thành viên đảng Pheu Thai ở Bangkok, Thái Lan, ngày 16/08/2024. AP - Wason Wanichakorn
Bà Paetongtarn trở thành thủ tướng với tư cách chủ tịch đảng Pheu Thai, đảng do ông Thaksin hậu thuẫn. Tuy nhiên, sự trở lại nắm quyền của gia tộc Thaksin được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các thế lực bảo hoàng.
Quốc hội Thái Lan với đa số áp đảo 319 phiếu thuận, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng, đã bầu bà Paetongtarn làm người đứng đầu chính phủ, thay thế cho cựu thủ tướng Thavisin, vốn là cựu luật sư của Thaksin. Ông Thavisin được liên minh 11 đảng, với đảng Pheu Thai đông dân biểu biểu thứ hai trong Quốc hội làm nòng cốt, bầu làm thủ tướng sau cuộc bầu cử hồi mùa hè năm ngoái. Trong liên minh nói trên có một số đảng phái bảo hoàng, thân tập đoàn quân sự.
Việc ông Thavisin trở thành thủ tướng đã là một giải pháp thỏa hiệp giữa phe của Thaksin với phe bảo hoàng, cho phép cựu thủ tướng trở về nước sau gần 20 năm sống lưu vong. Án tù khiếm diện 8 năm đối với ông được chuyển thành án tù một năm.
Theo giới quan sát, cách nay một năm, bà Paetongtarn Shinawatra được coi là quá ít kinh nghiệm để lãnh đạo chính phủ. Tuy nhiên, một năm sau, tình hình đã có nhiều thay đổi. Chính trường Thái Lan đang trong giai đoạn biến động lớn. Move Forward, đảng được lòng dân nhất, đứng đầu về số dân biểu tại Quốc hội Thái Lan, bị buộc phải giải tán, do bị cáo buộc tấn công vào hoàng gia, vi phạm "luật khi quân". Bộ luật khắc nghiệt này được coi là công cụ để phe bảo hoàng trừng phạt các phe đối địch.
Con gái út của cựu thủ tướng Thaksin giờ đây lên tuyến đầu. Theo một số người am hiểu về tình hình chính trị Thái Lan, việc bà Paetongtarn trở thành thủ tướng sẽ cho phép ông Thaksin gián tiếp định hướng các chính sách của chính phủ Thái Lan. Bản thân nữ thủ tướng tương lai từng thừa nhận sẽ bù lấp phần kinh nghiệm thiếu hụt "với sự hỗ trợ của cha, luôn sẵn sàng tư vấn" bà.
Paetongtarn là người gắn bó với sự nghiệp chính trị của cha từ nhỏ. Theo tạp chí Anh Time, năm lên tám tuổi, cô đã theo chân cha trong các hoạt động của chính phủ khi ông là ngoại trưởng. Năm 20 tuổi, cô từng chứng kiến xe tăng tuần tra trên đường phố Bangkok khi quân đội đảo chính lật đổ chính phủ Thaksin. Hai năm sau, cô chứng kiến cảnh cha mình phải rời bỏ quê hương, để tránh bị kết tội "tham nhũng", điều mà ông tố cáo là do "động cơ chính trị".
Paetongtarn bắt đầu sự nghiệp chính trị khi gia nhập đảng Pheu Thai vào năm 2021, với tư cách là giám đốc một ủy ban mang tên "đổi mới và hòa nhập" của đảng này. Hầu hết kinh nghiệm chuyên môn của Paetongtarn từ năm 2011 cho đến khi tham gia chính trường đều liên quan đến đế chế thương mại của gia tộc Shinawatra, bao gồm lĩnh vực sân golf và các ngành bất động sản, khách sạn và viễn thông. Bà là giám đốc điều hành của doanh nghiệp khách sạn Rende Development Co., của chị gái Pintongta Shinawatra Kunakornwong. Hiện tại, Paetongtarn cũng là cổ đông lớn nhất của công ty bất động sản SC Asset Corp. Pcl, với 28,5% cổ phần trị giá khoảng 5,2 tỷ baht (152 triệu đô la), theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg.
Từ hai thập niên nay, gia tộc Shinawatra vẫn bị coi là mối đe dọa đối với giới thượng lưu bảo hoàng, kiểm soát nhiều tổ chức và doanh nghiệp quyền lực nhất đất nước. Hai năm trước đây, khi điều hành chiến dịch tranh cử Quốc hội của đảng Pheu Thai, và là một trong các ứng viên hàng đầu vào chức thủ tướng, Paetongtarn đã cam kết sẽ chấm dứt "một chu kỳ đảo chính" chống lại gia tộc của bà. Ngoài thủ tướng Thaksin bị đảo chính năm 2006, chính phủ của em gái ông Thaksin, bà Yingluck, cầm quyền từ năm 2011 đến 2014, cũng bị đảo chính.
Các chờ đợi của người dân đối với tân chính phủ do con gái của cựu thủ tướng Thaksin lãnh đạo là rất lớn. Kể từ năm 2001, đảng do ông Thaksin trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành đều giành chiến thắng trong "tất cả các cuộc bầu cử dân chủ". Chính phủ đầu tiên do ông Thaksin lãnh đạo đã từng mang lại "những tiến bộ xã hội lớn" tại một đất nước bất bình đẳng rất cao. Chính phủ Thaksin từng thiết lập chế độ bảo hiểm y tế cho tất cả những người có thu nhập thấp nhất. Cam kết tranh cử của đảng Pheu Thai hồi 2023 là sẽ cấp cho tất cả người dân Thái có thu nhập thấp khoản tiền 10.000 bath (tương đương 385 euro), thông qua "ví điện tử" ngay trong năm cầm quyền đầu tiên. Biện pháp cho đến nay vẫn chưa được liên minh cầm quyền, mà đảng Pheu Thai là nòng cốt, áp dụng.
Cho dù bà Paetongtarn có trở thành thủ tướng Thái Lan, chính phủ của con gái cựu thủ tướng Thaksin cũng khó mà rộng tay hành động. Trả lời AFP, nhà chính trị học Yuttaporn Issrachai nhận định, bất luận thế nào tân chính phủ "cũng khó thoát khỏi ảnh hưởng của phe bảo thủ và giới quân sự". Bản thân ông Thaksin, sau khi được trả tự do có điều kiện từ tháng 2/2024, tiếp tục phải đối mặt với một vụ án mới. Ngày 18/06/2024, cựu thủ tướng Thaksin lại bị khởi tố về "tội khi quân", một cáo buộc mà giới tướng lĩnh từng đưa ra hồi năm 2015.
Trên thực tế, hiện tại người dân Thái Lan không mấy hy vọng vào chính phủ của nữ thủ tướng Paetongtarn. Chỉ có 5% cử tri ủng hộ bà, theo một thăm dò dư luận của viện Nida, hồi tháng 6, trong lúc 45% dân chúng muốn ông Pita Limjaorenrat, cựu lãnh đạo đảng Move Forward bị giải thể, lãnh đạo đất nước.
Trọng Thành
*******************************
Bà Paetongtarn Shinawatra trở thành thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan
BBC, 16/08/2024
Bà Paetongtarn Shinawatra đã dễ dàng trở thành tân thủ tướng Thái Lan sau khi đạt được đủ số phiếu bầu cần thiết tại Hạ viện vào ngày thứ Sáu 16/8.
Bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, đã trở thành nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Thái Lan và là thủ tướng thứ ba trong gia tộc Shinawatra
Bà Paetongtarn Shinawatra là con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị đảo chính lật đổ vào năm 2006 và hiện vẫn đang gặp rắc rối pháp lý.
Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2023, với vị trí xếp thứ hai, Đảng Pheu Thai (Đảng vì người Thái) do bà Paetongtarn Shinawatra làm lãnh đạo đã tiến hành thành lập liên minh cầm quyền với các đảng khác.
Liên minh cầm quyền hiện đang giữ 314 ghế tại Hạ viện, trong đó 141 ghế thuộc về đảng Pheu Thai do bà Paetongtarn lãnh đạo.
Với liên minh chiếm gần 2/3 trong số 493 nghị sĩ tại Hạ viện Thái Lan, bà Paetongtarn đã dễ dàng giành đủ quá bán số phiếu cần thiết (ít nhất 248 phiếu) để trở thành tân thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Sáu 16/8.
Trước đó, vào ngày thứ Năm 15/8, liên minh này đã đồng ý đề cử bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, cho vị trí thủ tướng.
Bà Paetongtarn Shinawatra là thành viên thứ ba của gia tộc Shinawatra trở thành thủ tướng trong hai thập kỷ qua : bao gồm ông Thaksin (cha bà Paetongtarn), bà Yingluck (em gái ông Thaksin) và bản thân bà Paetongtarn.
Danh sách này sẽ tăng lên bốn nếu tính thêm ông Somchai Wongsawat, em rể của ông Thaksin.
Bà Paetongtarn Shinawatra là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Thái Lan.
Nữ thủ tướng còn lại cũng thuộc gia tộc Shinawatra. Đó là bà Yingluck Shinawatra, em ruột ông Thaksin, tức cô ruột của bà Paetongtarn.
Bà Yingluck đã bị Tòa Hiến pháp phế truất vào năm 2014.
Năm 2011, bà Yingluck Sinawatra, em gái ông Thaksin, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Năm 2014, bà bị Tòa án Hiến pháp phế truất.
Bà Paetongtarn, 37 tuổi, trở thành tân thủ tướng trong thời điểm nóng bỏng của chính trường Thái Lan.
"Bà ta sẽ dễ bị công kích", Titipol Phakdeewanich, một nhà khoa học chính trị từ Đại học Ubon Ratchathani, nói với Reuters.
"Bà Paetongtarn đang đối mặt với rủi ro ngày càng cao. Nếu Đảng Pheu Thai không mang lại bất kỳ điều gì thì kỷ nguyên chính trị của gia tộc Shinawatra có thể kết thúc".
Trước đó, vào ngày thứ Tư 14/8, Thủ tướng Srettha Thavisin đã bị Tòa án Hiến pháp bãi chức do bổ nhiệm sai người.
Ông Srettha, 62 tuổi, bị tòa ra phán quyết đã vi phạm "luật về đạo đức" với "thể hiện thái độ chống đối".
Ông Srettha chỉ mới nắm quyền thủ tướng chưa đến một năm và là thủ tướng thứ ba của Thái Lan trong vòng 16 năm bị Tòa án Hiến pháp bãi chức.
Bất ổn về chính trị đã phủ bóng đen lên nền kinh tế khi ông Srettha từng hy vọng kích thích tiêu dùng thông qua một loạt các biện pháp, bao gồm kế hoạch "Ví điện tử (Digital Wallet)" phát 10.000 baht (khoảng 288 USD) cho mỗi người trong tổng số 50 triệu dân, dưới dạng tiền kỹ thuật số.
Bà Paetongtarn Shinawatra là ai ?
Bà Paetongtarn cùng chồng là Pidok Sooksawas
Bà Paetongtarn Shinawatra, sinh năm 1986, học ngành khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản lý khách sạn tại Đại học Surrey (Anh Quốc).
Còn được biết đến với tên gọi Ung Ing, bà Paetongtarn mới 20 tuổi khi ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính vào năm 2006.
Bà Paetongtarn đã trải qua tuổi thơ khi Thái Lan chứng kiến nền chính trị có nhiều biến động.
Hồi tháng 3/2024, bà phát biểu : "Khi tôi 8 tuổi, cha tôi bước vào chính trường. Kể từ ngày hôm đó, cuộc sống của tôi đã hòa quyện vào chính trị".
Bà Paetongtarn đã làm việc cho tập đoàn khách sạn Rende của gia tộc Shinawatra, nơi chồng bà giữ chức phó giám đốc đầu tư, trước khi gia nhập đảng Pheu Thai vào năm 2021.
Bà Paetongtarn đã được bổ nhiệm làm chủ tịch đảng này vào tháng 10/2023.
Bà Paetongtarn có hai con, gồm một bé gái 3 tuổi và bé trai 1 tuổi, sau khi kết hôn vào năm 2019.
Bà thường chia sẻ hình ảnh các con trên mạng xã hội Instagram, trong những chuyến nghỉ dưỡng và trang phục sang trọng.
Gia tộc Shinawatra
Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và con gái Paetongtarn Shinawatra
Sinh năm 1949, ông Thaksin là thành viên của gia tộc Shinawatra, một gia tộc gốc Hoa giàu có, nổi tiếng ở Thái Lan.
Ông Thaksin Shinawatra ban đầu làm cảnh sát, sau đó dần chuyển sang kinh doanh. Sau một số thương vụ thất bại, năm 1983, ông đồng sáng lập một công ty buôn bán máy tính nhỏ.
Công ty này sau đó phát triển thành Shin Corp - tập đoàn viễn thông lớn nhất Thái Lan, kinh doanh từ điện thoại di động đến dịch vụ internet, truyền thông. Chính Shin Corp đã biến ông Thaksin thành tỷ phú.
Vào năm 1994, ông Thaksin Shinawatra tham gia chính trường. Ban đầu ông giữ chức ngoại trưởng, sau đó làm phó thủ tướng.
Ông Thaksin thành lập đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái) vào năm 1998.
Năm 2001, ông Thaksin thắng cử và trở thành thủ tướng Thái Lan sau khi đảng Thai Rak Thai giành chiến thắng vang dội.
Năm 2005, ông Thaksin trở thành thủ tướng được bầu đầu tiên hoàn thành đủ nhiệm kỳ 4 năm và ông tiếp tục tái đắc cử
Trong thời gian làm thủ tướng, ông trở nên cực kỳ nổi tiếng với người nghèo ở nông thôn nhờ những chính sách chăm sóc y tế, giảm nợ. Các doanh nghiệp cũng có thiện cảm với ông nhờ chính sách kinh tế "Thaksinomics", vốn đã mở ra một kỷ nguyên thành công cho kinh tế Thái Lan.
Tuy nhiên, chính quyền ông Thaksin không được lòng giới thượng lưu và ông thường xuyên bị chỉ trích tham nhũng, hành xử không khéo léo, sử dụng quyền hành thái quá, không tôn trọng nhà vua...
Năm 2006, quân đội Hoàng gia Thái Lan đảo chính và lật đổ chính phủ ông Thaksin trong lúc ông đang tham gia cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Mỹ.
Năm 2007, Đảng Thai Rak Thai bị giải tán, nhưng sau đó đã phát triển thành đảng Pheu Thai (Vì nước Thái).
Năm 2008, ông Thaksin rời đất nước sống lưu vong sau khi bị Tòa án Tối cao Thái Lan kết án vắng mặt với tổng cộng 12 năm tù liên quan bốn cáo buộc về lạm quyền, tham nhũng.
Là một tỷ phú viễn thông, ông Thaksin sở hữu nhiều nhà cửa ở ít nhất 6 quốc gia.
Sau khi bị chính quyền Thái Lan tịch thu giấy tờ cá nhân, ông đã bắt đầu sử dụng thị thực của Montenegro để đi lại. Chưa kể, ông còn sở hữu một hộ chiếu ngoại giao Nicaragua.
Trong thời gian ở Anh vào năm 2007, ông đã mua câu lạc bộ bóng đá Manchester City với giá gần 82 triệu bảng Anh. Một năm sau đó, ông bán câu lạc bộ này lại cho tập đoàn Abu Dhabi United (UAE) với giá 200 triệu bảng Anh, theo đài Fox Sports.
Theo tạp chí Forbes, ông Thanksin sở hữu 2,1 tỉ USD vào thời điểm năm 2023.
Ông là một trong những nhân vật gây chia rẽ nhất trong lịch sử Thái Lan.
Năm 2009, những người ủng hộ ông Thaksin – tức phe áo đỏ - biểu tình ở Bangkok kêu gọi bầu cử, cho rằng chính phủ của Thủ tướng Ahbisit khi đó không giành được quyền lực thông qua bỏ phiếu.
Trong thời gian không có mặt ở Thái Lan, ông Thaksin vẫn giữ được mức độ ảnh hưởng to lớn đến nền chính trị nước này. Từ năm 2001 đến nay, các đảng chính trị liên minh với ông Thaksin đều giành được nhiều ghế trong Quốc hội.
Năm 2011, bà Yingluck Sinawatra, em gái ông Thaksin, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Năm 2014, bà Yingluck bị Tòa Hiến pháp phế truất. Một cuộc đảo chính quân đội sau đó đã đưa Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayut Chan-O-cha lên lãnh đạo một chính phủ bị coi là chuyên quyền nhất trong nhiều thế hệ.
Tháng 8/2023, Đảng Pheu Thai tiến tới nắm quyền sau nhiều tháng biến động chính trị.
Ông Thaksin đã có một cuộc trở về quê hương đầy kịch tính vào tháng 8/2023 sau khi sống lưu vong ở nước ngoài 15 năm.
Ông Thaksin nói rằng quyết định trở lại vào tháng 8/2023 của ông không liên quan gì đến nỗ lực thành lập chính phủ của đảng Pheu Thai, nhưng nhiều người tin rằng đảng này đã thỏa thuận với các đảng thân quân đội để tạo điều kiện cho ông Thaksin về nước.
Ông ngay lập tức bị bắt tại sân bay, bị kết án 8 năm tù với ba bản án tuyên vắng mặt trong thời gian ông không ở trong nước.
Ngày 29/5, Bộ trưởng Tư pháp Thái Lan tuyên bố truy tố ông Thaksin liên quan đến cáo buộc ông xúc phạm chế độ quân chủ.
Dự kiến ông sẽ phải hầu tòa vào ngày 19/8 tới trong khi Tòa án Hình sự Thái Lan ngày 31/7 bác đề nghị của ông về việc đến Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất (UAE) để chữa bệnh từ ngày 1 đến 16/8.
Nguồn : BBC, 16/082024
*******************************
Đảng Pheu Thai chọn con gái Thaksin làm ứng viên thủ tướng
Trọng Thành, RFI, 15/08/2024
Một ngày sau khi Tòa Bảo Hiến Thái Lan ra phán quyết "chấm dứt" chức vụ của thủ tướng Srettha Thavisin vì ông bổ nhiệm một chính trị gia từng bị kết án tù làm bộ trưởng, hôm nay 15/08/2024, đảng Pheu Thai, đảng lớn nhất trong liên đảng cầm quyền, đã chỉ định bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, con gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, làm ứng viên thủ tướng.
Bà Paetongtarn Shinawatra, lãnh đạo đảng Pheu Thai, con gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, được đảng Pheu Thai đề cử làm thủ tướng, Bangkok, Thái Lan, ngày 15/08/2024. AP - Sakchai Lalit
Theo AFP, tổng thư ký đảng Pheu Thai, Sorawong Thienthong đã thông báo quyết định nói trên trong một cuộc họp báo tại thủ đô Bangkok. Cho đến nay, bà Paetongtarn Shinawatra là ứng viên thủ tướng duy nhất. Trước đó, theo Business Times, các phương tiện truyền thông địa phương loan tin cựu bộ trưởng Tư Pháp Chaikasem Nitisiri, 75 tuổi, một đảng viên đảng Pheu Thai, có thể là ứng viên hàng đầu.
Ngày mai, Hạ Viện Thái Lan sẽ bỏ phiếu bầu tân thủ tướng. Liên minh 11 đảng, với đảng Pheu Thai là nòng cốt, hiện có 314 ghế trên tổng số 500 ghế tại Hạ Viện.
Bà Paetongtarn Shinawatra là lãnh đạo đảng Pheu Thai, và từng là phó chủ tịch ủy ban phụ trách thúc đẩy "quyền lực mềm" của Thái Lan trong chính phủ của thủ tướng Srettha Thavisin, vừa bị giải thể. Bà là con gái út của cựu thủ tướng Thaksin, nhà tỉ phú, từng rất được lòng dân, cầm quyền từ năm 2001 đến 2006. Nếu đắc cử, lãnh đạo đảng Pheu Thái sẽ là người thứ ba trong gia tộc Shinawatra đứng đầu chính phủ Thái Lan, sau người cha và người cô, Yingluck Shinawatra (2011 - 2014), cả hai đều bị đảo chính quân sự lật đổ.
Trả lời AFP, nhà phân tích chính trị Yuttaporn Issarachai cho biết "bà Paetongtarn đã có hai, ba năm kinh nghiệm chính trường, bản thân bà xuất thân từ một gia đình làm chính trị, nên tôi nghĩ bà ấy có đủ khả năng". Theo chuyên gia này, ứng viên thủ tướng của đảng Pheu Thai không phải là người thu hút được thế hệ trẻ Thái Lan, đang khao khát thay đổi triệt để hệ thống, nhưng trên thực tế, "rất khó mà thoát khỏi ảnh hưởng của phe bảo thủ và giới quân sự".
Trọng Thành
*****************************
Thủ tướng Srettha Thavisin bị bãi chức vì vi phạm quy tắc đạo đức
Thu Hằng, RFI, 14/08/2024
Ngày 14/08/2024, Tòa Bảo Hiến Thái Lan đã "chấm dứt" chức vụ của thủ tướng Srettha Thavisin với 5 phiếu thuận, 4 phiếu chống. Ông bị cáo buộc đã vi phạm quy tắc đạo đức được nêu trong Hiến Pháp vì đã bổ nhiệm một luật sư bị kết án tù năm 2008 làm bộ trưởng. Phán quyết của Tòa mở ra một thời kỳ bất ổn mới tại Thái Lan.
Thủ tướng Thái Lan, Srettha Thavisin, phát biểu với báo giới tại thủ phủ tướng ở Bangkok, ngày 14/08/2024. AP - Sakchai Lalit
Trong phán quyết, được thẩm phán Punya Udchachon đọc tại Tòa, thủ tướng Srettha bị cáo buộc là "không trung thực khi bổ nhiệm vị bộ trưởng đó" vì ông phải biết được rằng luật sư Pichit Chuenban đã bị kết án 6 tháng tù vào năm 2008 với cáo buộc tham nhũng. Luật sư Pichit có liên quan đến gia đình cựu thủ tướng Thaksin, đối lập với tập đoàn quân sự và phe bảo hoàng.
Theo AFP, ông Pichit đã từ chức để cứu thủ tướng Srettha. Tuy nhiên, nhóm 40 thượng nghị sĩ do tập đoàn quân sự cầm quyền trước đây bổ nhiệm đã đệ đơn kiện lên Tòa Bảo Hiến. Giữ chức chưa được một năm, ông Srettha là thủ tướng thứ ba của đảng Pheu Thai bị Tòa Bảo Hiến bãi chức. Phán quyết của tòa cũng có hiệu lực với toàn bộ nội các hiện nay. Quốc hội Thái Lan sẽ phải họp để chọn thủ tướng mới.
Chính trường Thái Lan lại rơi vào bất ổn. Phán quyết của Tòa Bảo Hiến còn cho thấy những chia rẽ cố hữu trong chính trường Thái Lan giữa phe bảo thủ và các đảng cấp tiến, như đảng Pheu Thai và đối thủ mới là đảng Move Forward (MFP).
Tuy nhiên, ngày 08/08, đảng Move Forward (MFP) cũng bị chính Tòa Bảo Hiến giải thể vì đề xuất cải cách luật khi quân. Cựu lãnh đạo đảng Pita Limjaroenrat bị cấm tham gia chính trị trong vòng 10 năm. Một ngày sau phán quyết của tòa, ban lãnh đạo đảng thông báo thành lập Đảng Nhân Dân (PP - People’s Party).
Thu Hằng