Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/08/2024

Olympics 2024 là chiến thắng của nước Pháp

Ngô Nhân Dụng

Quốc gia thắng lợi nhất kỳ Olympics 2024 là Pháp, nước đăng cai tổ chức. Xứng đáng được thưởng huy chương vàng, so với các Olympics gần đây ở Tokyo, Atlanta, Bắc Kinh. Muốn 329 cuộc tranh đua diễn ra êm đẹp – số lớn thứ nhì sau Thế Vận Hội Tokyo năm 2020 (339) – đòi hỏi cả nước phải cộng tác và phối hợp. Hơn 45.000 cảnh sát và nhân viên an ninh giữ trật tự - bình yên hơn so với London đang biểu tình đánh nhau chết người. Hệ thống điện được xếp đặt lại, thay thế các máy phát điện chạy bằng dầu diesel trước đây, nối liền tất cả các vận động trường ở Paris và 300 địa điểm tranh tài khác trên cả nước. Paris đặt thêm 160 cây số đường dành riêng cho xe đạp nối liền các sân vận động – dân chúng bớt than phiền nạn kẹt xe ; chính phủ nêu cao thiện chí bảo vệ môi trường ! Dân Paris sẽ thừa hưởng 10.000 chỗ đậu xe đạp !

olympic1

Đôi tình nhân hôn nhau trên bờ sông Seine, Paris, trong lễ khai mạc Olympics 2024. Hình chụp ngày 26 tháng Bảy. (AP Photo/Rebecca Blackwell, File)

Ngoạn mục nhất là công tác làm sạch con sông Seine đầy rác và chất độc tích tụ, đáng lẽ phải được giữ vệ sinh liên tục trong mấy thế kỷ trước. Những dòng sông chảy qua các đô thị lớn thường thường bị nhiễm độc và nhơ bẩn nhiều hay ít. Sông Thames ở London, Spree ở Berlin Donau (Danube) ở Busapest, vân vân cũng chung số phận với Seine.

Những người yêu thơ khắp thế giới đều nhớ Appolinaire viết : "Dưới chân cầu Mirabeau, nước sông Seine vẫn chảy – cùng với cuộc tình của chúng ta" (Sous le pont Mirabeau coule La Seine – et nos amours). Tới thế kỷ 20, ai đứng trên cầu Mirabeau nhìn xuống sông Seine chắc sẽ không ước mong gửi tình yêu của mình vào dòng nước đen đen này ! Nhờ Thế Vận Hội, Paris có ngân sách "tắm gội" cho con sông nổi tiếng. Công trình lớn tiêu tốn 1,4 tỷ đồng euro, bằng 1,53 tỷ mỹ kim. Bà Thị trưởng Anne Hidalgo làm gương nhảy xuống sông bơi lội để các lực sĩ yên tâm nước sông Seine sạch rồi.

Dân Pháp vốn mang tinh thần "cartesien," lúc đầu rất hoài nghi. Nhiều người chê Thế Vận Hội là trò chơi của bọn nhà giàu, cả nước tốn tiền mà vô bổ. Lần chót Paris tổ chức Olympics cách nay đã 100 năm rồi. Nhưng sau khi đã nếm mùi dăm ngày, đa số bắt đầu đồng ý : Cũng đáng công ! Chưa bao giờ dân Paris tỏ ra "yêu thể thao" như thế. Có lẽ lần chót là năm 1998 khi đội tuyển Pháp (với Zinedine Zidane) thắng Giải Túc Cầu Thế giới, cũng diễn ra ở Paris ! Năm nay, sau khi Pháp thắng Brazil 3-0 trong trận chung kết, dân chúng kéo nhau ra đường hô khẩu hiệu "Chúng ta là vô địch !" (On est champion !) đến sáng chưa ngưng.

Mỗi lần Pháp đoạt huy chương vàng, bản quốc ca "La Marseillaise" vang từ hội trường ra ngoài đường phố, xuống đường metro xe điện ngầm, vào các hàng quán, ai nấy chú mắt trước những màn ảnh truyền hình. Đoạn cuối bài quốc ca, ra đời vào thế kỷ 18, có lời kêu gọi dân quân Marseille "Cùng tiến ! Cùng tiến !" (Marchons ! Marchons !). Năm nay có lúc dân Paris nhại lời, thành "Marchand ! Marchand !" vì lực sĩ bơi lội Pháp Léon Marchand đã đoạt bốn huy chương vàng ! Nhưng cả khi Pháp đá banh thua Tây Ban Nha, khán giả vẫn khích lệ, hô đi hô lai một khẩu hiệu : "Áo xanh, tiến lên !" (Allez les Bleus !).

Ngoài Leon Marchand, một lực sĩ nổi bật trong Thế Vận Hội Paris 2024, phải kể đến Simone Biles, vận động viên môn thể dục "gymnastics" Mỹ. Năm nay hơn 27 tuổi, cô đã đoạt 30 huy chương Vô Địch môn gymnastics toàn cầu, và tổng cộng 11 huy chương Thế Vận Hội. Năm 2020, mọi người tiên đoán cô sẽ đoạt ít nhất 4 đến 6 huy chương vàng ở Tokyo. Cô can đảm bỏ cuộc khi biết mình mắc một chứng bệnh thần kinh mất khả năng kiểm soát cơ thể khi đang nhào lộn. Năm nay được chữa trị, trở lại Paris, cô chiếm 3 huy chương vàng, một bạc. Katie Ledecky là một nữ lực sĩ bơi lội lớn tuổi khác, đã dự bốn Olympics ; từng được Tổng thống Joe Biden tặng huân chương Tự Do (Presidential Medal of Freedom), năm nay lại đoạt bốn huy chương vàng.

Riêng chúng tôi khâm phục nữ lực sĩ Kinzang Lhamo nhất, mặc dù cô không chiếm một huy chương nào cả. Lhamo người Bhutan, một nước 800 ngàn dân nằm dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, cô tới Paris cùng hai nam lực sĩ. Cô dự cuộc đua marathon phụ nữ.

Bắt đầu chạy từ 8 giờ sáng, gần một trăm nữ lực sĩ chạy trên đường phố Paris, đoạn chót phải lên dốc. Lúc 10 giờ 23, khán giả khắp nước Pháp và thế giới nhìn thấy trên truyền hình người đầu tiên vượt qua làn ranh. Tới 10 giờ 34 chín người chịu bỏ cuộc, nhưng 50 lực sĩ đã vượt 40 cây số tới đích, chỉ còn hơn 30 người vẫn đang chạy. Đến 10 giờ 43, còn 6 người ; 10 giờ 46, còn bốn. Cô Rose Harvey, Anh quốc vượt lằn ranh lúc 10 giờ 51 ; Matea Parlov Kostro, nước Croatia, lúc 10 giờ 54 ; Santoshi Shrestha nước Nepal hoàn tất lúc 10 giờ 55. Sau đó, chỉ còn một lực sĩ chưa về tới đích : cô Kinzang Lhamo. Cô đã bị rớt lại xa sau từ lâu nhưng vẫn tiếp tục chạy. Lúc 11 giờ 10, Lhamo đã chạy được 30 km.

Các báo, đài ti vi thương mại đã mang máy đi quay chỗ khác. Thế Vận Hội không bỏ rơi cô. Lâu lâu hình cô lại xuất hiện trên màn ảnh cho khán giả biết cô đang tới đâu rồi. Lúc 11 giờ 32 đi bộ, bước từng bước, không chạy nữa. Có lúc thấy cô đi bên một người đạp chiếc xe đạp, đằng sau một chiếc xe jeep. Một người vác lá cờ Bhutan đi phía sau cô, chắc để cho thế giới biết cô người nước nào. Cô đeo trước ngực chữ "BHU." Nhưng phần lớn các khán giả đứng bên đường hoặc coi truyền hình cũng không biết đó là quốc kỳ nước nào, không biết Bhutan nằm ở đâu. Lúc 11 giờ 51 phút, sau nửa giờ đi bộ dưỡng sức, cô lại bắt đầu chạy, khán giả bên đường vỗ tay hoan hô ! Cuộc đua chưa kết thúc vì cô còn chạy chưa hết đường, cho nên ban tổ chức hoãn không làm lễ phát giải !

Kinzang Lhamo là người thứ 80 về tới đích lúc 11 giờ 53, sau khi chạy (và đi bộ) 3 giờ, 52 phút, 59 giây. Cô tiếp tục chạy theo đà một quãng mới ngồi xuống cái ghế nhựa trong khi ban tổ chức cho khiêng mấy cái bục ra để làm lễ trao giải. Cô tới gần một giờ sau người về thứ 79, cô Santoshi Shrestha nước Nepal. Cô không trả lời những người phỏng vấn vì không ai biết nói ngôn ngữ Dzongkha của xứ cô. Nhưng cô không cần nói gì hết. Cô nói bằng hành động : theo đuổi cuộc chạy đua tới cùng.

olympic2

Cô Kinzang Lhamo chạy qua vạch đích tại Esplanades des Invalides để hoàn tất cuộc chạy đua đường trường marathon dành cho nữ. Ảnh : Lisa Leutner/Reuters

Năm nay 26 tuổi, Linzang Lhamo, ở trong quân đội Bhutan, đã chiếm vô địch chạy marathon hồi tháng 3 vừa qua. Năm 2022 cô đã về thứ nhì trong cuộc chạy đường trường 203 cây số trên sườn rặng Himalaya. Năm nay là lần đầu tiên cô dự một cuộc tranh tài quốc tế. Mấy hôm sau cô được phỏng vấn, "Tại sao cô gắng sức chạy hết 40 cây số đường như thế ?"

"Tôi từ xa 8.000 cây số tới đây. Đất nước tôi đã đưa tôi tới đây để dự tất cả cuộc đua ; không phải đến để dự cho có mặt ! Linzang Lhamo đã nói lên một tinh thần thể thao lý tưởng.

Thời xưa các thành thị Hy Lạp tổ chức Olympics để thanh niên tới đó thi coi ai giỏi hơn ; khỏi cần ra bãi chiến trường chém giết nhau. Olympics kỳ này có 206 nước (hoặc lãnh thổ) có mặt. Trung Quốc với Mỹ Quốc khỏi đấu nhau bằng hỏa tiễn hay hàng không mẫu hạm ; chỉ gửi lực sĩ tới Paris. Mỗi nước chiếm đúng 40 huy chương vàng, coi như ngang sức. Tổng số huy chương của Trung Quốc (91) thấp hơn của Mỹ (126) cũng phản ảnh thế cân bằng kinh tế và quân sự giữa hai nước. Sau đến Anh và Pháp, với 65 và 64 huy chương, rất xứng đáng. Đáng khen nhất là Australia, leo lên hàng thứ năm với 53 cái "mề đay," cao hơn Nhật Bản, 45, dù dân số thấp hơn nhiều. Nếu tính tỷ lệ số huy chương trên số dân thì ba nước nhỏ xíu đáng khen ngợi nhất là : Grenada, 112.000 dân, chiếm được hai huy chương. Dominica, 67.000 dân, chiếm một, và St Lucia, 184.000 dân, 2 huy chương. Đúng là "Bé Hạt Tiêu !". Nói về thành tích cá nhân, tôi chọn Linzang Lhamo như tiêu biểu cho tinh thần Thế Vận Hội.

Ông bạn tôi là Nguyễn Bá Trạc mới nhắc nhở rằng 72 năm trước, một người Việt Nam đã từng thể hiện tinh thần thượng võ giống như cô Lhamo. Đó là lực sĩ Trần Văn Lý, dự Thế Vận Hội Helsinki năm 1952. Tôi đang được ông Trạc dẫn đi thăm Phần Lan, Estonia, trước khi qua Thụy Điển. Hồ sơ của Ủy ban Thế Vận Hội Quốc tế vẫn ghi tên "Trần Văn Lý, sinh năm 1927" đại diện cho Quốc gia Việt Nam, dự Olympics kỳ thứ 15 ở Helsinki, từ ngày 19/7 đến 3/8/1952. Trần Văn Lý dự cuộc đua chạy 10.000 mét, người chiếm mề đay vàng là Emil Zátopek, đại diện nước Tiệp Khắc. Báo chí Việt Nam thời đó, nhất là ở Sài Gòn, đã ca ngợi Trần Văn Lý vì ông quyết tâm không bỏ cuộc, chạy hết 10 cây số. Ai cũng biết các lực sĩ Việt Nam không được chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện đầy đủ theo tiêu chuẩn. Dù không đoạt huy chương nào nhưng năm đó "cụ Trần Văn Lý" đã cho đồng bào được hãnh diện về tinh thần thượng võ ! Người Việt Nam cảm thấy mình cũng "vẻ vang nòi giống Lạc Hồng !"

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : VOA, 18/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Nhân Dụng
Read 122 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)