Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/08/2017

Cách mạng tháng Tám : Đệ Tứ là ai ? Tại sao họ bị sát hại ?

Kính Hòa

Trong những văn liệu lịch sử chính thống của nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay, người ta thấy nhắc đến những người gọi là Tờ Rốt Kít trong khoảng thời gian trước và sau năm 1945, xem họ như là những người phản cách mạng. Đôi khi cũng thấy nhắc đến tên gọi "bọn Đệ Tứ", với ý nghĩa là một bọn phản cách mạng chống lại Đệ Tam quốc tế của những người cộng sản.

cm1

Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội, tháng Tám, 1945. AFP

Tờ Rốt Kít hay Đệ Tứ là ai ? Họ có mặt ở Việt Nam như thế nào ? Có vai trò gì ? Và bị đàn áp ra sao ?

Đệ Tứ và Trotskyism là gì ?

Đệ Tứ quốc tế là một phong trào cộng sản do ông Leon Trotsky, người Nga thành lập tại Liên Xô, vào năm 1924, đối lập với ban lãnh đạo của đảng cộng sản Liên Xô lúc đó. Phong trào này còn được gọi là Đệ Tứ, để phân biệt với Đệ Tam, do Stalin lãnh đạo.

cm2

Leon Trotsky

Ông Trotsky chủ trương rằng cách mạng chống lại chủ nghĩa tư bản phải được thực hiện đồng loạt khắp nơi trên thế giới, trong khi Đệ Tam quốc tế chủ trương rằng cách mạng phải thực hiện qua từng bước, và Liên Xô sẽ là quốc gia cách mạng đầu tiên, rồi sau đó sẽ lãnh đạo cách mạng thế giới.

Về mặt thể chế, theo bà Phan Thị Trọng Tuyến, chủ trương của những người Đệ Tứ mang tích cách dân chủ hơn :

"Về mặt lý thuyết thì Stalin chủ trương tập trung dân chủ, tức là một đảng nắm hết mọi quyền. Những đảng phái khác, hay là khuynh hướng khác phải phục tùng. Theo Trotsky thì tập trung VÀ dân chủ chứ không phải một đảng nắm hết. Và ngay dưới thời Lenin cũng có hai ba khuynh hướng, và họ nghe lẫn nhau".

Tuy nhiên theo bà Tuyến thì người ta cũng không biết những người Đệ Tứ sẽ thiết lập nên một chế độ như thế nào, vì họ bị những người cộng sản Đệ Tam tiêu diệt hết. Ông Trotsky đã phải lưu vong ngay sau khi thành lập phong trào của mình, và cuối cùng ông bị một nhân viên mật vụ của Đệ Tam quốc tế ám sát trong nhà riêng tại Mexico vào năm 1940.

Những tên tuổi Tờ Rốt Kít Việt Nam

Trong thời gian lưu vong ông Trotsky viết báo, viết sách, và cũng đã có một số người theo tư tưởng của ông, nhất là tại các quốc gia Châu Âu. Từ Pháp, tư tưởng Đệ Tứ đã được một số người mang về Việt Nam, tạo nên một khuynh hướng cộng sản Đệ Tứ tại Việt Nam trước năm 1945.

Có thể kể một vài tên tuổi nổi tiếng của những người Đệ Tứ Việt Nam là các ông Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch… Từ Pháp về Việt Nam, họ hoạt động như là những thầy giáo, nhà báo… để tuyên truyền chống lại sự cai trị của người Pháp ở Việt Nam. Tờ báo nổi tiếng của họ mang tên Đấu Tranh tại Nam Kỳ.

Đa số những người Đệ Tứ bị giết chết, mất tích trong khoảng thời gian trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Thủ phạm được cho là những người cộng sản làm nòng cốt của mặt trận Việt Minh lúc đó :

Bà Phan Thị Trọng Tuyến nói :

"Những người Đệ Tứ bị những người Đệ Tam, tức là Việt Minh, lùng giết sau Cách mạng tháng Tám là chuyện có thật, vì họ theo đường lối của Đệ Tam, là Stalin. Stalin đã truy lùng Trotsky và giết được Trotsky. Việt Minh cũng không làm gì khác hơn là áp dụng đường lối của Stalin".

Trên trang web của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bài viết vào thời kỳ những năm trước Cách mạng tháng Tám đả kích rất mạnh mẽ những người Đệ Tứ. Trong một bài viết vào tháng Tám, năm 1937 của tác giả Châu Dân, người ta thấy nói rằng chủ nghĩa của Trotsky là chủ nghĩa phản cách mạng, bọn Đệ Tứ là bọn tiên phong của bọn tư sản ở Đông Dương.

Bà Trọng Tuyến nói tiếp :

"Ở Việt Nam thì cũng y hệt như vậy, để diệt hết những người Trotskyist, hoặc phe quốc gia, thì Việt Minh gọi họ như là chó săn, theo phát xít Nhật, tất cả những lời lẽ đó đều giống hệt lời lẽ của Stalin đã ra lệnh cho các đảng cộng sản vào năm 1937, và Hồ Chí Minh vào năm 1939 gửi từ bên Tàu về trong nước cho các đảng viên cộng sản".

Tuy nhiên đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ nhìn nhận là họ đã ra tay sát hại những người Đệ Tứ. Bà Phan Thị Trọng Tuyến nói tiếp về cái chết của ông Tạ Thu Thâu, lãnh tụ nổi tiếng nhất của những người Đệ Tứ Việt Nam :

"Cộng sản Việt Nam không bao giờ nhận là họ đã giết. Họ đổ thừa người này, đổ thừa người kia. Tôi có đọc được một tài liệu của cộng sản địa phương tại Quảng Ngãi, họ nói họ bắt và giết được (Tạ Thu Thâu). Trong khi sách vở lịch sử chính thống viết về Cách mạng tháng Tám thì dùng những chữ rất ngắn và mơ hồ, tức là một nửa sự thật thôi, ví dụ như : Ta bắt được lãnh tụ của bọn Trotskyist tại Dĩ An, vì bọ chúng theo phát xít, thân Nhật".

Theo bà Tuyến, có khoảng 400 người theo Đệ Tứ bị mất tích hoặc sát hại trong giai đoạn cách mạng tháng Tám năm 1945, khi họ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại Đông Dương. Bà Tuyến nói rằng thủ phạm cụ thể của những vụ sát hại này là ai không quan trọng, mà quan trọng là đã có chủ trương tiêu diệt những người Đệ Tứ từ cấp lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam :

"Người ta nghĩ rằng Hoàng Quốc Việt đã ra lệnh bắt giết Tạ Thu Thâu ở Quảng Ngãi, vì ông này, về Nam cùng một lúc với Tạ Thu Thâu. Họ biết là những người cộng sản tại địa phương có thể dám giết những người như Tạ Thu Thâu, những thủ lãnh, có tăm tiếng ở miền Nam, thành ra nếu không có lệnh từ trên thì họ không thể giết được. Nhưng Việt Minh lúc đó, và đảng cộng sản sau này đều nói là do cấp dưới làm sai".

Theo bà Tuyến, trong các lá thư gửi về cho những đảng viên cộng sản từ Trung Quốc của ông Hồ Chí Minh, ông có nói rằng sẽ tiêu diệt những người Đệ Tứ bằng những cái chết chính trị. Nhưng bà đặt câu hỏi rằng cái chết chính trị đó đã được những người cộng sản Việt Nam hiểu như thế nào ?

Có ít nhất hai nhân vật Đệ Tứ được đặt tên cho các con đường tại Sài Gòn trước năm 1975 là ông Tạ Thu Thâu và ông Phan Văn Hùm, vì chính quyền miền Nam trước năm 1975 xem họ như những nhà ái quốc, và là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản. Các con đường này đều bị đổi tên sau khi những người cộng sản Việt Nam giành được quyền cai trị toàn bộ Việt Nam sau tháng Tư năm 1975.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 17/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 950 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)